Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đó là lời của Đức Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN khuyên bảo Tăng Ni trong một lần thầy trò Trường Trung cấp Phật học Hà Nội đến tổ đình Viên Minh đảnh lễ thỉnh cầu ngài giáo giới.

Ngài cũng nhấn mạnh về phẩm chất của vị thầy, rằng vị thầy phải là người hiểu biết, có năng lực để giáo dưỡng đệ tử, giảng dạy Phật pháp cho tín đồ nhận thức đúng về những vấn đề căn bản của Phật pháp, thuần thục trong các phép ứng xử thiền môn.

Đức Trưởng lão Hòa thượng Pháp chủ của Giáo hội đã bày tỏ sự xót xa trước những biểu hiện suy thoái trong lối sống của một vài cá nhân làm ảnh hưởng đến sơn môn, Tăng đoàn và Giáo hội. Ngài gọi đó là sự “phóng dật”, “sống buông thả theo thế gian chứ không phải tu”, “chỉ là người tại gia ở chùa”…

Trách nhiệm của người thầy đã được xác lập qua cuộc đời của Đức Phật đối với các đệ tử xuất gia cũng như tại gia, ghi chép một cách sinh động đặc biệt trong kinh điển. Điều đó cũng được cụ thể hóa thành những nguyên tắc trong các bộ luật, “Một lòng dạy dỗ, xem họ như đứa con một của mình, mà không cầu sự trả ơn, không vì tiếng tăm, không vì lợi dưỡng, cũng không cầu sự vui cho chính mình” (Kinh Ưu-bà-tắc giới).

Yết-ma chỉ nam quy định rõ về điều kiện và các thủ tục của một vị Tỳ-kheo được thu nhận đệ tử xuất gia. Điều 40, thuộc Chương VIII của Nội quy Tăng sự hiện hành cũng tái xác lập các tiêu chuẩn về tư cách làm thầy và điều kiện thu nhận đệ tử xuất gia. Nếu thực hiện các quy định này, cùng với sự ý thức của cá nhân trong trách nhiệm làm thầy thì việc thu nhận, giáo dưỡng người xuất gia chắc chắn sẽ tốt đẹp.

Ví như một người học xong ngành y nhưng chưa có kinh nghiệm chữa trị lâm sàng, nếu “vượt rào” không qua chấp thuận của hội đồng y khoa mà tự tiện hành nghề, hẳn sẽ dễ gây ra những sự việc đáng tiếc, hại mình hại người.

Tuy nhiên, thực tế đây đó vẫn có những hiện tượng, trường hợp vận dụng các phép tắc ứng xử không phù hợp, thậm chí tùy tiện. Cũng cần nói thêm rằng, với sự tiếp biến của văn hóa nước ngoài trong một xã hội thông tin bùng nổ, nhiều giá trị truyền thống đã bị rạn nứt, mối quan hệ thầy – đệ tử của người xuất gia cũng không ngoại lệ.

Trong nhiều lần nhắc nhở trước Tăng Ni tại TP.HCM, Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh đã lưu ý tới việc thu nhận đệ tử xuất gia, khuyến giáo cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng về tư cách làm thầy và tố chất của đệ tử, không chạy theo số lượng, buông lỏng.

Bởi dù muốn hay không, trong dư luận, Tăng Ni là “người khuôn mẫu” như Đức Pháp chủ đã nhấn mạnh; lối sống thanh giản không tranh đua danh vọng, lụy tiền tài vật chất… đã trở thành biểu tượng cho đạo đức giải thoát. Do vậy, hễ khi một vài cá nhân nào đó có hành vi không thích hợp lập tức bị dư luận lên án gay gắt. Xét ở mặt tích cực, chính sự nghiêm khắc của dư luận phần nào giúp cho người xuất gia ý thức phòng hộ tự thân, tránh việc gây tổn thương đến hình ảnh Tăng đoàn.

Mong rằng những quy định thuộc Nội quy Tăng sự do Ban Tăng sự Trung ương soạn thảo sẽ được thực thi trong đời sống, nhằm ổn định Tăng đoàn, trang nghiêm Giáo hội.

Diệu Nghiêm

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.