Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Xét theo thời gian, nghiệp có cũ và mới. Nghiệp cũ được gây tạo trong quá khứ xa hoặc gần, có tính thụ động. Nghiệp mới được tạo ra ngay trong hiện tại, có tính chủ động. Tu căn hay điều phục, phòng hộ sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) là chủ động tạo ra nghiệp mới thiện lành.

Điều phục các căn là tỉnh giác khi căn tiếp xúc với trần cảnh

“Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

– Đối với sáu căn này mà không điều phục, không đóng kín, không thủ hộ, không chấp trì, không tu tập, thì đời vị lai sẽ chịu quả báo khổ.

– Sáu căn là những gì? Nhãn căn không điều phục, không đóng kín, không thủ hộ, không chấp trì, không tu tập, thì ở đời vị lai sẽ chịu báo khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

– Phàm phu ngu si không học, khi mắt thấy sắc, chấp thủ tướng chung, chấp thủ tướng riêng; bất kể nhãn căn hướng đến nơi nào, đều an trụ với bất luật nghi được chấp thọ; các ác pháp, bất thiện, tham ái của thế gian lọt vào tâm, những điều như thế đều do không thể chấp trì luật nghi, phòng hộ nhãn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Như thế đối với sáu căn, không điều phục, không đóng kín, không giữ gìn, không chấp trì, không tu tập thì ở đời vị lai sẽ chịu quả báo khổ.

– Thế nào là sáu căn khéo điều phục, khéo đóng kín, khéo giữ gìn, khéo chấp trì, khéo tu tập thì ở đời vị lai sẽ được an vui? Đa văn Thánh đệ tử khi mắt thấy sắc không chấp thủ tướng chung, không chấp thủ tướng riêng; bất kể nhãn căn hướng đến nơi nào, vẫn thường an trú với luật nghi. Những pháp ác, bất thiện, tham ái ở thế gian không lọt vào tâm, có thể sanh ra các luật nghi, khéo thủ hộ nhãn căn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là sáu căn khéo điều phục, khéo đóng kín, khéo giữ gìn, khéo chấp trì, khéo tu tập, thì ở đời vị lai sẽ được an vui.

Đức Phật liền nói bài kệ:

Nơi sáu xúc nhập xứ
Trú vào không luật nghi
Những Tỳ-kheo như vậy
Mãi mãi chịu khổ lớn.
Đối với các luật nghi
Luôn tinh cần tu tập
Chánh tín, tâm không hai
Các lậu chẳng vào tâm.
Mắt thấy những sắc kia
Vừa ý, không vừa ý
Vừa ý, không sanh muốn
Không vừa ý, chẳng ghét.
Tai nghe những âm thanh
Có niệm và không niệm
Đối niệm, không ưa đắm
Không niệm, không khởi ác.
Mũi ngửi đến các mùi
Hoặc thơm, hoặc là hôi
Đối thơm, hôi, bình đẳng
Không muốn, cũng không trái.
Đối các vị để ăn
Chúng cũng có ngon, dở
Vị ngon không khởi tham
Vị dở không kén chọn.
Thân xúc tạo vui sướng,
Mà chẳng sanh buông lung
Xúc chạm bị khổ đau
Không sanh tưởng oán ghét.
Khổ vui đều buông hết
Chưa diệt khiến cho diệt
Phải quán sát tâm ý
Các tướng, các tướng kia.
Giả dối mà phân biệt
Dục tham càng rộng lớn
Giác ngộ các ác kia
An trú tâm lìa dục.
Khéo nhiếp sáu căn này
Sáu cảnh xúc không động
Dẹp sạch các ma oán

Vượt qua bờ sống chết.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 279)

Đức Phật dạy thật rõ ràng. Các giác quan mở ra thì đồng thời hai cánh cửa đau khổ và an vui cũng được mở ra. Tùy khả năng phòng hộ và giác tỉnh nơi mỗi người mà nhận lãnh đau khổ hoặc an vui. Nếu có chánh niệm, cái thấy chỉ là cái thấy, cái nghe chỉ là cái nghe…, an trú luật nghi, không khởi tham ái thì ác pháp và bất thiện pháp không có cơ hội sinh khởi. Ngược lại thì ác pháp và bất thiện pháp đoanh vây, khổ đau có mặt.

Điều phục các căn không có nghĩa là nhắm mắt, bịt tai mà tỉnh giác khi căn tiếp xúc với trần cảnh. Nhờ thấy rõ đặc tính duyên sinh giả hợp của vạn pháp nên hàng ngày vẫn sống và tiếp xúc với tất cả nhưng tâm không động, ý không đắm nhiễm, luôn tạo ra nghiệp mới thiện lành. Đó là tu căn.


Quảng Tánh

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.