Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Chúng ta học đạo nhận thấy từ sự kiện lịch sử đi vào thế giới của tôn giáo là tu hành, hai phần này đã khác. Việc tu hành thì người mới tu khác với người tu lâu và tu lâu có chứng ngộ cũng khác với tu lâu không có chứng ngộ.

Ý nghĩa Vương Xá thành theo Thế Thân Bồ-tát

Điều này thường được ví như cọ cây để lấy lửa, chứng ngộ giống như lấy được lửa và tu giống như cọ cây. Cọ cây suốt đời không được lửa cũng giống như người tu không chứng ngộ.

Tu Bổn môn nhắm vô ngộ là nhận cho được yếu lý mà Phật đã dạy và Ngài đã thành tựu. Ta phải biết tại sao Phật thành Phật là tu chứng ngộ, bắt chước theo hình thức không được.

Kinh Pháp hoa đứng về mặt gốc là Bổn môn để tìm, tìm xem Phật từ đâu đến thế giới này và Phật nhập Niết-bàn, Ngài về đâu là tìm con người thật của Ngài. Mọi người đều có hai phần là vật chất và tinh thần. Phần vật chất là sự sống của mọi người trải qua một thời gian đều phải bỏ, ai cũng phải chết. Phật cũng là người nên Ngài cũng có mạng sống hữu hạn của thân tứ đại.

Nhưng trong sinh hoạt của loài người, có người chưa chết mà coi như đã chết, vì không ai quan tâm đến họ. Có người chết được tiếc nuối một thời gian rồi cũng bị quên lãng. Và có người chết rồi nhưng nhân loại không bao giờ quên, đó là các giáo chủ của các tôn giáo lớn. Điển hình là Đức Phật đã vắng bóng hơn 25 thế kỷ nhưng Ngài được mọi người trên khắp năm châu bốn biển tôn thờ còn hơn lúc Ngài hiện tiền.

Vì vậy, tìm xem những gì người ta tôn thờ Phật, từ đó chúng ta tu học cũng làm những gì để người kính phục. Làm được như vậy gọi là thầy lúc còn sống được kính quý và gọi là Tổ, nghĩa là chết vẫn còn được kính trọng. Tu Bổn môn nhắm vô kết quả này.

Trong Phật giáo có những vị sanh sau Phật cũng được kính trọng rất nhiều và lâu dài, đó là Bồ-tát Long Thọ và Bồ-tát Mã Minh. Hai vị này tìm được yếu tố thành Phật và yếu tố bất tử, nên được tôn sùng là Bồ-tát triển khai giáo nghĩa cho nhiều người tu. Sau đó có Bồ-tát Vô Trước và Thế Thân.

Bồ-tát Long Thọ và Mã Minh triển khai pháp môn tu là Pháp tánh học nghĩa là tìm tánh của con người. Bề ngoài mọi người giống nhau, nhưng Ngài phát hiện tánh của mỗi người thì hoàn toàn khác nhau. Theo Ngài, nếu ta tìm được tánh Phật của mình thì ta làm Phật. Nếu tìm được tánh Trời của mình thì ta làm Trời. Nếu tìm được tánh ác ma của mình thì ta làm ác ma. Từ tánh đó quyết định cuộc sống con người. Căn cứ vào thân khẩu ý và việc làm bên ngoài của một người, chúng ta tìm tánh của Phật, tánh của Hiền thánh tiềm ẩn bên trong họ; vì họ thực tập pháp Phật nên họ có tánh của Phật.

Tánh của Phật là vô tham, vô sân, vô si. Tánh ác ma là tham, sân, si. Người có tánh tham thấy cái gì cũng muốn lấy, dù không cần cũng lấy. Tánh của Hiền thánh thì ngược lại, không tham, vì tham chắc chắn phải khổ sở với việc gom vô và chất chứa. Học tập theo Phật là không tham và trong cuộc sống tu hành phải hạ nhu cầu đến mức thấp nhất có thể thì phước mới sanh.

