Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Ngày nay, rất ít người biết đến bài từ “Vương Lang Quy” tài tình mà Thiền sư Khuông Việt làm trong buổi tiễn sứ thần Trung Quốc về nước. Mỗi khi nhắc tới Thiền sư Khuông Việt, người ta vẫn thường nhắc tới Thiền sư như một vị quốc sư với tài năng ngoại giao lỗi lạc.

Danh tiếng cũng như huyền thoại về Thiền sư – tấm gương sáng về tinh thần đạo pháp dấn thân cùng dân tộc vẫn được lưu truyền từ ngàn đời nay trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

thien-su-khuong-viet

Thiền sư Khuông Việt sinh năm 933, có tên tục là Ngô Chân Lưu – là cháu đích tôn của vua Ngô Quyền (Thiền sư là con trai cả của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, và là anh của sứ quân Ngô Xương Xí). Nhiều người biết rằng, Khuông Việt vốn chỉ là pháp hiệu, còn tên của ông là Ngô Chân Lưu. Tuy nhiên, có lẽ ít người biết rằng, Ngô Chân Lưu cũng chỉ là tên giả. Trên thực tế, Thiền sư Khuông Việt tên thật là Ngô Xương Tỷ. Quê ở làng Cát Lợi, phủ Thường Lạc, nay là xã Phục Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đó là thời kỳ đất nước loạn lạc, chính thể chưa yên sau khi vua Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán (938) giành độc lập. Sau khi vua Ngô Quyền mất, lẽ ra cha của thiền sư là Ngô Xương Ngập nối ngôi nhưng bị Dương Tam Kha cướp ngôi.

Thiền sư Khuông Việt là một đại trí thức, có công lớn trong việc dựng nước. Tư tưởng và học vấn uyên thâm của Ngài được hình thành và phát triển trên cơ sở của việc học tập Nho giáo sau đó là Phật giáo. Thời kỳ lịch sử cuối thế kỷ X và đầu thế kỷ XI ở nước ta, việc học chưa có điều kiện phát triển. Sau khi học Nho, Ngô Chân Lưu xuất gia tại chùa Phật Đà. Năm 20 tuổi, Thiền sư cùng trụ trì chùa Phật Đà đến chùa Khai Quốc (trước ngoài đê sông Hồng, nay là chùa Trấn Quốc) cầu pháp, thụ đại giới với Thiền sư Vân Phong. Sau đó, Thiền sư được truyền tâm ấn, trở thành vị tổ đời thứ tư dòng thiền Vô Ngôn Thông (dòng thiền vào nước ta năm 820, phát triển rực rỡ nhất vào thời Lý và là tiền thân của phái thiền Trúc Lâm – Yên Tử thời Trần sau này).

Thiền sư Khuông Việt là người xây dựng chùa Non Nước ở núi Vệ Linh (núi Sóc). Năm 969, vua Đinh Tiên Hoàng mời Ngài về Hoa Lư vấn thiền. Thấy Thiền sư quả thực thông tuệ, vua đã phong cho chức Tăng Thống và ban hiệu Khuông Việt tức Khuông phò nước Việt). Những buổi thiết triều, Ngài đều được dự bàn việc nước. Triều đại thay đổi, vua Lê Đại Hành nắm quyền, thiền sư Khuông Việt, Thiền sư Pháp Thuận vẫn là những trụ cột trí thức của triều đình.

Thiền sư được vua Lê Đại Hành phong làm Quốc sư vừa phụ trách việc tôn giáo vừa là cố vấn của vua. Quốc sư đã đóng góp nhiều kế sách về mưu lược, tổ chức kháng chiến chống quân Tống xâm lược và giành thắng lợi. Với tài ngoại giao, chính trị mưu lược của mình, Quốc sư Khuông Việt chủ trương hòa bình với nhà Tống, năm 986, Ngài và thiền sư Đỗ Pháp Thuận phụng mệnh vua tiếp Lý Giác là sứ giả của nhà Tống. Và Quốc sư đã viết bài từ “Vương Lang Quy” nổi tiếng để tiễn sứ giả của nhà Tống về nước. Khúc từ này vốn có tên là “Ngọc Lang Quy”, mà truyền bản nhà Nguyễn viết thành “Vương Lang Quy”. Đây có thể nói là lần đầu tiên văn chương nghệ thuật đã công khai đưa vào phục vụ sự nghiệp chính trị ngoại giao.

Khi vua Lê Ngọa Triều băng hà, Quốc sư Khuông Việt cùng Thiền sư Vạn Hạnh đã ủng hộ tích cực và suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, thế vận nước ngày một hưng thịnh, Quốc sư Khuông Việt đã dời bỏ triều đình về chùa mở trường đào tạo tăng tài. Người đệ tử nổi tiếng của Quốc sư là Thiền sư Đa Bảo – người có vai trò rất lớn đối với triều đình vua Lý Thái Tổ.

thien-su-khuong-viet

Ngày 15/2 năm Thuận Thiên thứ 2 tức năm 1011, khi sắp cáo tịch, Quốc sư dạy đệ tử Đa Bảo kệ rằng:

“Trong cây vốn có lửa

Có lửa, lửa mới bừng

Nếu bảo cây không lửa

Cọ xát do đâu bùng”.

Quốc sư Khuông Việt viên tịch ngày 22/3/1011 (âm lịch), thọ 82 tuổi, để lại các tác phẩm như: “Thiền uyển tập anh ngữ lục”, “Truyền đăng lục”, “Vương lang quy”.

Trải qua ba triều Đinh, Lê, Lý, với tầm kiến văn sâu sắc, uyên thâm đạo pháp, bằng uy tín và vị thế to lớn, Quốc sư Khuông Việt đã làm cho nước Đại Việt ngày một ổn định và hưng vượng. Có thể thấy cuộc đời của Thiền sư Khuông Việt là một tấm gương sáng về sự tu học và xả thân vì dân tộc.

thien-su-khuong-viet

Đã hơn 1000 năm kể từ ngày Thiền sư Khuông Việt viên tịch, nhưng những gì mà Ngài làm cho đạo pháp và dân tộc ta vẫn còn nguyên giá trị. Bây giờ và mãi mãi về sau, Ngài vẫn là một tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Để tri ân Thiền sư, nhiều địa phương đã lấy pháp danh của Ngài đặt tên đường, tên trường, tên tạp chí, thậm chí không chỉ trong nước ta mà ở Pháp (Paris) và Na Uy cũng có chùa mang danh của Thiền sư.

Minh Chính

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.