Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Trong nhiều bài kinh chúng ta cũng thường thấy hình ảnh đức Phật bị bệnh tật, bị thọ bệnh. Đúng vậy đã có thân thì phải có bệnh. Vậy bệnh từ đâu đến? đức Phật dạy bệnh tật cũng do nhân quả sinh ra, do nghiệp lực tác thành. Sau khi đọc qua bài Kinh Miếng Đá Vụn, chúng ta sẽ thấy được một hình ảnh mô tả rất cụ thể và sinh động về một sự việc xảy ra khi chân của Thế Tôn bị miếng đá bể đâm phải vào chân.

Đó là một sự việc rất thường tình, rất bình thường, rất giản dị của đức Phật trong những lúc Ngài bị những chướng ngại ác pháp của môi trường nhân quả tấn công vào xác thân vô thường.

Những lần đức Phật bị những cảm thọ trên cái thân tứ đại vô thường này, thì tâm tư của Thế Tôn không hờ biểu lộ một chút sợ hãi hoặc lo lắng gì cả.

Về thân thì những cảm thọ rất đau đớn khốc liệt đang hoành hành liên tục hiện hữu trên xác thân của Phật, mà về tâm thì Thế Tôn chỉ hướng đến đó là chính niệm tỉnh giác. Chúng ta hãy xem cách thức, phương pháp đức Phật làm chủ vượt qua những cảm thọ của bệnh tật  “Cảm thọ Thế Tôn mãnh liệt. Thân cảm thọ khổ đau, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt, không khoái tâm, không thích thú. Nhưng Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu, không phiền não”.

Phương pháp mà đức Phật làm chủ bệnh, vượt qua bệnh tật đó là Phật chỉ dùng phương pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác. Trên thân này dù cảm thọ đau đớn khốc liệt đến đâu thì Ngài vẫn không hờ sợ hãi, vẫn không hờ lo lắng, vẫn không hờ bị tác động, vẫn không hờ bị chi phối bởi những cảm giác, cảm thọ đau đớn khốc liệt đang hiện hữu trên thân của Ngài. 

Đời sống sinh hoạt của đức Phật rất bình thường. Hằng ngày, đức Phật vẫn sống một đời sống phạm hạnh trong sạch hoàn toàn. Sống với ba y một bát, ngày ăn một bữa, không cất giữ tiền bạc, đức Phật là một du tăng khất sĩ nên không có nơi nào là chùa, tịnh xá, để Ngài làm trú xứ lâu dài, Ngài thường đi du tăng từ chỗ này đến chỗ kia để đem giáo pháp giác ngộ sự thật của khổ đau đến cho chúng sanh có đầy đủ nhân duyên tiếp nhận chánh pháp.

Qua đó chúng ta cũng thấy rõ ràng sinh hoạt thường nhật của Phật rất giản dị bình thường. Cứ mỗi buổi sáng Phật vào làng khất thực xin ăn, khi dùng cơm xong Ngài đi rửa bình bát, rồi Ngài đi kinh hành thư giãn, nghỉ ngơi để cho cái thân xả nghĩ.  

Đến đầu giờ buổi chiều, buổi tối, khuya. Ngài thường giảng dạy thuyết pháp về giáo lý trung đạo như giáo lý nhân quả, giáo lý vô thường vô ngã, Tứ Diệu đế, thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo, ngũ căn, ngũ lực, tứ chánh cần, tứ như ý túc, tứ niệm xứ và bảy bồ đề phần. Ngài nói pháp giảng dạy cho các hàng đệ tử xuất gia, cư sĩ tại gia hoặc thuyết pháp cho những ai (ngoại đạo bà la môn) có nhu cầu muốn nghe pháp hoặc chất vấn, cho dù có một người muốn đến thưa hỏi pháp thì Ngài vẫn thuyết pháp. Đức Phật thuyết những pháp mình đã tu tập, đã chứng ngộ từ sơ thiện, trung thiện và hậu thiện trình bày đầy đủ ý nghĩa rõ ràng mạch lạc và nêu rõ phạm hạnh một cách trong sạch thanh tịnh hoàn toàn.

