Hai nhân tố chính của phạm trù giáo dục là: Chủ thể giáo dục và khách thể giáo dục, nói khác là người giáo dục và người được giáo dục. Giáo dục Phật giáo cũng như thế.
Đức Phật chính là người giáo dục, thính chúng và những vị tu tập theo lời dạy của Ngài là người được giáo dục. Sự nghiệp giáo hóa của Đức Phật được đặt trên nền tảng bình đẳng, không phân biệt vì ai cũng có khả tính giác ngộ và thành tựu giải thoát.
Giáo dục ở thế gian chia nhiều ngành, khoa khác nhau để người học tự chọn theo đúng sở trường của mình nhằm nâng cao và phát triển toàn diện về chuyên môn. Hiển nhiên mỗi một lĩnh vực sẽ có các bậc thầy giỏi về lĩnh vực đó hướng dẫn. Đối với Đức Phật, bất cứ đối tượng nào đến với Ngài, Ngài cũng đều hướng dẫn họ đến nơi viên mãn nhất, giải quyết hết những vấn đề mà họ đang vướng mắc trong lòng. Đức Phật luôn nhấn mạnh tính bình đẳng giữa con người với con người, tất cả đều bình đẳng trong Pháp và Luật của Ngài.
Trong giáo đoàn của Như Lai không có sự phân chia giai cấp, trong khi xã hội Ấn Độ bấy giờ đậm màu phân biệt. Thế Tôn dạy: Cũng như các con sông lớn, sông Ganges, sông Yamuna, sông Aciravati, sông Sarabhu, sông Mahi, khi chúng đổ vào biển thì chúng mất tên gọi trước đây của chúng và được gọi cùng một tên là biển cả. Cũng như vậy, bốn đẳng cấp Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Vệ-xá, Thủ-đà-la, một khi họ đã đến với Pháp và Luật do Như Lai giảng thuyết, từ cuộc sống gia đình cho đến cuộc sống không gia đình thì họ đều mất tên gọi trước đây của họ, bộ lạc cũ của họ và được gọi cùng một tên là các Sa-môn đệ tử bậc Hiền Trí 1. Điển hình trong hàng đệ tử Phật có đủ các giai tầng xã hội từ vua chúa như Bimbisara, Pasenadi, Ajatasattu,…; từ các Bà-la-môn trứ danh như: Kassapa, Sariputta, Moggallana,…; từ các giai cấp thấp như thợ cạo tóc Upali, người hốt rác Sunita, con gái người thợ rèn Subha, người đánh cá Sati,… cho đến tên cướp khét tiếng Angulimala, kỹ nữ Ambapali,… Như vậy thôi cũng đủ minh chứng Đức Phật là nhà đại giáo dục, giáo hóa tất cả mọi giai tầng trong xã hội.
Trong suốt hơn 45 năm hoằng pháp, Đức Phật đã giảng dạy về mọi lĩnh vực với hầu hết các đối tượng trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, từ việc cai trị quốc gia, phát triển đời sống xã hội, cho đến xây dựng một gia đình an vui, hạnh phúc. Và hơn hết là Ngài dạy con đường tu tập để dứt trừ sầu, bi, khổ, ưu, não đạt được sự giải thoát giác ngộ cho những người hữu duyên. Trong kinh Kutadanta và kinh Chuyển luân Thánh vương, Đức Phật dạy để trở thành một bậc minh quân thì các vua: Phải tự mình trở thành người bảo vệ chân chánh cho gia đình, cho đất nước, thần dân, thậm chí cả chim muông và cầm thú. Ban cho người làm nông hạt giống và vật dụng nông nghiệp, cấp vốn cho các thương nhân để làm ăn. Những ai phục dịch trong triều đình thì cung cấp bổng lộc đầy đủ,… Điều quan trọng nhất đó là: Nương tựa vào Chánh pháp, tôn quý và đảnh lễ Chánh pháp, lấy Chánh pháp làm tiêu chuẩn, làm ngọn cờ. Khi ở Vesali, Thế Tôn đã dạy dân Vajji 7 nguyên tắc giúp cho xã hội thịnh vượng và ngăn ngừa sự suy tàn:
1. Thường xuyên hội họp,
2. Hội họp và giải tán trong sự hòa hợp,
3. Không làm những gì mà luật lệ không cho phép,
4. Tôn kính và đảnh lễ các bậc trưởng lão,
5. Không dùng vũ lực với kẻ khác,
6. Tôn sùng và hộ trì các nơi thờ tự của người Vajji,
7. Bảo đảm an toàn cho các vị A-la-hán để các Ngài có thể đến hoằng pháp và cư trú trong tương lai2.
Khi khác, Đức Phật dạy các người Kalama: Đừng tin vào tin đồn, đừng tin vào truyền thuyết hay kinh điển truyền tụng, cũng chẳng nên tin vì nó xuất phát từ quyền uy và chớ vội tin vì vị đó là đạo sư của mình3. Mà hãy tin khi mình thực sự biết rõ pháp nào bất thiện đưa đến khổ đau cần phải đoạn trừ; pháp lành nào đưa đến an vui, giải thoát, điều thiện tăng trưởng phải nên thực hành phát huy.
