“Trí Quang tự truyện” là những phác thảo sơ lược, với khoảng 20.000 chữ – quá ít so với những biến cố quan trọng mà Ngài đã chứng kiến và trải qua. Cuốn tự truyện được xuất bản vào cuối năm 201, in khổ nhỏ, in 3000 bản, ngoài bìa đánh số từ bản 1 đến bản 3000.
Hòa thượng Thích Trí Quang là một bậc danh tăng Việt Nam thời hiện đại. Ngài sinh năm Quý Hợi (1923), tại làng Diêm Điền, tỉnh Quảng Bình – ngôi làng có mối liên hệ chặt chẽ với Phong trào Văn Thân của chí sĩ Phan Đình Phùng. Hòa thượng sinh ra trong một gia đình gồm sáu anh em trai. Gia đình Ngài có truyền thống Phật giáo lâu đời; thân phụ sau này xuất gia, làm đệ tử của ngài Đắc Quang – Tăng cang chùa Linh Mụ.
Hòa thượng Thích Trí Quang
là nhân vật lịch sử có vai trò quan trọng trong phong trào tranh đấu Phật giáo 1963. Ngài là nhà lãnh đạo Phật Giáo được báo chí quốc tế nhắc tới nhiều nhất. Khi Chùa Xá Lợi bị tấn công, tăng ni bị bắt, việc Hòa thượng vượt khỏi hàng rào nhà tù vào lánh nạn trong Toà Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn từng được coi là một bí ẩn, mọi chi tiết chưa từng được kể lại. Tuần báo Time đã đăng hình Hòa thượng với lời ghi chú “Người làm rung rinh nước Mỹ”.
Tuy vậy, việc góp sức vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam cũng như lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ Diệm, chống đàn áp Phật giáo không phải là tâm hướng của Hòa thượng. Việc biên dịch kinh sách… mới: “đích thực là thị hiếu và chí hướng bình sinh của đời tôi, là lòng mong ước của mẹ tôi”; hay khi nói về việc học Phật, Hòa thượng nói: “Việc nầy vừa là nền móng vừa là trụ cột, của đời tôi” – Trích: Trí Quang tự truyện. Sau Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập, Hòa thượng là Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống.
Cuối năm 2011, Hòa thượng cho xuất bản cuốn “Trí Quang tự truyện” – NXB.Tổng Hợp TP.HCM. Cuốn sách in khổ nhỏ, dày 222 trang gồm cả bìa, cỡ chữ 18, in 3000 bản, ngoài bìa đánh số từ bản 1 đến bản 3000.
“Trí Quang tự truyện” là những phác thảo sơ lược, với khoảng 20.000 chữ – quá ít so với những biến cố quan trọng mà Ngài đã chứng kiến và trải qua. Bởi, theo Hòa thượng: “Rốt cuộc, tôi không biết gì, không có ý định gì cả, nên cuộc đời tôi “không vẫn hoàn không”, không có gì đáng nhớ, đáng nói. Ngay như tự truyện này, vì không thể không có nên phải viết và phải in, mà thôi. “Không vẫn hoàn không” là Phật cho, tôi mới được như vậy”.
Kinh nghiệm biên dịch Đại tạng kinh và biên tập Đại từ điển
Biên dịch Đại tạng kinh và biên tập Đại từ điển chính là hoài bảo của bất cứ ai đã học Phật, và đối với Hòa thượng: “Đó là nỗi ân hận đã thành thống hận cho đời tôi”.
Hòa thượng chia sẻ về biên dịch Đại tạng kinh, nếu Đại tạng ấy không nhiều thì nên bỏ những bản trùng dịch, bỏ những bản không cần dịch, biên dịch yếu lược và nên tham khảo “Quốc dịch đại tạng kinh” của Nhật Bản.
