Ở miền Trung, có cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là trụ cột của công cuộc chấn hưng Phật giáo, thì ở miền Nam có cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, một khuôn mặt Phật tử lớn đã cống hiến nhiều công lao trong việc chấn hưng và xây dựng Phật giáo phương Nam.
Cụ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền (Cụ – Cụ Chánh Trí) sinh năm Ất Tỵ (905 – 1973), tại làng Long Mỹ, nay thuộc huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre. Ngày cụ sinh ra, chỉ chưa đầy 30 năm trước đó thôi, triều đình nhà Nguyễn đã ký hòa ước Nhâm Tuất, nhường sáu tỉnh Miền Nam (Thường được quen gọi là “Nam Kỳ Lục Tỉnh”) cho thực dân Pháp, trong đó có quê hương Bến Tre của cụ.
Suốt cả quảng đời từ sơ học đến tiểu học, cụ được học hành đầy đủ theo chương trình giáo dục hiện thời. Có lẽ, với sở học và trí phán đoán nhậy bén của mình, cụ Chánh Trí không khỏi chạnh lòng khi liên tưởng các diễn biến lịch sử trên nơi mình sinh ra, để khi có điều kiện, lên tận Sài Gòn tiếp tục chương trình học, lòng yêu quê hương bản sở vẫn được mang theo và dưỡng nuôi lớn lên theo từng bước trưởng thành. Theo nhiều ý kiến cho rằng đó thể xem đó là bước thuận duyên đầu tiên của cụ Chánh Trí .(1)
Được bổ nhiệm, làm việc nhiều cấp hành chính ở nhiều địa phương khác nhau. Nhưng mối ưu tư cho dân tộc, và sau đó nữa là Đạo pháp thì chỉ có một, trở nên một trách nhiệm to lớn luôn nặng trĩu trong lòng. Cho nên, trên bước đường quan lộ đó, khi lần đầu tiên tiếp xúc với vị ân sư khả kính trong đời, Hòa thượng Thích Hành Trụ (1904 – 1984), túc duyên bao đời trong cCụ Chánh Trí như bừng sáng hẳn. Để từ đây những trang đời mới trên đôi vai của người cư sĩ tài ba lỗi lạc này có thêm những trách nhiệm lớn lao và có ý nghĩa to lớn vô cùng cho Đạo pháp mà hôm nay, dưới mái chùa này, chúng ta được dịp vân tập đầy đủ, góp chung tiếng nói tán dương và tri ân cụ .
Như đã nói, là một quan chức nhiều cấp, trong quá trình dấn thân từng trải, hơn ai hết cụ Chánh Trí hẳn đã biết và đã thấy một bối cảnh “Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, biết được sức mạnh và ảnh hưởng vô cùng to lớn của Phật giáo đới với quần chúng nhân dân, chúng đã thằng tay đàn áp Phật giáo, tăng –ni, tàn phá chùa chiền, nghi lễ Phật giáo bị ngăn cấm. Điều này cũng nằm trong kế hoạch thâm độc của chúng nhằm xóa bỏ văn hóa, phong tục, tập quán, cũng như tôn giáo truyền thống của người Việt Nam.
Mặt khác chúng cũng lo sợ nhân dân thông qua Phật giáo để chống lại chúng. Thế nên vừa tìm cách đồng hóa bằng việc thay thế dần văn hóa và lối sống phương Tây, đồng thời thực dân Pháp cũng ra sức truyền bá đạo Công Giáo. Có thể nói chưa khi nào Phật giáo Việt Nam lại đứng trước tình thế cấp bách như vậy, đòi hòi phải có sự chấn chỉnh về mặt tổ chức, để tập hợp, đoàn kết Tăng-ni Phật tử cùng chéo chống “con thuyền” Phật giáo trong phong ba bão táp, vì thế có nhiều người tâm huyết, nhất là các vị cao tăng đã nhất tâm củng cố Phật giáo.
