Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Hòa Thượng, Thiền sư Thích Thanh Từ.

Những năm tôi còn học ở trường, thấy nhiều vị đến hỏi các thầy Trụ trì: “Thưa thầy con nghe nói tu thiền hay lắm. Như vậy, tu thiền là sao, xin thầy chỉ dạy cho?”

Có thầy nói: “Đừng! Đừng! Tu thiền là điên nghen.”

Cứ nói tu thiền điên, nhưng không biết tu làm sao mà điên. Cứ một bề nói tu thiền có điên.

Trong khi đó các nước như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Nhật Bản v.v… người ta tu thiền, thiên hạ đổ xô tới học, còn ở Việt Nam các thầy lại nói tu thiền điên, coi phải khổ không? Từ cái nhìn hẹp hòi đó, đâm ra chúng ta tự đóng khung mình trong phạm vi quá chật hẹp.

Ngày xưa, Phật tu thiền, Tổ tu thiền, mà ngày nay con cháu nói tu thiền điên. Như vậy là một sự phản bội không thể tưởng tượng nổi. Nếu điên thì đức Phật đã điên rồi, các Tổ đã điên rồi, đâu truyền tới bây giờ. Cho nên nói như vậy có phải là quá thiển cận không? Từ sự thiển cận đó đi đến chống đối nhau, không tới đâu hết. Cho nên chúng ta học phải học cho tới nơi, thấy cho tường tận. Tu Thiền, tu Tịnh… đều tốt cả, nhưng phải tu đúng theo tinh thần Phật dạy.

Có nhiều người thắc mắc hỏi tôi, người tu Tịnh độ niệm Phật, sau này chết sanh về Cực Lạc, thầy tu Thiền chết về đâu.

“Hết chỗ về!”

Nghe nói vậy, ta tưởng như mình đã lạc lõng rồi. Nhưng sự thật, tại sao chúng ta không nhớ gốc của đạo Phật là cứu kính Niết-bàn.

Niết bàn là chỗ cứu kính, là vô sanh, không còn sanh thì lấy gì có tử? Người tu Thiền, nếu theo thiền Nguyên thủy thì tới Diệt tận định, không còn thọ tưởng hành thức gì nữa, tới chỗ đó mới gọi là vô sanh, chứng A-la-hán, nhập Niết-bàn.

Còn người tu thiền theo Thiền tông, tới chỗ không còn niệm đối đãi sanh diệt nữa là vô sanh, vô sanh là Niết-bàn.

Kẻ không biết, cứ nói về Cực Lạc mới cứu kính, còn nhập Niết-bàn chưa phải. Như vậy, không biết đức Phật phải dạy sao bây giờ? Đó là cái thấy nông cạn của người học Phật, họ không biết chỗ nào là gốc, chỗ nào ngọn, cứ bị kẹt trong phương tiện, rồi trở lại chống đối người khác.

Vì lẽ đó, chấp cái hiểu, cái tưởng, cái nhận định của mình là đúng, đó là bệnh rất lớn.

Trong kinh A-hàm, Phật nói câu tuyệt vời làm sao: “khi chúng ta nghĩ tưởng điều gì, thì nói lên rằng đây là cái tưởng của tôi” thôi.Không nói cái nghĩ tưởng của mình đúng. Tại sao? Vì nghĩ tưởng hay suy tưởng là tướng sanh diệt, nó không phải chân lý, không phải chân lý thì không có cái nào đúng tuyệt đối hết. Nó chỉ đúng một phần, một góc cạnh mà chúng ta lại tưởng là tuyệt đối. Từ đó bám vào suy tưởng hạn hẹp của mình mà sát phạt nhau.

Người tu Phật phải dẹp hết tất cả những suy tưởng, còn kẹt hai bên là còn sanh tử. Bởi thấy còn đúng còn sai là sanh tử, thấy mình phải người quấy là sanh tử. Tới chỗ cứu kính Tâm chân thật là tâm không còn hai, còn hai là chưa phải chân thật.

Cái cao siêu của đạo Phật là như vậy. Nghĩa là không cho chúng ta có cái nhìn đối đãi, so sánh đây hơn kia thua, có trọng có khinh. Vì thấy hay sanh ra ngạo mạn, thấy dở sanh ra khinh miệt, như vậy là tâm không tốt, phải bỏ tâm đó. Còn đối đãi là còn sanh diệt, còn sanh diệt thì chưa phải chân lý. Chân lý là không còn hai.

Quí vị thấy chấp thân, chấp tâm nguy hiểm như thế nào rồi. Nếu ai nhìn cũng như Phật dạy hết, thì thế gian này còn tranh đua giết hại nhau nữa hay không? Không giành nhau về vật chất, không giành nhau về lý tưởng, thì cuộc đời bình đẳng. Mọi người có mặt đều biết chúng ta có tạm đây nên thương nhau không hết, đâu có gì phải giành giựt hơn thua. Hiểu như vậy, biết như vậy thì cả thế gian này là Cực Lạc rồi. Ngược lại, ai cũng cho mình là Tổ sư của một triết lý nào đó, rồi phe này chống phe kia, không ai cảm thông nhau, dẫn tới đấu tranh và đau khổ không có ngày cùng. Cho nên sự sát phạt nhau về vật chất có khi còn nhẹ hơn sự sát phạt nhau về tinh thần.

