Đức Phật ra đời vì hạnh phúc chư thiên và loài người. Sau 49 năm thuyết pháp độ sinh, Ngài để lại cho thế gian một kho tàng giáo pháp đồ sộ quý báu, mang lại hạnh phúc, an lạc, giải thoát, Niết bàn cho nhân loại. Đức Phật chỉ ra nhiều con đường đi đến giải thoát, Niết bàn ví như muôn sông cùng đổ về đại dương.
1. Tứ vô lượng tâm1.1 Bốn cửa giải thoát
Nhân duyên Gia chủ Dasama, người ở thành Atthaka (Bát thành) hỏi Tôn giả Ananda về pháp độc nhất do Thế Tôn thuyết giảng, qua đó những ai nhiệt tâm tinh cần sống hành trì trong pháp ấy thì sẽ được an ổn mọi khổ ách, giải thoát, Niết bàn. Ngài Ananda không những chỉ ra một pháp bất tử mà cả 11 pháp bất tử, trong đó tứ vô lượng tâm là bốn pháp bất tử như trong Kinh Bát Thành số 52 của Trung Bộ Kinh như sau:
“Tôn giả Ananda, có pháp độc nhất gì do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố, nếu có Tỷ-kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần sống hành trì pháp ấy, thời tâm chưa giải thoát của vị ấy được giải thoát, hay các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, hay pháp an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt?
Này Gia chủ, Tỷ-kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy suy tư và được biết: “Từ tâm giải thoát này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy do vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này.
Này Gia chủ, như vậy là pháp độc nhất do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố. Nếu Tỷ-kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm vị ấy chưa giải thoát được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt được chứng đạt.
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi… Với tâm câu hữu với hỷ… với tâm câu hữu với xả; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy suy tư và được biết: “Xả tâm giải thoát này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự việc gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này.
Này Gia chủ, như vậy là pháp độc nhất do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố. Nếu Tỷ-kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm vị ấy chưa giải thoát được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt được chứng đạt”. (Trung Bộ Kinh – 52 Kinh Bát thành)
Như vậy, qua đoạn kinh văn trên, trong tứ vô lượng tâm, hành giả nào thành tựu viên mãn chỉ một tâm và từ đây nhận biết pháp này là pháp hữu vi, nên là vô thường, chịu sự đoạn diệt. Khi hành giả quán tánh vô thường, quán tánh ly tham, quán tánh đoạn diệt của pháp hữu vi này và vững trú ở đây theo Thế Tôn thì sẽ đoạn trừ các lậu hoặc, được giải thoát. Tương tự với ba tâm còn lại tâm bi, tâm hỷ và tâm xả.
1.2 Viên mãn tứ vô lượng tâm
Hành giả nào chánh niệm, tỉnh thức, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp tâm từ quảng đại viên mãn thì sân không còn ngự trị trong tâm, thoát sân tâm tức là từ tâm giải thoát. Tâm bi viên mãn thì hại tâm không còn ngự trị, tức là bi tâm giải thoát. Tâm hỷ viên mãn thì bất lạc không còn ngự trị trong tâm, tức là hỷ tâm giải thoát. Tâm xả viên mãn thì tham tâm không còn ngự trị, tức là xả tâm giải thoát. Bốn tâm giải thoát này được đức Phật thuyết giảng trong Tăng Chi Bộ Kinh như sau:
1. Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp xuất ly giới này. Thế nào là sáu?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nói như sau: “Ta đã tu từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, sân tâm vẫn ngự trị tâm ta”. Vị ấy cần phải được nói như sau: “Chớ có như vậy, Hiền giả chớ có nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn như vậy không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Hiền giả, sự kiện không phải như vậy, trường hợp không phải như vậy. Ai tu tập từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, sân tâm vẫn ngự trị, an trú; sự kiện như vậy không xảy ra, này Hiền giả, cái này có khả năng giải thoát sân tâm, tức là từ tâm giải thoát”.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo nói như sau: “Ta đã tu tập, bi tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, hại tâm vẫn ngự trị tâm ta”. Vị ấy cần phải được nói như sau: “Chớ có như vậy, Hiền giả chớ có nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn như vậy không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Hiền giả, sự kiện không phải như vậy. Trường hợp không phải như vậy. Ai tu tập bi tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, hại tâm vẫn ngự trị, an trú; sự kiện không xảy ra như vậy. Này Hiền giả, cái này có khả năng giải thoát hại tâm, tức là bi tâm giải thoát”.