Ý nghĩa Vương Xá thành theo Thế Thân Bồ-tát

Người tham ban đầu được, nhưng sau họ mất và càng mất họ càng đau khổ đến cùng tột là còn sống mà vào tù, vào địa ngục trần gian. Bạn của tôi chỉ vì tham nhưng chết không được, nằm rên rỉ là mất hết rồi. Tâm hồn quá đau khổ như vậy chắc chắn chết vào địa ngục.

Phật khuyên chúng ta tu, điều căn bản là buông bỏ, của mình mà còn bỏ huống gì không phải của mình thì nhất định không bao giờ chiếm giữ. Và bỏ được, tâm sẽ nhẹ nhàng liền. Thí dụ có chồng hay vợ phản bội thì giữ lại làm chi cho khổ, để họ đi sẽ được nhẹ hơn chứ.

Trước kia, trong đạo tràng có anh nọ rất thương vợ con, anh làm việc cật lực để có tiền cho vợ con sung sướng. Nhưng vợ anh đánh đề, cầm nhà cửa, bị xã hội đen tới xiết nợ, vợ chồng phải ra đường ở. Anh than với tôi rằng con khổ quá. Tôi bảo vậy thì bỏ bả đi. Anh nói rất tội nghiệp rằng bỏ bả là con chết liền! Nghiệp thật dễ sợ, bà vợ tệ như vậy mà vẫn giữ. Tôi nói nếu vậy là oan gia của anh, muốn giữ thì giữ và tôi chỉ anh cách tu. Nếu anh ráng làm ra tiền của, bả sẽ làm phá sản nữa. Anh thương bả thì lo tu, không có nhà cửa thì bả lấy cái gì để cầm. Anh không cần làm nhiều như trước, chỉ làm đủ sống. Anh nên bắt chước ông thầy tu là sống dưới mức mình có, anh thấy hạnh phúc liền. Thay vì kiếm được 10 đồng, hạ mức sống còn 5 đồng cũng dư. Tôi từng sống như vậy trong thời đi học, thấy dư và hạnh phúc vẫn giúp được cho người nghèo. Nếu tham thì bao nhiêu cũng không đủ. Phật và Bồ-tát khác quỷ ma ở điểm này.

Hạ nhu cầu sống xuống, mình sẽ thấy dư. Các thầy nghe Phật dạy vậy, chỉ có một bát một y vẫn sống. Trong khi các trưởng giả có nhà cao cửa rộng, có nhiều kẻ hầu hạ và sự nghiệp rất nhiều nhưng họ vẫn khổ. Như vợ của trưởng giả Cấp Cô Độc thưa với Phật rằng con thấy các thầy hạnh phúc hơn con nhiều. Con được giàu có, cha mẹ để lại tài sản lớn phải giữ gìn và phát triển thì khổ vô cùng. Con thấy các thầy ung dung tự tại, con muốn tu. Phật bảo bà tu thử một ngày là tu Bát quan trai có nhờ bà vợ Cấp Cô Độc xin. Phật cho tu một ngày để tạm quên tất cả nhà cửa, sự nghiệp và sống ở chùa một ngày giống các thầy sẽ được an lạc, có gì ăn đó, còn ở nhà cứ nghĩ đến ăn cũng khổ.

Phật tử tu ở chùa một ngày, tâm không nghĩ gì, chỉ thực tập pháp Phật thì phước sanh rồi, ở nhà không mất gì mà tài sản lại tăng gọi là may mắn. Cái gốc của may mắn là phước, mình có phước thì may mắn tự tìm tới với mình. Tôi có người bạn tu ở chùa một ngày, quên hết việc đời và sống với pháp Phật, về nhà đã được may mắn lớn. Còn tu Bát quan trai mà dụm lại nói chuyện hơn thua phải trái, phiền não sanh ra, trở về nhà, làm ăn thất bại. Vì tu ở chùa nhưng nghĩ đến việc làm ăn ở nhà, nghĩa là thân ở chùa mà tâm ở thế tục thì nghiệp khởi lên khiến phước sẽ mất theo nghiệp đó. Lại bị người khác chê bai là tại đi tu, có khách hàng tìm tới, không bán được hàng. Nghe vậy lại tiếc phải chi đừng đi tu và từ đó không dám tu nữa.

