Niệm thân trên thân tức luôn chánh niệm về thân hành, rõ biết các động thái của thân. Không hấp tấp, chẳng vụt chạc, mọi hành vi đều chín chắn, chuẩn mực thì khó có thể xảy ra sơ suất, khinh mạn hay xúc phạm đến những người xung quanh.
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ trong rừng Thắng Lâm vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lê Tử cũng an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ, trải qua ba tháng, sau khi vá sửa các y rồi, liền xếp y ôm bát đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, lui qua một bên rồi thưa rằng:
– Bạch Thế Tôn, con an cư mùa mưa ở nước Xá-vệ vừa xong. Bạch Thế Tôn, bây giờ con muốn du hành trong nhân gian.
Đức Phật nói rằng:
– Này Xá-lê Tử, thầy hãy đi đến nơi nào theo ý muốn. Những người nào chưa được hóa độ hãy khiến cho được hóa độ. Những người nào chưa được giải thoát hãy khiến cho họ được giải thoát. Những người nào chưa chứng Niết-bàn hãy cho chứng đắc Niết-bàn.
Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử ra đi chẳng bao lâu, có một vị phạm hạnh ở trước Đức Phật phạm vào pháp tương vi, vị ấy bạch Thế Tôn:
– Hôm nay Tôn giả Xá-lê Tử sau khi khinh mạn con rồi đi du hành trong nhân gian.
Đức Thế Tôn nghe rồi, bảo một vị Tỳ-kheo rằng:
– Ngươi hãy tìm đến chỗ Xá-lê Tử, bảo với Xá-lê Tử rằng: Đức Thế Tôn gọi thầy.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử sau khi nghe như vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi lui sang một bên. Đức Phật liền bảo rằng:
– Này Xá-lê Tử, sau khi thầy đi không bao lâu có một vị phạm hạnh ở trước Ta, phạm pháp tương vi, nói thế này: ‘Bạch Thế Tôn, hôm nay Tôn giả Xá-lê Tử sau khi khinh mạn con, rồi đi du hành trong nhân gian’. Này Xá-lê Tử, có thật sau khi khinh mạn một vị phạm hạnh rồi thầy đi du hành trong nhân gian chăng?
Tôn giả Xá-lê Tử bạch rằng:
– Bạch Thế Tôn, nếu người nào không có niệm thân trên thân, thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?
– Bạch Thế Tôn, như một con trâu gãy sừng, rất nhường nhịn, hiền lành, dễ sai khiến, dễ chế ngự. Nó từ thôn này đi đến thôn khác, từ xóm này đi đến xóm khác; những nơi nó đi qua, không có gì bị xâm phạm. Bạch Thế Tôn, con cũng vậy. Tâm con như con trâu gãy sừng, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Xá-lê Tử tương ưng, kinh Sư tử hống, số 24 [trích])
Pháp thoại này cho biết, một Tỳ-kheo phạm vào pháp tương vi (đang bất bình, có bất mãn hay oán giận với Tôn giả Xá-lợi-phất) nên trình với Đức Phật rằng Tôn giả Xá-lợi-phất đã có hành vi khinh mạn mình trước khi rời Xá-vệ đi hoằng pháp.
Trước Đức Phật và Tăng chúng, Tôn giả Xá-lợi-phất giải trình rằng: Ví như con trâu gãy sừng thì ngoan ngoãn, hiền lành, nhường nhịn, không bao giờ có biểu hiện gây hấn hay xung đột với những con trâu khác. Cũng vậy, một người thành tựu từ bi vô lượng và có tu tập niệm thân trên thân thì không thể có hành vi khinh mạn người khác.
Niệm thân trên thân tức luôn chánh niệm về thân hành, rõ biết các động thái của thân. Không hấp tấp, chẳng vụt chạc, mọi hành vi đều chín chắn, chuẩn mực thì khó có thể xảy ra sơ suất, khinh mạn hay xúc phạm đến những người xung quanh.
Tôn giả Xá-lợi-phất không tranh cãi, chẳng biện minh khi bị điều tiếng là cố ý khinh mạn người khác. Ngài chỉ nói lên sự thật hiển nhiên của người khéo tu thân hành niệm và thành tựu từ bi là không hề có khinh mạn. Nói lên sự thật chính là tiếng rống của sư tử, và chắc chắn sẽ có sự chuyển hóa nhiệm mầu.
Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