Hẳn ai cũng từng đốt củi để nấu nướng, đốt rơm rác khi dọn rẫy vườn, đốt lửa trại để vui chơi… và đã biết rất rõ rằng hết củi thì lửa tắt. Hình ảnh giản dị, thiết thân với đời sống này được Thế Tôn vận dụng tài tình để minh họa cho việc tu học, chuyển hóa và thăng hoa tâm linh.
Thế Tôn đã chỉ ra rằng, chính tham ái là củi và cỏ khô, chất liệu quan trọng để duy trì ngọn lửa khổ đau sinh tử. Vì dục tham ái nên sinh nắm giữ, vì bám víu quyết không buông nên tạo nghiệp. Và vòng luân hồi cứ thế tiếp nối luân chuyển vô cùng vô tận. Nếu ta không thêm củi và cỏ khô vào lửa nữa, đống lửa sẽ còn lại than nóng và tro tàn, nó sẽ lụi dần rồi tắt hẳn. Cũng vậy, nếu ngay hiện tại chúng ta bớt ái ngũ dục (tài-tiền bạc, sắc-sắc đẹp, danh-danh tiếng, thực-ăn uống, thùy-ngủ nghỉ), giảm tham ngũ trần (sắc-cảnh đẹp, thinh-tiếng hay, hương-mùi thơm, vị-ngọt ngon, xúc-chạm êm) cho đến một ngày đoạn ái, ly tham thì nhân của tái sinh sẽ không còn, khổ sinh tử sẽ chấm dứt.
“Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các tỳ kheo: -…Ví như vác mười bó củi, hai mươi bó, ba mươi bó, bốn mươi bó, năm mươi bó, trăm bó, ngàn bó, trăm ngàn bó, gom chất lại thành một đống, đốt lên thành một đống lửa lớn. Nếu có người nào cho thêm củi và cỏ khô vào, thì các tỳ kheo, các ông nghĩ sao, lửa này có tiếp tục cháy mãi được không? Các tỳ kheo bạch Phật: – Bạch Thế Tôn, có như vậy. – Như vậy, này các tỳ kheo, đối với pháp bị chấp thủ, mà tham đắm, tham luyến, tâm hệ lụy, thì ái dục tăng trưởng. Ái này lấy thủ làm duyên. Thủ duyên hữu và cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn. – Này các tỳ kheo, nếu đống lửa đang cháy kia mà không thêm củi và cỏ khô vào, thì các tỳ kheo nghĩ sao, lửa kia có bị tắt không? – Bạch Thế Tôn, có như vậy. – Như vậy, này các tỳ kheo, đối với các pháp bị chấp thủ nên quán sát là vô thường, sinh diệt, ly dục, diệt tận, xả, tâm không tham luyến, tâm không hệ lụy, thì ái diệt. Ái diệt thì thủ diệt; nói đầy đủ như vậy cho đến, khối khổ lớn thuần nhất đã tụ tập kia cũng diệt. Phật nói kinh này xong, các tỳ kheo nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”. (Kinh Tạp A-hàm, kinh số 286)
Vấn đề ở đây là xác định nguyên nhân của khổ là tham ái và quyết tâm đoạn tận ái. Khi nhân sinh tử khổ đau chính là tham ái không còn thì dĩ nhiên ta sẽ gặt hái quả giải thoát, Niết bàn. Để đối trị và chuyển hóa tham ái, Thế Tôn dạy nên quán sát vô thường, sinh diệt của các pháp. Bản chất của mọi sự vật hiện tượng là vô thường, đổi thay, biến dịch. Sở dĩ chúng sinh đau khổ là cố nắm giữ những điều không thể, sự vật vô thường mà cứ mong nó thường còn. Tuệ quán vô thường sẽ giúp thấy rõ tính chất duyên sinh, vô ngã của vạn pháp. Không có bất cứ cái gì trường cửu, bất biến mà chúng đang trôi chảy, xô đẩy nhau, tương tác với nhau như những hạt nước của dòng sông. Lúc này, dòng sông thì vẫn xanh nhưng vì hành giả thấy rất rõ nó được hình thành từ những yếu tố không phải dòng sông nên không nắm giữ, bám víu nữa. Chính tuệ giác vô thường, duyên sinh và vô ngã là công cụ sắc bén cắt đứt mọi bám víu, xả buông, tham luyến và hệ lụy. Thế nên, ai thấy được vô thường, hiểu rõ đặc tính duyên khởi của các pháp thì người ấy sẽ tùy duyên tiếp vật mà không luyến ái và nắm giữ. Minh (tuệ) được khởi lên thì vô minh, tham ái vơi nhẹ dần đi. Khi vô minh và tham ái hết thì khổ đau luân hồi sinh tử cũng chấm dứt.
Quảng Tánh