Một lý do nữa khiến Phật giáo được củng cố và phát triển ở Việt nam , vào những năm đầu thế kỷ XX là do tình hình Phật giáo trên thế giới đã có những thay đổi lớn, đặc biệt ở Trung Quốc và Nhật Bản…” (2)
Khi cụ Chánh Trí đang bước đi những bước mang tính chất biến đổi cuộc đời trong lối đạo, gắn liền các hoạt động của mình song hành trong cuộc sống, thì nền tảng của cuộc Chấn hưng Phật giáo rực rỡ đã được khai lối. Những kết quả tích cực từ đó tạo nên nhiều thành quả trong các mặt mở các trường Gia giáo, Phật học, đào tạo tăng tài và tiếp theo sau đó là việc hình thành nên tổ chức mang tính tập hợp đầu tiên đó là Tổng hội Phật giáo Việt Nam, dù rằng, theo Wikipedia “Tổng Hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức được quy tụ các đoàn thể Phật giáo Đại Thừa tại Việt Nam khắp ba miền Nam- Trung – Bắc thời chiến tranh Đông Dương. Tổng Hội hình thành vào năm 1951 với mục đích tạo tiếng nói chung cho Phật giáo, nhưng về mặt tổ chức thì Tổng Hội không có cơ chế hoạt động”.
Trong bối cảnh chung đó, ở miền Nam, đặc biệt Sài Gòn, Giáo hội Tăng Già Nam Việt cũng được hình thành. Với tầm vóc và vị thế hoạt động, từ năm 1953 các cơ sở vật chất của Giáo hội này cũng đã được xây dựng và triển khai rộng khắp các tỉnh Nam Việt. Ngày 8/3/1953 công khai mở kỳ Đại hội đầu tiên (3).
Vì thế, khi đã có Tổng hội và Giáo hội Tăng già Nam Việt, Hội Phật học Nam Việt (HPHNV), được chư tôn Hòa thượng khả kính ủng hộ thành lập, đóng vai trò rất quan trọng vào thời điểm này vì ý nghĩa hoạt động của Hội rất rộng không chỉ hướng đến tầng lớp Tăng – Ni xuất gia mà còn bao quát đến các tầng lớp cư sĩ Phật tử tại gia cũng như từng bước dọn đường cho nhiều dự tính khác.
Đảm nhiệm chức vị Hội trưởng đầu tiên là cư sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe, một trong những trụ cột của Hội lưỡng Xuyên Phật học, Cụ Chánh Trí giữ chức vị Tổng Thư ký. Trong tuyên cáo thành lập ban đầu có nói đến nguyện vọng thống nhất các đoàn thể Phật giáo trong nước.
Bản tuyên cáo viết: “Đề xướng việc thành lập Hội Phật học này. Chúng tôi còn có thâm ý đi đến chỗ Bắc Trung Nam sẽ bắt tay trên nguyên tắc cũng như trong hành động. Sự thống nhất này đã trở nên cần thiết kể từ ngày mùng tám tháng sáu dương lịch năm nay, là ngày Việt Nam được làm hội viên Phật giáo quốc tế..”(3).
Với nguyện vọng to lớn và tích cực như thế, và để nương thừa oai đức, giúp hỗ trợ cho năng lượng thành công, bước tiếp theo, năm Nhâm Thìn (1952) cụ Chánh Trí cung thỉnh Hòa thượng Quảng Minh vào ngôi vị Hội trưởng.
Năm Ất Mùi (1955) Hòa thượng Quảng Minh phải sang Nhật Bản du học, cụ Chánh Trí nhận lấy trách nhiệm Hội trưởng cho đến khi tạ thế năm Quý Sửu (1973). Cũng cần nhắc thêm, trong bản tuyên cáo thành lập HPHNV trên Hội cũng có tâm nguyện muốn thành lập một Phật Học Đường thật lớn để đào tạo tăng tài, nhưng chưa thực hiện được hoài bão ấy, có lẽ vì bên cạnh Hội Phật Học Nam Việt đã có Phật Học Đường Nam Việt đã được thành lập trước đó và đã đi vào hoạt động chuyên trách khá ổn định.
Còn lại, chính nhờ quy tụ nhiều tầng lớp cư sĩ Phật tử tại gia, HPHNV đã nhanh chóng phát triển đến hầu hết các tỉnh thành không chỉ riêng Miền Nam và Sài gòn với hơn 40 tỉnh Hội và Chi Hội. Điều này cho thấy ý nghĩa to lớn và lợi ích của hàng tứ chúng mà xưa kia Đức Thế Tôn từng di huấn.
Nếu Tổng hội và Giáo hội Tăng già Nam Việt chịu trách nhiệm gánh vác và bao bọc hành trình tu học của Tăng – Ni và lo việc đối ngoại khả dĩ, thì HPHNV nhận lấy trách nhiệm phát triển, hướng dẫn tầng lớp Cư sĩ Phật Tử tu học cũng như sinh hoạt theo đúng chánh pháp.
