GS Hà Văn Tấn để lại một di sản được các thế hệ học trò đánh giá là “của một người khổng lồ” trong nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học, văn hóa học và Phật giáo Việt Nam.
Người cuối cùng trong tứ trụ “Lâm, Lê, Tấn, Vượng” (các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng) của ngành sử học Việt Nam, giáo sư Hà Văn Tấn đã qua đời ngày 27/11/2019. Trao đổi với phóng viên về sự mất mát to lớn này của giới nghiên cứu KHXH&NV khi đang khai quật tại Quảng Ngãi, TS Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam “chưa thể viết gì lúc này về thầy”, bởi vì “thực sự là những đóng góp của thầy quá lớn và các học trò chỉ có thể nói về một khía cạnh nào đó thôi”.
Học trò khác của GS Hà Văn Tấn như TS Mai Thanh Sơn, Viện KHXH vùng Trung Bộ, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đều đồng tình “ông là người khổng lồ” đầy thông tuệ và minh triết, và “thật khó có thể đánh giá được hết những đóng góp của ông cho nghiên cứu Lịch sử học, Khảo cổ học, Văn hoá học, Phật giáo học”. “Sau ông chưa ai có thể nghiên cứu vừa rộng vừa sâu được như ông”, TS Nguyễn Tiến Đông nói.
Là thế hệ học trò của các nhà trí thức lớn như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy…, các ông Lâm, Lê, Tấn, Vượng đã cùng với GS Trần Văn Giàu xây dựng, định hình các hướng nghiên cứu cho Khoa Lịch sử của trường Tổng hợp (thuộc Đại học KHXH&NV Hà Nội sau này) và đào tạo nhiều thế hệ cán bộ các Viện Sử học, Viện Khảo cổ học.
“Người khổng lồ”
Không chỉ là nhà khoa học có bút lực dồi dào, sức làm việc phi thường, GS Hà Văn Tấn còn là bậc kỳ tài với khả năng tự học. Hết lớp 9, ông bắt đầu rời quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh ra Hà Nội học đại học trong vòng 2 năm và ở lại Khoa Lịch sử làm tập sự trợ lý cho GS Đào Duy Anh (nên sau này ông vẫn thường nhắc “tôi học phổ thông 9 năm, học đại học 2 năm, có thể nói chính xác trình độ của tôi là 9+2”). Thế nhưng ở tuổi 21, ông đã hiệu đính và làm chú dẫn bản dịch “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi (do cụ cử Phan Duy Tiếp dịch). Bản dịch có chú dẫn ấy đã làm nhiều người phải sửng sốt, ngay cả nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc cũng phải thốt lên “cứ ngỡ đây là bậc túc nho, một cụ cử cụ tú già, thông kim bác cổ. Ai ngờ người soạn Chú dẫn lại là một chàng trai chỉ mới 21 tuổi!… tiếng là chú thích, dẫn giải nhưng dài gấp bốn lần chính văn. Thực ra, 115 trang này đích thị là một cuốn địa lý lịch sử khảo về duyên cách, núi sông… Việt Nam từ cổ đại đến thế kỷ XV, công phu và uyên bác. Để làm công việc này, một công việc mà trước đó chưa ai làm, tác giả đã dẫn dụng tới 30 bộ sách của các tác giả Trung Quốc và 16 bộ sách Việt Nam! Tất cả dĩ nhiên đọc trực tiếp từ nguyên văn chữ Hán [1]”.
Sau này được GS Trần Văn Giàu phân công nghiên cứu giảng dạy lịch sử Việt Nam từ buổi đầu cho đến hết thời nhà Hồ, GS Hà Văn Tấn đã tự học thêm hàng loạt các kiến thức chuyên ngành khác, từ nhân học hình thể cho tới ứng dụng phương pháp thống kê để đi sâu nghiên cứu về thời kỳ tiền sử và sơ sử của đất nước. Không chỉ dừng lại điều tra và khai quật nhiều di chỉ văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn, Sa Huỳnh và công bố mà ông còn thu thập tài liệu, tìm hiểu về bối cảnh rộng lớn hơn là khảo cổ học Đông Nam Á và Trung Quốc mà như ông nói sau này “khi viết về các vấn đề khảo cổ học Việt Nam, tôi thấy vững tâm hơn vì đặt được trong bối cảnh Đông Nam Á” [2].
Bức ảnh được chụp tại nhà GS Đào Hùng khoảng năm 2000 sau khi GS Đào Duy Anh được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm Công trình Lịch sử và Văn hoá Việt Nam. Từ trái sang phải: GS Trần Quốc Vượng, GS Đinh Xuân Lâm, GS Hà Văn Tấn, Nhà văn hóa Phan Ngọc, Nhà sử học Dương Trung Quốc, GS Phan Huy Lê, Nhà sử học Đào Hùng, GS Đào Thế Tuấn. Nguồn: Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam.