Còn người hạ quyết tâm tu một ngày thì suốt ngày tu, không có khách hàng tìm, nhưng họ vừa về là có khách tìm mua hàng, đó là tu sanh phước gặp may mắn liền.

Tu thì phải tu cho ra hồn, đừng tu dở dở ương ương thì tu cả đời mà không được gì. Đối với tôi, tu là phải được, muốn vậy phải tìm cái gốc để chúng ta tu.

Tu Pháp hoa, tôi căn cứ theo Bồ-tát Long Thọ, Ngài ngộ được yếu chỉ kinh Pháp hoa và thực tập yếu chỉ đó, Ngài trở thành Bồ-tát làm được nhiều việc cứu nhân độ thế và được nhiều người kính trọng, phước theo đó tăng. Ngài nói tu Pháp hoa giống như lấy thuốc độc cứu người. Nếu biết là thuốc, không biết là chất độc.

Phật nói hạt bồ-đề không thể gieo trên hư không, không thể gieo trên đá, phải gieo xuống đất, nhưng phải có phân và nước, cây bồ-đề mới mọc. Phân thì dơ và tưới nước càng dơ nhưng bồ-đề phát lên. Chất độc làm thuốc cứu người là ý này.

Tu pháp khác là từ bỏ cuộc đời, trong khi tu Pháp hoa là nhập thế, ví như cây bồ-đề mọc trên đất có phân nước thì cây phát triển tốt. Hoặc cây sen mọc trong bùn nhưng không hôi tanh mùi bùn mà tỏa hương thơm cho đời.

Tu hành quan trọng nhất phải tìm được hạt bồ-đề, hạt sen. Hạt bồ-đề nằm trong tâm mình gọi là tâm Bồ-đề. Phải phát hiện ra tâm Bồ-đề và tu trên tâm Bồ-đề mới đạt kết quả tốt đẹp. Phải gieo hạt bồ-đề trên đất và tưới phân nước cho phát triển.

Hoặc tìm hạt sen trong tâm mình, trong kinh Pháp hoa Phật ví như hạt châu trong chéo áo. Hạt châu là chơn tâm của ta, chéo áo là thân tứ đại. Trong thân ta có hạt sen, hạt bồ-đề. Chúng ta tu tập, tìm được hạt sen và hạt bồ-đề để chúng ta ươm mầm nó tốt tươi thì thành Bồ-tát, thành Phật. Tôi nhận ra ý này và làm bài kệ như sau:

Bồ-tát đi vào đời

Sen nở khắp muôn nơi

Trang nghiêm cho cuộc sống

Ôi thật đẹp tuyệt vời.

Thật vậy, Bồ-tát có đi vào cuộc đời mới thành tựu tư cách Bồ-tát được. Không vào cuộc đời giáo hóa độ sanh không là Bồ-tát.

Và từ ý này, qua Bồ-tát Thế Thân, Ngài nói rằng kinh Pháp hoa không phải chỉ có một nghĩa mà có đến 16 nghĩa, thậm chí có vô lượng nghĩa. Vì vậy, ở góc độ này, chúng ta hiểu thế này, nhưng ở góc độ khác lại có lý giải khác và đi sâu vào việc thực tập sẽ dẫn đến cái hiểu khác, cho đến khi ngộ được thì cũng hiểu khác và chứng đắc chúng ta cũng hiểu khác nữa.

Lý này được kinh Pháp hoa ví dụ rằng khởi đầu bước đường tu của mình ví như đào giếng ở cao nguyên. Thật vậy, mới tu cực lắm chẳng khác gì đào giếng ở cao nguyên, đào xuống chỉ thấy toàn là đất khô. Thực tế cho thấy không ít người nản chí tu một lúc rồi bỏ tu, vì phước mình ít mà nghiệp nặng quá, lại thêm bạn bè là ác ma quá nhiều và lòng mình cũng tràn đầy ác ma là ma tham, ma giận, ma ngu, ma tự ái… Tất cả loại ma ngự trị trong người mình đã bị ma bên ngoài tác động. Vì vậy, người tu bỏ cuộc nhiều. Nhìn lại, tất cả bạn tu với tôi không còn ai, hoặc bỏ cuộc nửa chừng, hoặc chết vì nhiều lý do khác nhau.