Tạp chí Từ Quang, cơ quan ngôn luận và hoằng pháp của HPHNV do chính cụ Chánh Trí sáng lập và trực tiếp chăm nom từ năm 1951, có số lượng ấn bản thường xuyên, ổn định tới 242 số cho đến ngày cụ tạ thế.
Tạp chí Từ Quang đã là một đóng góp không nhỏ trong việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh. Tạp chí này cũng đã được chư tăng ở Phật Học Đường Nam Việt nâng đỡ và đóng góp khá nhiều về phượng diện biên tập, nhất là trong những năm đầu (3).
Tạp chí Từ Quang sau đó đã tự ngưng hẳn dòng chảy sinh tồn của mình trong nền tảng hoằng pháp, văn hóa và nghị luận chung của Phật giáo, nhất là sau năm 1975 cùng chung số phận trong hoàn cảnh khách quan hết sức khó khăn. Tuy nhiên, khi đều kiện thuận duyên, và để nối kết truyền thống cũng như lịch sử của Tạp chí Từ Quang của HPHNV, Thượng tọa Thích Đồng Bổn đã đích thân đứng ra khôi phục dòng chảy tự hào nên Tạp chí Từ Quang được tiếp tục.
Số đầu tiên tái bản được ra mắt vào tháng 4 năm 2011, mỗi năm 4 số theo định kỳ, cho đến hôm nay (2019 ) đã được 7 năm với 27 số trên văn đàn và thông tin, nghị luận.
Theo tìm hiểu riêng và quan sát chính ngôi chùa người viết bài này từng sinh hoạt và trưởng thành, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất được hình thành, phần lớn các trụ sở Chi Hội PHNV và các nơi thờ tự, sinh hoạt tu học trực thuộc, đều được hiến cúng cho Giáo hội để tạo bước đệm vững chắc ban đầu cho các mặt Phật sự của Giáo hội được hanh thông. Đây chính là những nét son đẹp trong trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam Hội Phật Học Nam Việt đã tự mình viết lên bằng chính tâm tư, nguyện vọng cao đẹp của mình đối với nền đạo pháp nước nhà thời còn chiến tranh ly tán.
Những đóng góp của HPHNV cho sự nghiệp hoằng pháp chung của Phật giáo Việt Nam đã đành, nhưng còn trên bình diện trực tiếp tham gia, ủng hộ các phong trào xã hội, đặc biệt công cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng tôn giáo trước ách kỳ thị độc tài của Ngô Đình Diệm năm Quý Mão (1963) mà ngôi chùa Xá Lợi, ngôi chùa thứ ba vĩnh viễn của Hội sau chùa Khánh Hưng và Phước Hòa, đã đi vào lịch sử (4).
Là trung tâm phía Nam điều phối các hoạt động đấu tranh bất bạo động thời bấy giờ, và là trụ sở của Ủy ban Liên Phái Bảo vệ Phật Giáo do chính cụ Chánh Trí làm Chánh Thư ký. Chùa Xá Lợi cũng là tâm điểm mấu chốt của chiến dịch “Nước Lũ “(Bravo) nhằm tiêu diệt các vị lãnh đạo Phật giáo trong đêm tổng lực tấn công hầu hết các ngôi chùa đêm 20/8/1963.
Trước đó, ngay trong những năm đầu vừa thành lập Hội PHNV, năm Nhâm Thìn (1952), cụ Chánh Trí và HPHNV đã làm nên một Phật sự vô cùng quan trọng, gây được tiếng vang khắp toàn quốc. Đó là lễ rước ngọc Xá Lợi tại Sài Gòn vào ngày 13.9. Nhân khi phái đoàn Phật giáo Tích Lam đi dự Đại hội Phật giáo thế giới kỳ II tại Tokyo, có mang theo một viên ngọc xá Lợi để tặng Nhật Bản. Trên đường đi, phái đoàn quá cảnh tại Sài Gòn 24 tiếng đồng hồ. Cuộc rước ngọc Xá lợi đã được đông đào tăng Ni, Phật tử và đồng bào thành phố và các tỉnh lân cận tham dự để chiêm bái Xá lợi Phật đầu tiên đến Việt Nam (5).
