Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nghe theo sự hướng dẫn của chư Tăng, Ni, các bậc hiền Thánh để nuôi dưỡng tâm từ bi và trí tuệ, hầu mong trở thành người phật tử chân chính, biết tin sâu nhân quả, tin chính mình là chủ nhân của bao điều họa phúc, biết làm lành tránh dữ, luôn giữ tâm ý trong sạch.

Trong cuộc sống mọi người công dân đều có bổn phận đối với quốc gia, xã hội, cha mẹ có bổn phận và trách nhiệm đối với con cái, vợ chồng có bổn phận trách nhiệm thương yêu đùm bọc, san sẻ cho nhau, con cái biết quan tâm hiếu dưỡng cha mẹ, con người quan hệ giao dịch làm ăn qua lại theo nguyên lý nhân duyên quả, để được tồn tại và duy trì sự sống.

Người phật tử là người biết tu học thực tập theo hạnh giác ngộ, giải thoát cho chính mình, do đó người phật tử chân chính là người biết cách làm chủ bản thân, không bị các tham muốn dục vọng thấp hèn chi phối. Chúng ta là người học Phật phải dám chịu trách nhiệm về những ý nghĩ, lời nói và hành động mình đã làm.

Người phật tử chân chính là người phải xây dựng cho mình một ý chí và nghị lực mạnh mẽ, sống trong môi trường xã hội nhưng luôn biết cách tu dưỡng bản thân để ngày càng hoàn thiện chính mình hơn. Trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, khả năng làm chủ bản thân của con người trở nên mong manh vì bị kẹt trong hệ lụy kinh tế xã hội… và các sự ràng buộc khác trong đời sống, muốn thoát ra khỏi dòng đời oan trái, là cả một sự khó khăn vô cùng, mà người thiếu ý chí, không có niềm tin về nhân quả khó có thể làm được.

Vậy, bổn phận của người tại gia là những gì?

Đã làm người, ai cũng có trách nhiệm và bổn phận liên quan mật thiết với nhau, nương vào nhau để bảo tồn sự sống. Phật là bậc đại giác ngộ hoàn toàn, đã chứng được tam minh lục thông nhờ siêng năng tu trì từ bi và trí tuệ và công hạnh độ sinh nhiều đời không biết mệt mỏi, nhàm chán.

Phật đã thấy rõ chúng sinh thăng lên lộn xuống trong ba cõi sáu đường do mình tạo ra, mình làm lành, được hưởng phước báo cõi trời, người; mình làm ác chịu quả khổ đau ba đường dưới địa ngục, quỷ đói, súc sinh không ai có quyền ban phước giáng họa cho ta cả.

Chúng ta muốn làm người phật tử chân chính, tất phải nghe những lời Phật dạy, rồi suy gẫm quán chiếu và làm theo những việc Phật đã làm, đi theo con đường Phật đã đi. Do đó, người phật tử tại gia, có những trách nhiệm và bổn phận như sau:

a- Bổn phận đối với chính mình:

Ngoài trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình, người thân chúng ta phải làm sao xứng đáng là một người phật tử chân chính, bằng cách tu tâm dưỡng tánh, để cho thân tâm được an lạc, bình yên hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay, đều sống trong biển khổ sông mê bởi tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn ngon, mặc đẹp, nên đã luân hồi sinh tử không có ngày thôi dứt. Ngày nay, chúng ta được đầy đủ phước duyên mới được làm đệ tử Phật, có điều kiện học hỏi Phật pháp, rồi quán chiếu, nghiệm xét và tu sửa những thói hư tật xấu, để ngày càng hoàn thiện chính mình hơn.

Ngoài việc quy y Tam bảo, vâng giữ năm điều đạo đức, tin sâu nhân quả, tu mười điều lành tránh xa các việc xấu ác, sám hối để tiêu trừ nghiệp chướng và cuối cùng là phước huệ song tu, hành Bồ tát đạo cho đến khi thành Phật viên mãn mới thôi.

b– Bổn phận đối với gia đình, người thân:

Người phật tử tại gia còn có gia đình người thân, nên phải có trách nhiệm làm sao vuông tròn cả hai bên chồng và vợ. Đã làm người thì ai cũng có cha mẹ, vợ hay chồng, con cái, bà con thân thích tạo nên quyến thuộc nội ngoại hai bên, cùng nhau gìn giữ và phát triển giống nòi nhân loại.

