Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Bồ Tát Quán Thế Âm đại từ đại bi thường cứu khổ, cứu nạn cho tất cả chúng sinh bằng tấm lòng của một người mẹ thương con, với hạnh nguyện bao la không giới hạn.

Đức Quán Thế Âm cứu nạn nước

Truyện kể rằng có viện hải dương học thuê một chiếc thuyền để làm phim tài liệu chuyên môn cho viện. Không may cho ê-kíp làm phim và thủy thủ đoàn, ngoài khơi họ đã gặp sóng to gió lớn, thuyền bị lật, mọi người đều bị rơi xuống biển giữa dòng nước lạnh thật khủng khiếp. Vì không được cứu hộ nên từng người một phải bỏ mạng trong biển lớn.

Chỉ duy nhất một người sống sót. Anh ta kể lại rằng trong lúc tuyệt vọng ấy, bỗng nhiên anh nhớ tới người vợ hiền thường khuyên anh niệm “Quán Thế Âm Bồ tát” mà trước đây anh cảm thấy không cần dùng nên không lưu tâm đến, và cứ như thế anh nhất tâm niệm “Đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát,…”. Anh không biết mình đã niệm bao lâu, đến khi có một chiếc thuyền đánh cá đến cứu, đưa về bệnh viện, anh mới biết đã trôi giạt trên biển hết 14 tiếng đồng hồ.

Người ngư phủ đến cứu anh hôm đó vốn không muốn ra biển, vì có sóng to gió lớn. Nhưng hôm ấy cái lư hương dùng để cúng Phật của gia đình ông bỗng nhiên phát hỏa, lửa bốc cháy trong lư hương rất kỳ lạ. Bà vợ của ông như linh cảm chuyện gì, bèn giục chồng phải ra biển. Ông càu nhàu nói: “Hôm nay không ai ra biển, bà lại ham tiền sao lại xúi tôi như thế?”. Sau đó, mặc dù không muốn nhưng ông cũng cho thuyền nhổ neo ra khơi, thấy có người gặp nạn liền cứu rồi đưa về bệnh viện.

Chính anh ấy là người duy nhất trong đoàn làm phim thoát nạn nhờ ông ngư dân cứu hộ. 14 tiếng đồng hồ trôi nổi dập vùi giữa sóng lớn, phải chứng kiến những người bạn mất đi, vừa đói khát lạnh lẽo, thế mà có thể sống quay về, anh ấy tự cảm nhận đó là sự linh ứng do niệm Bồ tát Quán Thế Âm.

Bài học đạo lý

Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm thứ 25 dạy về hạnh nguyện của Đức Quán Thê Âm, được gọi tắt là phẩm Phổ môn hay Kinh Phổ môn, thường được rất nhiều Phật tử trì tụng để cầu sự an ổn. Sở dĩ như vậy là vì trong kinh dạy rằng vị Bồ Tát này có hạnh nguyện rộng lớn vô biên, luôn quán xét những âm thanh kêu cứu của các chúng sinh gặp khổ nạn để tầm thanh cứu khổ.

Trong kinh văn không nói đến việc Đức Quán Thế Âm là nam hay nữ, còn theo ý nghĩa rốt ráo thì Ngài vốn không hề có tuổi tác, cũng như tất cả các hình tượng nhìn thấy được đều không phải là tướng thật của ngài. Nhưng từ trước đến nay, những người Phật tử thông thường đều xem Ngài là hiện thân nữ, và lòng từ bi của ngài được ví như tình thương của người mẹ dành cho con, vốn là vô điều kiện và bao la không giới hạn. Bảo tướng trang nghiêm của ngài cũng được xem là tượng trưng cho đức hạnh và sự thanh tịnh.

Kim thân thánh tượng của Đức Quán Thế Âm được nhiều người tôn kính thờ cúng, từ đô thị tới nông thôn, trên xe, trên thuyền, ở bất cứ nơi đâu thánh tượng cũng được đặt ở nơi trang trọng nhất. Không riêng gì tại Việt Nam, mà ở hầu hết các nước Á Đông như ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v… khi nói đến Đức Quán Thế Âm, ai ai cũng kính ngưỡng và xem Ngài như đấng Mẹ hiền Cứu khổ Cứu nạn.