Cũng tại ngôi chùa lịch sử này, ngày 31.12.1963, tất cả mười ba hệ phái Phật giáo được vân tập tại đây, soạn thảo và viết lên những dòng đầu tiên của Hiến Chương mở ra trang sử mới cho PGVN trong việc hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. HPHNV do cụ Chánh Trí đại diện đồng ký tên cho sự kiện trọng đại này.
Tháng 1/1964 GHPGVNTN được thành lập, cụ Chánh Trí với tài năng, đức độ và những thành quả của mình, được mời giữ chức Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo. Đồng thời, thời gian đó cụ Chánh Trí cũng được mời tham gia Hội Đồng Nhân Sĩ của chính phủ Dương Văn Minh. Một thời gian ngắn sau đó cụ chính thức xin thôi chức Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo, trở lại trực tiếp chăm lo HPHNV, mặc dù sau đó, khi Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập, chùa Xá Lợi là văn phòng tạm đặt tại đây trong khi chờ cơ sở dang được xây dựng. Cụ Chánh Trí lại đứng ra nhận chức phụ tá Viện Trưởng đặc trách hành chánh và tài chánh, kiêm Tổng thư ký niên khóa 1967 – 19 68 (5). Điều này chứng tỏ uy tín và kinh nghiệm của Cụ Chánh Trí luôn được trọng dụng.
Lý do Cụ Chánh Trí rút khỏi chức vụ Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo chúng ta thường được nghe nhiều là “Do bất đồng ý kiến về mặt tổ chức“, ngoài ra chưa được biết thêm lý do nào khác. Cũng có thể được cho là như vậy vì tuy GHPGVNTN được thành lập dựa trên các văn kiện pháp lý và cơ cấu tổ chức chặt chẽ và với một Hiến Chương rõ ràng nhưng vẫn còn nhiều điều cần bổ sung tiếp theo để hoàn chỉnh trọn vẹn hơn.
Về mặt thế sự, cụ Chánh Trí đã từng trải qua nhiều chức vụ dưới các chính phủ, tư duy nhìn rõ bản chất từng sự kiện chính trường có phần nhạy bén và sâu sắc; bên cạnh về mặt đạo pháp cụ Chánh Trí cũng có bề dày dấn thân, tận dụng hầu hết tâm tư của mình, từng bước gây dựng nên nhiều thành quả đáng kể, điển hình là hệ thống tổ chức của một HPHNV tương đối bề thế thời bấy giờ.
Vào những năm đầu thập niên 90, khi Thượng tọa chủ biên Thích Đồng Bổn họp “Nhóm Biên Soạn” chuẩn bị ra mắt tập I “Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam”, người viết có tham dự buổi họp này, cư sĩ Tống Hồ Cầm, một trong những cây đại thụ của HPHNV khi đó có trả lời vài điểm về bài viết tiểu sử Cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền, có phần nói về lý do cụ Chánh Trí thôi giữ chức Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo rằng “Một người cư sĩ rất khó, rất ngại làm việc vì chung quanh là các vị xuất gia khả kính”.
Như vậy chúng ta đã có thêm một lý do khá xác tín nữa. Do đó hy vọng rồi đây chúng ta sẽ được biết thêm lý do thật sự của vụ việc này một cách rõ ràng hơn. Vì lẽ, nếu ngày đó không có sự cản ngại nào xảy ra, hình ảnh một vị cư sĩ tài ba, lỗi lạc, ngồi làm việc chung với giới xuất gia trong hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo, thì không còn gì đẹp hơn thế. Hình ảnh đó sẽ là cơ sở để các thế hệ Tăng – Ni và cư sĩ Phật tử hậu tấn tự hào về lịch sử PGVN của chính mình đến dường nào.
Nói đến Cụ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền, cũng là đồng thời nhắc đến HPHNV như một thể liên kết không thể tách rời. Điều đó là hẳn nhiên, và vì đó đã là cơ sở tồn tại theo thời gian và ngự trị giữa những dòng sử liệu của Phật giáo Việt Nam đầy tự hào lẫn khâm phục. Những bước đi để tồn tại giữa lòng đạo pháp và dân tộc, những bước chân của Cụ Chánh Trí, một cư sĩ Phật tử tiêu biểu, trong các mặt đối nội lẫn đối ngoại luôn năng động không dừng nghỉ.