Về biên tập Đại từ điển, Hòa thượng cho rằng: “Đừng làm theo Phật học đại từ điển, Phật quang từ điển. Phật học từ điển của Vọng nguyệt cũng phải thu xếp lại chỗ nào cần làm như vậy. nói thí dụ, chữ Kiếp có đại kiếp, trung kiếp và tiểu kiếp, 4 từ tất cả. Nếu giải thích tất cả vào trong từ Kiếp thì tra mau và dễ hiểu hơn. Vấn đề ở chỗ làm mục lục cho kỹ một chút. Lại nữa, lối giải thích như Nhất thế kinh âm nghĩa thì xác hơn, vì có chữ chỗ nầy chỗ khác, đâu phải tất cả đều giống nhau. Nên kinh xưa thường có âm thích ở cuối kinh, làm như vậy xác hơn”.
Ngài không dạy học, vì không thích bằng sự biên dịch: “Khởi sự hơn 1 năm trước ngày tốt nghiệp, tôi đã chuẩn bị đầy đủ để biên tập “Từ điển Phật học” và biên dịch “Đại tạng kinh”. Nhưng công việc lúc đó, công việc góp sức “vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam” khiến tôi xếp cất lại chí nguyện của mình. Chỉ còn làm lai rai, như đã làm và sẽ còn làm. Tôi rũ bỏ hết, rũ bỏ thật hết, cầu sao sống được một năm hay năm bảy tháng nữa để sửa chữa và biên dịch mấy đầu sách rất cần. Bản tự truyện này viết mất vài ba tuần, làm tôi không khoái chút nào.
Dưới đây là danh mục đã sửa chữa từ Pháp ảnh lục (mà tôi đã quyết định đình chỉ):
1. Ba ngàn hiệu Phật,
2. Lương hoàng sám,
3. Pháp hoa chính văn,
4. Pháp hoa lược giải,
5. Vạn Phật,
6. Tổng tập giới pháp xuất gia,
7. Dược sư,
8. Địa tạng,
9. Thủy sám,
10. Kim cang.
và các tiểu phẩm:
1. Hành pháp kinh Di đà,
2. Vu lan báo ân,
3. Tôn kính đức Quan âm.
và dự tính đang làm:
1. In lại Pháp cú Nam tông,
2. Đang dịch Pháp cú Bắc tông,
3. In lại Nhiếp luận,
4. Chữa và in Khởi tín luận,
5. In lại kinh Ánh sáng hoàng kim.
Chữa và in các tiểu phẩm:
1. Tập định Lăng nghiêm,
2. Dị tông luận”. (Trích, Trí Quang tự truyện, từ trang 42-49)
Tấm gương học Phật
Ngài viết: “Khi còn học ở Phật học viện, tôi tụng kinh rất nhiều. Thường quì luôn trên 2 giờ, theo lối quì của Nhật Bản. Mắt rất rõ. Tiếng cao, trong, dài. Lạy siêng lắm, không biết mệt là gì. Mỗi lần tụng kinh, lạy ít nhất 108 lạy.
Khi tụng kinh tại chánh điện, Ngài thường không tán, không dùng chuông mõ. Kinh Hoa nghiêm 80 cuốn Hòa thượng tụng 5 cuốn mỗi lần, với Kinh Đại phương tiện báo phụ mẫu trọng ân Ngài tụng 2 lần, đặc biệt là Đại bát niết bàn, Ngài chỉ tụng 2 lần bản dịch của ngài Đàm mô sấm.
Ngoài viêc tụng kinh, Ngài còn đọc nhiều sách báo Phật giáo, đặc biệt là Hải triều âm. Các sách quốc ngữ Ngài cũng có chọn lọc rất kỹ và đọc.
Cuộc đời và sự nghiệp của Hòa thượng Thích Trí Quang được phác thảo qua cuốn tự truyện của Ngài đã giúp chúng ta hiểu hơn về tâm hướng của Hòa thượng – một bậc danh tăng hữu công với Phật giáo mà tiếng thơm về Ngài vẫn mãi lưu truyền.
Một số hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Hòa thượng Thích Trí Quang:
Minh Chính