Để có được nền tảng xã hội tốt đẹp cần phải có hệ thống gia đình Phật tử đạo đức với lối sống lành mạnh, giáo dưỡng con cái từ lời nói, suy nghĩ, việc làm để con cái trở thành công dân tốt, Phật tử giác ngộ, góp phần quan trọng xây dựng xã hội tương lai văn minh.
Vai trò giáo dục đạo đức của Phật giáo
Đức Phật quan niệm rằng, tâm hồn của tuổi ấu thơ giống như tờ giấy trắng, nếu như tờ giấy ấy, được nhà họa sĩ tài hoa vẽ lên ấy những bông hoa tươi đẹp, thì nó sẽ tô điểm cho cuộc đời thêm sắc. Ngược lại, cũng tờ giấy ấy nếu kẻ bất tài vô dụng bôi lên đó những vết mực đen vô nghĩa thì nó trở thành cái vô dụng và làm xấu xã hội…
Nếu một gia đình Phật tử giữ được 5 giới về đạo đức, sống thiện nghiệp, hiểu và thực hành bổn phận của mỗi một thành viên đối với nhau như lời Phật đã dạy: bổn phận cha mẹ đối với con, bổn phận vợ đối với chồng, bổn phận của con cái đối với cha mẹ… thì các thế hệ cùng chung sống sẽ hạnh phúc, hòa thuận; lớp trẻ sẽ từ từ cảm nhận, thấm nhuần những giá trị cao đẹp như: hạnh phúc, lắng nghe nhau, tha thứ cho nhau, chấp nhận những khác biệt của nhau, yêu thương nhau, nâng đỡ nhau…; gia đình Phật tử thuần thành, thường xuyên đưa con lên chùa làm công quả, cùng tụng kinh, niệm Phật, lắng nghe thuyết pháp thì tư tưởng đạo đức tốt đẹp của Phật giáo sẽ thấm nhuần vào từng cử chỉ, hành động, giúp con cái hình thành nhân cách hướng thiện, nhân văn và có được chìa khóa ngăn chặn mọi hành vi sai lầm có thể rất dễ gặp phải trong cuộc sống tương lai.
Ngược lại, gia đình cha mẹ thường lục đục, mâu thuẫn thì con cái sẽ không có nhận định đúng đắn về những giá trị đạo đức và dễ rơi vào tình trạng chán đời, thất vọng như: bỏ nhà đi bụi, sống bê tha, sống bất cần đời rồi sa chân vào các tệ nạn nguy hiểm. Vì vậy mà tục ngữ Việt Nam có nhiều câu nói rất hay về ảnh hưởng của cha mẹ, gia đình đến con cái như: “Giỏ nhà ai, quai nhà ấy” hay “Họ nhà công, không giống lông cũng giống cánh”.
Gia đình – bản thân nó là xã hội thu nhỏ, là tế bào cấu tạo nên xã hội. Như vậy, để có được nền tảng xã hội tốt đẹp cần phải có hệ thống gia đình Phật tử đạo đức với lối sống lành mạnh, giáo dưỡng con cái từ lời nói, suy nghĩ, việc làm để con cái trở thành công dân tốt, Phật tử giác ngộ, góp phần quan trọng xây dựng xã hội tương lai văn minh. Đây là sự giáo dục tưởng như bình dị mà rất sâu xa, ý nghĩa.
Vậy nên việc hiểu rõ, và thực hành theo lối sống trong thập thiện đối với các Phật tử là cha, mẹ là việc rất cần thiết. Việc thực hành ở đây không nhất thiết cứng nhắc, bó buộc mà nên vận dụng linh hoạt dựa trên đạo đức Phật giáo và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và điều kiện, hoàn cảnh sống của từng gia đình. Các bậc phụ huynh thực hiện được nếp sống ấy là đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục thế hệ tương lai, nâng cao đạo đức xã hội.
Có như vậy, con mới biết cách đối nhân xử thế, biết tôn trọng mình, tôn trọng người khác và hiểu những chuẩn mực giá trị đạo đức mà người con Phật phải tuân thủ.
Diệu Trang