Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Ni trưởng Như Châu là tấm gương sáng trong Ni giới với hương từ đức hạnh, lòng quý kính Thầy Tổ (Sư trưởng Như Thanh) cũng như lưu lại nhiều đóng góp cho Ni giới nói riêng và Phật giáo nói chung. Đức vâng lời và tấm lòng phụng sự Đại chúng của Ni trưởng Như Châu rất đáng được nhắc nhở, tôn vinh!

Ni trưởng pháp húy Nhật Châu, tự Nguyên Hương, hiệu Như Châu, tên thật là Nguyễn Thị Châu, sinh năm Kỷ Mão, ngày 8 tháng 2 năm 1939 tại làng Thoại Thủy, quận Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận. Sinh trưởng trong gia đình gia giáo trung lưu, thâm tín Tam bảo, Ni trưởng là con thứ ba trong gia đình có bảy anh chị em. Thân phụ là cụ Nguyễn Văn Sô, pháp danh Tâm Bi, sau xuất gia làm Hòa thượng Trụ trì chùa Bửu Tích (Phan Rí), pháp hiệu thượng Viên hạ Trí. Thân mẫu là cụ bà Huỳnh Thị Thái, pháp danh Tâm Văn, là một phụ nữ hiền đức, đảm đang, luôn ân cần chăm sóc và hỗ trợ tinh thần cho tất cả thành viên trong gia đình.

Năm lên mười tuổi (1949), Ni trưởng được gia đình cho phép theo cha xuất gia, cùng người em gái là Ni sư Như Phùng (viên tịch năm 2002). Sau đó, Ni trưởng được Hòa thượng gửi đến chùa Linh Sơn (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) thọ giáo với Sư bà Tâm Đăng. Năm mười lăm tuổi (1956), Ni trưởng được Sư bà Tâm Đăng dẫn vào Sài Gòn xin cho y chỉ với Sư trưởng thượng Như hạ Thanh, được Sư trưởng cho pháp danh là Nhật Châu.

Năm 1965, Ni trưởng đăng đàn cầu thọ Tỳ-kheo-ni giới. Từ đây, trên lộ trình tu học giải thoát, Ni trưởng Như Châu luôn tôn kính, vâng lời và một lòng hiếu thuận Sư trưởng. Vì thấy Sư còn nhỏ mà cốt cách nghiêm trang, thông tuệ, Sư trưởng đã gửi Nhật Châu về ở chùa Từ Thuyền, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh để theo học hết chương trình Trung học đệ nhất cấp tại Trường Tư Thục Tân Phương, quận Gò Vấp và đệ nhị cấp tại Trường Trung học Tư Thục Trường Sơn, Quận 3 trong suốt thời gian sáu năm1. Sư bà Tâm Đăng là một vị Thầy sáng suốt, đã chọn cho đệ tử mình một bậc minh sư, có thể nhìn ra cốt cách, hạnh nghi của đệ tử mình độ cho tu hành. Sư trưởng thượng Như hạ Thanh là bậc kỳ tài, kỳ túc cũng đã thấy rõ vị đệ tử y chỉ của mình có thể trở thành Pháp khí Đại thừa sau này nên đã cho đi học ngoại điển. Nhờ học ngoại điển như gấm thêm hoa sẽ mau hiểu Giáo lý Phật Đà, đem đạo vào đời sẽ thuận lợi hơn. Tình thương của Sư bà Tâm Đăng thật cao quý, đã có cái nhìn thấu đáo, xuyên suốt một cuộc đời, chỉ đường, mở lối cho đệ tử mình một con đường sáng học tu.

Năm 1962, sau khi học xong chương trình Trung học, vâng lời chỉ dạy của Sư trưởng, Ni trưởng trở về Huê Lâm để hỗ trợ Sư trưởng trong các công tác Phật sự tại Tổ đình, tham gia công tác giảng dạy tại Trường Tiểu học miễn phí Kiều Đàm. Tinh thần nhập thế, hành Bồ tát đạo là con đường của người con Phật hoằng dương chánh pháp. Ni trưởng Như Châu đã ý thức được việc này, nên đã vâng lời Sư trưởng trong việc làm các công tác xã hội sau đây:

– Với vai trò thành viên của Ban Từ thiện Tổ đình Huê Lâm, Ni trưởng đã tham gia và tốt nghiệp Khóa tu nghiệp Ký nhi viện và tháng 6 năm 1967 về giữ chức Giám đốc Ký nhi viện tại Tổ đình Huê Lâm.

– Năm 1971, Ni trưởng làm Chủ nhiệm lớp dạy đan len và dạy may miễn phí tại Tổ đình Huê Lâm. Song song với việc hoàn tất các khóa học đầu ngành, Ni trưởng cũng đăng ký đi học thêm tại Trường Việt – Mỹ và tham gia tu nghiệp khóa Thanh niên Phụng sự Xã hội tại Sài Gòn.

