Đức Phật biết rất rõ nhân quả thiện ác, nên Ngài muốn cho đệ tử của mình thoát ra khỏi cảnh khổ đau, Ngài thường ngăn cấm không cho người cư sĩ hành các nghề nghiệp ác, dù nghề nghiệp ấy kiếm tiền rất dễ, nhưng nó không phải là hạnh phúc chân chính.
Trong kinh A Hàm và Nikaya, Đức Phật khuyên người cư sĩ không nên hành sáu nghề ác, vì sáu nghề này không phù hợp với tâm từ bi của đạo Phật, gây khổ đau cho nhiều chúng sinh, khi bỏ báo thân này bị đọa vào ba ác đạo. Sáu nghề ác đó như sau:
1. Không làm nghề săn bắn
Nghề săn bắn là một nghề cực ác, giết hại biết bao nhiêu loài cầm thú rừng: nai, hươu, khỉ, chồn, heo, gà rừng và các loại chim chóc khác nữa …
Đại văn hào Mỹ trứ danh Ernest Hemingway lúc chết, toàn thế giới chấn động và dành cho ông sự thương tiếc khôn nguôi, vì ai cũng đều cho rằng một nhà văn tài ba nổi danh như thế vì sao có thể tự sát, hơn nữa lại dùng súng tự bắn mình? Đối với việc này người đời cảm thấy vô cùng thắc mắc, không sao hiểu nổi. Nhưng ít ai biết rằng ông Hemingway lúc sinh tiền rất ưa săn bắn và đã dùng súng bắn giết vô số động vật, vì vậy mà cuối cùng ông đã dùng súng để tự giết mình.
2. Không làm nghề chài lưới
Chài lưới cũng là một nghề rất độc ác, chuyên bắt tôm cá, giết hại loài thủy tộc, làm và sử dụng các loại như: đặt rọ, lờ, chài, lưới, vó, câu…
Truyện xưa kể rằng có một vị Hòa thượng trước khi xuất gia, chuyên săn bắt rái cá. Một ngày nọ, ông vừa ra ngoài đã săn được một con rái cá. Sau khi đã lột bộ da quý của nó, ông đặt con rái cá còn sống lên một bãi cỏ. Buổi tối, ông quay về chỗ cũ, nhưng lại kiếm không được con rái cá. Ông quan sát thật kỹ, phát hiện trong đám cỏ có dính một chút máu, vết máu dẫn đến một cái hang nhỏ gần đó.
Khi đến gần hang, ông ngỡ ngàng giật mình: Thì ra con rái cá chịu nỗi đau hành xác mất da, chạy về hang của mình.
Ông tự hỏi không hiểu tại sao con rái cá lại làm như vậy. Khi ông ta lôi con rái cá đã tắt thở ra, mới phát hiện hai con rái cá con vẫn còn chưa mở mắt, chúng đang ngậm chặt vú của mẹ, vốn dĩ đã chết lâu rồi…
Nhìn cảnh tượng ấy, ông bàng hoàng và chợt ngộ ra, từ trước đến giờ ông chưa hề nghĩ đến động vật lại có tình cảm mẹ con thiêng liêng đến thế, ngay cả con người khó có thể làm tốt được. Trước lúc chết vẫn còn nghĩ đến cho con thơ bú sữa, vì sợ con mình đói. Nghĩ tới đó, nước mắt ông rơi, cảm thấy tội lỗi, xấu hổ cho hành động của mình. Vì vậy, ông ta đem 2 con rái cá con về nuôi rồi khi nó lớn khôn ông thả nó về thiên nhiên. Sau đó ông quyết tâm xuất gia để chuộc lại những lỗi lầm của mình.
3. Không làm nghề buôn bán thịt sống
Nghề buôn bán thịt sống là nghề sát sinh trâu, bò, heo, dê, ngựa, chó, gà, vịt… Người làm nghề này, gọi là đồ tể giết gia súc, bán từng ký lô cho người khác mua về làm thực phẩm. Nghề này rất độc ác, giết hại chúng sinh không chút lòng thương xót.
Một cảnh sát làm ở Viện pháp y 26 năm đã thuật lại hồ sơ một vụ án con giết cha mẹ già như sau:
“Năm 2002, một chàng trai 28 tuổi nửa đêm ra tay giết chết cha mẹ hơn sáu mươi tuổi của mình. Cặp vợ chồng già này còn đang say ngủ thì bị con trai trói gô lại trên giường. Sau đó, y cắt cổ họ, máu văng dính tường, rơi vương vãi… Hung thủ ngay trong đêm đó đã chạy trốn, rồi bị bắt tại một khu phố nhỏ ở miền Nam. Xem bề ngoài thì đây là một vụ án rõ ràng, có chứng cứ vô cùng xác thực, hoàn chỉnh, có đầy đủ nhân chứng, vật chứng.
