Quả vị Sa-môn hay bốn quả Sa-môn, bốn quả Thanh văn, bốn quả Thánh gồm Sơ quả Tu-đà-hoàn (Dự lưu, Thất lai), Nhị quả Tư-đà-hàm (Nhất lai), Tam quả A-na-hàm (Bất lai), Tứ quả A-la-hán (Vô sinh).
Theo Thế Tôn, bốn quả Thánh này là kết tinh của quá trình tu tập giới-định-tuệ. Trong tám Thánh đạo, giới gồm chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng; định gồm chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định; tuệ gồm chánh kiến, chánh tư duy (tuệ).
“Một thời Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng với chúng đại Tỳ-kheo.
(…)
Lúc đó, trong thành Câu-thi có một vị Phạm chí tên Tu-bạt là bậc kỳ cựu đa trí, đã một trăm hai mươi tuổi, nhân nghe Đức Sa-môn Cù-đàm đêm nay sẽ diệt độ tại giữa cây song thọ, ông tự nghĩ: Ta có điều hoài nghi về giáo pháp. Chỉ có Đức Cù-đàm mới giải được ý ta. Ta nên kịp thời gắng đi đến Phật. Ngay đêm ấy ông gắng ra khỏi thành đi đến Song thọ, đến chỗ A-nan. Sau khi chào hỏi xong, ông thưa:
– Tôi nghe Sa-môn Cù-đàm sắp vào Niết-bàn đêm nay, nên đến đây mong được bái yết một lần. Tôi có điều hoài nghi về giáo pháp, mong được gặp Cù-đàm để Ngài giải quyết cho. Vậy Ngài có được rỗi rảnh cho tôi vào bái yết không?
A-nan bảo:
– Thôi đừng, Tu-bạt! Phật đang có bệnh. Không nên quấy rầy Ngài.
Tu-bạt cố nài xin đến ba lần rằng:
– Tôi nghe Đức Như Lai ra đời như hoa Ưu-đàm, rất lâu mới xuất hiện, nên đến đây mong bái yết để được giải quyết nghi ngờ. Ngài có rỗi rảnh cho tôi gặp một lát được không?
A-nan cũng vẫn trả lời như trước:
– Phật đang có bệnh. Không nên quấy rầy Ngài.
Khi ấy Phật bảo A-nan:
– A-nan, ngươi chớ ngăn cản. Hãy để cho ông ấy vào. Ông muốn giải quyết sự nghi ngờ, không có gì phiền nhiễu. Nếu nghe được pháp của Ta, ắt được tỏ rõ.
A-nan liền bảo Tu-bạt:
– Nếu ông muốn vào thăm Phật, xin mời vào.
Tu-bạt được vào, chào hỏi Phật xong, ngồi một bên và bạch Phật:
– Tôi có điều hoài nghi về giáo pháp. Ngài có rỗi rảnh giải quyết cho chỗ vướng mắc không?
Phật nói: Ông cứ tùy ý hỏi.
Tu-bạt hỏi:
– Bạch Cù-đàm, có những giáo phái khác, họ tự xưng bậc thầy, như các ông Phất-lan Ca-diếp, Mạt-già-lê Kiều-xá-lợi, A-phù-đà Sí-xá-kim-bạt-la, Ba-phù Ca-chiên, Tát-nhã Tỳ-da-lê-phất, Ni-kiền tử. Những thầy đó đều có giáo pháp riêng, Đức Sa-môn Cù-đàm có biết hết hay không?
Phật đáp:
– Thôi thôi khỏi nói, những giáo pháp ấy Ta đều rõ cả. Nay Ta sẽ vì ngươi nói đến pháp thâm diệu, ngươi hãy lắng nghe và khôn khéo suy nghiệm. Này Tu-bạt! Trong giáo pháp nào nếu không có tám Thánh đạo thời ở đó không có quả vị Sa-môn thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Trong giáo pháp nào có tám Thánh đạo thời ở đó có quả vị Sa-môn thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Nay trong giáo pháp này có tám Thánh đạo nên có quả vị Sa-môn thứ nhất, quả vị Sa-môn thứ hai, thứ ba, thứ tư. Trong các chúng ngoại đạo không có.
Rồi Thế Tôn đọc bài kệ:
Ta hai mươi chín tuổi
Xuất gia tìm Chánh đạo
Từ khi Ta thành Phật
Đến nay năm mươi năm.
Các hạnh giới, định, tuệ
Một mình Ta tư duy
Nay Ta giảng pháp yếu
Ngoại đạo không Sa-môn.
(Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành [trích])
Nhờ tuân thủ theo giới luật, sống phạm hạnh, thu thúc lục căn, đầy đủ oai nghi, hành giả thành tựu giới. Trên nền tảng này, hành giả nỗ lực nhiếp tâm, trú niệm, tu tập chỉ và quán, vượt qua năm triền cái để thành tựu định (từ Sơ thiền đến Tứ thiền). Hành giả tiếp tục thiền quán vô thường, vô ngã phá trừ mười kiết sử (thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái, sân; sắc ái, vô sắc ái, trạo cử, mạn, vô minh) để lần lượt chứng đắc bốn Thánh quả.
Lộ trình tu tập để lần lượt chứng đắc bốn Thánh quả chính là Bát chánh đạo. Nên Đức Phật trước khi nhập Niết-bàn đã xác quyết rằng, ngoài Thánh đạo tám ngành này thì không có các quả vị Sa-môn. Điều này có nghĩa là nếu tu tập nhân danh bất cứ pháp môn hay truyền thống nào mà thiếu vắng giới-định-tuệ, xa rời tám Thánh đạo thì không thể dự phần vào các Thánh quả.