Đối với gia đình người thân, quý phật tử phải khéo sắp xếp trong cách đối nhân xử thế, để làm tròn bổn phận giữa hai bên với nhau mà vẫn giữ được hòa khí vui vẻ, bằng tình người trong cuộc sống.

Kinh Thiện Sanh, là bản kinh căn bản dạy cho ta về đạo lý làm người, để giữ gìn các mối quan hệ có tính cách nhân bản, nhằm giúp chúng ta hoàn thiện chính mình.

Đức Thế Tôn cứ theo thông lệ mỗi ngày đi vào xóm làng khất thực, trên đường đi, Thế Tôn thấy một chàng thanh niên đang lễ bái sáu phương rất là thành tâm: Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới.

Đây là một bản kinh nguyên thủy, ngắn gọn, xúc tích ghi lại lời Phật dạy cách đối nhân xử thế, cách làm tròn bổn phận và trách nhiệm của người phật tử đối với bản thân, gia đình và xã hội, rộng hơn là Phật dạy cách xây dựng phát triển một xã hội hài hòa, bền vững và lâu dài về mọi mặt trong cuộc sống.

Phật dạy tránh bốn việc ác và sáu việc làm hao tổn tài sản:

Khi Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, dẫn đầu đoàn khất thực với đại chúng một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-Kheo đi vào thành, đức Thế Tôn thấy một gia chủ tên Thiện Sanh đang lễ bái sáu phương, Ngài hỏi: 

“Vì cớ sao, nhà ngươi vào buổi sáng sớm mỗi ngày đến đây, để lễ lạy sáu phương như thế?” 

Thiện Sanh bạch Phật: 

Cha con khi còn sống có dặn rằng: “Con mỗi ngày hãy cung kính lễ lạy sáu phương Đông,Tây, Nam, Bắc, trên và dưới”. Con nghe theo lời cha dạy không dám chống trái”. 

Phật bảo Thiện Sanh: “Này chàng thanh niên hiếu thảo! Con lễ lạy sáu phương đó rất là tốt, nhưng trong pháp hiền Thánh của ta, lễ sáu phương như vậy chưa phải là thật sự cung kính”. 

Thiện Sanh thưa: “Cúi xin đức Thế Tôn thương tưởng mà chỉ dạy cho con cách lễ lạy sáu phương theo pháp hiền Thánh”. 

Phật bảo Thiện Sanh: “Nếu tất cả mọi người biết tránh bốn nghiệp xấu ác làm tổn hại người khác, và biết rõ sáu nghiệp làm hao tổn tài sản. Như thế, này Thiện Sanh, nếu ai biết tránh được bốn việc ác là chân thật lễ kính sáu phương”. 

Bốn nghiệp xấu ác đó là: Sát sinh hại vật, trộm cướp lường gạt của người khác, tà dâm, nói dối hại người, đây là bốn điều xấu ác mà người phật tử chân chính phải nên tránh xa. 

Do chúng ta gieo tạo bốn ác nghiệp đó, nên ta tham muốn, sân hận, ngu si và lo lắng sợ hãi. Có hai loại muốn mà ai cũng có thể bị nó chi phối là tham muốn và mong muốn. Tham muốn là sao? Là nhất quyết muốn cho bằng được, nếu không được thì bất mãn, tức tối khó chịu, phiền muộn giận dỗi phát sinh tìm cách chiếm đoạt.

Do đó tham muốn càng nhiều thì càng phát sinh các thứ phiền não, vì tham muốn mà không được như ý, nếu được thì tham càng thêm tham, nếu tham không được thì sinh ra giận hờn khó chịu, tìm cách trả thù. Như chúng ta đã biết, ít ai trong cuộc đời này mà không tham muốn. Có sự sống là có tham muốn, nhưng tham muốn nhiều hay ít là tùy theo sở thích của mỗi người mà thôi.