Có một hình ảnh rất giản dị đến nỗi chúng ta cảm nhận rằng đức Thế Tôn là một người rất gần gũi, và thực tế. Mỗi khi bị bệnh tật đau nhức thì Ngài trải y nằm kiết tường với tâm tư luôn luôn chánh niệm tỉnh giác “Rồi Thế Tôn cho trải áo Sanghàti (Tăng-già-lê) xếp tư lại, nằm xuống phía hông bên phải như dáng điệu con sư tử, chân đặt trên chân, chánh niệm tỉnh giác”.
Đức Phật nằm nghiêng bên phải với dáng điệu con sư tử, với tâm tư luôn luôn chánh niệm tỉnh giác. Cho dù bị đớn đau, nhứt nhối cả thân, còn tâm tư không thoái mái, không an lạc gì cả nhưng đức Phật vẫn nằm kiết tường, chứ không nằm ngửa, nằm kiểu sấp giống như người phàm phu. Dáng điệu nằm kiết tường là một trong những oai nghi chánh hạnh của người xuất gia, dáng nằm kiết tường là một kiểu nằm rất kín đáo, đẹp đẽ, và phù hợp với người xuất gia tu hành giải thoát, dáng nằm này nói lên được một người đã lìa xa, buông bỏ sạch các dục vọng tham muốn của thế gian.

Đức Phật vẫn nằm kiết tường kham nhẫn, vui vẻ, và bằng lòng đón nhận cái đau đớn của thân nhân quả này. Chính nhờ hiểu được như vậy tâm Ngài không hờ phiền não, không hờ sân si, không hờ sầu muộn với những cảm giác đang đau đớn khốc liệt. Đó là cách thức đức Phật làm chủ bệnh, vượt qua bệnh khổ. Nhờ vậy mà tâm tư Ngài luôn hướng về tâm giải thoát vô lậu. Tâm giải thoát vô lậu đó là tâm bất động, thanh thản và an lạc vô sự. Cho nên Ngài lúc nào cũng thường xuyên răn dạy cho học trò của mình .

“Vui thay, chúng ta sống, Không bệnh, giữa ốm đau! Giữa những người bệnh hoạn, Ta sống, không ốm đau.” (kinh PHÁP CÚ)
Đó là một tinh thần trong sáng đầy lạc quan của đức Phật. Lúc Ngài ốm đau nhưng Ngài không hờ phiền não, không hờ sân si nổi giận trước bệnh tật, cảm thọ. Cho nên Ngài không bao giờ sợ bệnh đến. Ngài đã hiểu tính chất vô thường sinh diệt, hợp tan của các pháp, thì có gì đâu mà Ngài lại sầu ưu, phiền não trước bệnh tật? Chính Ngài đã hiểu tính chất sinh diệt “Các pháp tự duyên sinh, các pháp tự duyên diệt”. Mà cái “ nhân quả của các pháp là vô thường”, bệnh tật cũng là một trong những pháp vô thường, sinh diệt, hợp tan. Nếu đủ duyên hợp thì bệnh đến và nếu hết duyên hợp thì bệnh cũng đi. Do hiểu được tính chất nhân quả vô thường, hợp tan, sinh diệt như vậy, tâm tư đức Phật không bị cảm thọ của trọng bệnh chi phối, tác động làm cho sầu ưu, khổ sở, phiền hà chi cả. Còn khi đức Phật nhìn thấy chúng sanh phàm phu đang bị bệnh hoạn, thì thân đã bị bệnh khổ sở đau đớn rồi, mà lẫn tâm của họ cũng bị sầu muộn, phiền hà bởi bệnh tật luôn. 