Hung thủ là con trai duy nhất trong gia đình, từ nhỏ đã được cha mẹ cưng chiều, tính tình cực kỳ hung dữ. Hung thủ kết hôn xong vẫn ở chung với cha mẹ, thường hay gây cãi. Tiếp đó, hung thủ đòi cha mẹ cho tiền mua nhà, nhưng cha mẹ nói tạm thời không có tiền và chê trách con trai là hạng bất tài vô dụng, không lo làm việc, khiến cho họ mất mặt với hàng xóm láng giềng”.
Điều này có thể đã khơi gợi ác niệm giết người nơi hung thủ. Nhưng lý do sâu xa vì sao hung thủ cứ khăng khăng muốn giết cha mẹ mình như thế? Có một tình tiết trong hồ sơ vụ án khiến mọi người phải suy ngẫm.
“Cặp vợ chồng nạn nhân mấy mươi năm có mở một lò giết mổ gà, vịt. Họ làm ăn buôn bán trên thị trường rất phát đạt. Khi đội điều tra ra chợ lấy chứng cứ, căn cứ theo lời những người ở hàng bên cạnh thuật lại thì hai vợ chồng nạn nhân mấy mươi năm nay hành nghề thường đem gà sống trói lại hết, treo lên dây thép, sau đó họ kẹp chặt đầu gà rồi dùng dao cắt cổ chúng. Cả đời, họ nhờ sống bằng nghề này mà trở nên giàu có. Nghe nói kỹ thuật cắt cổ gà kiểu này là do tổ tiên họ truyền lại. Đặc biệt họ kinh doanh nghề này trước khi đẻ đứa con trai hung thủ”.
Như vậy, do người chết cả đời hành nghề cắt cổ gà vịt, nổi tiếng sát sinh có kỹ thuật như thế nên mới bị đồng nghiệp (ác) chiêu cảm lẫn nhau và sinh ra đứa con như vậy. Rồi họ chiêu ách nạn bị chính đứa con trai duy nhất của mình cắt cổ lại. Báo ứng này không khiến cho chúng ta kinh tâm động phách hay sao?
4. Không làm nghề buôn bán thịt chín
Nghề buôn bán thịt chín là nghề lấy thịt chúng sinh nấu thành thực phẩm như: phở, cháo lòng, hủ tiếu, bánh canh, bì chả, nem… Nghề này cũng là nghề độc ác. Người hành nghề này cũng đánh mất tâm từ bi.
Có một ông chủ quán trước kinh doanh cá sông, gà đồi. Thấy mấy nhà hàng thịt chó phục vụ khách không xuể, ông đã thuê địa điểm mới rồi mở quán ở phố chuyên kinh doanh thịt chó.
Tuy nhiên, đúng lúc công việc kinh doanh thịt chó phất lên, thì vận rủi liên tiếp đổ xuống gia đình ông. Đầu tiên là chuyện xảy ra với người con trai lớn của ông, là người ông hướng theo nghề, tiếp tục nối nghiệp cha quản lý, kinh doanh thịt chó.
Vào năm 2000, khi người con trai của ông chủ này đang tóm con chó từ lồng ra để đập chết, làm thịt, thì vô tình bị con chó này cắn vào tay. Vết cắn xước nhẹ nên anh này chẳng thèm để tâm. Thế nhưng, con chó cắn anh ta lại là chó dại.
Chừng một tháng sau, anh này lên cơn dại, sùi bọt mép và chết trong một bệnh viện nổi tiếng ở Singapore. Dù gia đình không tiếc tiền đưa con ra nước ngoài điều trị, song vẫn không cứu được con. Vận hạn tiếp theo đổ lên gia đình ông là bà vợ bị tai biến, nằm liệt giường.
Ngoài ra, rất nhiều gia đình kinh doanh thịt chó ở khu phố này đều không có hậu. Phần lớn là phá sản, thất bại về tiền bạc. Có gia đình con cái dính vào lô đề, cá cược, cờ bạc, nghiện ngập, nên dù làm ra bạc tỷ cũng trắng tay. Nhiều gia đình bỏ xứ trốn đi nơi khác vì bị bọn giang hồ tróc nợ.
5. Không làm nghề sản xuất và buôn bán rượu bia, các sản phẩm và dịch vụ gây nghiện
Rượu bia và các thứ gây nghiện sở dĩ bị nghiêm cấm vì nó là nguyên nhân sinh ra các tội lỗi, làm mất giống trí tuệ. Trên thế gian, nhiều người gây ra bao nhiêu tội lỗi, thậm chí phạm đến tội ngũ nghịch, thập ác, đều là do sau khi sử dụng các thứ gây nghiện quá độ, sinh hôn mê mà tạo thành. Chẳng những đối với những việc công đức pháp lành cần phải làm, họ đã không chịu làm, mà chính những công đức pháp lành họ đã tạo trước đây cũng bị mất hẳn, để rồi trọn ngày thân tâm điên đảo, không biết làm việc gì.
