Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Hòa thượng Thích Thanh Từ giảng

Đạo Phật là đạo của con người. Đức Phật ra đời vì muôn loài, trong đó chủ yếu là loài người. Cho nên mọi hành động của Ngài đều nhắm đến con người. Đạo Phật dạy chúng ta phải thấy được chân lý, đạt được lẽ thực nên nói tới đạo Phật là nói tới đạo giác ngộ. Tôi nhấn mạnh lại, đạo Phật là đạo giác ngộ chớ không phải đạo của lòng tin. Chúng ta theo đạo Phật là để tìm cầu sự giác ngộ, mà muốn được giác ngộ thì phải vào đạo bằng trí tuệ, bằng cái nhìn đúng như thật, chớ không thể nhìn khác hơn được.

Phật tử khi bước chân vào đạo Phật, quí vị thấy Phật có dạy chúng ta điều gì huyền bí mầu nhiệm không? Phật dạy chúng ta toàn những điều thật. Ví dụ Phật tử tại gia, Phật dạy giữ năm giới, rõ ràng có gì cao siêu huyền bí đâu, chỉ là những lẽ thực. Nếu chúng ta sống giữ được như thế thì mình là một con người tốt, hiện tại gây ảnh hưởng tốt với gia đình xã hội, mai kia cũng được sanh nơi tốt. Đó là lẽ thực chớ không có gì huyền bí cả. Bởi vì Đức Phật là một con người thực, chứng nghiệm lẽ thực cho nên những gì Ngài nói cũng là lẽ thực.

tinh-than-xuat-tran-cua-dao-phat

Theo ý riêng, tôi nghĩ Đức Phật sinh ra như mọi người mà tu hành thành Phật thì chúng ta tu hành cũng sẽ thành Phật. Vì thế, Ngài sinh ra như mọi người là vì muốn độ loài người. Khi lớn lên, Ngài cũng phải học. Học rồi mới hiểu, từ học hiểu đó sau này gặp duyên tốt, Ngài liền thức tỉnh đi tu. Có thế hàng phàm phu chúng ta nhìn lại gương lịch sử của Phật, thấy Ngài cũng là con người như mình, thức tỉnh đi tu rồi thành đạo. Chúng ta cũng là người như Ngài, nên cũng có quyền thức tỉnh đi tu rồi thành đạo. Nếu thấy Ngài sinh ra quá mầu nhiệm huyền bí, còn chúng ta sinh ra quá tầm thường thì mình sẽ mặc cảm rằng việc làm đó chỉ có bậc kỳ đặc như Ngài mới làm được, còn tầm thường như mình thì bất khả thi. Nếu nhìn Đức Phật thế ấy, chúng ta sẽ thấy Ngài rất gần gũi, rất thiết thực với con người. Từ đó ta cố gắng tu để đạt được kết quả như Phật. Như vậy đạo Phật mới thực tế chứ!

Hồi xưa thái tử thấy cảnh già bệnh chết, Ngài thức tỉnh đi tu. Bây giờ tất cả chúng ta cũng thấy cảnh già bệnh chết nhưng thức tỉnh chưa? Phật thấy người già liền biết mình sẽ già, thấy người bệnh liền biết mình sẽ bệnh, thấy người chết liền biết mình sẽ chết, nên Ngài không cam tâm ngồi yên chờ cái già, bệnh, chết đến với mình nên đi tu. Còn chúng ta thấy người già thì nghĩ đó là ông già, mình còn trẻ chưa gấp gì. Thấy người bệnh nói người ta bệnh chớ mình chưa bệnh, thấy người chết nói người đó chết chớ mình chưa chết. Vì thế chúng ta không tỉnh nên không vội vàng đi tu. Phật và chúng ta khác nhau ở chỗ tỉnh và mê đó, chớ không phải khác nhau ở chỗ huyền bí.

Hiện giờ chúng ta tu nếu gặp khó khăn trở ngại, có phân bì với Phật hồi xưa tu khỏe, mình bây giờ tu cực quá không? Không thể, vì Phật tu đâu có khỏe. Ngài cũng khó khăn, khổ sở nhưng nhờ ý chí mãnh liệt, quyết tâm tột cùng nên mới đạt đạo. Chúng ta ngày nay tu hơi khó thì nản, nói tu gì khó quá. Tu mà sao không có phước, gặp tai nạn hoài, nghĩ vậy rồi chán hết muốn tu. Người tu thời nay quan niệm rất đơn giản, tu cho có phước hết tai nạn nên tới chùa tập tu để cầu phước. Nếu lỡ gặp tai nạn thì trách Phật không linh, nên nghỉ tu, nghỉ đi chùa. Phải hiểu tu là chấp nhận mọi khó khăn mọi nguy hiểm, để vươn lên trước những thử thách cay đắng mới là người có lập trường, có ý chí, như vậy mới mong đạt được sở nguyện. Hiểu thế, giả sử chúng ta có gặp khó khăn đến mấy, ta vẫn cười: “Đây là cơ hội để mình tu, chớ không cầu xin ai”.

