Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đường Thái Tông từng xưng tán Huyền Trang đại sư là “thiên hạ vô song”. Cuộc đời của Ngài là một nghị lực kiên cường và nhiệt tình không ai sánh bằng, với tinh thần phấn đấu để theo đuổi sự thật của kiếp người và đạt được lý tưởng của riêng mình, đủ để chiếu sáng thiên cổ, người đời sau khó sánh kịp.

Chuyện thầy Trần Huyền Trang (tức Đường Tam Tạng, xem bài 1) đi từ Đông Thổ Đại Đường qua thỉnh Kinh Tây Phương lại là chuyện lịch sử có thật. Trần Huyền Trang là một nhân vật có thật trong lịch sử nhà Đường.

Như đã nói, ông tên thật là Trần Vỹ, sanh vào năm thứ 16 đời Tùy Văn Đế Dương Kiên (596 sau TL) tại huyện Câu Thi (hiện là Huyện Yêm Sư) Tỉnh Hà Nam. Và chuyện thỉnh kinh Tây Phương cũng là chuyện có thật, đã được chính Huyền Trang thuật lại rất cặn kẽ trong bộ “Đại Đường Tây Vực Ký”. Thầy chính là một nhân vật sống đã vào lịch sử một cách vinh quang.

Thầy từng làm tôi cho vua Đường Thái Tôn (Lý Thế Dân) –  bậc minh quân đem lại hiển vinh cho lịch sử Trung Quốc.

Sự thực thầy Huyền Trang chỉ đi một mình, cỡi một con ngựa già làm chân. Ông đi và ở suốt 17 năm bên Tây phương, gồm 2 năm đi, 2 năm về và 13 năm ở lại du học tại Ấn Độ. Đi từ năm 629 mãi đến năm 645 (sau TL) mới về đến thành Trường an (Trung quốc). Tính ra Huyền Trang đã rời Đại Đường đến 17 năm, đi trên năm vạn dặm đường, qua 128 quốc gia lớn nhỏ.

Khi về, ông đã mang về:

– 150 Xá Lợi tử (Tinh cốt của Như Lai).

– 2 tượng Phật gỗ đàn tô ngân cao 4 thước

– 3 tượng Phật bằng đàn hương : Cao 3th5, 2th9, 2th3

– 657 bộ Kinh, chia làm 520 hiệp

– Cùng một số bảo vật khác nữa, và phải dùng voi, lạc đà và 24 con ngựa mới chở hết.

Trên thực tế, đường đi không có gặp yêu tinh cản trở (có chăng là bọn mọi dữ thích ăn thịt người) nhưng những khó khăn trở ngại cản trở lẫn vật chất và tinh thần lại hết sức nhiều và lớn, nếu là người khác ắt vô phương vượt khỏi.

Có lúc Thầy Huyền Trang nhịn đói nhịn khát suốt bảy tám ngày ròng rã giữa một sa mạc trời nắng chang chang, không một bóng cây, cũng không một bóng người qua lại. Nhưng ý chí của Thầy thật là sắt đá. Có lần đói khát khổ quá, bụng tính quay trở về phía đông để tìm chỗ xin nước uống đem theo rồi sẽ đi nữa, nhưng vừa quày ngựa trở về hương đông đi đặng một đoạn đường thầy lại tự nhủ: “Trước kia, đã thề nếu qua không đến Ấn Độ, quyết không trở về Đông một bước. Nay ta thà đi về hướng Tây mà chết, chớ lẽ nào đi về Đông để sống hèn”.

Một lần khác, thầy gặp bọn mọi ăn thịt người (tức bọn yêu tinh kể trong truyện Tây Du ký). Thầy Tam Tạng sẵn lòng hiến thân cho bọn quỷ khát máu ấy. Nhưng giữa lúc bàn tính, xảy có mưa to sấm sét rất lớn. Bọn người rừng kinh sợ vì cho rằng Trời không bằng lòng. Chúng lật đật giục thầy lên đường, nhưng thầy khăng khăng một mực nài bọn kia: hoặc hãy “ăn thịt Thầy” nếu quả thật thầy có phép làm cho bọn nó sống lâu muôn tuổi, hoặc nếu bọn chúng muốn cho thầy lên đường thì phải ăn năn sám hối, chừa thú tánh, chừa ăn thịt người từ đây. Và rốt cuộc Tam Tạng cải hóa được bọn chúng.

Hơn một ngàn ba trăm năm trước đây dám một người một ngựa vượt suối trèo non, băng sa mạc, càn rừng sâu đi đến xứ Ấn Độ huyền bí xa xăm, Trần Huyền Trang quả là một nhà du thám vĩ đại trong lịch sử.