4. Này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo nói như sau: “Ta đã tu tập hỷ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, bất lạc tâm vẫn ngự trị tâm ta”. Vị ấy cần phải được nói như sau: “Chớ có như vậy. Hiền giả chớ nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn như vậy thật không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Hiền giả, sự kiện không phải như vậy. Trường hợp không phải như vậy. Nếu tu tập hỷ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, bất lạc tâm vẫn ngự trị, an trú; sự kiện không xảy ra như vậy. Này Hiền giả, cái này có khả năng giải thoát bất lạc tâm, tức là hỷ tâm giải thoát”.
5. Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo nói như sau: “Ta đã tu tập xả tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, tham tâm vẫn ngự trị tâm ta”. Vị ấy cần được nói: “Chớ có như vậy, Hiền giả chớ nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn như vậy thật không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Hiền giả, sự kiện không phải như vậy. Trường hợp không phải như vậy. Nếu tu tập xả tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, tham tâm vẫn ngự trị an trú; sự kiện không xảy ra như vậy. Này Hiền giả, cái này có khả năng giải thoát tham tâm, tức là xả tâm giải thoát”. (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương: Sáu Pháp, Phẩm: Cần Phải Nhớ)
1.3 Sự thù thắng của tứ vô lượng tâm giải thoát
Những đệ tử nào của Như Lai tu tâm từ giải thoát viên mãn cho dẫu biết từ tâm giải thoát này là pháp hữu vi, là vô thường, chịu sự đoạn diệt, nhưng vẫn hoan hỷ pháp này, tham luyến pháp này, vị ấy sẽ đoạn được năm hạ phần kiết sử. Và sau khi thân hoại mạng chung sẽ cộng trú với cõi trời Phạm Chúng, ở đây sau khi hưởng thọ mạng một kiếp sẽ đắc A La Hán Quả và nhập Niết bàn tại đấy, không thối thui trở lại đời này. Trong khi đó, những người ngoại đạo tu tâm từ viên mãn cũng được tái sanh vào Phạm Chúng Thiên và sau khi hưởng trọn một kiếp tại đây, “kẻ phàm phu” này sẽ có thể tái sanh vào địa ngục, ngạ quỷ hay bàng sanh.
Tương tự đệ tử nào của Như Lai tu tâm bi giải thoát viên mãn cho dẫu biết bi tâm giải thoát này là pháp hữu vi, vô thường, chịu sự đoạn diệt, nhưng vẫn hoan hỷ và tham luyến pháp này thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ hóa sanh ở Quang Âm Thiên. Và sau khi sống trọn hai kiếp sẽ nhập Niết bàn tại đó, không quay trở lại đời này. Trong khi đó, người ngoại đạo tu tâm bi viên mãn cũng sẽ tái sanh vào Quang Âm Thiên nhưng sẽ có thể tái sanh vào tam ác đạo sau khi hưởng trọn hai kiếp tại cảnh giới này.
Với tâm hỷ và tâm xả giải thoát viên mãn cũng vậy, nhưng cảnh giới cao hơn và tuổi thọ và kiếp sống nhiều hơn. Thù thắng ở chỗ đệ tử của Như Lai sẽ đắc Niết bàn tại lạc cảnh này, trong khi đó ngoại đạo phàm phu có thể thối lui trở lại đời này, và có thể tái sanh vào tam ác đạo. Sau đây lời dạy của Thế Tôn về sự thù thắng của tứ vô lượng tâm giải thoát của các đệ tử Phật.
“Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người với tâm, cùng khởi với từ, biến mãn một phương rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư, như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú biến mãn với tâm cùng khởi với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Phạm chúng Thiên.
Một kiếp, này các Tỷ kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở cõi Phạm Chúng Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết vẹn tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết bàn trong hiện hữu ấy . Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.
2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người với tâm cùng khởi với bi… với tâm cùng khởi với hỷ… với tâm cùng khởi với xả, biến mãn một phương rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư, như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú biến mãn với tâm cùng khởi với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Quang Âm Thiên.
Hai kiếp, này các Tỷ-kheo, là thọ mạng của các chư Thiên ở Quang Âm Thiên … được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Biến Tịnh Thiên. Bốn kiếp, này các Tỷ kheo là thọ mạng của chư Thiên ở cõi Biến Tịnh Thiên … được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Quảng Quả Thiên. Năm kiếp, này các Tỷ-kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở cõi Quảng Quả Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ của chư Thiên ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ.
Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết bàn trong hiện hữu ấy. Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.
Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời”. (Tăng Chi Bộ, Chương Bốn Pháp, Phẩm XIII. Sợ Hãi)
2. Bốn thiền hiện tại lạc trú
Bốn thiền hiện tại lạc trú từ sơ thiền đến tứ thiền là bốn cửa giải thoát. Hành giả nào đắc một trong bốn thiền hiện tại lạc trú này, suy tư và được biết thiền này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, nên là vô thường, chịu sự đoạn diệt. Nếu hành giả này vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này. Đoạn trích từ Kinh Bát thành, Trung Bộ Kinh sau đây chỉ cho chúng ta thấy rõ điều này.
“Bạch Tôn giả Ananda, pháp độc nhất ấy là gì, do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố, nếu có Tỷ-kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm chưa giải thoát của vị ấy được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt?
Ở đây, này Gia chủ, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Vị ấy suy tư và được biết: “Sơ Thiền này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này.
Này Gia chủ, như vậy là pháp độc nhất, do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố, nên Tỷ-kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm vị ấy chưa giải thoát được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt.
Lại nữa, này Gia chủ, vị Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm, vị ấy suy tư và được biết: “Thiền thứ hai này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này.
Này Gia chủ, như vậy là pháp độc nhất do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố. Nếu Tỷ-kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm vị ấy chưa giải thoát được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt được chứng đạt.
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba. Vị ấy suy tư và được biết: “Thiền thứ ba này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này.
Này Gia chủ, như vậy là pháp độc nhất do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố. Nếu Tỷ-kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm vị ấy chưa giải thoát được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt được chứng đạt.
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy suy tư và được biết: “Thiền thứ tư này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này.
Này Gia chủ, như vậy là pháp độc nhất do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố. Nếu Tỷ-kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm vị ấy chưa giải thoát được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt được chứng đạt. (Trung Bộ Kinh- 52 Kinh Bát thành)
3. Tam thiền tịch tịnh trú
Ba cửa giải thoát nữa là tam thiền tịch tịnh trú gồm: Không vô biên xứ, thức vô biên xứ và vô sở hữu xứ ngoại trừ phi phi tưởng xứ. Có lẽ vì tầng thiền này là do vô tướng tâm định nên khó có thể quán tánh vô thường, quán tánh ly tham, quán tánh đoạn diệt của pháp hữu vi này nên Ngài Ananda không đề cập đến pháp này.
“Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng, Tỷ-kheo nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Vị này suy tư và được biết: “Không vô biên xứ định này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này.
Này Gia chủ, như vậy là pháp độc nhất do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố. Nếu Tỷ-kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm vị ấy chưa giải thoát được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt được chứng đạt.
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ. Vị này suy tư và được biết: “Thức vô biên xứ định này là pháp hữu vi do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này.
Này Gia chủ, như vậy là pháp độc nhất do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố. Nếu Tỷ-kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm vị ấy chưa giải thoát được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt được chứng đạt.
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Vị này suy tư và được biết: “Vô sở hữu xứ định này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này.
Này Gia chủ, như vậy là pháp độc nhất, do Thế Tôn bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố. Nếu Tỷ-kheo nào, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ,ấy, thời tâm vị ấy chưa giải thoát, được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt“. (Trung Bộ Kinh- 52 Kinh Bát thành)
4. Kết luận
Bài kết tập này xin nhường lời lại cho Gia chủ Dasama, ở thành Atthaka, người đã thọ nhận và hoan hỷ pháp những pháp môn bất tử từ Ngài Ananda trong bài kinh số 52 Kinh Bát thành của Trung Bộ Kinh như sau:
“Bạch Tôn giả Ananda, như người tìm một kho tàng cất dấu, trong một lúc tìm được mười một kho tàng cất dấu. Cũng vậy, bạch Tôn giả, con đi tìm một pháp môn bất tử mà được nghe một lần mười một pháp môn bất tử. Bạch Tôn giả, như ngôi nhà người ta có đến mười một cửa, khi ngôi nhà bị cháy, thì chỉ do một cửa người ta cũng có thể thoát ra một cách an toàn”.
Nguyện đem công đức nàyHướng về chúng sanh khắp pháp giớiĐồng sanh cõi Cực Lạc
Tâm Tịnh