Cách nay hơn 25 thế kỷ, Đức Phật đã giác ngộ một cách chân xác về sự tồn tại của mọi vật trong vũ trụ là do nguyên lý duyên khởi: “Nếu cái này hiện hữu, thì cái kia hiện hữu; nếu cái này không hiện hữu, thì cái kia không hiện hữu. Nếu cái này sinh khởi, thì cái kia sinh khởi”.
Vận mệnh hay số phận có thể được hiểu là thân phận, địa vị, may rủi, họa phúc, khổ vui, sang hèn, vinh nhục… đã được định sẵn cho cuộc đời của mỗi người. Tin vào vận mệnh là tin vào một cái gì đó được đoạt định từ trước do một ai đó có quyền năng phi phàm. Đặt niềm tin số phận vào yếu tố siêu thực nhưng lại mang khát vọng chinh phục nó như một bản năng nên xưa nay con người tìm mọi cách nắm bắt vận mệnh cuộc đời của mình như tìm kiếm một tấm bản đồ dẫn đến kho báu bí ẩn khổng lồ không có thật vậy.
Nhà Phật có quan điểm như thế nào về vận mệnh con người?
Cách nay hơn 25 thế kỷ, Đức Phật đã giác ngộ một cách chân xác về sự tồn tại của mọi vật trong vũ trụ là do nguyên lý duyên khởi: “Nếu cái này hiện hữu, thì cái kia hiện hữu; nếu cái này không hiện hữu, thì cái kia không hiện hữu. Nếu cái này sinh khởi, thì cái kia sinh khởi”.
Điều đó có nghĩa là cái gì tồn tại trên đời cũng có nguyên do của nó. Định luật bảo toàn năng lượng có nội dung tương tự như sau: “Năng lượng không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác hay chuyền từ vật này sang vật khác”. Vận mệnh con người cũng không tồn tại ngoài quy luật ấy. Có thể diễn giải dễ hiểu hơn quan điểm của Đức Phật là sự tồn tại của mỗi con người với vận mệnh khác nhau phần lớn đều là kết quả của quá trình gieo trồng nhân trước đó một hoặc nhiều kiếp.
Đến đây, xin được dẫn thêm một số ví dụ: tại sao trong nạn sóng thần có rất nhiều người bị cuốn phăng ra biển khơi mà có người lại được bức tường sóng nhẹ nhàng đẩy lại vào bờ và sống sót hy hữu; hoặc trong chuyến xe bị tai nạn có hành khách chỉ bị trầy xước nhẹ trong khi nhiều người khác thiệt mạng thê thảm. Khi mà cái chết cận kề như vậy thì con người bằng xương thịt đâu có thể bơi ngược dòng nước xiết hoặc nhảy ra khỏi xe ô tô để thoát thân nhưng họ lại có được may mắn là giữ được mạng sống trong gang tấc. Như thế là có sự khác biệt trong vận mệnh của mỗi con người.
Nghiệp là gì và ảnh hưởng như thế nào đến con người?
Theo Đức Phật, những gì con người lầm tưởng là số mệnh đều là Nghiệp nhân và Nghiệp quả của mình tạo ra trong hiện tại và quá khứ. Nghiệp là suy nghĩ, lời nói, hành động cố ý, có chủ tâm, có ý muốn, ý định, gọi là tác ý. Những suy nghĩ, lời nói, hành động có tác ý tạo thành kinh nghiệm, thói quen và xây dựng nên tính cách, cá tính của con người, tạo ra cái mà người ta cho là số phận. Do nghiệp nhân trong quá khứ với nghiệp nhân hiện tại tạo nên thân phận, đời sống con người, giàu sang, nghèo khó, hạnh phúc hoặc khổ đau… Đức Phật nói thêm về sức nặng của nghiệp lực như sau:
Tất cả chúng sinh đều mang theo nghiệp của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa các chúng sinh. (Kinh Trung A Hàm)
Tuy rằng nghiệp nhân tạo ra số phận của con người hiện tại nhưng nó không bất di bất dịch mà có thể được chuyển đổi nhờ ăn năn hối cải và sửa đổi hành vi, lối sống, tu tập đạo đức. Theo Đức Phật, chính vì mỗi người có thể cải thiện, xây dựng bản thân mà kẻ xấu có thể trở thành người tốt, kẻ dở trở thành người hay, kẻ ngu trở thành người trí, kẻ phàm thành bậc thánh nhân.
Trong vô số kiếp, con người đã tạo biết bao nghiệp lành, dữ, thiện, ác, nếu không thể chuyển nghiệp thì làm sao có hiện tượng những bậc hiền trí, thánh nhân xuất hiện trên đời. Như vậy, để thay đổi vận mệnh cuộc đời, mỗi Phật tử cần tạo cho mình nghiệp thiện, nghiệp lành. Muốn vận mệnh mình được giàu sang, sung sướng, may mắn… chúng ta phải hành thiện, đoạn ác mọi lúc, mọi nơi; không chê điều thiện nhỏ mà không làm, không khinh điều ác nhỏ mà làm. Đó cũng chính là quá trình tích lũy phước báo cho đời sống hiện tại được an lạc hạnh phúc như người xưa nói: “Đoạn ác tu thiện, dứt trừ tai ương, phước thọ miên trường”.
