Hoằng pháp là một công tác vô cùng khó khăn, vì nó đòi hỏi người thực hiện công tác phải có đầy đủ cả hai yếu tố quan thiết, là “khế lý” và “khế cơ” và cả những đức tính đặc biệt khác nữa, cho nên Tôn giả Phú Lâu Na đã được tôn xưng là người có tài thuyết pháp đứng vào bậc nhất.
Tôn giả Phú Lâu Na là người đầy ắp tình thương
Đối với đệ tử Phật, việc tu học để thoát ly sinh tử cố nhiên là quan trọng, nhưng việc hoằng dương chân lí, thuyết pháp độ sinh cũng quan trọng không kém.
Có một người đã cắt bỏ được sợi dây ràng buộc của gia đình để sống theo tăng đoàn của đức Phật và cống hiến trọn cuộc sống của mình cho công cuộc hoằng dương Phật pháp, luôn luôn đem nhiệt tình và lòng từ bi trải khắp chúng nhân, không bao giờ chán nản hay thất vọng trước những nghịch cảnh của thế gian, đó là tôn giả Phú Lâu Na.
Hoằng pháp là một công tác vô cùng khó khăn, vì nó đòi hỏi người thực hiện công tác phải có đầy đủ cả hai yếu tố quan thiết, là “khế lý” và “khế cơ”. Trong hàng ngàn đệ tử của đức Phật, Phú Lâu Na đã chứng tỏ, không những là có đầy đủ hai yếu tố quan thiết đó, mà còn có cả những đức tính đặc biệt khác nữa, cho nên đã được tôn xưng là người có tài thuyết pháp đứng vào bậc nhất! Khả năng đó đã được hàm chứa trong tên gọi của tôn giả. Thật ra, tên của tôn giả rất dài.
“Phú Lâu Na” chỉ là tên gọi vắn tắt của “Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử” (Purnamaitrayaniputra – Punnamantaniputta). Cái danh hiệu dài dằng dặc ấy chính là tượng trưng cho tài thuyết pháp của tôn giả, kéo dài vô tận, như núi cao, như nước chảy; nó bộc lộ nhiệt tình vô biên, lòng từ vô cùng. Cho nên, nếu được dịch ra thì danh hiệu ấy của tôn giả có nghĩa là “người đầy ắp tình thương (Mãn Từ Tử).
Quả vị sau khi xuất gia của tôn giả Phú Lâu Na
Phú Lâu Na ở trong một gia đình đầy đủ hạnh phúc, tuy không phải là giàu sang bao trùm thiên hạ nhưng cũng thuộc vào hạng có tiếng tăm của xứ Ấn Độ thời bấy giờ. Tôn giả rất được cha mẹ yêu quý, cưng chiều, nhưng vì sớm ý thức được rằng, tài sản vật chất cũng như tình thương yêu gia đình, đến một ngày nào đó cũng sẽ mất mát, cách chia, và quan yếu nhất cho đời người là phải tìm cho được một thứ tài sản cao quý, vĩnh cửu – đó là chân lý.
Cho nên tôn giả đã quyết chí cắt bỏ sợi dây trói buộc thế gian, quy y theo Phật, phát nguyện đem đời mình phụng sự cho công cuộc phát huy chân ý. Với quyết tâm ấy, sau khi xuất gia không lâu, tôn giả đã chứng A La Hán – quả vị cao nhất của hàng Thanh Văn, dứt trừ hết mọi phiền não, thoát ly sinh tử, có thể vận dụng thần thông để đi hành hoá khắp nơi một cách tự tại.
Được Phật Thọ ký
Một lần nọ, trong một buổi pháp thoại, đức Phật đã thuật rất nhiều chuyện về những nhân duyên của nhiều tiền kiếp xa xưa. Những câu chuyện này đã làm cho Phú Lâu Na vô cùng xúc động. Tôn giả liền đứng dậy, sửa áo lại cho ngay ngắn, đến trước Phật, đảnh lễ, rồi với tâm lòng đầy thành kính, tôn giả đứng yên lặng chiêm ngưỡng từ nhan của Phật …
Trong giây phút thiêng liêng ấy, tôn giả quả thực nhìn thấy rõ ràng công đức cao vòi vọi của đức Thế Tôn mà ngôn từ thế gian không thể nào diễn tả đầy đủ được! Tôn giả chỉ biết dùng hai tay đập vào ngực mình để mong đức Phật soi thấu được tâm nguyện của mình! Thật giống như “dùng tâm ấn tâm”, đức Phật quả nhiên đã thấu rõ tâm trạng thầm kín của Phú Lâu Na. Ngài khai thị:
Phú Lâu Na! Thầy là người tu học tinh tấn, không khi nào giải đãi; lại luôn luôn tùy lúc, tùy nơi, đã từng giúp Như Lai hoằng dương chánh pháp. Ở trong bốn chúng đệ tử của Như Lai, thầy đã từng giáo hóa, khai thị, làm cho mọi người được nhiều lợi lạc. Biện tài thuyết pháp của thầy đứng vào bậc nhất! Trải qua vô lượng kiếp về sau, thầy sẽ thành Phật ngay tại thế giới này, và đức Phật ấy sẽ có danh hiệu là Pháp Minh Như Lai.