Hơn nữa, tu là nguyện sửa chữa những tật xấu như tham sân si. Nếu vào đạo muốn gì được nấy thì tham chẳng những không giảm chút nào mà còn tăng trưởng thêm, càng tu càng tham. Người biết tu khi gặp cảnh vui hợp ý thì hoan hỷ tu, nhưng gặp những lúc khó khăn trái ý cũng cười mà tu. Muốn được là tham, không được vẫn không buồn là thắng cái tham, thắng một thứ độc. Con muốn mà không được, âu sầu buồn bã mất ăn mất ngủ là thua, là kẻ bại trận trên đường tu. Chúng ta nỗ lực cố gắng vượt qua những cái khó mới gọi là tu. Phải tâm niệm rằng chính những sự khó khăn, nguy hiểm, thất bại mới tạo cơ hội để ta biết được đạo lực của mình. Nếu dở thì ráng tu nhiều hơn, nếu khá thì mừng để tiến lên. Đó mới thực là người quyết tâm tu.

tinh-than-xuat-tran-cua-dao-phat

Sau khi thành đạo rồi, Đức Phật chứng Tam minh, Lục thông, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng v.v… Lục thông gồm có: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông, túc mạng thông, lậu tận thông. Tại sao có thần thông mà Phật không dùng? Đó là điều chúng ta cần phải lưu tâm. Hoặc khi đi giáo hóa gặp người chửi mắng, Ngài chỉ im lặng đi, chớ không hiện thần thông khiến ai khiếp sợ cả. Đó là bài học muôn đời mà hàng Tăng Ni Phật tử phải nhớ. Chúng ta chỉ cần nghe ai nói lén đâu đó ngoài xó hè, giông giống tên mình là ra mặt lên tiếng ngay. Nếu nghe trực tiếp một lời chê xấu thì buồn tới mất ăn mắt ngủ. Vì mình nhận nhiều quá nên khổ, chớ người ta nói mình không nhận như Phật thì đâu có khổ. Phật tự tại không phải vì phép lạ, vì thần thông mà vì tâm Ngài không dính mắc. Chúng ta bị trói buộc khổ đau vì tâm dính mắc nhiều quá. Bây giờ muốn tu thì phải gỡ bỏ tâm dính mắc đó. Chỉ có cách ấy thôi.

Một hôm Phật đi giáo hóa ở vùng Bà la môn, hàng đệ tử của họ theo Phật rất đông. Ông thầy bực bội nên chờ lúc Phật đi khất thực, ông theo sau chửi Ngài thậm tệ. Đức Phật vẫn cứ thong thả đi, tới ngã ba đường, ông thầy Bà la môn tức quá chặn Phật lại, hỏi: “Ngài Cù Đàm, Ngài thua tôi chưa?”. Phật từ tốn trải tọa cụ, ngồi xuống đất và nói bài kệ:

Kẻ hơn thì thêm oán,
Người thua ngủ chẳng yên.
Hơn thua hai đều xả,
Ấy được an ổn ngủ.

Chỗ Đức Phật dạy chúng ta đâu có gì kỳ đặc, chỉ đừng chấp hơn thua thôi. Buông đi hơn thua thì chúng ta an nhàn tự tại, nằm duỗi chân ngủ khò. Còn đeo bám hơn thua, nếu hơn thì kẻ khác oán ghét mình, nếu thua ta trằn trọc ngủ không được, cả hai đều làm cho mình khổ đau. Nếu buông xả hết hơn thua thì mọi đau khổ liền chấm dứt. Qua những hình ảnh này, chúng ta thấy rõ Đức Phật không đặt trọng tâm ở khả năng của thần thông mà Ngài luôn chỉ chúng ta phải tập cởi mở, buông xả tâm cố chấp, hơn thua tự nhiên sẽ được an lạc. Đó là tâm niệm tu hành chân chính. Chúng sanh vì không chịu buông xả nên khổ, Phật Bồ tát nhờ buông xả hết nên các Ngài an lành tự tại. Như vậy tự tại từ sự buông xả, không dính mắc nơi nội tâm mà có. Ngài không nhìn thần thông là tốt, để chúng ta thấy tinh thần xuất trần của đạo Phật rất cụ thể.