Mỗi lần chúng sanh, phàm phu bị bệnh thì tâm tư rất sợ hãi, lo lắng, đau đớn, sầu muộn thì Ngài thấy cảm thương cho họ. Cho nên, đối với người phàm phu mỗi khi bệnh tật, tai nạn, hay những chuyện rủi ro đến trong cuộc sống thì thân lẫn tâm đều bị bệnh, đều bị đau khổ cả; còn đối với đức Phật và các bậc Thánh thì thân tuy bệnh nhưng tâm không bị bệnh, tâm không sầu khổ. Nhờ có trí tuệ, đức Phật còn gọi là Tri kiến giải thoát nên các Ngài luôn sống trong trạng thái giải thoát, đó là trạng thái Niết Bàn. 
Chúng ta hãy lắng nghe một vị Thiên nói lên lời cảm hứng tán thán trước mặt Thế Tôn: “Hãy xem tâm của Ngài khéo được tu tập Thiền định và giải thoát, không có nổi lên, không có chìm xuống, mọi hành động được tác thành, không có ai kích thích”.

Thật vậy, chính đức Phật đã khéo nhờ sự tu tập thiền định mà Ngài đã hiểu rõ sự thật cội nguồn của chân lý: chân lý về Khổ, chân lý về Nguyên Nhân của Khổ, chân lý về Trạng Thái Diệt Khổ và chân lý về Con đường đưa đến sự Diệt Khổ. Khi tâm đức Phật hiểu rõ được chân lý về trạng thái diệt khổ thì tâm tư Ngài được giải thoát, đạt được tâm giải thoát vô lậu thì mới hiểu rõ một cách chân chánh, hiểu biết một cách như thật về sự thật của Khổ và về sự thật Nguyên nhân của Khổ.

Chính nhờ tâm Ngài đã hiểu biết như thật cái nguyên nhân của các cảm thọ tác động trên thân này bởi do từ đâu sinh ra? Nên tâm các Ngài hướng đến giải thoát Bất Động và tâm các Ngài hướng đến giải thoát Vô Sự mà không hờ phải rên la, ta thán, oán trách khi những cảm giác trên thân bệnh hoành hành đau đớn khốc liệt như vậy. 

Những người bình thường không hiểu biết được nguyên nhân của các cảm thọ này. Cho nên họ thường oán trách, than phiền trách đất, rồi chỉ định là do mình bị xui xẻo, bị trời đất, thần linh hay một đấng tối cao nào đó trừng phạt. Vì mọi người hiểu theo một định mệnh nên mọi người không hiểu được cái gốc sự thật của Khổ và cái gốc sự thật Nguyên Nhân của Khổ này nên con người khổ đau triền miên mãi mãi. Nếu chúng ta hiểu rõ như thật thì sẽ không còn hành động làm khổ mình, làm khổ người và làm khổ mọi loài chúng sanh nào cả.

Chính vì thế đức Phật dạy hàng đệ tử và tất cả chúng sanh phải luôn luôn sống tỉnh thức. Tỉnh thức ở đây là chỉ cho ba hành nghiệp: Thân, Khẩu và Ý của chúng ta lúc nào cũng phải sáng suốt, tỉnh táo, không bị mê muội mất sáng suốt để mỗi khi chúng ta hành động hay làm một việc gì, một điều gì thì hành vi, hành động cũng phải tỉnh thức, sáng suốt hết. Tỉnh thức để luôn luôn sống với ý thức thiện, ý thức lành, sống với ý thức không làm tổn thương đến mình, không làm tổn thương đến người khác và không làm tổn thương đến tất cả muôn loài chúng sanh. 

Tình yêu thương này sẽ không còn giới hạn bởi không gian, thời gian hay bởi một loài chúng sanh nào cả…tình yêu thương này rộng lớn hơn biển cả và cao cả hơn hẳn núi non.

Chúng ta thấy mỗi khi bị cảm thọ, bị trọng bệnh thì mọi người cho là do ăn uống thiếu chất, ăn uống không đầy đủ chất dinh dưỡng nên thân bị bệnh. Đức Phật dạy rằng không có cái gì tự nhiên mà nó đến một cách ngẫu nhiên cả, cái gì khi nó hiện hữu thì cũng có cái nguyên nhân của nó. Cho nên mỗi khi chúng ta bị bệnh nặng nhẹ, tùy theo cấp độ chúng ta đã gieo nhân thiện ác khác nhau…
Sự việc xảy ra với đức Phật bị miếng đá bể đâm phải vào chân cũng là một việc xảy ra bình thường do nhân quả nghiệp lực trong quá khứ còn sót lại, khi đầy đủ các duyên thì nghiệp lực nhân quả này đến thôi, nhân quả đến nên đức Phật bị miếng đá bể đâm phải vào chân làm cho chân Thế Tôn phải bị thương tích như vậy. Đối với đời sống sinh hoạt hằng ngày, chúng ta đừng lầm nghĩ rằng khi các Ngài đã chứng đắc quả vị Phật, Thánh Alahan thì các Ngài sẽ không còn ác pháp tấn công, không còn bị nhân quả tác động nữa. 