Kỳ công đó, tinh thần nghị lực đó, người đời sau không thể không nghiêng mình bái phục.

Trong thời gian mười ba năm lưu trú tại Ấn Độ, thầy đi viếng hầu hết các di tích của đạo Phật, đặc biệt nhất là thầy ở lại chùa Na Lan Đà, học đạo trong sáu năm. Tất cả những kinh điển của phái Đại Thừa, Tiểu Thừa, Kinh Phệ đà (Veda), các sách thuốc, sách thiên văn, địa lý, kỹ thuật v v… đều tập trung tại chùa này. Chùa do pháp sư Giới Hiền chủ trì và pháp sư có đến trên mười ngàn tín đồ theo học đạo.

Sau sáu năm học tập, Trần Huyền Trang trở nên một trong ba người học trò giỏi nhất của vị cao tăng Giới Hiền. Theo sách khảo cứu Pháp văn, chẳng những là một nhà sư đạo đức, Huyền Trang còn là một học giả uyên thâm, một nhà du thám kỳ tài, một nhà sử học uyên bác, một nhà địa lý học chơn tài, một nhà ngôn ngữ học xuất chúng, nhứt là một nhà phiên dịch giỏi không ai bằng.

Lúc còn ở Tây Phương, đi đến đâu, thầy cũng nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình từng địa phương. Khi về kinh đô Trường An, thầy viết lại thành bộ Đại Đường Tây Vực Ký, gồm 12 quyển, trong ấy ghi lại đầy đủ lịch sử, địa lý, phong tục, tập quán…của 128 nước đã trải qua hoặc từng trú ngụ.

Ngày nay, những tài liệu của Thầy để lại vẫn còn giúp ích rất nhiều cho các chuyên gia khảo cổ Ấn Độ và bất kỳ ai ngày nay cũng công nhận những điều nghe thấy và ghi chép của thầy Huyền Trang rất là đích xác.

Từ ngày về Trường An, thầy Huyền Trang bắt tay vào công việc phiên dịch. Suốt mười chín năm ròng rã (từ 645-644) thầy dịch được tất cả bẩy mươi lăm bộ kinh, gần một ngàn ba trăm ba mươi lăm quyển từ Phạn tự dịch qua Hán tự và một bộ (Đạo đức Kinh) và một bản dịch “Đại Thừa khởi tín luận” từ chữ Hán ra chữ Phạn, cùng để lại cho đời một bộ “Đại Đường Tây Vực ký” .

Trưa ngày mồng 5 tháng 2 năm 664, sư Trần Huyền Trang gác bút nghìn thu tại chùa Ngọc Hoa, vì bịnh tật và già yếu, hưởng họ 69 tuổi. Ngày 14 tháng 4 cùng năm, thi hài Huyền Trang được an táng tại Bạch Lộc Nguyên. Ngày cử hành tang lễ sư Huyền Trang có đến một triệu người ở Trường An và các vùng lân cận qui tựu để tiễn chân thầy về nơi Cực Lạc. Đám táng xong, có đến ba vạn người cất lều cư tang gần mộ phần.

Từ xưa đến nay chưa có vị đế vương nào được ngưỡng mộ sùng bái bằng vị Thánh Tăng có một không hai này.

Hậu thế tổng kết về cuộc đời sư Trần Huyền Trang

Đường Thái Tông từng xưng tán Huyền Trang đại sư là “thiên hạ vô song”. Cuộc đời của Ngài là một nghị lực kiên cường và nhiệt tình không ai sánh bằng, với tinh thần phấn đấu để theo đuổi sự thật của kiếp người và đạt được lý tưởng của riêng mình, đủ để chiếu sáng thiên cổ, người đời sau khó mà so sánh kịp.

Ngoài tinh thần này, Ngài còn tạo ra thành quả và cống hiến làm cho hậu thế kính phục. Lương Khải Siêu nói rằng “Huyền Trang là bậc công thần số một của Phật giáo Trung Quốc”, Trương Kỳ Vân nói “Huyền Trang là du học sinh gương mẫu nhất”, không ít học giả nước ngoài đối với thành tựu đặc biệt về phương diện địa lý của Ngài vô cùng tôn sùng.

Liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Ngài Đường Tăng có một số phương diện sau để cùng tham khảo và nhận định:

Về phương diện văn hóa học thuật

1. Huyền Trang là nhân vật đắc lực nhất xúc tiến mối giao lưu văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc. Ngài du học ở Ấn 17 năm và tinh thông 5 lọai ngôn ngữ của Ấn Độ (các ngôn ngữ địa phương của đông, tây, bắc, nam, trung Ấn ). Sau khi về nước Ngài sáng lập ra phương thức dịch mới (tân dịch), tổng số kinh điển phiên dịch là 1335 quyển, lại còn phụng mệnh Lão Tử dịch Đạo Đức Kinh thành Phạn văn để truyền sang Ấn Độ.

