Một lần ở tinh xá Kỳ Viên, Thế Tôn dùng móng tay lấy tí đất và cho biết rằng, người có lòng từ, luôn thương yêu chúng sinh thật ít ỏi, như đất dính trong móng tay của Ngài. Còn người không có lòng từ thì mênh mông như đất ngoài sơn hà đại địa.
Thế mới biết sinh ra trong cõi Ta-bà thì phải chấp nhận sống chung với phiền não, xung đột, tranh đấu, sân hận, thù hằn, thậm chí là tàn hại lẫn nhau. Vì si mê nên chìm đắm trong tham ái, vì tham ái nên khởi đấu tranh; tham sân si là cội nguồn của mọi khổ đau kiếp người.
Hiếm hoi lắm mới có người biết đến và thực tập tâm từ, trải lòng yêu thương rộng lớn đến với mọi người và mọi loài. Nguyện yêu thương, bao dung, tha thứ tất cả; mong cho mọi người và mọi loài được sống an lành, hạnh phúc chính là tâm từ.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn dùng móng tay nhúm đất, rồi hỏi các Tỳ-kheo:
– Các ngươi nghĩ thế nào, đất trên móng tay Ta nhiều, hay là đất đại địa nhiều?
Tỳ-kheo bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn, đất trên móng tay rất quá ít. Đất đại địa này thì vô lượng, vô số, không thể so sánh được.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Cũng vậy, chúng sinh thường xuyên tu tập lòng từ đối với tất cả chúng sinh, cho đến như trong khoảnh khắc khảy móng tay, chúng sinh đó ít như đất trên móng tay; còn những chúng sinh thường không tu tập lòng từ đối tất cả chúng sinh, cho đến như trong khoảnh khắc khảy móng tay, số chúng sinh đó nhiều như đất đại địa. Cho nên, các Tỳ- kheo, phải luôn luôn tu tập lòng từ đối với tất cả chúng sinh.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1256)
Kỳ thực, tâm từ là phẩm tính cao thượng của trời Phạm Thiên nên loài người và các chúng sinh khác ít có tâm từ cũng là điều dễ hiểu. Đặc tính của tâm từ là không đi cùng với tâm sân, như nước không đi cùng với lửa. Tâm từ có mặt thì tâm sân vắng mặt và ngược lại, nên người học Phật và thực hành Pháp cần phải nuôi dưỡng tâm từ.
Tâm từ có công năng hỗ trợ tích cực cho sự tu tập định tâm, chuyển hóa phiền não. Giống như muốn gieo hạt thì cần làm đất cho bằng phẳng. Cũng vậy, muốn an trú tâm vững chắc vào các đề mục Chỉ-Quán rất cần sự dọn dẹp, tưới tẩm của tâm từ. Mọi sự bất an, xung đột sẽ được tâm từ làm cho lắng dịu, nhờ đó mà định tuệ được phát huy.
Kinh Tăng chi, Đức Phật dạy tu tập tâm từ có 11 lợi ích: “Ngủ an lạc, thức an lạc, không ác mộng, được mọi người thương mến, các hàng phi nhân ái mộ, chư thiên bảo hộ; không bị hỏa hoạn, thuốc độc, binh khí xúc chạm; tâm dễ đắc định; sắc mặt trong sáng, lúc chết không rối loạn, có thể tái sinh vào cảnh giới của Phạm Thiên”. Vì có nhiều lợi ích quan trọng như vậy nên hàng đệ tử Phật cần tu tập tâm từ.
Tâm từ vốn có sẵn, chỉ cần đánh thức và nuôi dưỡng để ngày càng lớn mạnh. Thiền rải tâm từ của Phật giáo là pháp tu căn bản giúp cho tâm từ phát triển. Trong bối cảnh sân hận và cái ác ngày càng lộng hành trên mọi phương diện của đời sống, thiền rải tâm từ có thể xem là liệu pháp cứu tinh cho nhân loại. Yêu thương không chỉ kêu gọi hay cầu xin mà cần phải hành động, nuôi dưỡng, lan tỏa từ bản thân đến cộng đồng.
Quảng Tánh – Báo Giác Ngộ