Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Khi nhắc đến Huế, chúng ta không thể không nhắc đến những ngôi chùa cổ trong đó có chùa Từ Hiếu. Từ Hiếu là một ngôi chùa được xếp vào hàng “danh lam cổ tự” nổi tiếng của xứ Huế. Gắn liền với ngôi chùa là câu chuyện hiếu nghĩa rất cảm động của vị Hòa thượng đã khai mở ngôi chùa.

hoa-thuong-nhat-dinh

Chùa Từ Hiếu tọa lạc trên vùng đất rộng chừng 8 mẫu, xung quanh là những đồi thông tĩnh mịch bao bọc; bên chùa còn có khe nước chảy tạo thêm cảnh thơ mộng, tươi mát.

Được biết ban đầu chùa chỉ là một am nhỏ thờ Phật được Hòa thượng Nhất Định cho xây dựng. Hòa thượng Nhất Định tên là Nguyễn Văn Nội, quê ở tổ Bích La, huyện Đăng Xuyên, tỉnh Quảng Trị (nay là xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), xuất gia tu hành từ thuở nhỏ tại chùa Linh Quang, tôn Hòa thượng Phổ Tĩnh làm thầy và được đặt pháp tự là Nhất Định. Năm lên 7 tuổi, ngài từ giã song thân, vào đất Thần Kinh tìm đến ngài Đạo Minh – Phổ Tịnh, trú trì chùa Huệ Lâm – Huế để tu đạo. Năm lên 20 tuổi, ngài được bổn sư thế độ, ban cho pháp danh Tánh Thiên, pháp tự là Nhất Địnhvà được hội đồng thập sư đặt cách cho thọ tam đàn cụ túc tại chùa Quốc Ân – Huế với ngài Mật Hoằng. Sau mười năm ròng rã theo thầy học đạo, vào ngày 14 tháng 11 năm Giáp Tuất, tức Gia Long thứ 13, ngài được bổn sư truyền đăng với bài kệ:

Nhất định chiếu quang minh

Hư không mãn nguyệt viên

Tổ tổ truyền phó chúc

Đạo Minh kế Tánh Thiên Việt dịch: 

Nhất Định chiếu sáng tinh

Hư không trăng tròn xinh

Tổ tổ trao lời chúc

Tánh Thiên từ Đạo Minh

(TT. Thái Hòa dịch)

Vào tháng 11 năm Bính Tý, tức Gia Long thứ 15 (1816), bổn sư của ngài viên tịch. Ngài cư tang thầy và cũng chính năm này, ngài đã được tông môn cung thỉnh trú trì chùa Thiên Thọ, tức chùa Báo Quốc ngày nay.

Với đức độ, ngài không những được tông môn thương kính, mà ngay cả vua quan trong triều cũng kính phục. Do vậy, vào ngày 1 tháng 8 Canh Dần, tức Minh Mạng thứ 11 (1830), vua Minh Mạng đã trao giới đao, độ điệp để hòa thượng có cơ hội duy trì phật pháp và làm nơi nương tựa cho tăng tín đồ.

Năm năm sau, khi được vua tặng giới đao, độ điệp, vào ngày mồng 1 tháng 10 năm Ất Mùi, tức Minh Mạng thứ 16 (1835), Hòa thượng được bộ lễ dâng lên một lá thư cung thỉnh ngài giữ chức tăng cang Linh Hựu Quán (nay là nhà thờ Tây Linh).

Năm 1839, vua Minh Mạng cho xây chùa Giác Hoàng trong thành nội. Chùa được xây dựng để kỷ niệm nơi phủ xưa khi vua còn là thái tử. Đặc biệt chùa này chỉ dành riêng cho nội cung. Và cũng trong năm này, ngài Nhất Định được vua Minh Mạng sắc phong làm tăng cang chùa Giác Hoàng.

