Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Chuyện bắt đầu từ việc môn đệ của Ni-kiền Tử tranh chấp, đấu đá, triệt hạ lẫn nhau sau khi bậc tôn sư của họ vừa qua đời. Thực tế ngày nay, các chuyện đại loại như thế vốn cũng không lạ.

Điều đáng ngạc nhiên là vào thời Chánh pháp, một Sa-di sơ cơ học đạo đã bắt đầu để ý đến việc này, một Tỳ-kheo trưởng thành như A-nan lại đặc biệt lưu tâm đem thưa hỏi Thế Tôn. Có lẽ bấy giờ trong Tăng, mầm mống của phe phái và tranh chấp cũng đã xuất hiện nên nhân chuyện người trước mắt, Tôn giả A-nan đã trình lên Thế Tôn để lo cho chuyện nhà về sau.

Suy nghiệm lời Phật: Phe phái, tranh chấp bởi vì đâu?

“Một thời, Phật ở tại nước Ca-duy-la-vệ, trong khu rừng của Ưu-bà-tắc Miến-kỳ, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo 1.250 người.

Bấy giờ, có Sa-di Châu-na, ở tại nước Ba-ba, sau an cư mùa hạ, cầm y bát, đi lần đến nước Ca-duy-la-vệ, trong vườn Miến-kỳ; đến chỗ A-nan, cúi đầu lễ dưới chân, rồi đứng sang một bên, bạch A-nan rằng:

– Có Ni-kiền Tử trong thành Ba-ba, chết chưa bao lâu, mà các đệ tử của ông đã chia làm hai phe. Họ tranh chấp nhau, trực diện mắng chửi nhau, không còn phân biệt trên dưới; tìm tòi khuyết điểm của nhau, ganh đua kiến thức với nhau rằng: Ta có thể biết điều này; ngươi không thể biết điều này. Hành động của ta chân chính, còn ngươi là tà kiến. Ngươi đặt cái trước ra sau; để cái sau ra trước; điên đảo, thác loạn, không có phép tắc. Những điều ta làm thật là vi diệu. Những điều ngươi nói thì sai lầm. Ngươi có điều gì nghi ngờ, cứ hỏi ta. Bạch Đại đức A-nan, bấy giờ, những người thờ Ni-kiền Tử trong nước này nghe những tranh tụng như vậy sinh lòng chán ghét.

A-nan nói với Sa-di Châu-na:

– Ta có điều muốn bạch Thế Tôn. Ngươi hãy đi với ta, trình bày Thế Tôn về sự việc này. Nếu Thế Tôn có răn dạy điều gì, chúng ta hãy cùng phụng hành.

Rồi thì, Sa-di Châu-na sau khi nghe A-nan nói bèn cùng đi theo đến chỗ Thế Tôn. Sau khi cúi lạy dưới chân Thế Tôn, bèn đứng sang một bên. Lúc bấy giờ, A-nan bạch Thế Tôn rằng:

– Sa-di Châu-na này, sau an cư mùa hạ ở nước Ba-ba, cầm y bát, đi lần đến đây. Sau khi đảnh lễ dưới chân con, nói với con rằng: Có Ni-kiền Tử trong thành Ba-ba, … Bấy giờ, những người thờ Ni-kiền Tử trong nước này nghe những tranh tụng như vậy sinh lòng chán ghét.

Thế Tôn nói với Châu-na:

– Quả vậy, Châu-na, trong phi pháp ấy không có gì đáng để nghe. Đó không phải là những điều được nói bởi bậc Chánh đẳng Chánh giác. Cũng như ngôi tháp đổ nát, khó có thể bôi màu. Kia tuy có thầy, nhưng thảy đều ôm giữ tà kiến. Tuy có pháp, nhưng thảy đều không chân chánh, không đáng để nghe theo, không có khả năng xuất ly, không phải là những điều được nói bởi Bậc Chánh đẳng Chánh giác. Cũng như ngôi tháp đổ nát không thể bôi màu vậy”.

(Kinh Trường A-hàm, kinh Thanh tịnh, số 17 [trích])

Đức Phật nhân việc tranh chấp của môn đệ Ni-kiền Tử đã thẳng thắn chỉ ra rằng, nguyên nhân gốc rễ của tranh chấp là tuy có thầy nhưng do mỗi người đều “ôm giữ tà kiến”, tuy có pháp mà “không chân chánh, không có khả năng xuất ly”. Chính vì nhận thức sai lệch, hiểu biết không chính xác về những lời dạy của bậc thầy, chấp thủ quan điểm của mình cho là đúng nhất là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tranh cãi, tranh chấp. Mặt khác, việc ứng dụng hành trì giáo pháp của bậc thầy vào thực tiễn đời sống không có kết quả an lạc, không có khả năng vượt thoát các dính mắc, xa lìa mọi cám dỗ nên dẫn đến tranh chấp đấu đá lẫn nhau.

Hình ảnh “ngôi tháp đổ nát, khó có thể bôi màu” đã cho thấy sự tiên lượng chính xác của Thế Tôn về sự phân ly, chia rẽ của đại chúng ở tương lai. Thế nên, để thiết lập hòa hợp như nước với sữa thì mỗi người cần phá bỏ chấp thủ tà kiến, tôn trọng sự thật và học cách chấp nhận nhau. Nhất là, cần phát huy những giá trị và lợi ích thiết thực của pháp hành (Bát Thánh đạo) để chuyển hóa, nhẹ nhàng, thong dong không bị ràng buộc. Tháo gỡ được hai nút thắt căn bản này thì những tranh chấp, tranh đấu sẽ được loại trừ dần và hướng đến hoàn toàn chấm dứt.

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.