Phật tử luôn tâm niệm và dấn thân làm giàu bằng chánh mạng và chánh nghiệp. Mọi tài sản có được phải trong sạch, nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến, sau khi đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika:
- Này gia chủ, có năm lý do để gầy dựng tài sản. Thế nào là năm?
- Ở đây, này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp. Tự mình làm an lạc, hoan hỷ; làm cho cha mẹ, vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ nhất để gầy dựng tài sản.
- Lại nữa, này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp. Vị này làm cho bạn bè, thân hữu an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ hai để gầy dựng tài sản.
- Này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp. Các tai họa để trở thành trắng tay bị chặn đứng và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy. Đây là lý do thứ ba để gầy dựng tài sản.
- Lại nữa, này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp. Vị ấy có thể hiến cúng cho bà con, cho khách, cho hương linh đã chết; hiến cúng cho vua và chư thiên. Đây là lý do thứ tư để gầy dựng tài sản.
- Này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp. Vị ấy tổ chức cúng dường các vị Sa môn, Bà la môn. Sự cúng dường tối thượng này đưa đến phước báo vô lượng ở cõi người, cõi trời.
- Đây là lý do thứ năm để gầy dựng tài sản.
(Kinh Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda, phần Trở thành giàu).
SUY NGHIỆM:
Gầy dựng tài sản hay làm giàu một cách chân chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người cư sĩ. Nhưng khác với người đời, người Phật tử làm giàu không phải vì lòng tham, cũng không vì cái tôi của tự ngã mà gầy dựng tài sản với năm mục tiêu cao thượng.
Phật tử luôn tâm niệm và dấn thân làm giàu bằng chánh mạng và chánh nghiệp. Mọi tài sản có được phải trong sạch, nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp.
Trước hết, làm giàu để tạo dựng cho tự thân và các thành viên trong gia đình một đời sống sung túc, an lạc. Sự đầy đủ về vật chất, các phương tiện sống sẽ tạo nên một sự thanh thản cần thiết để thiết lập sự an tịnh, thăng hoa tâm hồn.
Khi đời sống cá nhân và gia đình sung túc, an lạc thì chúng ta mới thật sự có cơ hội giúp đỡ bạn bè, thân hữu cũng như đóng góp thiết thực về các phương diện cho phúc lợi xã hội, cộng đồng. Cái khó bó cái khôn là một rào cản quan trọng. Do vậy, khi có cơ hội làm giàu thì Phật tử phải siêng năng hết mình để có thêm phương tiện giúp đỡ người khác.
Một lý do cần thiết khác của sự gầy dựng tài sản là làm khi lành để dành khi đau. Cuộc sống đầy dẫy những biến động phức tạp, luôn tiềm ẩn các tai họa để trở thành trắng tay nên sự chắt chiu, dành dụm, tiết kiệm và tránh lãng phí để dự phòng lúc thất thế sa cơ là tối cần. Khi mình không giúp được ai thì cũng tránh không là gánh nặng cho người khác.
Nhờ ăn nên làm ra, người Phật tử mới có cơ hội đền ơn đáp nghĩa, chu toàn hiếu đạo như hiến cúng ông bà tổ tiên, xây mộ dựng bia tri ân người đã khuất. Mặt khác, người Phật tử làm giàu không những lo cho mình, thân quyến và mọi người xung quanh mà còn để đóng góp cho công quỹ quốc gia. Dân có giàu thì nước mới mạnh chính là mục tiêu cao thượng mà người Phật tử phấn đấu để đạt được.
Không chỉ chu toàn trách nhiệm trong cuộc đời, người Phật tử còn trọng trách hộ pháp, phụng sự Tam bảo. Nên làm ra nhiều tài sản để phụng sự Tam bảo, cúng dường chư Tăng và thực thi các Phật sự nói chung có ý nghĩa to lớn trong việc vun bồi phước báo cho đời này và cả những đời sau.
Đó là năm mục tiêu cao thượng của người Phật tử khi chí thú làm giàu. Tiền bạc, tài sản là phương tiện. Biết vận dụng phương tiện này một cách nhuần nhuyễn nhằm lợi mình và lợi người, lợi ích trong hiện tại và mai sau là tuệ giác của mỗi người con Phật.
Quảng Tánh