Những năm trước khi ngài Nhất Định chưa làm tăng cang Linh Hựu Quán và chùa Giác Hoàng, trai đàn chẩn tế hằng năm đều được vua chọn tổ chức tại chùa Thiên Mụ. Nhưng kể từ năm 1835, điểm chẩn tế để cầu nguyện quốc thái dân an được dời về Linh Hựu Quán và chùa Giác Hoàng. Điều ấy cho thấy, ngài được vua quan triều đình kính trọng như thế nào.

hoa-thuong-nhat-dinh

Năm 1843, sau khi từ chức Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự và trao quyền điều hành chùa Bảo Quốc cho pháp đệ là Nhất Niệm, Hoà thượng Nhất Ðịnh đã đến đây khai sơn, dựng Thảo Am An Dưỡng để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già. Hoà thượng Nhất Ðịnh nổi tiếng là người con có hiếu. Tương truyền có lần mẹ già bị bệnh rất nặng, hàng ngày ông lo thuốc thang nhưng bà vẫn không khỏi. Có người ái ngại khuyên ông nên mua thêm thịt cá để tẩm bổ cho mẹ, có làm được điều đó mới mong bà chóng hồi sức. Nghe xong, mặc thiên hạ đàm tiếu chê bai, cứ chiều chiều người ta thấy Hòa thượng chống gậy đi bộ tìm xuống chợ Bến Ngự mua được cá, treo trên đầu gậy trúc, đem về am nấu cháo hầu thân mẫu, nhờ đó mà mẹ Ngài mới qua được cơn hiểm nghèo, lần hồi bệnh thuyên giảm…

Cũng vì thường xuyên xuống chợ mua cá mà Hòa thượng bị người đời xì xào bàn tán dị nghị thành mang tiếng này nọ, chê cười đã đi tu mà còn phạm giới. Không giải thích, không thanh minh, Hòa thượng cứ cứ mặc tình để họ mai mỉa, chấp nhận tai tiếng mà vẫn chẳng lưu tâm, một lòng chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ cho đến khi bình phục.

hoa-thuong-nhat-dinh

Câu chuyện vang đến tai Tự Ðức. Vốn là vị vua rất hiếu thảo với mẹ, vua lên tận chùa để biết thực hư, rất cảm phục trước tấm lòng của sư Nhất Định nên ban cho Sắc tứ Từ Hiếu tự. Chùa được mang tên Từ Hiếu từ đó. Trong tấm bia ghi lại quá trình xây dựng chùa giải thích: Từ: là đức lớn của Phật, nếu không từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại; Hiếu: là đầu hạnh của Phật, nếu không hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời. Sở dĩ vua Tự Đức đặt tên chùa là Từ Hiếu vì muốn con cháu nhớ lại công hạnh tu hành của ngài Nhất Định và gương hiếu thảo của ngài. Và cái tên ấy cũng gợi lên được lòng hiếu thảo của chính nhà vua.

Từ và Hiếu đã trở thành hai chất liệu không thể thiếu trong một con người xuất gia. Điều đó có nghĩa là sáng đem niềm vui cho người, chiều giúp người bớt khổ. Đó là kim chỉ nam của người con Phật. Mỗi ngày, ta nguyện tu tập để chuyển hóa khổ đau, chế tác hạnh phúc, an lạc nơi bản thân, rồi giúp đỡ gia đình, dòng họ và những người xung quanh thực tập theo đúng chánh pháp, để họ biết sống vui, sống hạnh phúc. Đó là cách thể hiện lòng hiếu, lòng từ đúng nghĩa nhất.

hoa-thuong-nhat-dinh

Chùa Từ Hiếu từ đó đã đi sâu vào lòng người không phải bằng bề dày lịch sử hay công trình tráng lệ mà nhẹ nhàng với trường ca hiếu nghĩa và độ sinh. Với câu chuyện cảm động về lòng hiếu nghĩa của Hòa thượng Nhất Định, chùa Từ Hiếu đã trở thành một biểu tượng của chốn thiền môn về đạo hiếu trong suốt nhiều thế kỷ qua.

Và cũng không biết từ bao giờ ngôi chùa trở thành biểu tượng cho lòng hiếu thảo của con cái đối với những bậc sinh thành. Điều đó đã thấm sâu vào đời sống văn hóa của người dân nơi đây như một nét đẹp. Cứ mỗi dịp Vu Lan về, các Phật tử lại đến chùa làm lễ và cài lên áo những đóa hoa màu hồng hoặc màu trắng để thể hiện tấm lòng hiếu thảo của mình.

Thanh Tâm (Tổng hợp)

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.