Tham có nghĩa là tham lam ích kỷ, nhỏ mọn, làm cái gì cũng muốn đem về cho riêng mình, dù có của dư thà để đó mục nát, chứ không dám đem ra giúp đỡ cho người khác.

Mong muốn có nghĩa là mong cầu, ước mơ, nếu có cũng được, không có cũng không sao. Tham muốn và mong muốn khác nhau ở chỗ đó, một đàng muốn cho bằng được, nếu không được thì nỗi giận oán hờn tìm cách trả đũa và quyết tâm chiếm đoạt về cho mình, nên bất chấp luân thường đạo lý có khi cũng phải giết người để thỏa mãn lòng tham muốn của mình. 

Trong cuộc sống này chúng ta có quyền ước mơ mong muốn, chớ đừng nên tham muốn quá đáng mà làm tổn hại người khác, gây khổ đau cho nhau. Sáu nghiệp làm hao tổn tài sản:

1- Đam mê rượu chè.

2- Đam mê cờ bạc.

3- Phóng túng sa đọa.

4- Đam mê ca hát múa.

5- Kết thân với bạn ác.

6- Ỷ lại và lười biếng.

Phật bảo Thiện Sanh:

Này Thiện Sanh, nếu ai không làm theo bốn nghiệp ác trên, lại biết tránh xa sáu điều hao tốn tài sản là chân thật cung kính sáu phương, thì hiện tại và mai sau đều an vui, hạnh phúc. Hiện đời được mọi người thương mến và khen ngợi, sau khi chết được tái sinh vào cõi lành. 

Phật dạy tiếp: “Sáu phương là gì? Phương Đông là lễ lạy cha mẹ, phương Nam là lễ lạy sư trưởng, phương Tây là vợ con thê thiếp, phương Bắc là bạn bè thân thích, phương trên là các bậc trưởng thượng, Sa-môn, Bà-la-môn, phương dưới là người làm công”. Phật khéo léo chuyển hóa lễ sáu phương thông thường, bằng cách dạy chàng thanh niên trong đối nhân xử thế, phải biết phép tắc, tôn y trật tự từ thấp đến cao. 

Do nghiệp lực chiêu cảm nên mới tạo ra mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Vậy phận làm con, cần phải biết hiếu thảo với cha mẹ mới xứng đáng là người con thảo cháu hiền theo lời Phật dạy.

Hiếu dưỡng mẹ và cha,

Nuôi dưỡng vợ và con,

Làm nghề không tổn hại

Là an vui hạnh phúc.

Do con cái tương ưng với duyên nghiệp của cha mẹ nên nghiệp chủng này nương gá vào, tác hợp với điều kiện của người cha và người mẹ, để hình thành một chúng sinh mới gọi là con người. Từ đây có thể thấy, do nhân duyên nhiều đời mới kết thành quan hệ cha mẹ và con cái.

Biết ơn là ghi nhận công lao của cha mẹ đối với con cái. Nhớ ơn là người có lòng nhân, biết nghĩ công khó nhọc hai đấng sinh thành mà hiếu dưỡng về vật chất lẫn tinh thần. Nếu như cha mẹ luôn làm tròn trách nhiệm và bổn phận đối với con cái một cách đầy đủ về mọi mặt, đó là bậc cha mẹ có nhân cách đạo đức và hiểu biết chân chính.

Phật giáo vượt lên trên mọi pháp thế gian và xuất thế gian, nên nói đến cha mẹ là nói đến lòng từ bi rộng lớn, nói đến phận làm con là sự hiếu thảo và dạy cho mọi người biết làm tròn bổn phận của mình, rồi sau đó mới tu pháp giác ngộ, giải thoát. 

Gia đình là nền tảng, là nhân tố tích cực cho xã hội, nó giúp cho mối liên hệ giữa con người với nhau hình thành một nhân cách sống. Mối quan hệ thân thiết nhất là mối quan hệ gia đình giữa cha mẹ, vợ chồng và con cái…nó được kết nối bằng sợi dây huyết thống, bởi tình cảm của khối óc và con tim. 

Thích Đạt Ma Phổ Giác

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.