Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Viện Nội dung Kỷ lục Thế giới (WRCA) và Viện Đại học Kỷ lục Thế giới (WRU) đã chính thức vinh danh Thượng tọa Thích Huệ Đăng trong dịp Hội ngộ Kỷ lục gia diễn ra ngày 26/8/2018 tại TP.Hồ Chí Minh. Chính sự nỗ lực, tâm siêng năng, ham học hỏi, trí tuệ phát sáng đã giúp Thầy đạt được thành tựu đó.

Thượng tọa Thích Huệ Đăng, thế danh Nguyễn Văn Sáu, sinh ngày 25 tháng 8 năm 1940 tại quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Ngài đã được công nhận là Giảng sư Ban Hoằng pháp TW/GHPGVN năm 1999, tốt nghiệp khóa Cao cấp Giảng sư Hoằng pháp TW/GHPGVN năm 2004. Từ năm 2007-2012, là Ủy viên Viện Nghiên cứu Phật học PGVN, từng là Giảng viên cao cấp Chuyên khoa Phật học Học viện Phật giáo Sóc Sơn Hà Nội và Học viện Phật giáo TP. Hồ Chí Minh.

Thượng tọa Thích Huệ Đăng là một nhà tu nhập thế, là một nhà nông dân giỏi, một nhà khoa học, một Đạo sư Yoga và là Kỷ lục gia của Việt Nam. Ngược dòng thời gian, năm 1983, Thượng tọa rời chùa Long Thiền, Đồng Nai để lên Đà Lạt, bắt đầu sự nghiệp với cây địa lan bị người dân địa phương vứt bỏ do không xuất khẩu được. Sau đó tiếp tục mày mò nghiên cứu, dự các khóa học dự thính về phương pháp cấy mô hoa lan tại Đại học Nông Lâm TP.HCM, bảo tồn thành công các loài lan quý tại Việt Nam, đồng thời trồng và bán hoa lan lấy tiền làm Phật sự. Thượng tọa còn là một trong Top 100 doanh nhân tiêu biểu của cả nước từ những năm 2007.

thuong-toa-thich-hue-dang

Nhập thế bằng tư tưởng, trí tuệ Phật giáo

Thượng tọa Huệ Đăng cùng cộng sự đã lặn lội vượt rừng già mang cây sâm từ núi Ngọc Linh (Kon Tum) về TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, trồng thực nghiệm tại một số địa phương. Đến nay, Công ty TNHH Hoa lan Thanh Quang do Thượng tọa Thích Huệ Đăng làm giám đốc đã nhân giống thành công cây sâm quý có khả năng di thực này, tỉ lệ cây sống khá cao. Thượng tọa còn được biết đến là một nhà trồng hoa lan nổi tiếng. Hồi đó là năm 1987, ông lên Đà Lạt lập một tịnh thất nhỏ để tu tập, tự làm để nuôi sống bản thân, quan tâm  tới nghề trồng địa lan khi người trồng lan xứ này hầu hết đã bỏ nghề vì thị trường xuất khẩu không còn. Tìm tòi học hỏi về cách trồng hoa, ông bắt đầu trồng và bán hoa lan lấy tiền làm Phật sự từ những năm 1990.

Sau đó, khi tham gia khóa Giảng sư hoằng pháp tại TP.HCM, ông đồng thời dự các khóa học dự thính về phương pháp cấy mô hoa lan tại Đại học Nông Lâm TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp Giảng sư Phật học, Thượng tọa trở về Đà Lạt thực nghiệm những kiến thức học được. Dần hình thành 2 cơ sở nghiên cứu bảo tồn các loài lan quý tại Việt Nam và trồng hoa lan tạo công ăn việc làm cho phật tử quanh vùng, xuất khẩu hoa lan ra thị trường thế giới, nhất là Nhật Bản.

thuong-toa-thich-hue-dang

Cách đây gần chục năm, một nghiên cứu mang ý nghĩa lớn về môi trường của Thượng tọa đã thành công, là thay thế giá thể trồng hoa lan từ cây dớn (lấy trong rừng) bằng vỏ cà phê – một thứ phế phẩm gây ô nhiễm môi trường.

Giám đốc Cty TNHH xuất khẩu hoa lan Thanh Quang (hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt, Lâm Đồng) – Thượng tọa Thích Huệ Đăng từng được nhà vườn Đà Lạt gọi thân tình là “nhà sư – nông dân”, nay được tôn vinh là một nhà khoa học đầy sáng tạo. Mọi thứ trong khu sản xuất sâm Ngọc Linh của Cty TNHH xuất khẩu hoa lan giờ đây đều tự động hóa.