Đó là đối với xã hội, còn đối với đời sống gia đình, Ngài dạy cha mẹ phải yêu thương con cái, bổn phận làm con phải hiếu kính hai đấng sinh thành và các bậc trưởng thượng. Ngoài ra, để trở thành một người đàn ông lý tưởng, Ngài dạy nam giới phải sống có giới hạnh, không biếng nhác và hãy làm tốt trách nhiệm của người cha, người chồng. Nữ giới cũng thế, phải hành xử đẹp lòng, lời nói hòa ái, thông thạo công việc trong nhà, giữ gìn và bảo vệ của cải. Mặt khác, Đức Phật như người dựng lại những gì bị quăng ngã xuống, chỉ đường cho người lạc hướng. Bằng sự từ hòa và trí tuệ siêu việt, Đức Phật đã khiến cho các ngoại đạo khuất phục khi đến tranh luận với Ngài. Trường hợp của trưởng giả Upali – tín đồ của Nigantha (kinh Upali); du sĩ ngoại đạo Magandiya (kinh Magandiya); Bà-la-môn Bhaddiya (kinh Tăng chi), Bà-la-môn Bharadvaja (kinh Bharadvaja – Tiểu bộ) là những ví dụ điển hình. Hay bài pháp ngắn gọn trong một nhân duyên đặc biệt đã cảm hóa tên cướp khét tiếng Angulimala: “Như Lai đã dừng lại rồi, chỉ có ngươi là chưa dừng lại” (kinh Angulimala). Ngài hóa độ cho hai kỹ nữ Ambapali, Vimala và nàng Patacara – một người loạn trí vì đau khổ được xuất gia và chứng thánh quả trở thành các Thánh Ni thượng thủ của Ni đoàn (Trưởng lão Ni kệ). Đây là điều mà duy nhất chỉ có Đức Phật mới làm được ở xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.
Đối với các Phật tử, ngoài việc kính tin và hộ trì Tam bảo, Thế Tôn còn dạy họ về cách hành xử để lợi mình, lợi người và lợi cả hai. Đó là: Tự mình thành tựu và khuyến khích người khác thành tựu về lòng tin, giới hạnh, bố thí. Tự mình đến đảnh lễ các Trưởng lão; khi nghe pháp, ghi nhớ, quán niệm pháp trong tâm cho đến việc áp dụng thực hành và đạt được kết quả viên mãn đều khuyến khích người khác thành tựu những kết quả như mình (kinh Tăng chi). Không những vậy, Ngài còn thuyết pháp cho chư Thiên như trong kinh Đế Thích sở vấn, kinh Phước đức; Ngài hàng phục ác ma, cảm hóa chúng ma thực hành Phật pháp và hộ trì giáo pháp, được ghi trong kinh Tương ưng (phẩm Dạ xoa).
Đối tượng quan trọng nhất trong sự nghiệp giáo hóa của Đức Phật đó chính là các đệ tử xuất gia – những người “trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng” để “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”. Ngài dạy Tăng chúng phải lấy Pháp và Luật làm thầy, tự mình nương tựa chính mình, chuyên tâm thiền quán, trau dồi giới định tuệ để trở thành bậc thầy mô phạm của trời người, xứng đáng là người thừa tự pháp của Như Lai. Từ đó, tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp độ sinh của Đức Phật: “Vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài Người, loài Trời. Chớ có đi hai người cùng một chỗ. Hãy thuyết giảng Chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, văn cú vẹn toàn, nêu rõ phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh” 4.
Như vậy, bất luận là đệ tử Phật hay không, khác nhau về giai cấp, địa vị xã hội, sang hèn, giàu nghèo,… nhưng khi đến với Đức Phật thì hết thảy đều như nhau, bình đẳng trong Phật pháp, được giáo hóa để khai phóng nhận thức cũng như hành trì các phương thức tu tập để đoạn trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn, tất cả đều được nếm chung một vị – đó là vị giải thoát: Ví như biển lớn chỉ có một vị mặn. Cũng vậy, Pháp và Luật của Như Lai cũng chỉ có một vị là vị giải thoát 5.
_________________________________
Chú thích:
1 Kinh Tăng chi bộ III.
2Trường bộ kinh, kinh Đại bát Niết-bàn, số 15.
3 Kinh Tăng chi bộ I, phẩm Lớn.
4 Kinh Trường bộ, kinh Đại bổn, số 14.
5 Kinh Tăng chi bộ III, chương Tám pháp, phẩm Lớn.