Lời thọ ký của đức Phật đã đem đến cho Phú Lâu Na niềm pháp hỉ vô biên và lòng cảm kích sâu xa không cùng. Tôn giả cung kính đảnh lễ Phật, đi nhiễu ba vòng, rồi trở về chỗ ngồi, trong khóe mắt còn long lanh những giọt lệ xúc động.
Nhưng sự kinh nghi của đại chúng đã không ngoài dự liệu của đức Phật, cho nên Ngài liền dạy:
– Này quý thầy! Quý thầy có hiểu được sự việc Như Lai mới vừa thọ ký cho thầy Phú Lâu Na không? Chỉ vì thầy thuyết pháp rất giỏi mà trong tương lai nhất định sẽ thành Phật ngay tại thế giới này, hiệu là Pháp Minh Như Lai. Quý thầy cũng nên khen ngợi Phú Lâu Na là người đứng đầu trong số những thầy có biện tài thuyết pháp trong tăng đoàn.
Phú Lâu Na đã thâm nhập biển pháp mênh mông của Như Lai, có thể đem lại lợi ích cho tất cả chúng bạn cùng tu học; có thể nói rằng, trong pháp hội, trừ Như Lai ra, không ai có thể so sánh được với Phú Lâu Na về biện tài ngôn luận xảo diệu. Hơn nữa, quí thầy cũng nên biết rằng, Phú Lâu Na không phải chỉ giúp Như Lai tuyên dương chánh pháp, mà sự thật, trải qua chín mươi ức cõi Phật trong quá khứ, thầy cũng đã từng giúp các đức Phật tuyên dương chánh pháp, và cũng đều được khen ngợi là người thuyết pháp số một. Xin quý thầy hãy cùng nhìn về Phú Lâu Na và hãy tự làm cho mình tiến bộ như vậy.
Tôn giả Phú Lâu Na được đức Phật thọ ký đã là một sự kiện vinh diệu tột cùng, dù có đem mũ kết bằng ngọc anh lạc đội lên đầu cũng không thể bằng được; vì kể từ giờ phút đó, tôn giả đã chân vào địa vị tôn kính của một bậc “đạo sư” rồi vậy.
Tôn giả Phú Lâu Na muốn cho Phật pháp được truyền bá khắp nhân gian
Phú Lâu Na là người thâm trầm, thường ngày làm việc gì cũng rất cẩn trọng. Đối với người nào hay việc gì xảy ra trong tăng đoàn, tôn giả đều đắn đo, suy nghĩ chín chắn nhiều lần mới dám bày tỏ ý kiến. Chỉ riêng đối với công việc hoằng pháp thì rất may mắn, nhiệt tình. Bất cứ có được cơ hội nào để gieo rắc hột giống bồ đề là nhất định tiến tới, không cần biết đến đắc thất hay lợi hại cho cá nhân mình.
Trong tăng đoàn, số người phụ giúp Phật công việc hoằng pháp độ sinh cũng nhiều, nhưng kể số người chịu khó lặn lội trong nhân quần xã hội để bố giáo mà không mong cầu lợi dưỡng, không sợ ma nạn, không sợ khó khăn khổ nhọc, thì ít ai sánh được với Phú Lâu Na.
Có một số quý vị, tuy theo Phật học kinh luận đầy bụng, nhưng đối với chúng sinh thì không đủ từ tâm và nhiệt tình. Họ không quan tâm đến nỗi khổ sinh tử của người đời, mà cứ tự giam mình trong tháp ngà tự mãn. Lại có một số quý vị khác, đã không nhiệt tâm đối với sự nghiệp độ sinh mà lại còn để bị vướng xã hội bằng những giao tình trái đạo. Đối với cả hai hạng người này, tôn giả không bao giờ làm ngơ.
Một hôm trên đường hành hóa, khi đi ngang qua một khu rừng tịch mịch, tôn giả trông thấy một số vị tỳ kheo đang ẩn cư tu hành ở trong đó. Tôn giả đến trước họ, cung kính chắp tay:
– Thưa chư vị đại đức! Đã lâu tôi được biết chư vị ẩn cư trong chốn núi rừng, không để cho mình bị chìm nổi theo theo thế tục. Nhân cách của chư vị thật thanh cao, tôi rất lấy làm kính ngưỡng, nhưng tôi cũng được biết rằng, chư vị còn là những sứ giả, vâng theo từ mệnh của đức Phật để đi giáo hóa mọi nơi, tại sao chư vị không đến với nhân quần xã hội để cứu độ chúng sinh?