2. Huyền Trang là vị đầu tiên hiểu đúng và ứng dụng logic học một cách đắc lực trong quá trình học và diễn giải kinh đểin, thời gian du học ở Ấn Ngài rất xem trọng “Nhân minh học”, Nhân minh học là một trong năm loại tri thức của Ấn Độ, cũng là luận lý học hoặc logich học của tất cả học thuyết lúc bấy giờ. Trung Quốc có “Mạc Biện” của phái Mạc Gia được xem là hệ thống luận lý học hòan chỉnh nhất của thời cổ đại, nhưng về sau không có người phát triển và ứng dụng. Ngài Huyền Trang đem Nhân Minh Học từ Ấn về, có thể nói Trung Quốc bắt đầu thu nhập từ nước ngoài một bộ lý luận học hòan chỉnh, mà Ngài Huyền Trang ở Ấn đã học tập nhiều năm nên sớm đã có thể ứng dụng nó vào công việc học vấn.

3. Ngài Huyền Trang là nhà phiên dịch thành công nhất. Lúc hội dịch kinh Huyền Trang phát triển thành có hệ thống và tổ chức. Tổ chức này tuy không phải là Ngài Huyền Trang sáng tạo đầu tiên, mà trải qua thời kỳ dài phối hợp của sự giúp đỡ và chi viện triều đình, tổ chức này tương đối hoàn chỉnh mà công lao rõ ràng nhất vẫn là của Ngài. Ngài Huyền Trang làm chủ dịch, bên dưới có lập các khoa như hội đồng chứng nghĩa, trao chuốt lời văn, đối chiếu phạn văn, viết bản thảo đều do các nhân tài ưu tú của Phật giáo đương thời đảm trách. Phương thức dịch kinh Phật trước Ngài Huyền Trang phần lớn là dịch ý, dịch ý đương nhiên cũng biểu đạt ưu điểm nhất định, nhưng so với nguyên bản ít nhiều cũng có những thêm bớt; nên Ngài Huyền Trang đã cải cách, sử dụng phương thức dịch thẳng, đối chiếu cùng với bản gốc mà không mất đi nghĩa, đã khai sáng kỷ nguyên “tân dịch” cho lịch sử dịch Phật kinh của Trung Quốc.

4. Cống hiến về sử địa học của Ngài Huyền Trang. Ngài nhận được rất nhiều lời ca ngợi của các học giả trong và ngoài nước. Một học giả người Pháp xưng tán “Đại Đường Tây Vực Ký” của Ngài Huyền Trang viết là kim chỉ nam cho cho các học gia nghiên cứu Ấn Độ. Là tài liệu cho các học giả ngày nay chỉnh lý, tìm hiểu, sắp xếp về phương diện lịch sử và địa lý của thế kỷ thứ 7. Tất cả những gì có được hoàn toàn đều nhờ công lao của Ngài.

Về phương diện ngoại giao

Do Ngài Huyền Trang lúc du học ở Ấn đã biểu hiện là một con người vô cùng tuyệt tác lỗi lạc nên rất được chính phủ và toàn dân kính phục. Trong cuộc đại hội Kanykudja thắng lợi, lại càng được minh chủ Giới Nhật Vương đương thời của Bắc Ấn vô cùng khâm phục. Sau khi Ngài về nước Giới Nhật Vương liền phái sứ giả đến Trung Hoa, Đường Thái Tông lập tức ra lệnh Vương Huyền Sách và hơn 20 người đi sứ sang Ấn. Hai nền văn minh cổ đại Ấn Độ- Trung Hoa từ đó giao lưu qua lại.

Về phương diện nhân cách và tinh thần

Ngài Huyền Trang vì mục đích đến Ấn Độ cầu pháp nên không sợ những gian nan mà mạo hiểm tiến bước. Chúng ta thử nghĩ xem, ở trong một sa mạc mênh mông trên không chim bay dưới không thú chạy, cũng không một dấu chân người, chỉ băng tuyết nối tiếp nhau, ở những vách núi cao chọc trời với gió tuyết xen lẫn, cảnh tượng vắng vẻ đến khiếp sợ. Trên lộ trình gặp chổ giặc cướp hoành hành, Ngài Huyền Trang chỉ nương vào một trái tim kiên cường bất khuất mà đi hết hành trình, thật làm cho mọi người khâm phục.

Viên Minh (tổng hợp)

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.