Tôn giả Phú-lan-na (Phú-lâu-na, Punna) là vị Đại đệ tử thuyết pháp bậc nhất, đương thời ngài đã đi đến một nơi được xem là khó hoằng pháp và đã giáo hóa thành công.
Hành trang hoằng pháp của Tôn giả dĩ nhiên là thâm hiểu và thân chứng giáo pháp. Trước khi thực sự dấn thân, Tôn giả Phú-lan-na đã được Đức Phật trao cho “tóm lược giáo pháp”, có thể xem là chìa khóa để bên trong tự làm thanh tịnh mà đạt đến Niết-bàn, bên ngoài là phương tiện hữu hiệu để giáo hóa chúng sinh.
Chiếc chìa khóa để hoằng pháp thành công ấy không ở đâu xa, cũng không phải nhọc công tìm cầu, nó có ngay trong thân tâm mình, đó là làm chủ sáu căn. Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) mỗi phút giây tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) là điều thường tình của cuộc sống (trừ một số người khiếm khuyết). Tuy vậy, điều bình thường ấy lại là một sự nhiệm mầu. Nếu có chánh niệm và tỉnh giác để làm chủ với sáu căn thì ngay đó mọi sự trở nên nhẹ nhàng, kể cả việc tu học và hoằng pháp.
“Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tôn giả Phú-lan-na đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật:
– Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin vì con mà thuyết pháp. Con ở nơi vắng vẻ một mình, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến: tự biết không tái sanh đời sau nữa.
Phật bảo Phú-lan-na:
– Lành thay! Lành thay! Ông có thể hỏi Như Lai nghĩa như vậy. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
– Nếu có Tỳ-kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục; Tỳ-kheo kia thấy rồi, sanh ra hỷ lạc, tán thán, hệ lụy; do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, tâm càng hoan hỷ; do hoan hỷ, càng đắm sâu hoan lạc; đắm sâu hoan lạc mà tham ái sanh; do tham ái sanh, mà bị ách ngại. Do đó cách xa Niết-bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.
– Này Phú-lan-na, nếu Tỳ-kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục; Tỳ-kheo kia thấy rồi, không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy; do không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên không hoan hỷ; do không hoan hỷ, nên không hoan lạc; không hoan lạc nên không tham; do không tham, mà không bị ách ngại; cho nên dần dần tiếp cận Niết-bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng nói như vậy.
Phật bảo Phú-lan-na:
– Ta đã tóm lược giáo pháp, vậy Phú-lan-na muốn an trú chỗ nào?
Tôn giả Phú-lan-na bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn, con đã được Thế Tôn tóm lược giáo giới, nay con muốn du hành trong nhân gian đi về xứ Thâu-lô-na ở phương Tây”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 311 [trích])
Lời Phật dạy thật rõ ràng, hành trang hoằng pháp không phải là bằng cấp hay chức vị hoặc danh tiếng, đó chỉ là những điều kiện cần (vì xã hội ngày nay cần). Điều kiện đủ cho hoằng pháp thành công phải là làm chủ sáu căn, tức làm chủ chính mình. Nói cách khác, phải thực tu và thực chứng, thật vững chãi và thảnh thơi mới thong dong vào đời làm Phật sự hiệu quả.
Làm chủ sáu căn được biểu lộ bằng thân giáo chứ không đơn thuần nơi khẩu giáo. Vị sứ giả Như Lai cần nói hay và làm giỏi, giáo và hạnh phải song hành. Mọi chướng ngại trên bước đường hoằng pháp sẽ phát sinh nếu sáu căn chưa được làm chủ. Khi bên trong tự tịnh hóa, bên ngoài thực sự vững chãi và thong dong thì vị sứ giả Như Lai đủ khả năng dấn thân hoằng pháp.
Thành ra, chỉ trang bị pháp học thôi thì chưa đủ mà cần kiện toàn pháp hành. Pháp hành ở đây khá đơn giản là tự chủ khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Mới hay pháp tu làm chủ sáu căn được Thế Tôn xác định là “tóm lược giáo pháp”, ngay đây có đầy đủ cả định và tuệ đồng thời cũng là nền tảng để vị sứ giả Như Lai hoằng pháp thành công.