Ít và hiếm như vậy thì rất có thể mình sẽ ở ngoài số đó, trở thành người bất hiếu hay chưa tròn đạo làm con. Vậy mà lâu nay mình vẫn nghĩ rằng ta đã là hiếu tử đích thực. Ngài có quá lời chăng khi người có hiếu ở đời chiếm một tỷ lệ thấp như vậy?
Ai suy ngẫm kỹ, tường tận vấn đề sẽ tự nhận ra rằng hầu hết chúng ta đều có tâm hiếu, đều thương kính cha mẹ, mong được đáp đền thâm ân sinh dưỡng nhưng vì vô vàn lý do và nhân duyên khác nhau, để rồi cái tâm hiếu ấy tuy vẫn còn đó mà chưa biến thành hạnh hiếu, hoặc có chăng thì cũng chỉ thể hiện được phần nào. Để rồi khi cơ hội đi qua, lá vàng kia một mai sớm vội lìa cành, áng mây thu tím biếc chợt tan biến, đọng lại trong lòng vấn vương lắm nỗi, hối tiếc nhiều điều. Bấy giờ, chúng ta mới ngộ ra lời dạy thậm thâm của Thế Tôn, thầm chấp nhận rằng con vốn không bất hiếu nhưng thực sự thì chữ hiếu chưa tròn.
“Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn lấy trong móng tay một ít đất, rồi nói với các Tỳ-kheo:
– Các ông nghĩ thế nào, đất trên móng tay Ta nhiều, hay đất ở đại địa này nhiều?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn, đất trong móng tay của Thế Tôn là rất ít, ít lắm, còn đất ở đại địa thì nhiều vô lượng, cho đến không thể dùng toán số, hay thí dụ để so sánh được.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Những chúng sanh biết có cha mẹ thì cũng như đất dính trên móng tay; số chúng sanh không biết đến có mẹ cha cũng như đất ở đại địa.
– Những chúng sanh biết có bậc tôn trưởng của dòng Sa-môn, Bà-la-môn và làm những điều cần làm phước đời này, đời khác, sợ tội thường bố thí, ăn chay giữ giới thì cũng như đất dính trên đầu móng tay; số chúng sanh không biết có bậc tôn trưởng của dòng Sa-môn, Bà-la-môn, làm những điều phước cần ở đời này, đời khác, sợ tội lỗi thường bố thí, ăn chay, giữ giới thì cũng như đất ở đại địa.
– Những chúng sanh không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không nói thêu dệt thì cũng như đất trên móng tay; số chúng sanh không giữ gìn giới luật thì cũng như đất ở đại địa…
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 442 [trích])
Mới hay, tâm hiếu và hạnh hiếu song hành quả không phải dễ. Nhiều, rất nhiều trong chúng ta đã nghĩ rằng mình có hiếu nhưng kỳ thật thì chưa. Nếu chưa thì hãy nhanh tay lẹ chân mà chạy đua với thời gian vì vẫn còn kịp. Đừng để một mai kia ta phải hối tiếc vì sự lần lữa, hứa hẹn của mình. “Chúng sinh biết có cha mẹ cũng như đất dính trong móng tay” chính là một công án nhắc ta rằng phải nỗ lực thật nhiều, tranh thủ hết mức để làm tất cả những gì có thể cho cha mẹ khi chưa quá muộn.
Song hành với hiếu kính cha mẹ là biết tôn kính các bậc sư trưởng, làm phước, sợ tội, bố thí, ăn chay cho đến biết vâng giữ năm nhân cách cao thượng của người Phật tử (không sát sinh, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối, không say nghiện), những hạnh lành này tuy dễ biết mà cũng rất khó làm. Dẫu khó nhưng nếu làm được thì thật quý hóa, có thiện căn sâu dày. Vì thế, khi suy ngẫm và đối chiếu với thực tiễn cuộc sống, nếu ai từng biết ơn và đền ơn cha mẹ, biết tôn kính bậc thầy, biết bố thí cúng dường, biết vâng giữ giới luật cao thượng thì đó là một phước báo lớn, hãy trân quý và giữ gìn.
Mùa hiếu về, lời Phật dạy “những chúng sanh biết có cha mẹ thì cũng như đất dính trên móng tay” luôn đồng vọng quanh ta, như làn roi lạnh buốt quất vào những tâm hồn lãng quên khiến giật mình thức tỉnh. Thế nên không hứa hẹn nữa, chẳng chần chừ nữa, những người con Phật hiếu thảo hãy làm ngay và luôn những gì trong khả năng có thể cho cha mẹ, những ân nhân đáng kính và thập phương bằng hữu huynh đệ trong cuộc đời tạm bợ vô thường này.
Quảng Tánh – Báo Giác Ngộ