Chướng duyên trong đời ngũ trược này rất nhiều, phải hạ quyết tâm tu mới được. Tôi thường nói quyết tâm tu, chết là cùng. Nhà tôi ở Củ Chi cũng gần thành phố, nhưng từ khi đi tu, 10 năm tôi không về thăm nhà một lần. Và sang Nhật tu học 8 năm cũng không về thăm đất nước. Tôi quyết tâm phải thành tựu việc tu học một cách tốt đẹp thực sự theo chí nguyện của mình và để đáp lại sự ký thác mong đợi của thầy Tổ.

Kinh Pháp hoa nhắc nhở chúng ta ý này rằng dù thấy đất khô khi đào giếng nghĩa là dù có nhiều vất vả, khó khăn thì càng phải nỗ lực tu sẽ gặp được các bạn tốt là Bồ-tát giúp sức. Nói cách khác, chính lúc gian khó, mình nảy sanh ý tốt là nhờ Phật hộ niệm, Bồ-tát trợ lực khiến mình vẫn sống khỏe mạnh và tâm an lạc. Còn kẻ bạc tài thấp chí thì bỏ cuộc. Quyết tâm tu làm thầy thương mình hơn, bạn quý mến mình hơn, nghĩa là thầy hiền bạn tốt giúp mình nên việc. Và xa hơn là thấy Phật, Bồ-tát hộ niệm.

Ngài Thế Thân dạy rằng bốn hợp chất là đất, nước, lửa và khí tạo nên tất cả sự vật và cũng tạo nên thân tứ đại của con người. Trong cuộc sống, con người luôn bị kẹt với thân tứ đại nên gọi nó là thành. Ngài ngộ rằng vương là tâm vương, xá là ngũ ấm.

Theo ngài, tâm vương là Bồ-đề tâm, tức trí giác viên mãn của Phật, là hạt sen tiêu biểu cho Bồ-tát hạnh, Vì vậy, ngài Thế Thân nói kinh Pháp hoa là mẹ sanh ra các Đức Phật vì chư Phật nương vào kinh Pháp hoa tu hành mà thành Phật.

Mình chưa thành Phật thì phải nhờ kinh Pháp hoa chuyển nghiệp của mình trở thành công đức, ví như cây sen chuyển bùn hôi tanh thành hương sen. Nhưng nếu nhận ra yếu chỉ kinh Pháp hoa và sống với lý này thì bấy giờ mình chuyển Pháp hoa, nghĩa là đem hương sen gặt hái được ban rải cho tất cả mọi người, nên người nhìn tốt về mình.

Đầu tiên tìm ra ông chủ là tâm vương và từ ông chủ này phát hiện những người xung quanh, người liên hệ với mình. Ngài gọi đó là ngũ ấm xá (nhà ngũ uẩn).

Tâm là chính, nhưng cái liên hệ với mình là ngũ ấm gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Ví như mình làm vua phải cai quản quần thần, tức mình có thân thì phải giải quyết cái thân trước, bỏ thân thì mình chết. Phật dạy rằng đừng cho thân ăn no và cũng đừng bỏ đói nó, cho ăn vừa đủ, hay thiếu một chút. Phải giữ ngũ ấm thân để tu, nhưng không biết mà nghe nói thân này là cái thùng phân, là tai họa thì tự tử thành ma không tu được.

Có cậu học trò bị ma dựa nhờ tôi cứu giùm, đó là sự thật. Nó đang đi học, một hôm về, trở thành ngơ ngơ không biết gì. Tôi hỏi nó tên gì, nó nói tên ma. Tôi bảo nó đừng dựa vô xác người ta, mệt lắm, vì không phải là nhà của mình thì không ở được, về chùa tu đi. Bỏ xác làm ma tu không được. Về chùa gặp người tu chân chánh, tâm họ và tâm của vong ngang nhau giúp cho vong học được pháp nào đó khiến giải được nghiệp mà hóa kiếp.