Tiếp đó, như trong nhà Thiền có câu: “Đức chúng như hải”, biển công đức không đâu bằng đức tu học của Đại chúng. Đây cũng là phước điền để cho ta gieo bòn công đức. Mỗi ngày phụng sự Đại chúng, trị nhật, hành đường cho đến những việc xem ra tầm thường như lau dọn chùa tháp… lại là những việc phước đức lớn. Ni trưởng Như Châu không ngại gian lao, không nề khó nhọc đã vâng lời Sư trưởng phụng sự Đại chúng bằng những việc làm tích cực:

– Năm 1975, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Ni trưởng vâng lời dạy của Sư trưởng ra khai khẩn khu đất do Giáo hội Phật giáo cấp cho làm khu lao động kinh tế tự túc nhà chùa tại Đại Tòng Lâm và xây dựng Chùa Huê Lâm II… Ban ngày lao động trồng trọt và xây dựng, còn ban đêm thắp đèn dầu học tụng kinh kệ, trong ngôi chùa mái tranh vách đất.

– Năm 1980, Ni trưởng trở về Huê Lâm phụng sự với trách nhiệm Quản chúng. Năm 1986 trở ra chùa Huê Lâm II hỗ trợ sư Ấn2 xây dựng lại ngôi Tam bảo. Năm 1988 quản lý tiệm cơm chay Tịnh Tâm Trai. Năm 1996, Sư trưởng dạy Ni trưởng nhận lãnh trách nhiệm Trụ trì Pháp Hoa Tịnh viện tại Lâm Đồng.

Tất cả những công việc trên đều xuất phát từ tấm lòng trung kiên với Ân sư – Sư trưởng Như Thanh. Người luôn vâng lời Sư trưởng dạy, dù đi đâu, làm bất cứ việc gì, Ni trưởng vẫn thể hiện bản tính điềm đạm nhẫn nại, xử lý công việc nghiêm minh, không so đo tính toán thiệt hơn, lấy đó làm kim chỉ nam làm việc. Nhờ những công đức lành đó, sau khi Sư trưởng viên tịch, Ni trưởng trở thành Phó ban Quản trị Tổ đình Huê Lâm, trực tiếp điều hành công việc tại Tổ đình cũng như tham gia các hoạt động Phật sự của Giáo hội.

Là một người đệ tử hiếu thuận, theo Sư trưởng làm việc, không dám trái ý Sư trưởng, luôn vâng kính Sư trưởng đến giờ phút cuối. Những công hạnh và đạo nghiệp đó hóa thành những gốc rễ chắc tốt để đóa hoa đạo đức tỏa hương thơm ngát nơi Tổ đình Huê Lâm. Ni trưởng Như Châu đã được suy cử làm Ủy viên Ban Kiểm Tăng thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thành phố Hồ Chí Minh (2001), Phó Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương kiêm Trưởng Tiểu ban Nghi lễ, Trụ trì Tổ đình Huê Lâm, Trưởng Phân ban Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh. Sau này lần lượt được suy cử vào vị trí Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương, Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN Thành phố Hồ Chí Minh (2013), Uỷ viên MTTQ Thành phố Hồ Chí Minh (2014), Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Trưởng ban Trị sự Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Trưởng Phân ban Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh (2018). Trong suốt 25 năm kế thế sự nghiệp của Sư trưởng Như Thanh, với đạo hạnh khả phong, Ni trưởng vinh dự được cung thỉnh vào hàng Giới sư truyền trao giới pháp cho Ni chúng.

Đạo nghiệp của Ni trưởng Như Châu huân tập được là nhờ vào nhân duyên tu học tại Tổ đình Huê Lâm – một môi trường đào tạo có nề nếp kỷ cương. Ngoài ra, Ni trưởng thượng Tâm hạ Đăng chính là người ươm mầm tuệ giác cho người đệ tử ngay bước đầu học Phật còn sơ cơ. Đặc biệt, phải kể đến Sư trưởng thượng Như hạ Thanh là vị Thầy dẫn đường nghiêm minh, tưới tẩm hạt giống Bồ đề, tạo các duyên thuận lợi cho người đệ tử tin yêu trở thành cột trụ chốn tòng lâm. Thật xứng đáng với câu:

“Giới đức trang nghiêm bao kiếp vun trồng nền đạo hạnh Thân tâm thanh tịnh, một đời tu tập sáng gương lành”.(HT. Minh Thanh – Viện chủ chùa Bửu Sơn, Q.5)

Tóm lại, Ni trưởng Như Châu một đời hiếu thuận với Sư trưởng Như Thanh, “đa phần chỉ làm việc tại Tổ đình”, không móng tâm viễn ý cao xa, phục vụ Thầy Tổ, phụng sự Tổ đình và là chỗ nương tựa cho chư huynh đệ. Ni trưởng được Đại chúng kính quí, được Giáo hội ghi nhận đức hạnh, trở thành gương sáng cho hậu lai. Sở dĩ có được điều này là vì Ni trưởng không dám trái ý vị Thầy cao cả của mình, luôn làm theo lời thầy, xứng đáng một đời hiếu thuận vuông tròn quả đức. Thật là:

Mười tuổi đầu bén duyên Phật pháp,

Theo bước cha vào chốn Không môn.

Linh Sơn thọ giáo cụ Tâm Đăng,

Theo Sư trưởng nhờ ơn giáo dưỡng.

Tinh tấn học tu tròn hiếu thuận

Gương hạnh lành sáng mãi ngàn năm.

Chú thích: 

1. Trích trong “Tiểu sử Ni trưởng Như Châu”.

2. NT. Như Ấn, Trưởng ban Quản trị Tổ đình Huê Lâm, Trụ trì chùa Huê Lâm II, Bà Rịa – Vũng Tàu.

NS. Như Minh

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.