“Khi người tu thành tựu được trí tuệ để ứng dụng, lấy tâm làm cha, lấy trí tuệ làm mẹ, lấy cộng đồng làm quyến thuộc thì ứng dụng mọi hình tướng đều vô ngại – như là nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà học giả, nhà giảng viên đều là phương tiện để nhập thế, để hoàn thành được trí tuệ trùm khắp của chính mình. Đó là theo tư tưởng triết học đại thừa Phật giáo, như trong kinh Duy Ma Cật phẩm Thanh Văn có câu: “Không rời đạo Phật mà làm các việc phàm phu chỗ đó là yên lặng; Không khởi diệt tận định mà hiện các oai nghi chỗ đó là yên lặng”. Như vậy, hành động muôn tướng mà tâm hằng yên lặng gọi là giác ngộ” – Thượng tọa Thích Tuệ Đăng.

Cứ mỗi dịp Tết đến, nhiều người dân tại TP.HCM đã khá quen với hình ảnh một vị tu sĩ tuổi 70, 80 bán lan tại Công viên 23/9 . Công việc này bắt nguồn từ chính nghiệp tu mà Thầy Thích Huệ Đăng đặt ra: tự lo liệu cho mình, đồng thời làm việc có ích cho cộng đồng.

Bên cạnh hoa lan, từ năm 2008, ngài lên núi Ngọc Linh tìm cây sâm Ngọc Linh tự nhiên về nghiên cứu nhân giống. Đặc biệt hơn, dù chưa qua bất cứ trường lớp đào tạo nào, nhưng Thầy lại là người nghiên cứu và nhân bản vô tính thành công giống sâm Ngọc Linh – “quốc bảo” của Việt Nam. Công trình này đã được Cục Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng sáng chế độc quyền cho “Quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô” vào cuối năm 2012, được Ban Tôn giáo Chính phủ tôn vinh Thầy là “Nhà khoa học đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam”.

thuong-toa-thich-hue-dang

Một cách tu Phật nhập thế

Thượng tọa Thích Huệ Đăng cũng là người đầu tiên chế tạo thành công sản phẩm chiết xuất sinh khối sâm Ngọc Linh dạng viên nén có chất lượng cao giúp hỗ trợ điều trị cho rất nhiều những người đang mắc bệnh nan y.

Vào năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục đề nghị Thầy lập hồ sơ để cấp thêm Bằng sáng chế độc quyền cho “Quy trình sản xuất sản phẩm chiết xuất sinh khối sâm Ngọc Linh dạng viên và sản phẩm thu được từ quy trình này”. Trước đó năm 2013, Thầy được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập Kỷ lục là “Nhà sư đầu tiên được cấp bằng sáng chế tại Việt Nam”.

thuong-toa-thich-hue-dang

Bên cạnh đó, Thầy hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Buddha Yoga Việt Nam, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Nói về Yoga, thầy được Trung tâm Sivananda Yoga Vedanta quốc tế (có trụ sở chính tại Canada) trao Bằng Master of Yoga (Đạo sư Yoga) với các pháp môn Kriya Yoga, Sushumna Yoga, Chakra Yoga, đây là 3 pháp môn gần như đã bị thất truyền trên thế giới, và trao Chứng nhận thọ giới công nhận một Đạo sư Yogi theo đúng quy định của kinh Vệ Đà do một đạo sư Ấn Độ thực hiện.

Không những cống hiến cho cộng đồng, trong đạo, Thầy đã biên soạn 43 bộ luận kinh bằng chính những gì Thầy đã học, nghiên cứu và ứng dụng thành công.

Để đạt được những thành tựu ấy, bên cạnh những nỗ lực, tâm siêng năng, ham học hỏi thì yếu tố quyết định chính là trí tuệ phát sáng của Thầy sau một lộ trình tu tập miên mật.

Đúng như “tuyên ngôn” của Thầy: “Hành đạo mà chẳng giúp gì được cho đời thì vô nghĩa. Hành đạo không thể xa rời thực tế. Bởi vì đạo Phật là của con người, từ chân tâm của con người phát ra. Bởi vậy, muốn hiện thực được đạo thì phải từ nơi con người tự chứng…”.

Trong thư gửi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, WRCA đánh giá: Nhận thấy rằng Kỷ lục gia Nguyễn Văn Sáu là Tu sĩ Phật giáo, là nhà khoa học đã có nhiều đóng góp, cống hiến phục vụ cộng đồng xã hội ở Việt Nam, vì vậy Hội đồng Viện WRCA thông qua hồ sơ đề cử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam. Viện WRCA chính thức ghi nhận những cống hiến mang giá trị nội dung Kỷ lục Thế giới đến Kỷ lục gia, Thượng tọa Thích Huệ Đăng (Thế danh Nguyễn Văn Sáu).

thuong-toa-thich-hue-dang

Ngày 26/8/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nội dung Kỷ lục Thế giới (World Record Content Academy – WRCA) đã chính thức vinh danh Thượng tọa Thích Huệ Đăng.

Cũng trong dịp Hội ngộ lần này, Viện Đại học Kỷ lục Thế giới chính thức công nhận Thượng tọa là Tiến sĩ danh dự Đại học Kỷ lục Thế giới với đề tài: Nhà sư làm khoa học, nhà sư đầu tiên là tác giả 2 bằng sở hữu trí tuệ, sáng chế được cấp bằng tại Việt Nam.

Thanh Tâm

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.