Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tôn giả Pháp Loa ra đời với một phát tích kỳ đặc, kết duyên với Phật giáo Việt Nam, kế thừa, phát triển dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, nối nắm mạng mạch Thiền tông nước Việt, mở ra trang sử Phật sáng chói với một Giáo hội trang nghiêm và một nền văn hóa Phật giáo vươn lên đỉnh cao nhất thời bấy giờ.

ton-gia-phap-loa

Phật Hoàng Trần Nhân Tông có hai đệ tử nổi bật: một là Tôn giả Pháp Loa vốn người xuất thân từ dân dã ít học; vị kia là Tôn giả Huyền Quang là một người học thức uyên thâm, đỗ Tiến sĩ và làm quan lớn. Vậy mà, Sơ tổ Trúc Lâm lại chọn Tôn giả Pháp Loa là giai cấp dân dã ít học để truyền ngôi vị Tổ. Đó là sự lựa chọn chuẩn xác qua cái nhìn và quán xét quang minh của Sơ Tổ.

Khi Tôn giả Pháp Loa được tiếp truyền vị trí Nhị Tổ thì Ngài còn rất trẻ, chỉ mới 24-25 tuổi, nhưng Ngài tài cao cả hai mặt, về mặt pháp Thiền thì đạt Thiền, về mặt lãnh đạo thì Ngài cũng thành tựu trọng trách Tổ vị, với Phật sự:

– Đúc tượng Phật kể cả lớn nhỏ có hơn 1.300 thánh tượng.

– Tạo đại già lam được 2 ngôi.

– Xây tháp được 5 ngọn.

– Lập tăng đường hơn 200 ngôi.

– Độ Tăng và Ni hơn một vạn năm ngàn (15.000) người.

– In được một bộ Đại Tạng Kinh.

– Đệ tử đắc pháp hơn 3.000 người.

– Độ người quy y Tam Bảo không biết bao nhiêu mà kể…

ton-gia-phap-loa

Nay xin cung kính ngũ thể đầu địa, mạn phép thuật lại sơ lược tiểu sử và hành trạng của Nhị Tổ bằng một bài diễn ca lục bát sau:

Nhiên đăng quang chiếu sáng vầng

Môn đồ xuất chúng thay ân sư mình…

Nhị Tổ phẩm hạnh oai minh

Xuất thân dân dã quê làng Cửu La

Họ Đồng, Thuần Mậu tên cha

Mẹ là Vũ Thị mang thai lạ thường

Khai hoa nhà ngát mùi hương

Đặt tên quý tử: Kiên Cương tên phàm!

Thuở nhỏ đã lộ đức lành

Không ăn thịt cá mùi tanh, vị nồng

Không buông lời ác vọng ngôn

Thiên tư trầm mặc, tâm hồn thanh cao

Hữu duyên đưa đẩy ra vào

Gặp bậc Đại Sĩ lễ chào kính cung

Trúc Lâm xa giá bánh dừng

Thoạt trông tướng mạo sắc thần đã vui

Đặt cho tên đẹp Thiện Lai

Nhận thâu đệ tử theo Ngài xuất gia

Tháng năm duyên thuận phước hòa

Hòa thượng Tánh Giác đứng ra chỉ bày

Bao điều vấn hỏi mê say

Chưa khai thông được, đêm ngày trở trăn

“Kinh Lăng Nghiêm” đọc gẫm dần

Đến đoạn “Thất xứ trưng tâm…” vui mừng

“Hậu trần khách du” sáng bừng

Hoát nhiên thể nhập chưa từng hoát nhiên…

Về nơi sư phụ sách đèn

Nghe bao bài tụng tâm liền khai minh

Bài tụng Tâm Yếu dâng trình

Trúc Lâm chê bỏ, tự mình đối tâm

Nửa đêm thiền quán mặc trầm

Hoa đèn rơi rụng bất thần ngộ ra

Tu mười hai hạnh đầu đà

Thọ Bồ tát giới: Pháp Loa hiệu Ngài!

Hoa tàn rồi lại hoa khai

Tinh tấn giới luật, miệt mài thư kinh

Trúc Lâm Điều Ngự rõ rành

Môn đồ xuất chúng của mình là ai

Truyền cho y bát công khai

Trở thành Sư Tổ Thứ Hai dòng thiền…

Bao năm phụng chiếu giới truyền

Vương tôn, hoàng phái… dưới đèn quy y

Giới đàn tiếp độ oai nghi

Chứng minh hàng vạn Tăng Ni bái thầy

Không ngừng diễn giảng đêm ngày

Đăng đàn thuyết pháp rõ bày đạo thiêng

Giảng yếu chỉ “Kinh Hoa Nghiêm”

Đây “Truyền Đăng Lục” lời hiền khai thông

“Đại Tuệ Ngữ Lục” bổng trầm

“Kinh Duy Ma Cật” ân cần giảng rao

“Tuyết Đậu Ngữ Lục” nghe vào

“Thiền Lâm Thiết Chủy”… biết bao lời vàng,

Mười tám khóa giảng truyền vang

Hằng nghìn thính chúng đạo tràng lĩnh nghe

Thiền ngôn Pháp ngữ thâu về

Chép thành kinh sách giải mê cho đời

“Tham Thiền Chỉ Yếu” rọi soi

“Nhân Vương Hộ Quốc” Vua coi mà mừng

“Tâm Kinh Bát Nha” trầm hùng

“Khoa Văn Pháp Sự” xem dùng lễ nghi

“Tuệ Trung Thượng Sĩ” chép ghi

“Kim Cương Trường Đà-La-Ni” nhiệm màu…

(Tâm từ nghĩ đến mai sau

Truyền lưu đại chúng, ngờ đâu thất truyền!)

“Thiền Đạo Yếu Học” tục biên

Còn đây ngôn ngữ thánh hiền gẫm suy…

Thiền lâm tinh tú một vì

Đứng ra chủ xướng khởi bày ấn in

Sáng lòa bộ “Đại Tạng Kinh”

Truyền lưu nhân thế công trình Pháp Ngôn

Đúc tượng Bồ tát, Thế Tôn

Lập am, dựng tháp, khai sơn lập chùa…

Trai đàn, bố thí, cầu mưa

Xiển dương Đạo Pháp lại vừa hộ dân

Phụng sự lợi lạc chúng sanh

Chí thành phát nguyện quên mình, vị tha

Anh Tông thọ giới tại gia

Đế vương cung kính xưng là tử tôn

Bệ rồng châu bản sắc phong

“Phổ Tuệ Tôn Gia” vẫn còn sử ghi

Minh Tông phong hiệu sư thầy

Phương danh “Minh Giác” đức dày công vun

Hợp nhất Phật giáo bốn phương

Thành lập Giáo Hội mở đường mai sau

Đại sư đại giác đi đầu

Hoằng dương chánh pháp nhiệm mầu độ sanh

Hăm ba hạ lạp tu hành

Bốn mươi bảy tuổi xác phàm xả buông

Minh Tông ngự bút đau buồn

“Tịnh Trí Tôn Gia” đặc phong hiệu thầy

“Viên Thông Bảo Tháp” còn đây

Ngàn sau ghi nhớ ơn Ngài: Pháp Loa!

Tâm Không – Vĩnh Hữu

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.