Bồ tát Quán Thế Âm hiện thân người nữ – tùy duyên giáo hóa

Bồ Tát vốn không có hình tưóng nam nữ, chỉ do tâm nghĩ tưởng của chúng ta mà thôi. Đức Quán Thế Âm được xem như một người mẹ hiền của tất cả chúng sinh, do đó mà hình tượng của Ngài luôn là người nữ.

Trong phẩm Phổ Môn dạy rằng: “Nếu cần phải dùng thân nữ để độ chúng sinh, thì Bồ Tát sẽ hiện thân nữ thuyết pháp để độ”. Và để tùy duyên hóa độ chúng sinh, ngài cũng thị hiện 33 hóa thân khác nhau, nên Đức Quán Thế Âm cũng có thể hóa thân làm vua chúa, quan đại thần, trưởng giả hay cư sĩ v.v…

Ngài được tôn thờ và kính ngưỡng như người mẹ hiền của tất cả chúng sinh, chính là phát xuất nơi tâm từ bi vô lượng của ngài. Chính vì vậy mà hình tượng Đức Quán Thế Âm được khắc họa theo vóc dáng của người nữ có nét đẹp đoan nghiêm, thanh thoát. Ngài được mọi người cung kính tôn thờ bởi đã từng có rất nhiều sự cảm ứng nhiệm mầu xuất phát từ hạnh nguyện cứu khổ cứu nạn cho tất cả chúng sinh của ngài.

Lòng từ của Đức Quán Thế Âm ban trải khắp nơi với mọi người, mọi loài, mọi giai cấp, từ già đến trẻ, cho dù chỉ là đứa bé cần cầu một điều gì, miễn là có sự chí thành chí thiết thì Ngài cũng phân thân tới nơi không ngần ngại.

Ngàn chỗ cần cầu, ngàn chỗ hiện,

Thuyền từ, biển khổ giúp người qua.

Tấm lòng từ bi của Ngài là như vậy, nếu chúng sinh khố nạn kêu cầu mà không thấy có sự cảm ứng thì chắc chắn đó là do trong tâm đầy tạp niệm, dù khấn nguyện với Bồ Tát mà không hề có sự chí thành. Như vậy, đó là chúng ta cô phụ Ngài chứ không phải Bồ Tát cô phụ chúng sinh.

Chúng sinh phàm phu biết phải làm sao trước sóng gió cuộc đời nếu chẳng nhờ vào tha lực của Đức Quán Thế Âm đưa ta ra khỏi biển khổ, sông mê? Và chẳng phải là đã có biết bao chúng sinh nương vào tha lực ấy mà được ra khỏi chốn đau thương đó sao? Cho nên, Bồ Tát Quán Thế Âm không phải là hình tượng trong chuyện cổ tích. Bồ Tát hiển hiện ngay trong cuộc đòi này rất thiết thực, chỉ cần ta đặt hết niềm tin và tâm chí thành vào Ngài thì sẽ nhận được sự cảm ứng diệu kỳ.

Cứu khổ cứu nạn – Người mẹ thương yêu tất cả chúng sinh

Bồ Tát Quán Thế Âm đại từ đại bi thường cứu khổ, cứu nạn cho tất cả chúng sinh bằng tấm lòng của một người mẹ thương con, với hạnh nguyện bao la không giới hạn. Vì thế, ngài có thể thị hiện ứng hóa thân dưới nhiều hình dạng, như trong trại trẻ mồ côi thì là cô bảo mẫu, đem tình yêu thương cho trẻ mồ côi; trong viện dưỡng lão là cô điều dưỡng chăm sóc những người già yếu; trong bệnh viện thì là bác sĩ, y tá, điểu dưỡng với áo trắng bên giường, an ủi, thuốc thang v.v… Những người phụ nữ với tâm từ này, chẳng phải là Đức Quán Thế Âm hiện thân cứu khổ cứu nạn đó sao?

(Nguồn: “Khả triết các bậc long tượng – Hình tượng người phụ nữ trong Phật giáo”

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011)

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.