Đức Thế Tôn thường dạy “Im lặng như chánh pháp, nói năng như chánh pháp”, im lặng và nói năng là tính năng biểu hiện của nội tâm. Người làm hoằng pháp là hành pháp như thế nào biểu hiện qua ngôn ngữ như thế ấy.
Thân giáo
Đức Phật biểu hiện thân tướng trang nghiêm lưu xuất từ giới đức vẹn toàn, hội chúng thân cận cảm thấy an lạc giải thoát. Thân giáo tác động mạnh mẽ đến từ trường tâm linh, cảm hóa trực tiếp đến tâm khảm của thính chúng. Một vị Tăng Ni thực tu thực học tâm nguyện thiết tha “Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh” luôn thường trực trong tâm, với những tác phong đĩnh đạc, thoát tục mới có thể tạo nên năng lượng từ bi trí tuệ sẽ làm tăng trưởng niềm tin, xóa sạch tâm tham, sân, si.
Thân giáo của người làm hoằng pháp là chất liệu xây dựng đời sống thanh cao, là thềm thang phát sanh phước đức và trí tuệ. Ngày xưa hình ảnh Đức Phật hành đạo thật tuyệt vời, thiêng liêng và cảm động. Mọi người thấy Tăng đoàn của Ngài phát khởi lòng tín thành và quy y theo Ngài. Khất thực là hình thức nhập thế của Phật giáo. Chứng tỏ người tu sĩ có hoạt động và tạo duyên cho chúng sanh gieo duyên lành với chánh pháp. Nó nói lên được sự thể hiện hạnh từ bi, tinh tấn, hỉ xả và đức nhẫn nhục.
Khẩu giáo
Đức Thế Tôn thường dạy “Im lặng như chánh pháp, nói năng như chánh pháp”, im lặng và nói năng là tính năng biểu hiện của nội tâm. Người làm hoằng pháp là hành pháp như thế nào biểu hiện qua ngôn ngữ như thế ấy. Ngoài việc trao truyền kiến thức, thừa đương Phật sự biên soạn viết lách để truyền bá chánh pháp họ còn sử dụng ngôn từ, khẩu thuyết để hóa độ chúng sanh.
Ngôn ngữ thuyết giảng hòa cùng âm hưởng giọng điệu, nội tâm tu tập của giảng sư tạo nên sự hấp lực, chú ý; đồng thời cần có tính chọn lọc, phân biệt vùng miền để thích ứng văn hóa, phong tục, lứa tuổi, tạo nên sự tương ứng ngôn ngữ dễ thâu nạp, đi vào lòng người. Trong kinh điển Đại thừa có đưa ra bốn tiêu chuẩn của một vị giảng sư khi hoằng pháp, đó là: “Từ vô ngại biện tài, Nghĩa vô ngại biện tài, Từ và nghĩa vô ngại biện tài và Pháp vô ngại biện tài”. Thông hiểu, giáo lý, những chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc pháp thế gian là thuận duyên hỗ trợ cho thuyết giảng được suôn sẻ, hanh thông.
Ý giáo
Thân giáo, khẩu giáo là mặt tướng của giảng sư, ý giáo là thật tánh nội tâm “Nội ư trung, tức hình ư ngoại”. Nó vô tướng nhưng có công năng diệu dụng cho một vị giảng sư tâm lý khi giáo hóa. Tâm nguyện hoằng pháp của một vị giảng sư thiết tha, hy sinh cái riêng để phụng sự tha nhân, đồng loại. Tâm lực và đạo lực trở thành pháp nhũ lưu xuất từ huyết mạch thân chứng và pháp lạc mà vị giảng sư đó sống.
Ngày xưa ở cội Linh Sơn, Ngài Ca Diếp được Đức Thế Tôn truyền trao chánh pháp nhãn tạng cũng trên yếu chỉ tâm truyền này, trở thành vị Tổ thứ nhất. Thời nay chúng ta sống vận dụng phương pháp giáo hóa với nhiều hình thức khác nhau, có lúc chúng ta dùng lời nói, biện pháp, kỷ luật nhắc nhở, phân tích, dẫn chứng và im lặng để phù hợp căn cơ đối tượng trong việc hoằng pháp được hiệu quả tốt hơn.
Như vậy thân, khẩu và ý giáo là yếu tố căn bản cần có của một vị giảng sư khi hóa đạo, thiếu một trong ba yếu tố ấy hoằng pháp sẽ giảm đi sự thành công. Hội đủ ba yếu tố hoằng pháp trên công đức của một vị giảng sư rất lớn. Như trong kinh Tăng Chi, tập II, chương 5, phẩm Diệu pháp, Đức Phật nói về năm đức của vị pháp sư: “Này Ananda, thật không dễ gì thuyết pháp cho người khác. Để thuyết pháp cho người khác này Ananda, sau khi nội tâm an trú được năm pháp, mới nên thuyết pháp cho người khác. Thế nào là năm? Ta sẽ thuyết pháp tuần tự; ta sẽ thuyết pháp với mắt nhìn vào pháp môn; ta thuyết pháp với lòng từ mẫn; ta sẽ thuyết pháp không phải vì tài vật; ta sẽ thuyết pháp không làm tổn thương cho mình cho người. Này Ananda, khi thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy”.
Minh Chính