Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Khi còn trên đường đi tầm đạo, Tất Ðạt Ða có gặp năm anh em A Nhã Kiều Trần Như, cùng trao đổi tu tập và hứa với nhau khi nào có người chứng quả vị Vô Thượng Bồ Ðề thì sẽ trở lại và truyền đạt cho nhau.

Lời dạy của Ðức Phật về dấu ấn ‘chuyển Pháp luân’

Như chúng ta đã biết, khi còn trên đường đi tầm đạo, Tất Ðạt Ða có gặp năm anh em A Nhã Kiều Trần Như, cùng trao đổi tu tập và hứa với nhau khi nào có người chứng quả vị Vô Thượng Bồ Ðề thì sẽ trở lại và truyền đạt cho nhau. Sau khi chứng quả thành Phật, Ðức Phật liền đến với năm anh em Kiều Trần Như nơi vườn Lộc Giả. Tại đây, Ðức Phật thuyết bài pháp đầu tiên là “Tứ Diệu Ðế” tức “Bốn điều chân lý” tối thượng, chỉ rõ hiện trạng mọi sự khổ trên đời, nguồn gốc huân tập nên sự khổ, phương pháp chấm dứt khổ và con đường an trú đạo quả hạnh phúc lâu dài.

* Khổ đế: “Thế giới này đầy rẫy những sự khổ ải. Sinh cũng khổ, già cũng khổ, bệnh cũng khổ, rồi tử cũng khổ. Gặp điều mình ghét cũng khổ, xa cái mình yêu thích cũng khổ, không tìm được cái mình muốn cũng khổ. Ðúng là cuộc đời này không xa lánh được sự chấp nê nên khổ. Ðó gọi là chân lý của sự khổ.” (Kinh Tương Ưng Bộ).

Đức Phật chuyển Pháp luân – Bài kinh Chuyển pháp luân cực kỳ quan trọng

Các pháp Ðức Phật dạy về chân lý khổ đế này hàng ngày luôn ở quanh ta, trong cuộc sống của ta. Do vô minh nghiệp thức che lấp nhiều đời khiến chúng ta lầm chấp ôm chặt vào lòng “ngã và ngã sở” cho nên bị “tám khổ” nơi bánh xe khổ hành hạ từ đời này qua kiếp khác, không còn biết đầu mối là thế. Nếu muốn hết khổ, chúng ta phải tự mình biết dừng lại, phăng tìm nguồn gốc cấu thành sự khổ để quay lại, không tạo tác “nhân” nữa thì mới mong thoát khỏi “quả” khổ của sanh tử nhiều đời.

* Tập đế: “Tại sao đời người lại khổ? Ðó chắc là do sự phiền não trong tâm người mà ra. Sở dĩ có những nỗi phiền não là bắt nguồn từ những sự ham muốn dục vọng bẩm sinh. Lòng dục vọng này phát sinh từ sự chấp nê đối với sự sống, dục vọng, muốn nghe, muốn thấy dù phải chết chăng nữa. Ðiều này gọi là nguyên nhân của sự khổ”. (Kinh Tương Ưng Bộ).

Khi chưa biết nguyên nhân thì chúng ta còn thắc mắc, không biết tại sao mình bị khổ hay khổ nhiều, khổ ít? Nay đã biết rõ nguyên nhân rồi, thiết nghĩ mỗi người, nhất là Phật tử, chúng ta cần nên cố gắng tập tu, tập học để hạn chế lần, đưa đến chấm dứt mọi nguyên nhân có thể đem đến khổ đau cho mình, bà con thân quyến mình và mọi người quen lạ, xa gần xung quanh trong cuộc sống.