Hơn nữa, khi uống rượu say thì không thể tự khống chế mình. Trong việc sinh hoạt hằng ngày, họ thích gây gổ với người khác; sinh các thứ bệnh cho bản thân, tâm tính cuồng loạn, không biết hổ thẹn, không biết liêm sỉ. Đến nỗi, nhiều khi thoát hết cả y phục trên thân, đi đứng xiêu vẹo, nằm vất vưởng đầu đường xó chợ, bị người chê bai không đếm xỉa đến, tiếng xấu lan khắp mọi nơi khiến người thân phải chịu khổ. Còn đối với các thứ gây nghiện như ma túy hay game, để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, có người đã phải đi cướp của, giết người hoặc tự hủy hoại thân thể mình đến chết.
6. Không làm nghề buôn bán người
Nghề buôn bán người là nghề mãi nô (bán nô lệ). Nghề buôn hương bán phấn (nghề mãi dâm) cũng là nghề buôn bán người. Các nghề này rất độc ác, dùng thế lực, tiền bạc, vật chất bắt ép những người cô thân thất thế đang cảnh nghèo đói bán thân làm nô lệ, làm gái mãi dâm, khiến cho gia đình khổ đau và tan nát. Nghề mãi dâm là một nghề đồi bại làm mất nhân phẩm của con người, khiến con người không còn đạo đức và còn tệ hơn loài thú vật.
Các nghề nghiệp này, là các nghề nghiệp độc ác, giết hại chúng sinh và làm khổ đau, bệnh tật muôn người, khi chúng ta giết hại chúng sinh để ăn thịt không biết bổ béo được bao nhiêu nhưng nó cũng chính là nguồn gốc phát sinh ra bệnh tật, vì giết mạng phải nợ mạng, máu phải được trả bằng máu quy luật nhân quả mà. Quý vị nên nhớ, trên đời này không ai cho không ai cái gì đâu, con người đối với nhau còn như vậy huống chi là cướp đi một sinh mạng chúng sinh…
Do thế, những người hành những nghề nghiệp này để nuôi thân mạng, cha mẹ, gia đình và làm giàu trên sự đau khổ của muôn người muôn vật. Họ là những người vô minh không thấy luật nhân quả đang chi phối diễn biến từng phút giây trong mỗi con người, luật nhân quả sẽ không tha thứ một ai, nếu ai đã làm điều ác thì phải hứng lấy hậu quả khổ đau. Thường thì luật nhân quả hay đến muộn có khi người làm những việc ác nhưng phải rất lâu sau nhân mới hình thành, nhưng khi nó đến thì người ta mới nhận ra đó là quả báo,lúc đó chỉ còn biết kêu trời chứ chẳng ai có thể cứu được họ cả.
Vì thế, Đức Phật biết rất rõ nhân quả thiện ác, nên Ngài muốn cho đệ tử của mình thoát ra khỏi cảnh khổ đau, Ngài thường ngăn cấm không cho người cư sĩ hành các nghề nghiệp ác, dù nghề nghiệp ấy kiếm tiền rất dễ, nhưng nó không phải là hạnh phúc chân chính. Do đó, Ngài muốn cho các đệ tử của mình sống an vui hạnh phúc, không còn gặp cảnh đau khổ nữa. Chính vì hằng ngày, trong cuộc sống chúng ta đã tạo ra nhiều nhân ác nên phải chịu những quả khổ đau đời đời kiếp kiếp, chứ không ai mang đến quả khổ ấy cho ta được dù kẻ đó là quỉ thần ác độc. Cũng như không có một vị thần Thánh nào hay một Đức Phật cùng những vị Bồ Tát nào ban phúc lành cho chúng ta được. Xin các bạn lưu ý cho điểm này.
Nhân quả là một đạo luật công bằng, chính chúng ta làm ra là chúng ta phải chịu, không thể người khác chịu thay cho chúng ta được. Vì thế, không ai mang đến khổ đau cho chúng ta mà chính chúng ta, cũng như không ai mang đến hạnh phúc an vui cho chúng ta mà chính chúng ta.
Bởi nhiều người không thấy luật nhân quả rất công bằng và công lý, cho nên trong cuộc sống họ chỉ thấy nghề nào làm ra tiền và có cơm ăn áo mặc dễ dàng, nhất là môi trường sống, nơi đó mọi người làm nghề sát sinh là dễ kiếm tiền thì họ bắt chước làm theo, nhưng không ngờ lại tạo ra vô vàn tội ác. Từ những hành động tạo ra sự chết chóc và đau khổ cho chúng sinh thì chính bản thân họ và ngay cả gia đình đều phải thọ lãnh những quả khổ đau ấy từ người này đến người khác.
Là đệ tử của Đức Phật, những hàng cư sĩ phải lưu ý sáu nghề nghiệp ác độc này, luôn luôn phải vâng theo lời dạy của Đức Phật và thì mới tìm thấy hạnh phúc, an vui của cá nhân và của cả gia đình mình. Hành nghề đúng như vậy mới gọi là chánh nghiệp, chính nghề nghiệp chân chính mới nuôi được chính mạng của mình và của mọi người trong gia đình. Từ đó mới có cuộc sống an vui, và hạnh phúc.
Linh Tâm