Trong kinh Tăng chi bộ III, chương Bảy pháp, Đức Phật dạy trên thế gian có 7 hạng vợ, đó là: vợ như mẹ, vợ như bạn, vợ như em gái, vợ như người phục vụ trung thành, vợ như kẻ trộm cắp, vợ như bà chủ, vợ như kẻ sát nhân.
Hạng vợ như mẹ là người vợ thương yêu và quan tâm lo lắng cho chồng như một người mẹ thương yêu và quan tâm lo lắng cho con. Người vợ này thương yêu, chăm sóc cho chồng chu đáo từng bữa ăn giấc ngủ, từng tấm áo manh quần, khi bệnh tật ốm đau; chăm lo, gìn giữ, bảo vệ chồng cũng như những gì thuộc về chồng; giúp cho chồng những điều hay, bù đắp cho chồng những chỗ khiếm khuyết.
Trong xã hội ngày nay cũng còn rất nhiều người vợ như thế, họ là mẫu người phụ nữ truyền thống trước đây. Tuy những đức tính của người phụ nữ truyền thống rất cần thiết, song đó chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ để xây dựng hạnh phúc gia đình trong mọi thời đại. Một người vợ có khả năng xây dựng hạnh phúc hôn nhân, gia đình không chỉ là người tình mà còn là người bạn, đồng thời có cả những đức tính của một người mẹ, người em. Người vợ như mẹ hết lòng thương yêu chồng con, hy sinh cho chồng con nhưng không trông mong được đền đáp. Người vợ như mẹ luôn lấy niềm vui, hạnh phúc của chồng con làm hạnh phúc của mình.
Kế đến, hạng vợ như bạn là người vợ hết lòng quý mến chồng, luôn tôn trọng chồng, không lấn lướt, không phân chia cao thấp với chồng, biết cư xử hợp lẽ như những người bạn với nhau. Người vợ như bạn biết quan tâm chia sẻ với chồng những tâm sự vui buồn, những khó khăn trong cuộc sống, trong công việc, sự nghiệp, đóng vai trò là người bạn tâm giao, là hồng nhan tri kỷ. Có nhiều gia đình, người vợ chỉ đóng vai trò là người tình mà thiếu vai trò người bạn đời, không có sự đổi trao tâm sự, chia sẻ những vui buồn ấm lạnh với chồng, không quan tâm đến tâm tư tình cảm của chồng, từ đó quan hệ vợ chồng không thắt chặt, thường xảy ra bế tắc, mất niềm vui và hạnh phúc.
Muốn quan hệ vợ chồng tốt đẹp, tình cảm gia đình nồng ấm, người vợ phải biết lắng nghe tâm sự của chồng, tìm hiểu tâm tư tình cảm của chồng, ước muốn của chồng, chia sẻ với chồng những khó khăn trong công việc (nếu như mình có thể) và trong cuộc sống. Ngược lại, nếu vợ chồng chỉ gặp nhau trên giường ngủ, thời gian khác thì việc ai nấy làm, chỉ biết có thú vui, sở thích cá nhân mình, chỉ biết có công việc, sự nghiệp của mình, chỉ chiều theo cá tính, bản năng của mình, tự tạo cho mình một thế giới riêng (chìm đắm trong cờ bạc; la cà đàn đúm với bạn bè, suốt ngày ngồi lê đôi mách nói chuyện thiên hạ; đua đòi, hưởng thụ; buông mình trong rượu bia, tiêu tiền vì những cảm giác ảo).
Có nhiều người vợ hoặc chồng vì đắm chìm trong thế giới ảo trên mạng internet mà hạnh phúc gia đình tan vỡ (nghiện game online, phim/truyện; mê chat, giao du, kết bạn với những người mà mình không hề biết mặt, không biết rõ về họ, hoặc chỉ biết rất mơ hồ, thậm chí biết không đúng sự thật vì họ chỉ bịa ra tên tuổi, thân phận của họ), để rồi ngày đêm cứ mơ tưởng về anh chàng đẹp trai, hấp dẫn hay cô nàng đẹp gái, quyến rũ với những lời có cánh trên mạng mà quên đi người chồng người vợ thật đang sống chung với mình.
Vợ chồng xem nhau như bạn cũng có nghĩa là xây dựng mối quan hệ trên tinh thần bình đẳng (không có chuyện chồng chúa vợ tôi, nam trọng nữ khinh hoặc ngược lại, vợ là số một, ngoài vợ không còn ai khác, nhất vợ nhì trời, vợ là bà hoàng – chồng là nô lệ v.v…). Vợ chồng bình đẳng như nhau có nghĩa là xem nhau như bạn bè, đối xử với nhau công bằng, không phân biệt tuổi tác, vai trò, vị thế trong xã hội, ai cũng được tôn trọng như nhau. Nhưng vợ chồng bình đẳng không có nghĩa là có quyền đối xử ngang nhiên tùy tiện, không cần tôn trọng nhau; bình đẳng không có nghĩa là có quyền có lời nói, hành vi khiếm nhã, không lịch sự, tế nhị, không cần kiêng nể người bạn đời của mình.