Kinh Trường A Hàm kể lại, một hôm Đức Phật ngồi trên bờ hồ nhìn thấy những đóa sen nở tươi tắn, Ngài bảo: “Tất cả hoa sen nở thơm tho thanh khiết này, gốc đều từ trong lòng bùn nhơ”. Như vậy bùn nhơ là nơi để cho hoa sen kết nụ, rồi từ từ nó chui ra khỏi bùn, nhú lên mặt nước mới nở hoa thơm tho thanh khiết. Có hoa sen nào không từ bùn nhơ mà ra đâu? Cũng thế, Đức Phâït nói tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật. Nếu mọi người nỗ lực tu cũng như nụ sen dưới bùn có khả năng vượt ra khỏi bùn, nhô lên mặt nước và trổ hoa thơm tho.

Phật là người ở trong vũng bùn dục lạc hoàng cung, Ngài như mọi thanh niên khác, có gia đình có vợ con hẳn hoi. Từ đó Ngài cố gắng tu hành vượt qua mọi cám dỗ thế gian, lần lần chứng quả. Giống như hoa sen từ vũng bùn ngoi lên, rồi ra khỏi nước nở thành đóa hoa tròn đẹp thơm tho. Qua đó chúng ta thấy rõ đạo Phật không dạy mình tu cái gì ở bên trời kia hay nơi nào xa lạ, mà tu ngay trong cõi dục lạc nhớp nhúa, chúng ta vươn lên thoát ra để rồi đạt đạo. Như vậy tinh thần xuất trần của đạo Phật là tinh thần từ chỗ nhơ nhớp vượt lên thành thanh khiết, chớ không phải thanh khiết có từ nơi thanh khiết.

Chúng ta hiện giờ đang sống trong ngũ dục lạc, mình có quyền tu để thành Phật không? Ai cũng có quyền hết. Không một nụ sen nào từ dưới bùn mà không có quyền trồi lên và nở hoa thơm tho, trừ những nụ sen bị sùng hoặc con gì cắn thì nó mới tiêu mòn, không trồi lên được. Thế nên chúng tôi cho rằng Đức Phật có thể sinh ra như một con người bình thường cũng có thể chấp nhận được chứ! Như vậy con người sẽ thấy Đức Phật gần gũi, cụ thể với nhân loại và vì thế họ tự khẳng định niềm tin nơi khả năng giác ngộ giải thoát của mình hơn.

Do đó, mỗi khi chúng ta nhìn thấy Phật ngồi trên tòa sen, tự nhiên mình có cảm tưởng Phật là nụ sen đã ra khỏi nước nở tròn thơm tho, chúng ta là những nụ sen còn đang ở trong bùn. Nếu nỗ lực, mai kia mình cũng được nở tròn thơm tho thanh khiết như Phật vậy. Hình ảnh đó có tác dụng khích lệ lớn lao vô cùng, giúp chúng ta cố gắng tu nhiều hơn. Nếu Ngài ra đời không dính chút bụi trần nào hết thì bây giờ đạo Phật khuyên người ta tu khó được. Bởi Đức Phật thanh khiết quá nên Ngài thành Phật, còn mình nhớp nhúa quá làm gì thành Phật nổi? Ta sẽ mặc cảm không có phần trong công phu tu hành. Vì vậy hình ảnh Đức Phật ra đời bình dị như mọi người rất thích hợp với tinh thần vì nhân loại, vì chúng sanh.

Phật tử chúng ta có thể hãnh diện vui mừng rằng, Đức Phật là Bậc Thầy của tất cả muôn loài rất thực tế, rất gần gũi, rất chí thiết. Nếp sống của Ngài là tấm gương sáng cho chúng ta tu học theo một cách hiện thực sống động, chớ không phải chuyện xa lạ. Đó là ý nghĩa rất thâm trầm của Đạo Phật. Vì vậy tôi muốn nhắc toàn thể Tăng Ni cũng như Phật tử nên nhìn Đạo Phật bằng cái nhìn cụ thể, chớ không nên nhìn Đức Phật với cái nhìn phi thường xa lạ. Cái phi thường của Đức Phật là tâm không dính mắc, là trí tuệ tràn trề, là lòng từ bi mênh mông, chớ không phải phi thường của những huyền bí, phép lạ.

Như vậy, Đức Phật của chúng ta là Bậc đã giác ngộ, giải thoát với trí tuệ và tình thương tràn đầy. Đây chính là nền tảng của đạo Phật, là cái sẵn có nơi mỗi người chúng ta. Tăng Ni, Phật tử cố gắng thực hiện, cố gắng tu tập rồi sẽ đạt được kết quả viên mãn như Phật.

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.