Người tu từ thời Thế Tôn cho đến tận ngày nay đều không làm ra của cải mà sống dựa vào tín thí. Hàng tín đồ vừa kính lại vừa thương người tu hành nên nhín bớt phần tiêu dùng của mình để dâng cúng nhằm tích lũy phước báo về sau.
Người tu nhận thí cũng tùy phước duyên mà được nhiều ít khác nhau. Với những người chưa thực sự thiểu dục tri túc, chưa nhận rõ trọng trách của người thọ thí, nhất là tâm phân biệt còn nặng nề thì cái sự cho và nhận kia cũng lắm nhiêu khê, đôi khi khiến cho nói năng và hành xử của người xuất gia nhuốm màu cạnh tranh của thế tục.
“Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Bà-la-môn Sanh Văn đến chỗ Phật, cùng Thế Tôn thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
– Bạch Cù-đàm, tôi nghe Ngài nói rằng: Chỉ nên cúng dường cho Ta, không nên cúng dường cho người khác; cúng dường cho Ta sẽ được quả báo lớn, không phải cúng dường cho người khác mà được quả báo lớn. Nên cúng dường cho đệ tử của Ta, không nên cúng dường cho đệ tử người khác; cúng dường cho đệ tử của Ta sẽ được quả báo lớn, không phải cúng dường cho đệ tử của người khác mà được quả báo lớn. Bạch Cù-đàm, thế nào, những lời nói ấy có phải là lời nói thật chăng? Chẳng phải là hủy báng Cù-đàm chăng? Nói đúng như thuyết, nói đúng như pháp, nói theo thuận thứ của pháp, không bị người khác dùng đồng pháp đến quở trách chăng?
Phật bảo Bà-la-môn:
– Người nào nói những lời như vậy là hủy báng Ta; không nói đúng như thuyết, nói đúng như pháp, nói theo thuận thứ của pháp, bị người khác dùng đồng pháp đến quở trách. Vì sao? Vì Ta không nói như vầy: Nên cúng dường cho Ta, không nên cúng dường cho người; cúng dường cho Ta sẽ được quả báo lớn, không phải cúng dường cho người khác là được quả báo lớn. Nên cúng dường cho đệ tử của Ta, cúng dường cho đệ tử của Ta sẽ được quả báo lớn; không phải cúng dường cho đệ tử của người khác mà được quả báo lớn. Nhưng này Bà-la-môn Ta nói như vầy, những lời nói như trên sẽ tạo ra hai thứ chướng ngại: chướng ngại cho việc cúng dường của người thí chủ và làm chướng ngại cho người nhận đồ cúng dường.
Này Bà-la-môn, cho đến bất cứ người nào, chỉ cần đem thức ăn trong khi rửa bát chén còn lại, đổ ở trên đất sạch, khiến cho những sanh vật nơi đó được sự lợi lạc, thì Ta nói những người đó đã được vào cửa phước rồi, huống chi là bố thí cho con người. Này Bà-la- môn, tuy nhiên Ta cũng nói, người nào cúng dường cho người trì giới, quả báo đó sẽ không đồng với sự bố thí cho người phạm giới.
Bà-la-môn Sanh Văn bạch Phật rằng:
– Thưa Cù-đàm, đúng vậy, tôi cũng nói như vậy, cúng dường cho người trì giới sẽ được quả báo lớn, chứ không phải cúng dường cho người phạm giới.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ rằng: Hoặc đen, hoặc trắng tinh/ Hoặc đỏ, hoặc có màu/ Màu tạp cùng vàng ròng/ Thuần vàng cùng màu xám/ Những trâu cái như vậy/ Trâu con đẹp đẽ này/ Đầy đủ sức cường tráng/ Khéo huấn luyện, đi nhanh/ Chỉ khiến chuyên chở nặng/ Không hỏi màu sắc nó/ Con người cũng như vậy/ Tùy thuộc vào nơi sanh/ Sát-lợi, Bà-la-môn/ Tỳ-xá, Thủ-đà-la/ Hạ tiện Chiên-đà-la/ Nơi sanh thảy không đồng/ Giả sử giữ tịnh giới/ Lìa gánh nặng phiền não/ Thuần nhất tu phạm hạnh/ A-la-hán lậu tận/ Đấng Thiện Thệ trong đời/ Cúng các Ngài, quả lớn/ Người ngu không trí tuệ/ Chưa từng nghe Chánh pháp/ Cúng kia không quả lớn/ Vì không gần bạn lành/ Nếu gần thiện tri thức/ Như Lai cùng Thanh văn/ Tín tịnh nơi Thiện Thệ/ Căn sanh, lực kiên cố/ Sẽ đi về đường lành/ Sanh vào dòng tôn quý/ Cứu cánh Bát-niết-bàn/ Đại Tiên nói như vậy.
Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Sanh Văn nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ làm lễ cáo lui”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 95)
Pháp thoại cho thấy, ngay cả Thế Tôn cũng bị đời buông lời dị nghị, rằng Ngài kêu gọi mọi người nên cúng dường cho Ngài và các đệ tử để có phước quả lớn. Thế Tôn đã kịp thời phủ chính “Ta không nói như vầy”. Ngài cũng khuyến cáo những đồn đoán và dị nghị kiểu như vậy sẽ tạo ra chướng ngại cho thí chủ cũng như người nhận sự cúng dường, đồng thời xác quyết “người nào cúng dường cho người trì giới, quả báo đó sẽ không đồng với sự bố thí cho người phạm giới”. Rõ ràng, chính đạo đức (giữ giới) là cơ sở để người nhận và người cho đều được lợi ích. Nên người đạo cao đức trọng thì luôn được tứ chúng tôn vinh, hộ trì.
Quảng Tánh-Báo Giác Ngộ