Ngài Thế Thân dạy rằng tìm được ông chủ rồi thì ông chủ bắt đầu cai quản các mối liên hệ. Theo ngài, các liên hệ với tâm vương có 100 thứ gọi là bách pháp, hành giả giải quyết từng pháp một. Trước hết, giải quyết được sắc uẩn, kế đến giải quyết cái thứ hai là thọ uẩn. Có cảm thọ vì căn trần tiếp xúc, từ đó mới sanh ra vô số tội lỗi.

Bên trong mình có tánh biết, tánh thấy, tánh nghe, ngài gọi đó là tịnh sắc căn. Nhờ cái căn này, mình mới nghe, mới thấy. Phá cái căn thì không thể thấy, không thể nghe. Thí dụ ngài chia con mắt ra hai phần là phù trần căn và tịnh sắc căn. Phù trần căn là con mắt bên ngoài, nếu nó bị hư thì con mắt của tâm vẫn sáng, đó là tịnh sắc căn. Điển hình như ngài A Na Luật bị mù, nhưng ngài thấy bằng mắt tâm quan trọng hơn là ngài thấy được tam thiên đại thiên thế giới.

Xưa kia, để giải thích về tịnh sắc căn, một hôm, Phật hỏi các Tỳ-kheo thấy đây là cái gì. Họ nói thấy cái ly. Phật bảo nhắm mắt lại có thấy cái ly không. Họ đáp con không thấy. Nhưng Phật dạy rằng nhắm mắt vẫn thấy là thấy màu đen, vì tánh thấy bên trong vẫn có, nhưng bên ngoài bị che nên không thấy được sự vật, mà vẫn thấy màu đen thôi.

Vì vậy, căn và trần cách ly thì mất cảm thọ và mình dùng tâm vương kiểm soát cảm thọ để điều động nó làm theo ý mình, đó là tu. Thật vậy, cảm thọ của mình có tốt và xấu, nên Phật khuyên tu hành phải ngăn cảm thọ không tốt, cảm thọ tốt thì phải giữ. Vì mình phải thấy, phải nghe, phải biết mọi việc để phân ra điều tốt và điều xấu. Hạng người không biết thì không làm được gì. Mình phải biết để bỏ việc xấu và làm việc tốt. Thể hiện ý này, Phật dạy tu Tứ chánh cần, phân biệt tốt xấu để biết những gì xấu mà xã hội không chấp nhận thì ta không làm, nhờ đó ta được bình yên và những gì xã hội ca ngợi, chúng ta làm đạt được kết quả tốt đẹp thì cuộc đời phải quý mến chúng ta.

Đối với tôi, tu hành kỵ nhất là làm biếng và làm bậy, đó là điều xấu không thể chấp nhận. Mình phải làm siêng. Tôi quyết tâm làm việc tốt, nhờ vậy, tôi phấn đấu đi lên được. Còn việc tốt mà cũng bỏ, không làm là lãng phí cuộc đời tu.

Phải học để biết rõ những việc tốt xấu và ta nên làm những việc cao quý để thành Phật, Bồ-tát, La-hán. Những gì mà thiên hạ chê bai và trở thành ma quỷ thì nhất định không làm.

Làm chủ cái thân này, ta phải điều khiển tất cả các giác quan cho tốt, đừng hủy hoại nó. Và để cảm thọ được tốt, phải điều khiển hai giác quan rất linh hoạt là mắt và tai thì đừng cho mắt nhìn bậy, đừng cho tai nghe bậy. Phật bảo phải nhìn đúng sự vật như nó là, cho đến đỉnh cao của cái nhìn chính xác theo kinh Pháp hoa là thập Như thị, tức quán sát một sự việc qua 10 lăng kính. Ngoài ra, phải nghe điều đáng nghe, điều cần nghe để trí giác chúng ta được phát triển, thăng hoa tiến đến Phật quả. Điều này rất cần thiết trong thời đại mạng xã hội phát triển hỗn độn, có chiều hướng làm băng hoại tâm hồn nhiều người, ta phải cẩn thận!

Tóm lại, áp dụng pháp Phật để điều hòa việc ăn uống ngủ nghỉ giúp cho sắc thân được khỏe mạnh, an lạc và làm chủ cảm thọ để tâm trí được định tĩnh, đó là bước đầu của con đường tiến tu thành Hiền thánh.

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.