Đức Phật dạy thế nào là người vợ lý tưởng
Có nhiều người vợ nói chuyện với chồng như tát nước vào mặt, la ó quát tháo, mắng sa sả vào mặt chồng bất kể tốt xấu, đúng sai, như thế chẳng những làm mất tư cách của mình mà còn làm tổn thương chồng và khiến cho chồng mất thể diện (vì có cô vợ có cách hành xử thiếu hiểu biết, kém văn hóa, đạo đức như thế). Dù cho người vợ đúng và người chồng sai quấy thì người vợ cũng phải có cách cư xử khôn khéo, tế nhị, vừa giúp chồng nhận ra chỗ dở, chỗ khiếm khuyết, vừa giữ được tư cách của mình, chẳng những thế mà còn nâng cao phẩm hạnh bản thân và khiến cho chồng cảm phục, người bên ngoài trông vào cũng thấy ngưỡng mộ.
Hạng vợ như em gái là người vợ biết khiêm tốn nhún nhường, tôn trọng, kính nể chồng, thương yêu quý mến chồng như đứa em gái đối với anh trai. Đây là đức tính rất quan trọng trong việc xây đắp quan hệ vợ chồng bền vững. Có những người vợ có bản tính hung dữ, kiêu căng ngạo mạn, không biết cư xử, thường lấn lướt những ông chồng hiền, yếu đuối, nhu nhược, hoặc những người chồng kém thế hơn về trình độ học vấn, năng lực làm việc, tài sản, vai trò, vị thế trong xã hội. Những người vợ như thế không xem chồng như người anh, không xem chồng như người bạn, không xem chồng như người yêu.
Hạng vợ thứ tư là vợ như người phục vụ. Đặc điểm của những người phục vụ là ân cần, niềm nở và cần mẫn, chu đáo. Người vợ cũng cần có những đức tính này. Trong việc chăm sóc gia đình, chăm sóc chồng con cần tận tụy (hết lòng nhiệt tình, không làm qua loa, lấy lệ), làm mọi việc một cách sốt sắng và vui vẻ, siêng năng, chăm chỉ, chu đáo. Bởi người vợ và người chồng là hai thành viên chính trong gia đình, là rường cột để xây dựng ngôi nhà hạnh phúc. Chồng con, sự nghiệp gia đình là một phần cuộc sống của người vợ, cho nên người vợ cần hết lòng chăm nom, gìn giữ, vun đắp, sống vì gia đình cũng chính là vì bản thân mình.
Ngược lại với đức tính người vợ như người phục vụ là người vợ như kẻ cắp, người vợ như bà chủ.
Hạng vợ như kẻ cắp là người vợ luôn tiêu hoang, xài phí, làm tiêu tan sự nghiệp gia đình bởi những thói hư tật xấu: đua đòi xa xỉ, rượu bia, cờ bạc, ăn chơi hưởng thụ sa đà, không biết vun đắp, gìn giữ tài sản, sự nghiệp gia đình.
Bốn nhân duyên tạo xứng đôi vợ chồng
Hạng vợ như bà chủ là người vợ có tính gia trưởng, thường tỏ ra uy quyền, làm việc và cư xử với thái độ độc đoán, độc tài, thường hay lấn lướt chồng, xem chồng như người dưới tay, như kẻ ăn người ở, nắm hết mọi quyền hành và điều khiển chồng như con rối, khiến chồng không thể ngẩng mặt lên với thiên hạ, khiến chồng thất tín, bất nghĩa với người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Những người vợ lười biếng, tham ăn uống hưởng thụ, suốt ngày không làm gì cả, ngồi lê đôi mách hoặc mê bạc bài, thường gắt gỏng la lối quát tháo chồng con, không quan tâm đến nỗi khổ tâm, khó nhọc của chồng, đây cũng xem là hạng vợ như bà chủ.
Ngoài ra còn một hạng vợ đáng sợ hơn nữa là vợ như kẻ sát nhân, kẻ gây rối. Họ là những người vợ có tâm địa xấu xa độc ác, không có tình yêu thương chồng con, bỏ rơi chồng con để chạy theo tiền tài, danh vọng, hoặc tình nhân, hay chạy theo những niềm vui, đam mê ích kỷ của mình, tự phá nát gia đình mình và gây đau khổ cho người khác (ví dụ như lấy chồng người, dụ dỗ trai tơ; nghiện bạc bài, tình dục, ma túy…). Báo chí gần đây đưa tin, có người vợ giết chồng để lấy tiền bảo hiểm trả nợ bạc bài; có người vợ thuê người vào trộm két sắt của chồng để lấy tiền trả nợ do làm ăn thua lỗ… Đây đều là hạng vợ bất lương, hay hạng vợ sát nhân như trong kinh nói.
Theo lời Phật dạy, người vợ mang lại hạnh phúc cho gia đình, cho những người thân người thương là người vợ có những đức tính của người mẹ, người bạn, người em gái, người phục vụ. Những người vợ có các đức tính đó có thể xem là người vợ hoàn hảo về nhân cách, phẩm hạnh và có khả năng mang lại hạnh phúc cho gia đình. Ngược lại những hạng vợ như kẻ trộm cắp, như bà chủ, như kẻ sát nhân thì không phải là những người vợ tốt và tự thân họ cũng khó có thể mang lại hạnh phúc cho chồng con.
Quan niệm về một người vợ hoàn hảo có lẽ không giống nhau ở các thời đại, ở các nền văn hóa, truyền thống đạo đức. Tuy nhiên những đức tính mà một người vợ cần có của người mẹ, người bạn, người em gái, người phục vụ như lời Phật dạy trong bài kinh này là điều rất cần thiết cho đời sống gia đình ở bất cứ thời đại nào, xã hội nào.
Minh Hạnh Đức