HT Thích Thiện Hoa giảng:
Thưa quý vị! Tôi đã kể rõ 30 tên giặc phiền não, nào tên họ, tài năng và hành tướng của chúng một cách tường tất rồi, bay giờ tôi xin nói qua đạo binh hiền từ ở trong tâm chúng ta. Đạo binh này chẳng khác nào như các vị Trung-thần Nước nhà được thạnh-trị, dân chúng được hưởng hạnh phúc thái bình an lạc, vua giữ vững được ngai vàng, đều nhờ các vị Trung thần. Chúng ta được làm Quân-tử, hay thành Thánh Hiền, cũng nhờ đạo binh hiền từ ở nơi tâm chúng ta, thắng được giặc phiền não vậy.
Đạo binh này có 11 anh.
1. Tín là tin. Trong kinh nói : ” Lòng tin là mẹ sanh ra các công đức”. Vì có tin nhơn quả, tội phước, nên mới bỏ dữ làm lành, có tin tu hành sẽ được giải thoát, nên mới quyết tu; tin giữ giới có nhiều công đức, khỏ đoạ trong tam đồ ác đạo, cho nên mới phát nguyện giữ giới. Trong Duy-thức chép: ” Đức tin cũng như hột châu thanh thủy, hay làm cho nước được trong . Đức tin này, nó làm cho tâm mình được thanh tịnh”. Do có tin nhân quả, tội phước nên mới hăng hái bỏ những việc ác và ưa làm việc lành. Vậy đức tin là điều cần yếu của người tu hành (mê tín thuộc về ác kiến tâm sở)
2. Tinh Tấn là siêng năng, chấm ham. Đối với việc dữ siêng năng dứt trừ, với việc lành siêng năng làm theo. Người học trò nhờ siêng năng nên mau giỏi. Người làm ruộng nhờ siêng năng nên thâu góp luau thóc được nhiều. Người đi buôn nhờ siêng năng nên của tiền mau phát thạnh. Người làm thợ nhờ siêng năng nên công nghệ mỗi ngày thêm phát đạt. Người tu hành nhờ siêng năng, mà mau được thành đạo, chứng quả. Thuở xưa Đức Thích Các Bồ tát Ma ha tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật đa nhờ siêng năng, nên mới thành đạo trước đức Di Lặc. Nói tóm lại, siêng năng là một đức tính tốt, cần thiết cho tất cả mọi người, để dùng trong tất cả trường hợp (siêng năng cờ bạc ,rươụ trà, coi hát v.v.. là phóng dật tâm sở (buông lung) thuộc về phiền não, chớ không phải thiện tâm sở, xin quý vị chớ lộn).
3. Tàm là tự mình xấu hổ.
4. Quí là thẹn với người. Phàm làm việc gì có tội lỗi, đối với lương tâm mình biết xấu hổ, đối với người rất thẹn thuồng; như chúng ta tham lam, gian lận một vật gì của ai, đối với mình lấy làm xấu hổ: ” Ta là phật tử đã thọ giới pháp của Phật dạy, không được tham lam trộm cướp, mà lại còn tham lam, gian trá làm sự tội lỗi như thế ư!”. Đối với người khác, mình hết sức thẹn thuồng; như trong lúc chúng ta uống rượu, tự xét rằng: ” Ta là Phật-tử đã hứa trước Đức Phật và Chư Tăng không uống rượu, mà hôm nay ta lại uống rượu say sưa như vầy, thì ta đâu còn phải là Phật tử nữa, nên hết sức hổ. Đối với những bạn đồng quy y, thọ giới có ai say sưa như ta không? Rồi thẹn thuồng với người.
Nói tóm lại, biết hổ thẹn là đức tính tánh tốt. Người biết hổ thẹn mới mong tránh được những tội lỗi và mới có thể tăng tiến trên đường lành. Đã là Phật tử, chúng ta nên có và phải có hai đức tánh này (Hổ và Thẹn) để áp dụng trong những lúc, chúng ta làm những điều tội lỗi. Biết hổ thẹn như thế gọi là “Tu Tâm”
5. Vô Tham là không tham lam. Đối với tiền tài không tham, vì biết các pháp là vô thường; sắc đẹp không muốn vì quán thân là bất tịnh; danh vọng chẳng màng, vì biết thọ là khổ, mà chỉ an phận tùy duyên. Do không tham lam nên không giành giựt, bởi không giành giựt nên không đánh đập, chém giết nhau. Nếu tất cả mọi người trên thế giới đều không tham lam; không xâm chiếm thị trường, không xâm chiếm đất đai lẫn nhau, thì chắc chắn thế giới sẽ hòa bình an laic.