Quan điểm của Đạo Phật về nghiệp và cách thay đổi nghiệp?
Yếu tố nghiệp trong mối quan hệ khắng khít với phước báo như đã nói ở trên có ảnh hưởng rất lớn đến số phận một con người. Nhưng trong xã hội hiện đại với nền khoa học ngày càng tiên tiến, nếu con người chỉ tập trung tạo nghiệp nhân thiện, làm ơn làm phước để thay đổi vận mệnh không thôi thì chưa đủ.
Từ quan điểm của Đức Phật về nghiệp nhân, nghiệp quả trong hiện tại và quá khứ mà suy rộng ra có thể nói để thay đổi vận mệnh cuộc đời con người còn cần phải nỗ lực học tập, nghiên cứu, lao động miệt mài. Tài năng, niềm đam mê khi được khai thác triệt để, kích thích đúng thời điểm sẽ tạo sự đột phá thành bước ngoặt rất lớn giúp chúng ta cải hoán vận mệnh. Muốn làm điều đó, mỗi Phật tử cần xây dựng cho mình kế hoạch làm việc rõ ràng với mục tiêu phấn đấu cụ thể cho từng giai đoạn.
Sau đó, hãy tự “lên dây cót tinh thần” bằng cách khi đạt được mục tiêu đã định thì thưởng cho chính mình một chuyến du lịch hoặc một món đồ nào đó quý giá mà mình muốn sở hữu từ lâu. Hãy thực hành và chúng ta sẽ đạt kết quả rất bất ngờ. Thêm một ví dụ thường gặp trong đời sống nhưng không phải ai cũng áp dụng nó một cách thông minh: một học sinh thông minh, ham học và kết quả học tập vẫn luôn đạt loại ưu; nhưng nếu cha, mẹ đưa ra điều kiện với phần thưởng là một chiếc xe đạp hoặc một đồ vật mà em đặc biệt yêu thích để làm động lực cho em đạt kết quả học tập cao hơn nữa thì chắc chắn em học sinh này sẽ cố gắng, nỗ lực học hành ngày đêm, tạo thành tích nổi bật để giành được phần thưởng đó.
Như vậy, ngoài sống tu tập, đạo đức, mỗi Phật tử cần phải biết khai thác triệt để sức mạnh trí tuệ, tư duy đang tiềm ẩn trong mỗi con người chúng ta, tạo bước ngoặt từ nhỏ đến lớn để thay đổi hoàn toàn số phận. Một điều cần lưu ý là nếu ai đó có được số giàu sang, sung sướng, khỏe mạnh mà chỉ lo hưởng thụ, sống bạc ác… thì phước báu có như biển rồi cũng sẽ cạn.
Do vậy, nếu đã có vận mệnh may mắn hơn người khác thì chúng ta cũng luôn phải tu tập, sống đạo đức, làm việc thiện, gieo nhân lành để cuộc sống hiện tại tiếp tục an vui và tạo phước đức cho kiếp sau.
Trong cuộc đời mình, Đức Phật luôn dạy con người sống phải biết yêu thương nhau, đó chính là tình người mà nếu không có nó thì xã hội không thể tồn tại và phát triển. Nó là sợi dây gắn kết con người lại với nhau để tạo sức mạnh đoàn kết như một công cụ giúp con người có thể nương vào nhau tồn tại, dựa vào nhau mà thành công. Thực tế cho thấy, không ai sống cô lập mà thành công cả. Do đó, chúng ta phải sống hiếu kính với cha mẹ, giữ gìn tình cảm gắn bó với anh chị em và chia sẻ, đoàn kết với hàng xóm láng giềng, bạn bè đồng nghiệp… để tạo cho mình một thế đứng vững chắc trong quá trình xoay chuyển vận mệnh theo ý mình.
Không có con đường dẫn đến thành công nào lại không đổ máu và nước mắt. Để xoay chuyển hướng của dòng nước lũ con người ta cũng có thể làm bằng trí tuệ của mình trong một thời gian ngắn, thậm chí là rất ngắn. Nhưng xoay chuyển vận mệnh của cả cuộc đời mình thì không phải một sớm một chiều bởi nó liên quan đến nghiệp, phước báu của chúng ta từ trong quá khứ. Vì vậy, mỗi Phật tử trên con đường tu tập hãy luôn nhớ “dục tốc bất đạt” để từng bước chinh phục đích thành công và từ từ xoay chuyển, nắm giữ vận mệnh cuộc đời mình trong lòng bàn tay.
Diệu Trang