Bố thí, cúng dường để vun bồi phước đức cho tự thân và gia đình là hạnh tu phổ biến của người con Phật. Tuy nhiên, khi chưa đạt đến trình độ bố thí ba-la-mật thì suy ngẫm về việc cúng hoặc thí cái gì, cho ai để gặt hái phước quả nhiều hơn là điều nên làm. Phật tử nên bố thí với tuệ, biết rõ nhân quả của việc mình đang làm thì điều lành đã sinh có thể khiến cho nó ngày càng tăng trưởng.
Nhiều người luôn hướng về Chân đế nên thường nói rằng, bố thí hay cúng dường cần giữ tâm bình đẳng, chẳng nên phân biệt, vượt thoát nhân ngã. Nói như vậy tuy đạt lý nhưng ngặt nỗi, tất cả chúng ta đều ở trong Tục đế với tập tính cố hữu là phân biệt. Không phải loài người mới đưa mọi thứ lên bàn cân mà chư thiên, vua trời Thích-đề-hoàn-nhân cũng từng băn khoăn về việc “Thí ai, phước tối tôn?”.
Hay thuyết, hay tuyên bốVượt dòng thành vô lậuĐể qua vực sanh tửNay hỏi nghĩa Cù-đàm.Con quán chúng sanh nàyViệc tạo nghiệp phước đứcTạo các hạnh dường ấyThí ai, phước tối tôn?Nay con tại Linh ThứuXin mong giảng nghĩa nàyBiết ý thú của NgàiCũng vì người thí nói.
Bấy giờ Thế Tôn dùng kệ đáp:
Bốn đường tạo phước khôngBốn quả đầy đủ thànhCác người học được vếtNên tin phụng pháp này.Không dục cũng không giậnHết si thành vô lậuVượt hết tất cả vựcThí kia thành quả lớn.Các loại chúng sanh nàyChỗ tạo nghiệp phước đứcTạo hạnh bao nhiêu thứThí Tăng, được phước nhiều.Chúng này độ vô lượngNhư biển xuất trân bảoThánh chúng cũng như vậyDiễn pháp tuệ quang minh.Cù-đàm chỗ lành kiaNgười hay thí chúng TăngĐược phước không thể kểBậc tối thắng đã nói.
Khi Thích-đề-hoàn-nhân nghe Phật dạy xong, quỳ lạy Phật rồi lui ra.
Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm13.Lợi dưỡng, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.176)
Thế Tôn khẳng định, cúng dường cho các bậc Thánh “bốn quả đầy đủ” (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán), bố thí cho những ai hết sạch căn bản phiền não tham lam, sân hận và si mê thì được phước vô lượng. Điều này không khó hiểu và thật dễ dàng chấp nhận, cái khó là biết ai Thánh ai phàm.
Mặt khác, ngoài cá nhân là những bậc Thánh, thì tập thể chúng Tăng (Sangha) là ruộng phước tối thắng để chúng ta gieo trồng phước đức. “Người hay thí chúng Tăng/Được phước không thể kể”. Chúng Tăng (Tăng-già) đúng nghĩa là hội chúng xuất gia từ bốn người trở lên, sống hòa hợp và thanh tịnh. Đó là về mặt tự lợi. Đối với lợi tha thì Tăng-già phải “Diễn pháp tuệ quang minh” dấn thân hoằng pháp lợi sinh. Một chúng Tăng lý tưởng như thế ngày càng trở nên khó tìm, dù số lượng người xuất gia không phải ít.
Vẫn biết, độc cư là mật hạnh, là tịnh hạnh của người “biết sống một mình” được Thế Tôn tán thán. Nhưng cố tình tách rời chúng tăng để sống riêng lẻ theo ý mình hẳn không phải là điều hay. Phật tử cúng dường chúng tăng thì dĩ nhiên phước báo, công đức nhiều hơn cúng cho một vị tăng (ni). Thế nên trong bối cảnh tu học hiện nay, việc xây dựng tăng với các phẩm chất “sống chung hòa hợp, thanh tịnh, tận lực hoằng pháp” trở nên vô cùng cấp thiết để làm ruộng phước tối thắng cho phật tử.
Quảng Tánh