6. Vô Sân là không nóng nảy, giận hờn. Sân hận là một điều hại lớn. Kinh Hoa-Nghiêm nói: “Nhứt niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”. Nghĩa là một niệm sân hận nổi lên thì trăm ngàn tội chướng đều sanh ra. Ngạn ngữ có câu: ” Ăn nóng quá mất ngon, giận tức lắm mất khôn”. Không sân hận” là một anh kiện tướng dẹp trừ được giặc phiền não sân hận. Muốn cho đức tánh không sân hận có nay đủ lực lượng đê dẹp trừ lòng sân, thì cần phải tu pháp quán Từ-bi hay Nhẫn nhục là nhịn chịu các điều nhục nhã, không sân hận. Duy có đức từ bi và nhẫn nhục, mới rưới tắt được lửa sân hận. Chúng sanh nhiều kiếp sanh-tử luân hồi, bởi không thắng nổi lòng sân. Chư Phật được tự tại, giải thoát, lả do dứt trừ được lòng sân tận gốc. Bởi thế nên Phật tử chúng ta phải tập tánh không sân hận. Như thế gọi là “Tu Tâm”.
7. Vô Si là không mờ ám, si mê. Đối với tất cả việc, lúc nào cũng có trí huệ sáng suốt, suy xét, phán đoán việc tà, chánh, hay, dở, phải, trái v.v…Do đó, việc làm mới chánh đáng, tránh khỏi những điều tai hại, vừa lợi ích cho mình và người ở hiện tại cũng như ở tương lai.
8. Khỉnh An là thân tâm nhẹ nhàng, thơ thới, làm việc vui vẻ, không mờ mịt (hôn trầm) nặng nề, được khoan khoái yên vui. Người mà thân tâm được nhẹ nhàng, thơ thới, thì trí huệ mới sáng suốt, học hành mau nhớ, tu niệm mau thành công, suy nghĩ chuyện gì cũng mau lẹ. an vui.
9. Bất Phóng Dật là không buông lung, biết tự kiềm thúc lấy mình, để tiến trên con đường chơn tánh. Lo làm các việc lành, không buông lung cờ bạc, rượu trà, phá trai, phạm giới, làm những điều ích kỷ tổn nhơn. Người học Phật biết tự kiềm thúc lấy mình, mới gọi là người biết “Tu Tâm.
10. Hành Xả là làm mà không cố chấp. Có hai: 1._ Nếu gặp những cảnh trái ngược, làm cho ta đau khổ, phải xả bỏ ngay đi, thì ta mới được hết khổ. Tỷ như bị người chọc giận, nếu ta cố chấp mãi, thì trong lòng ta sẽ bực tức, nặng nề khó chịu. Nếu ta liền hỷ xả, thì sẻ thấy lòng ta nhẹ nhàng vui vẻ. 2.- Mỗi khi ta làm được điều lành, không nên cố chấp và ghi nhớ mãi. Nếu cố nghĩ đến việc lành ta đã làm, nhiều khi sanh ra tánh tự cao, rồi sẽ đi dần đến chỗ tự kiêu hay tự đắc, hoặc cho như thế là đủ rồi không làm nũa. Tỷ dụ như ta cho người ăn xin một trăm đồng bạc, nếu ta nhớ mãi thì chút nữa có người khác đến xin, ta quyết không cho, vì ta nhớ vừa mới cho một trăm đồng rồi. Trái lại, nếu cho rồi mà không ghi nhớ, thì một lác sau có người khác đến xin, ta có thể cho nữa, nhờ ta biết xả, không nhớ mình đả có cho vậy.
11. Bất Hại là không làm tổn hại người và vật. Đối với mọi người và mọi vật, nếu chúng ta không làm được lợi cho họ thì thôi, chớ không nên làm tổn hại. Vì người khác làm tổn hại mình, mình đã không chịu, thì chúng ta chớ nên làm tổn hại người. Không làm tổn hại người và vật, là chúng ta tạo cho mình một nhân tốt, sẽ đưa đến đức tánh từ bi của Phật.
Tóm lại, chúng ta biết nuôi dưỡng 11 đức tánh Thiện này, như thế là ” Tu Tâm“.