Từ Hội Nghị văn Hóa Phật Giáo tại New Delhi (Ấn Độ) năm 1956, đến Hội Nghị Văn Hóa Phật Giáo (tại Tokyo Nhật Bản) năm 1958, đến việc đàm đương chức vụ PCT Hội Liên Hữu Phật giáo Thế Giới, trong kỳ Đại Hội PGTG lần thứ VI tại Phnom Penh (Campuchia), rời đến Hội Nghị Phật Giáo Thế Giới lần VII tại Benarès (Ấn Độ) năm 1964…
Trên là khái lược những thành tựu cụ Chánh Trí đã làm và để lại cho Phật giáo nói chung, HPHNV nói riêng, theo nhận định riêng của người viết, còn những gì ngoài mặt bằng xã hội, lịch sử nơi ấy sẽ làm nhiệm vụ nói thay chúng ta, bài viết có hạn định này không thể dung tải hết trọn vẹn. Chỉ xin làm dấu kết nơi đây bằng một kỷ niệm nhỏ mà nơi đó, dường như chính người viết cũng đã từng có phần can dự, chịu ảnh hưởng công ơn của cụ Chánh Trí. Đó là từ thưở còn độ tuổi Oanh Vũ cho đến lúc trưởng thành lớn lên, tôi đã trải qua hai đơn vị sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, tất cả đều có chữ đầu là CHÁNH.
Sau này khi có điều kiện tìm hiểu thêm mới biết đó là xuất phát bởi Pháp danh của cụ Chánh Trí mà bên cạnh, gần nơi sinh hoạt ấy lại chính là nơi trú xứ của Hòa thượng Thích Hành Trụ (1904 – 1984) – người đã ban Pháp danh này cho cụ ngày trước!
Vậy nên trong rất nhiều thành công, hoạt động tổ chức, cụ Chánh Trí đã không quên gầy dựng và chăm lo cho sự phát triển của tổ chức gia Đình Phật Tử trực thuộc một cách hệ thống và rộng khắp. Nhớ những lúc trên đường đến chùa sinh hoạt, thấy vị thị già chở Hòa thượng Thích Hành Trụ đi họp (Viện Tăng Thống) anh em chúng tôi dừng lại bên đường, đứng nghiêm trang chắp tay xá chào, Ngài nở nụ cười đáp lại hiền từ. Nụ cười đó nhiều khi tôi liên tưởng đó cũng chính là nụ cười viên mãn của cụ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền ngày cụ an bình nằm xuôi tay nhắm mắt .
——————————
Chú thích:
– Khi nắm quyền cai trị sáu tỉnh Nam Kỳ, Pháp lập ra cơ quan quyền lực cao nhất cho Nam Kỳ nói chung và Bến Tre nói riêng, cao nhất là Phủ Nam Kỳ. Tiếp đến phân chia ra 4 khu vực hành chánh gồm Sài gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Bát Xắc.
– Dưới bốn khu vực này còn có những tiểu khu trực thuộc, Bến Tre khi ấy nằm trong tiểu khu Vĩnh Long. (Theo tài liệu: “Bến Tre dưới sự thống trị của Pháp”- Cổng thông tin điện tử tình Bến Tre).
Vì vậy hệ thống giáo dục trực thuộc và liên đới nhau cũng nối liền xuyên suốt. Cho nên việc cụ Chánh Trí lên Sài Gòn học và thành đạt tại đây cũng là chuyện bình thường.
– Trích “Vài nét về Phật giáo Việt Nam trước ngày thành lập” Phúc Nguyên – Cổng thông tin Ban Tôn Giáo Chính Phủ.
– Theo “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận “. Nguyễn Lang. NXB Văn Học, Hà Nội 1992.
– Chùa Xá Lợi được khởi công xây dựng ngày 5/8/1956 theo bản vẽ của hai KTS Trần Văn Đường , Nguyễn Bá Vinh. Công trường xây dựng trực tiếp do hai KTS Dư Ngọc Ánh và Hồ Tấn Thuận phụ trách. Chùa được hoàn thành vào ngày 2/5/1958. Chùa được thờ Xá Lợi Phật nên dân gian quen gọi “Chùa xá Lợi”. Hòa thượng Khánh Anh(1859 – 1961) nương theo đó tùy thuận đặt tên “Chùa Xá Lợi” . Theo Wikipedia. Theo “Tiểu sử Danh tăng Việt Nam Thế kỷ XX” – tập I. Thích Đồng Bổn chủ biện. NXB Tôn Giáo 2017.
Dương Kinh Thành
(Trung Tâm Nghiên Cứu Phật giào Việt Nam)