Như vậy, trên hai phần tinh thần và vật chất, nếu không có tâm cởi mở, thấy đúng như thật, chúng ta sẽ sống rất đau khổ. Đạo Phật dạy chúng ta thoát ra ngoài hai cái vòng đó. Đối với thân thì biết nó là tạm bợ. Thân tạm bợ nên tất cả vật chất cung ứng cho thân cũng tạm bợ, có gì quan trọng mà phải giành giựt, do đó chúng ta sẵn sàng chia sớt với nhau. Biết tâm suy nghĩ của mình là tâm sanh diệt không thật, không phải chân lý, thì người nghĩ khác mình cũng không thật, thôi bỏ qua hết sống vui với nhau là được. Đừng giành hơn giành thua với nhau làm chi, đừng cho đúng cho sai làm gì, thì cuộc đời có gì là khổ nữa?

Chúng ta thấy cái cao siêu của đạo Phật cao vót nên người đời với không tới. Bởi với không tới nên họ gác qua một bên, cho đó là cái gì siêu hình, không thực tế. Thực tế là giành ăn, giành mặc với nhau đây. Sự thật điều Phật dạy rất đúng, rất thực tế. Ai không biết thân này tạm bợ, giả dối. Nhưng biết mà không dám biết. Khi nào đi đám ma thấy người ta chết, biết mai mốt mình cũng chết, nhưng đâu dám nói mình chết. Cứ nghĩ mình còn sống dài hơn nữa kìa, chớ không phải nay mai sẽ chết. Chúng ta thấy chết là sợ, vì không có cái nhìn bằng trí tuệ, mà chỉ nhìn theo tình cảm. Bám vào thân này làm chỗ tựa duy nhất nên rồi quí chuộng nó, bảo vệ nó. Do quí chuộng và luôn tìm cách bảo vệ nó nên việc đụng chạm với người khác không thể tránh khỏi.

Đó là hai điều mà người tu Phật phải hiểu cho thấu, cho tường tận để mai kia khi ra làm Phật sự, chúng ta mới không lầm lẫn, nếu không sẽ dễ bị kẹt lắm.

Ví dụ như chúng ta tu thiền, Phật dạy phải được định. Định là gì? Nếu định của Tiểu thừa thì được Diệt tận định, nếu Đại định thì không còn niệm thứ hai, đi đứng nằm ngồi đều vô niệm.

Đại định thì không còn niệm sanh diệt, cho nên không còn tạo nghiệp đi trong luân hồi, gọi đó là giải thoát. Đức Phật dạy tu thiền là như vậy.

Đến Tịnh độ thì sao?

Niệm Phật là dùng câu niệm Phật để đập chết ý niệm lăng xăng. Nhớ Phật thì không nghĩ, không tưởng đến những chuyện khác. Nhờ câu niệm Phật chí quyết, cho tới nhất tâm rồi thì mọi nghĩ tưởng đều tan biến không còn. Niệm Phật cũng tới nhất tâm bất loạn. Bất loạn là hết nghĩ tưởng, hết nghĩ tưởng sẽ được vô tâm, mà vô tâm là được đại định rồi. Vô tâm thì đâu còn tạo nghiệp cho nên hết sanh tử. Như vậy tới chỗ cuối cùng cũng gặp nhau, nhưng phương tiện Phật dạy tùy theo trình độ, căn cơ. Những pháp môn khác cũng vậy, đến chỗ cuối cùng đều tụ hội nhau hết, chớ không có sai biệt. Rất tiếc người đời, cũng như một số người trong đạo không thấy đến chỗ này, cứ nắm trên phương tiện sai biệt rồi cãi nhau, đi tới chỗ bất lợi, chống đối nhau. Đó là điều sai lầm lâu nay chúng ta mắc kẹt.

Người tu thiền cũng vậy. Như chúng ta biết vọng niệm vừa khởi biết nó là dối, không thật. Biết rồi chúng ta buông, cứ thế buông hết tất cả niệm, tới lúc nào đó không còn vọng nữa thì cũng như niệm Phật tới nhất tâm. Vậy chỗ cứu kính không hai đó mới là chân thật, mới cao siêu vượt ra ngoài. Bên Tịnh độ đến chỗ nhất tâm là chỉ còn một tâm. Một tâm ấy không còn niệm nào nên cũng gọi vô tâm. Bên tu thiền được an định, an định rồi thì thể nhập Phật tánh là Tánh giác. Như vậy không phải hết tất cả niệm chúng ta không còn gì, mà chúng ta còn cái chân thật. Niệm Phật tới chỗ vô niệm là nhất tâm thì thấy Phật. Như vậy trên đường tu rất rõ ràng, không có gì phải nghi ngờ nữa.

Nếu ai tu cho thật tới chỗ tột cùng cũng đều gặp nhau hết. Lẽ thật như vậy.

Như bên Công giáo người ta niệm Chúa, để làm gì? Niệm Chúa là để nhập được với thánh thể của Chúa. Khi niệm đến chỗ không còn niệm lăng xăng nữa thì nhập thánh thể Chúa, cũng như niệm Phật thấy Phật Di-đà vậy thôi. Vậy, chỗ cứu kính không khác, nhưng phương tiện lại khác. Nhưng người ta thường đi trong phương tiện, chớ không tới chỗ cứu kính. Nếu đến chỗ cứu kính thì gặp nhau, cười với nhau thôi, có gì đâu. Đức Phật Di-đà hay đức Chúa gặp nhau cũng cười thôi. Cho nên trên chỗ cứu kính, không có gì chống đối nhau, nhưng trong phương tiện mà chấp phương tiện là cứu kính thì sẽ dẫn đến chống đối nhau.

Hòa Thượng, Thiền sư Thích Thanh Từ.

Trích trong: Phật Pháp Tại Thế Gian Tập 3 (2005).

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.