Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Lẽ thường, người ở địa vị cao, thì ‘dân thường’ càng khó với tới, nhưng với Cụ Pháp chủ, nếu ai có nhân duyên gặp, sẽ thấy Ngài rất bình dị, dân dã, không có sự kiêu ngạo, bề trên, khó gần. Mong cầu Cụ được mạnh khỏe, để được nghe Cụ giảng pháp hoặc đơn giản, chỉ là một sự hoan hỷ trong lòng!

Pháp chủ Thích Phổ Tuệ – nguồn internet

Lần đầu tiên đến Chùa Giáng, tôi ôm theo bó hoa. Cụ Pháp Chủ Thích Phổ Tuệ cho phép tôi thay hoa trên bàn thờ Phật.

Khi tôi thu những cành hoa cũ, Cụ bảo: Đừng bỏ đi, hoa còn tươi.

Cụ dẫn tôi ra vườn để tìm bình đặt hoa cũ vào. Tôi còn đang lúng túng ngó tìm có vật gì chứa được hoa, Cụ cúi xuống vần thoăn thoắt chiếc cối đá cũ nằm lún dưới đất, lật nó đứng thẳng thắn, rồi nói: Cho vào đây cũng tốt.

Lúc sau, Cụ đi vào trong. Có mấy người dân làng đợi Cụ. Cụ nghe họ kể những khúc mắc của họ, rồi nói chuyện với từng người rất lâu. Tất cả đều áo nâu, nhìn từ ngoài vào không biết đó là vị Pháp Chủ đang gặp gỡ Phật tử mà cứ ngỡ như người làng đang gặp nhau chuyện vãn. Mà những người dân ấy, chắc họ cũng không nghĩ đang gặp Pháp Chủ. Với họ, đó là cụ sư ở chùa của làng họ.

Mấy người bạn của tôi có về chùa ở mấy ngày để làm phim tài liệu. Khi ấy là mùa đông. Họ là thanh niên mà không chịu nổi vì phòng ở rét lắm. Vậy mà cụ Pháp Chủ tuổi ấy vẫn ở như mọi người. Khi đó Cụ đã 93 tuổi (Giờ cụ đã sang tuổi 103).

Không lạ, vì Cụ là người làm ruộng cả đời. Từ khi ít tuổi, xuất gia, Cụ ở chùa này, cày cấy trên những sào đất làng dành cho chùa. Cơm gạo nhà chùa là do người tu tự trồng cấy.

Phật Pháp giản dị nhưng cũng quá sâu xa. Ai cũng hiểu được phần nào đó, nhưng không ai hiểu hết được. Vài chục dòng của Bát Nhã Tâm Kinh mà cả ngàn cuốn sách không diễn giải hết. Hiểu một ý lại thấy mở ra đâu đó muôn ngàn ý khác.

Thường thì ta nghĩ về Phật Giáo nghiêng về phía tâm – Từ Bi Hỷ Xả. Thế cũng đủ cho cuộc sống. Nhưng Phật Giáo đề cao Tuệ. Nhà Phật nói “Hiểu và Thương”. Thiếu Hiểu thì Thương dễ sa vào vô minh. Tà pháp hay bám vào chỗ đó.

Cụ Pháp Chủ nói chuyện đạo, chuyện đời theo cách riêng của Cụ. Ai cũng hiểu. Nhưng người hiểu một phần tốt một phần. Người hiểu ba phần tốt ba phần. Nghe cụ thấy mình hiểu mà cũng thấy mình chưa hiểu hết.

Tôi biết có người xin cúng tiền cho Chùa. Khi biết, Cụ gọi bảo: Trong Chùa có tiền không tốt, tôi không ở gần tiền được.

Pháp chủ Thích Phổ Tuệ

Có người gởi con vào Chùa ở một thời gian để tu tâm dưỡng tính. Cậu trai này đang sức lớn, nhưng rất ngoan, ăn chay hàng tháng, không kêu ca dù rất …thèm ăn thịt. Nghe nói Cụ bảo nhỏ người nấu cơm, cháu nó thế, mỗi ngày thôi cứ để nó ăn thêm quả trứng.

Tôi đã may mắn gặp nhiều vị tăng. Họ thật sự là các bậc tu hành, gần họ qua mỗi cái rất nhỏ cũng ngẫm được nhiều về chất Tuệ của triết lý Phật Giáo. Thời Đức Phật, chư tăng có được nhận tiền hay không? nghiên cứu về một trường hợp trong luật thập tụng. (Chúc Phú) Tôi rất mê xem các clip Thượng tọa Thích Nhật Từ hay Sư cô Hương Nhũ giảng Pháp.

Những biến tướng lệch lạc ở một số chùa và tăng ni, hiện không ít. Căn nguyên là từ các rắc rối lộn xộn của đời phản ánh vào.

“Cái cội Phật Giáo lớn lắm sâu lắm, những cái không hay đó không thể nào động chạm. Những vụ như tà pháp ở chùa này chùa kia, hay những méo mó xung quanh xây chùa dựng tượng, kinh doanh dưới vỏ chùa chiền, đang xảy ra và gây bão truyền thông, nhưng đây cũng là dịp để truyền thông về Chính pháp, chấn chỉnh hành đạo, gột lớp bụi rêu bám lên Phật Pháp”.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.