“Lang thang trên các nẻo đường khác của khoa học”
Không chỉ để lại các công trình khảo cổ học đặt nền móng cho các thế hệ học trò tiếp tục khám khá, mà ông vẫn “lang thang trên các nẻo đường khác của khoa học” (như ông tự nói) và để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam giai đoạn thế kỷ X đến thế kỷ XI cũng như lịch sử Phật giáo Việt Nam. “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông” (viết chung với PGS.TS Phạm Thị Tâm) là một cuốn sách rất nổi tiếng, được đánh giá là hấp dẫn bởi nhiều tư liệu quý hiếm và sinh động, “lần đầu tiên tôi được đọc cuốn này khi đang là học sinh cấp III (1978). Một cuốn sách hút hồn người đọc từ trang đầu đến trang cuối. Và đọc xong, thấy tự hào vì mình là người Việt”, TS Mai Thanh Sơn nói. Cách viết của GS Hà Văn Tấn có “nhiều phân tích sáng sủa, chặt chẽ, tái hiện được không khí lịch sử” như nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy nhận xét, cuốn sách này “cùng với ‘Khởi nghĩa Lam Sơn’ của Phan Huy Lê, ‘Thiên tài quân sự Nguyễn Huệ’ của Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng đã từng làm say mê tuổi thơ tôi” [3].
Nhìn chung, “các công trình nghiên cứu của GS. Hà Văn Tấn vừa rộng, vừa sâu và luôn được trình bày bằng một văn phong lịch lãm nhưng chặt chẽ, logic”, TS Mai Thanh Sơn nói.
Dù chủ yếu thông qua con đường tự học trong bối cảnh hết sức biệt lập của nền KHXH&NV nước ta nhưng GS Hà Văn Tấn luôn trăn trở với vấn đề lý thuyết, phương pháp luận cập nhật với các cuộc thảo luận về lý thuyết và phương pháp trên thế giới. “Khi bắt tay vào nghiên cứu phương pháp luận sử học, tôi mới thấy có lắm vấn đề. Đọc lại sách nước ngoài, nhất là sách của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, tôi mới vỡ nhẽ rằng chẳng có quyển nào trình bày phương pháp luận sử học một cách hoàn chỉnh”, ông từng viết. Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn có tham vọng “ngoài giáo trình phương pháp luận sử học, còn nhiều môn học bổ trợ cho sử học cũng chưa có giáo trình như sử liệu học, văn bản học, ấn chương học, cổ văn tự học, minh văn học… Ôi, còn nhiều điều phải truyền thụ cho lớp trẻ!”.
Có lẽ, một trong các kinh điển của ông để lại cho giới nghiên cứu KHXH&NV là tiểu luận “làng, liên làng và siêu làng” vẫn là tài liệu gối đầu giường cho hầu hết các thế hệ học trò ngành sử, văn hóa, dân tộc học sau này để nghiên cứu “làng như một vi vũ trụ (microcosmos) qua đó ảnh xạ đặc điểm xã hội và lịch sử Việt Nam”. Dù tiểu luận ngắn, nhưng nó khái lược các cách tiếp cận quan trọng trong nghiên cứu làng xã Việt Nam và đưa ra những khái niệm mang tính định hình trong nghiên cứu gồm “liên làng”, “siêu làng”, các mối quan hệ bên trong và bên ngoài cấu trúc của làng.
Tuy nhiên, đang ở độ chín của sự nghiệp thì năm 2001 GS Hà Văn Tấn bị đột quỵ, khiến nhiều dự định nghiên cứu chưa thể thực hiện như mong đợi. Điều ông để lại đến hôm nay là “gợi ra hàng ngàn ý tưởng đột phá trong khoa học” với sự “nhạy bén, sắc sảo và thông tuệ của mình”, như TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á viết, sẽ tiếp tục được các học trò viết tiếp. Như lời GS Hà Văn Tấn từng bộc bạch sau 40 năm (1957-1997) miệt mài giảng dạy và nghiên cứu khoa học: “Ngày xưa, nhà thơ Đường Trần Tử Ngang đã viết: Tiền bất kiến cổ nhân/ Hậu bất kiến lai giả/ Niệm thiên địa chi du du/ Độc sảng thiên nhi thế hạ” (Nhìn về trước, thấy đâu người cổ/ Nhìn về sau, chẳng có một ai/Mênh mông giữa cõi đất trời/ Đau thương dòng lệ tuôn dài cô đơn). Còn tôi, 40 năm qua, tôi đã tìm được dấu người xưa và thấy cả một lớp người sau đang hào hứng đi tới” [4].
Chú thích:
[1] Dẫn theo Đỗ Lai Thúy, GS. Hà Văn Tấn, vị giáo sư khảo cổ học và hành trình theo dấu văn hoá, sách 100 năm Đại học Quốc gia Hà nội. Nguồn: http://100years.vnu.edu.vn/BTDHQGHN/Vietnamese/C1778/C1779/2006/05/N7890/
[2] Hà Văn Tấn, 40 năm học tập và nghiên cứu, https://khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn/40-nm-hc-tp-va-nghien-cu-gs-ha-vn-tn/
[3] Đỗ Lai Thúy, đã dẫn.
[4] Hà Văn Tấn, đã dẫn.
Nguồn: http://tiasang.com.vn/
Bảo Như