Kinh Chuyển Pháp Luân – Con đường tỉnh thức Phật, Tổ, Bồ tát và chúng ta

* Diệt đế: “Chúng ta phải diệt trừ tận gốc sự phiền não. Nếu con người bỏ được tất cả sự chấp nê thì sẽ hết khổ. Ðây gọi là chân lý diệt khổ”. (Kinh Tương Ưng Bộ)

Sự thật không ai trong cuộc sống lại thích cưu mang phiền não trong lòng. Nhưng dứt diệt phiền não, dứt diệt sự khổ cũng không phải là điều dễ dàng. Thông thường, những lời nói quấy hay những hành động quấy, nó đã được tích tụ và ngủ ngầm trong nghiệp thức từ lâu đời, kể cả sự chấp nê và lòng phiền não. Nay, nếu chúng ta không quyết tâm, không chịu dùng pháp Phật để soi sáng nhân quả nghiệp chướng nhiều đời để dứt trừ thì không biết đời nào mình mới được hết khổ!

* Ðạo đế: “Muốn vào cõi vô dục vô khổ, con người phải tu “Bát chánh đạo”, tức là đạo 8 chơn chánh. Một là thấy chơn chánh, hai là suy nghĩ chơn chánh, ba là lời nói chơn chánh, bốn là làm việc chơn chánh, năm là đời sống chơn chánh, sáu là siêng năng chơn chánh, bảy là niệm nhớ chơn chánh và tám là giữ tâm định chơn chánh. Ðó gọi là con đường đạo 8 chơn chánh, là chân lý chánh đạo diệt dục. Phải thấm nhuần 8 điều chân lý này”. (Kinh Tương Ưng Bộ ).

Ðời là bể khổ, người nào muốn tránh khỏi khổ nạn thì cần phải dứt bỏ được sự phiền não trong lòng, lời nói xấu xa và hành động tội lỗi. Làm con người, làm Phật tử muốn đến được cõi vô dục vô khổ thì chỉ có cách tự biết tu dưỡng thân tâm để đạt được sự giác ngộ.

Kinh Chuyển Pháp Luân từ bản khắc gỗ Càn Long

Thế nên, người con Phật thành tâm theo đạo thì phải học và hiểu được “Bốn chân lý” cao cả này. Nếu làm Phật tử mà không hiểu được thì dễ bị đi vào con đường lầm lạc khổ đau. Khi hiểu được “Bốn chân lý” diệu mầu này thì con người sẽ biết vận dụng ứng xử trong cuộc sống, tự mình biết chuyển hóa mình và con người bắt đầu biết tự mình xa lánh sự ham muốn, không bon chen với thế gian, không sát sanh, không trộm đạo, không dâm tà, không lừa đảo, không khinh khi, không xu nịnh, không ghen ghét, không nóng giận, không quên điều vô thường của đời người, không lầm đường lạc lối và không gây tạo tội lỗi trong cuộc sống.

Lời dạy của Ðức Phật về dấu ấn ‘thị nhập Niết bàn’

Trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn, nhất là phẩm Di giáo, Ðức Phật đã truyền dạy rất nhiều điều quý báu về tâm đức của vị Tỳ-kheo, vị A-la-hán trước sự viên tịch của vị Phật là đức Như Lai.

Lời dạy sau cùng của Đức Phật trước khi Ngài nhập niết bàn

Nơi đây xin trích dẫn lại hai lời dạy sau cùng của Ðức Phật dạy cho Ðại đức A-nan-đa và đại chúng:

– “Này A-nan-đa, có thể con sẽ nói rằng giáo pháp tối thượng sẽ không còn thầy giảng dạy. Chúng con không còn Ðạo sư. Không nên, A-nan-đa, con không nên suy tư như thế. Giáo pháp và giới luật đã được Như Lai truyền dạy và quảng bá rộng rãi. A-nan-đa, khi Như Lai nhập diệt rồi thì giáo pháp và giới luật ấy sẽ là Ðạo sư của chúng con”.

– “Hãy nghe đây, này các đệ tử, Như Lai khuyên các con: Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tận lực, liên tục chuyên cần”.

Ðó là những lời di huấn tối hậu của đức Thế Tôn.

HT. Thích Giác Toàn

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.