Các vị tỳ kheo ấy vừa thấy thì biết ngay đó là Phú Lâu Na. Họ rất vui mừng, liền mời ngồi, rồi đáp lại:
– Thưa đại đức! Chúng tôi cũng đã từng đi bố giáo các nơi, nhưng chúng sinh thật là khó hóa độ. Đức Thế Tôn bảo chúng ta đem pháp vị cam lộ ban phát cho người đời, nhưng họ lại cho đó là gì dơ bẩn không thể nếm được. Họ ngu si, ương ngạnh, cố chấp, và chỉ lo mê đắm trong biển dục vọng. Họ chỉ biết sát sinh để cúng tế quỷ thần cầu phước mà không biết rằng họ đang tạo ra những nghiệp nhân cho ác đạo. Chúng ta cố đưa cánh tay từ bi ra để cứu vớt, nhưng họ nhất định không chịu ngoảnh đầu ngó lại. Thưa đại đức, không phải ai ai cũng có thể nhất thời đi được trên con đường rộng lớn của chân lí. Hãy cứ để họ đi theo con đường của họ. Một khi họ đã gánh chịu các đầy đủ các quả báo đau khổ, và khi nào nhân duyên đã chín mùi thì tự nhiên là họ sẽ biết quay đầu trở về.
Nghe qua các lời ấy, tôn giả hiểu rằng quý vị tỳ kheo này cũng đã từng gặp rất nhiều trở lực, khó khăn trên bước đường hoằng hóa, khiến cho nhiệt tâm của họ đã trở nên nguội lạnh. Tuy nhiên, tôn giả vẫn cố gắng thuyết phục và cổ lệ họ:
– Thưa chư vị huynh đệ! Sự nhận thức của chư vị về con đường tu tập rất chính đáng, tôi rất cảm phục! Nhưng ý kiến của chư vị về việc hoằng pháp độ sinh thì tôi thấy không được đúng lắm. Nếu Phật pháp dễ hoằng dương và chúng sinh dễ hóa độ thì đâu cần có sự góp sức của chúng ta trong công tác ấy.
Chính vì cuộc đời đầy dãy những xấu xá dơ bẩn, và việc hoằng pháp độ sinh thì vô vàn khó khăn, vả lại, cũng để báo đáp ân đức sâu dầy của đức Thế Tôn, mà chúng ta phải nên dũng mãnh, tinh tấn để thực hiện công tác to lớn và quan trọng này.
Là những đệ tử xuất gia của đức Thế Tôn, chúng ta phải lấy việc hoằng pháp làm việc nhà, lấy việc lợi sinh làm sự nghiệp, chứ không nên coi tăng đoàn là nơi lánh nạn hay viện dưỡng lão; lại cũng không nên quan niệm rằng, đã xuất gia làm tỳ kheo thi chỉ lo giải quyết những sinh hoạt của riêng mình, còn tất cả việc gì của người đời đều bỏ mặc, không cần phải để tâm tới. Nếu không hoằng dương Phật pháp, nếu không hóa độ chúng sinh, và cho rằng những công việc ấy không ích lợi gì cho mình, đó là đi ngược lại những giáo huấn của đức Thế Tôn.
Với tâm nguyện từ bi, đức Thế Tôn sẽ không bằng lòng khi biết được chư vị có quan niệm như vậy. Một người rất nghèo khổ, đến nỗi chỉ dám xin một xu, một cắc để sống qua ngày, mà chư vị bỗng đem gia tài cả vạn đồng để cho, thì người ấy có nghi ngờ cái ý tốt của chư vị hay không? Cũng như vậy, sở dĩ người đời không tiếp nhận được Phật pháp là vì họ quá nghèo thiếu mà bỗng dưng chư vị đem cho họ một gia tài Phật pháp đồ sộ, thì làm sao họ có khả năng tiếp nhận!
Thưa chư vị huynh đệ! Chúng ta đang ôm ấp một tình thương vô hạn, một nhiệt tình sung mãn, thì hãy đem niềm vui chánh pháp trải khắp nhân gian; hãy đem ánh sáng trí tuệ, tình thương và oai đức của đức Thế Tôn chia khắp cho người cùng hưởng thọ, khiến cho tự thân họ dần dần trở thành nơi tịnh độ trang nghiêm. Đó là trách nhiệm của kẻ xuất gia, không thể trốn tránh, không thể từ chối. Vậy giờ đây, Phật pháp ở nước Bạt Sa (Vatsa – Vamsa) vẫn chưa được hưng thịnh, xin chư huynh đệ hãy cùng với tôi đến đó để hoằng hóa.Chân tình và nhiẹt tâm của tôn giả đã làm cho quí vị tì kheo ẩn cư kia vô cùng xúc động. Họ đã hoan hỉ và hăng hái cùng tôn giả lên đường về vương quốc Bạt Sa …
Chân tình và nhiệt tâm của tôn giả đã làm cho quý vị tỳ kheo ẩn cư kia vô cùng xúc động. Họ đã hoan hỉ và hăng hái cùng tôn giả lên đường về vương quốc Bạt Sa …
Thích Minh Tuệ