Chùa Thanh Gia, hay còn gọi là chùa Đường Xuồng Mới, (Duong Ley SìRìVanSa) tọa lạc tại ấp Hòa Thanh, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang là một ngôi chùa nổi tiếng, được nhiều người biết đến.
Chùa Thanh Gia được thành lập vào khoảng năm 1910 bởi cụ ông Kom Chhun và bà con trong bổn sóc, trên nền đất hơn 2ha. Trải qua 110 năm, chịu tác động của biến cố thời cuộc, ngôi chùa nhiều lần bị tàn phá và nhiều lần được phục dựng lại.
Cũng như nhiều ngôi chùa Khmer khác ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chùa Thanh Gia được người dân địa phương xem là điểm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa cộng đồng. Trong một khuôn viên rộng lớn, chùa được bao bọc bởi những hàng cổ thụ như cây sao, cây dầu. Đất lành thì chim đậu, trên những ngọn cây cao vút xung quanh chùa, hàng trăm đàn cò từ khắp nơi cũng bay về đây cư trú. Chúng làm tổ, sinh sản và xem chùa là nơi trú ngụ an toàn.
Chùa Thanh Gia trải qua nhiều đời trụ trì. Có vị sớm hoàn tục, có vị viên tịch do tuổi cao, và cũng có vị đã hy sinh anh dũng để bảo vệ cho đạo pháp, dân tộc. Là vị trụ trì đời thứ 13 hiện tại của chùa Thanh Gia, nhiều năm qua, Hòa thượng Trần Nhiếp luôn được bà con Phật tử tôn kính.
Năm nay, Hòa thượng đã 91 tuổi đời, 51 tuổi hạ. Ngài hiện là Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là bậc chân tu khả kính của Sư sãi, đồng bào Khmer trong tỉnh nói riêng, của Phật giáo tỉnh Kiên Giang nói chung.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Định Hòa (Gò Quao), nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 33,28% dân số toàn huyện, với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống: Kinh, Khmer, Hoa, Chăm, Tày, Mường, Hòa thượng Trần Nhiếp luôn thấu hiểu nỗi khó khăn, nhọc nhằn của bà con. Đây là vùng đất trũng phèn nên năng suất cây lúa, hoa màu rất thấp, người dân Định Hòa dẫu cần mẫn làm ăn nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám.
Nơi chốn thiền môn, Hòa thượng Trần Nhiếp đau đáu dõi theo cái khổ của dân nghèo. 15 công đất thuộc tài sản của nhà chùa, Hòa thượng vận động các sư sãi làm lụng, mong sao cho năng suất lúa cao nhất, làm ra hạt gạo dẻo thơm nhất, góp phần cứu trợ bà con.
Nói đến Hòa thượng Trần Nhiếp, người dân nơi đây thường nghĩ về hình ảnh một vị sư già, gần gũi, ngồi trên chiếc xe ôm rong ruổi đến những phum, sóc xa xôi để khảo sát và trực tiếp xây những cây cầu kiên cố, tạo thuận lợi cho việc giao thông qua lại. Hễ ở đâu nói chưa có cầu là sư tới hỗ trợ xây cầu, ai nghèo khó, thiếu thốn thì giúp họ dựng nhà để an cư lạc nghiệp. Ai ốm đau, bệnh tật không có tiền đi bệnh viện thì Ngài giới thiệu với Hội bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang để được khám miễn phí.
Bắt đầu xây dựng cây cầu đầu tiên vào năm 1972, Hòa thượng nhận thấy lợi ích to lớn của những cây cầu bê tông kiên cố ở nơi kênh rạch chằng chịt đặc trưng của vùng đất miền Tây. Những cây cầu có thể góp phần thúc đẩy kinh tế cho cả một vùng dân cư. Hòa thượng ngày đêm tìm hiểu thêm về kỹ thuật xây cầu sao cho đảm bảo về kỹ thuật, thẩm mỹ, sức bền. Sau đó, Hòa thượng cho thiết kế một góc chùa thành nhà xưởng và sư sãi trong chùa dần trở thành những người thợ tay nghề cao.
Hàng chục năm qua, Hòa thượng Trần Nhiếp đã vận động, quyên góp xây dựng hơn hai trăm cây cầu bê tông và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bằng xi măng, đồng thời quyên góp xây hơn 500 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương giúp hộ nghèo, gia đình khó khăn về nhà ở…
Ngoài ra, sư còn vận động khoan giếng nước ngọt cho bà con sử dụng, hỗ trợ người tật nguyền, giúp đỡ đồng bào dân tộc Khmer phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… Với những đóng góp cho công tác xã hội, năm 2008, Hòa thượng Trần Nhiếp vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và năm 2014 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì về những việc làm, nghĩa cử cao đẹp, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương, trong đó, có quá trình phát triển của xã Nông thôn mới Định Hòa.
Thượng tọa Thích Minh Tiến