Sự việc là nhân quả vẫn đến với Ngài nhưng tâm Ngài hoàn toàn không hờ bị tác động bị chi phối, bị nô lệ bởi nó. Cho nên đức Phật vẫn sống trong cuộc đời, trong nhân quả nhưng không bị nhân quả, không bị cuộc đời này tác động được. Chính vì vậy mà đức Phật và các vị Thánh Alahan làm chủ nhân quả và bất động bởi nhân quả. Cũng giống như hoa sen tuy sống ở trong bùn lầy nhưng không bị bùn lầy làm cho ô nhiễm hoa sen, mà hoa sen vẫn nở thơm tho hoàn toàn tinh khiết, trong sạch.

Trong cuộc sống, nếu chúng ta gieo nhân vô tình thì chúng ta sẽ gặt quả vô tình, nếu chúng ta gieo nhân cố ý thì sẽ gặt quả cố ý. Như vậy nhân vô tình là như thế nào? Nhân vô tình là nhân không có ác tâm, không có một sự bất thiện xen vào, như cố ý đánh đập, giết hại làm cho chúng sanh bị đau khổ. 

Ví dụ như hằng ngày đức Phật đi kinh hành, đi khất thực thì có lắm lúc đức Phật đã vô tình không nhìn thấy những chúng sinh nhỏ bé như kiến, sâu, bọ, trùng… nên đức Phật đã vô tình (chúng sanh quá nhỏ không nhìn thấy) giẫm đạp lên những chúng sanh này làm cho chúng phải bị thương đau đớn trên thân hoặc Phật đã vô tình giẫm đạp lên những chúng sanh này làm cho chúng phải bị chết. Nhân đó là nhân vô tình thì đức Phật mới bị miếng đá vô tình đâm phải vào chân làm cho bị thương đau nhức. Cho nên Nhân quả rất công bằng là như vậy, dù mình có trốn lên trời, trốn xuống dưới biển, chui vào hang sâu, lánh lên núi thẳm thì nhân quả vẫn đến không thể nào trốn thoát được.

“Không trên trời, giữa biển, Không lánh vào động núi, Không chỗ nào trên đời, Trốn được quả ác nghiệp.” (pháp cú 127)
Khi hình thành thân này, thì con người phàm phu hay thánh nhân đều phải chịu cái quy luật chung, đó là quy luật vô thường sanh, già, bệnh, chết là một quy luật tất nhiên thường tình. Cho dù đó là đức Phật cũng phải chịu cái quy luật vô thường này. Thường thường khi con người bị già, bị bệnh, bị đau ốm thì tâm tư đều lo lắng và sợ hãi. Cái gì đã làm nên nỗi sợ hãi và lo lắng đó mỗi khi chúng ta bị bệnh? Đó là cái tâm chấp thủ về bản thân, về tự ngã này, cái lầm chấp trên cái thân vô thường, bất tịnh này, nó luôn luôn bảo thủ và giữ gìn cái thân tứ đại này mỗi ngày, nó sợ cái thân này nó chết, nó cứ mong muốn cái thân này trường tồn sống mãi mãi, nó cứ mong muốn cái thân này đừng có bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết. Nhưng cái mong muốn ấy là cái mong muốn của sự vô minh, tà kiến, tà tư duy.
Đức Phật thường dạy thân này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta, thì chúng ta đừng nên chấp thủ, giữ gìn, chăm sóc, bảo vệ nó nữa. Chúng ta hãy sống giống như tinh thần mà đức Phật đã chỉ dạy để hiểu biết sự thật của nó, khi chúng ta đã hiểu biết, nhận chân rõ ràng sự thật của các pháp thì chúng ta sẽ không còn thấy sợ hãi hay lo lắng mỗi khi bệnh tật, cảm thọ tác động đến hoặc có một tai nạn rủi ro xảy ra trong cuộc sống. Chúng ta hãy ứng dụng phương pháp và cách thức vượt qua bệnh khổ trên thân mà đức Phật đã chỉ dạy để cho thân này lẫn tâm này luôn luôn được thanh thản và an lạc.

Kinh Miếng Đá Vụn
(Trích lược bài kinh bản Việt dịch của HT.Thích Minh Châu)

Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại Rājagaha (Vương Xá), tại vườn Nai (Maddakucchi)

Lúc bấy giờ, chân Thế Tôn bị miếng đá bể đâm phải. Cảm thọ Thế Tôn mãnh liệt. Thân cảm thọ khổ đau, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt, không khoái tâm, không thích thú. Nhưng Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu, không phiền não.

Rồi Thế Tôn cho trải áo Sanghàti (Tăng-già-lê) xếp tư lại, nằm xuống phía hông bên phải như dáng điệu con sư tử, chân đặt trên chân, chánh niệm tỉnh giác.

Rồi bảy trăm quần tiên Satullapakàyikà, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Maddakucchi, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

Đứng một bên, một vị Thiên đọc lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

—Sa-môn Gotama thật là bậc Long tượng. Và với tư cách Long tượng, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, đau khổ, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt, không khoái tâm, không thích thú, Ngài chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu, không có phiền não.

Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

—Sa-môn Gotama thật là bậc Sư tử. Và với tư cách Sư tử, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau … không có phiền não.

Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

—Sa-môn Gotama thật là Lương tuấn mã. Và với tư cách Lương tuấn mã, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau … không có phiền não.

Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

—Sa-môn Gotama thật là bậc Ngưu vương. Và với tư cách Ngưu vương, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau … không có phiền não.

Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

—Sa-môn Gotama thật là bậc Nhẫn nại Kiên cường. Và với tư cách bậc Nhẫn nại Kiên cường, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau … không có phiền não.

Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

—Sa-môn Gotama thật là một bậc Khéo điều phục. Và với tư cách là một bậc Khéo điều phục, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau … không có phiền não.

Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

—Hãy xem tâm của Ngài khéo được tu tập Thiền định và giải thoát, không có nổi lên, không có chìm xuống, mọi hành động được tác thành, không có ai kích thích. Ai có thể nghĩ mình đi ngược lại một Long tượng như vậy, một bậc Sư tử như vậy, một bậc Lương tuấn mã như vậy, một bậc Ngưu vương như vậy, một bậc Nhẫn nại Kiên cường như vậy, một bậc Nhiếp phục như vậy, trừ phi là một người mù.

Các vị Bà-la-môn,
Tinh thông năm Vệ-đà,
Dầu tu tập khổ hạnh,
Cho đến hàng trăm năm,
Tâm họ không có thể,
Chơn chánh được giải thoát.
Tự tánh quá hạ liệt,
Không đến bờ bên kia,
Bị khát ái chi phối,
Bị giới cấm trói buộc,
Dầu tu tập khổ hạnh,
Cho đến hàng trăm năm,
Tâm họ không có thể,
Chơn chánh được giải thoát.
Tự tánh quá hạ liệt,
Không đến bờ bên kia.
Ở đời không nhiếp phục,
Kiêu mạn cùng các dục,
Tâm không được an tịnh,
Không tu tập Thiền định.
Ở trong rừng cô độc,
Nhưng tâm tư phóng dật,
Vị ấy khó vượt khỏi,
Sự chinh phục tử thần.
Nhiếp phục được kiêu mạn,
Khéo tu tập Thiền định,
Tâm tư khéo an tịnh,
Giải thoát được viên mãn,
Ở trong rừng cô độc,
Tâm tư không phóng dật,
Vị ấy khéo vượt khỏi,
Sự chinh phục tử thần.
(Tương Ưng Bộ Kinh 3)


Trầm Lặng

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.