Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
Trước tiên, vấn đề làm chúng ta thắc mắc nhiều nhất là: Con người từ đâu có? Để giải đáp vấn đề này, đạo Phật có thuyết “mười hai nhân duyên”. Trong mười hai nhân duyên ấy, vô minh là căn bản.
Vô minh là gì?
Tức là đối với sự lý, không rõ biết được đúng như thật. Do đó mà sanh ra mê lầm, thật cho là giả, giả cho là thật, điên đảo hư vọng chấp ngã, chấp pháp, phân biệt mình, người; rồi theo cảnh thuận nghịch mà theo cảnh phiền não, nên cũng gọi là “hoặc”. Từ mê hoặc mà tạo tác ra các nghiệp, hoặc thiện hoặc ác. Sự tạo tác ấy gọi là “Hành”, chi thứ hai trong mười hai nhân duyên. Do nghiệp lành dữ huân tập chứa nhóm thành ra “nghiệp thức”. Nghiệp thức này theo chỗ huân tập thuần thục rồi thác sanh vào thai mẹ, đó là món “Thức”, chi thứ ba trong mười hai nhân duyên.
Trong thai mẹ, gom tinh huyết làm nhục thể, tâm thức cùng nhục thể hào hiệp gọi là “Danh sắc” đó là chi thứ tư trong mười hai nhân duyên, (Danh: Tâm thức; Sắc: Nhục thể). Từ Danh sắc lần lần tượng đủ sáu căn, gọi là “Lục nhập”. Đó là chi thứ năm trong mười hai nhân duyên.
Sau khi ra khỏi thai, sáu căn xúc đối với sáu trần, biết nóng, lạnh, đau, êm… nên gọi là “Xúc”, chi thứ sáu trong mười hai nhân duyên. Do sự cảm xúc ấy, mà tâm dần dần sanh niệm phân biệt, rồi có những giác thọ vui, khổ … Đó là “Thọ”, chi thứ bảy trong mười hai nhân duyên.
Do sự cảm thọ vui, khổ, khởi niệm ưa ghét, chấp đắm ấy mà sanh ra có “Ái”, chi thứ tám trong mười hai nhân duyên. Vì tham ái nên tìm cầu nắm lấy cái hay cái tốt, cái ưa thích. Đó là “Thủ” chi thứ chín trong mười hai nhân duyên.
Muốn cho thỏa mãn những chổ nhiễm trước, ưa thích của “Ái” và”Thủ, nên phải tạo nghiệp. Nghiệp này có thể chiêu cảm quả báo vị lai, nên gọi là “Hữu” , chi thứ mười trong mươi hai nhân duyên. Đã có “Hữu” là cái mầm giống, thì thế nào cũng có “Sanh” là chi thứ mười một trong mười hai nhân duyên. Đã có “Sanh” thì phải có “Lão và Tử” là chi thứ mười hai trong mười hai nhân duyên.
Trong mười hai nhân duyên. “Vô minh” thuộc về “hoặc” và “Hành” thuộc “nghiệp”. Đó là nhân quá khứ mà có năm quả “Khổ” hiện tại là: Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc và Thọ.
Do quả “Khổ” hiện tại nói trên mà khởi ra “Hoặc” là ái thủ và tạo “Nhgiệp” là hữu, để làm nhân cho quả “Khổ” sau là sanh và lão tử ở vị lai.
Như thế, từ nhân quá khứ, sang quả hiện tại, làm lại nhân cho quả tương lai, ba đời cứ nối tiếp xoay vần mãi mãi khong dứt, như một bánh xe lăn tròn, lên xuống, xuống lên không nghỉ. Cứ đó mà suy ra thì biết rằng, người chẳng những sống một đời trong hiện tại này, mà trước kia, về quá khứ đã trải qua không biết bao nhiêu đời sống rồi. Và sau này, trong vị lai, cũng sẽ còn vô lượng đời sống nữa. Người hiện sống đây để rồi chết, mà cái chết lại là cái nhơn làm thành đời sống vị lai.
Như thế, sống, chết nối tiếp theo nhau không bao giờ dứt, như những làn sóng, cái này tan đi để hiệp lại cái khác, không bao giờ hết, nếu còn gió. Con người, nếu gió vô minh còn thổi thì dòng sanh mạng còn lưu chuyển, lăn trôi, chìm nổi mãi.
Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa .
Trích trong: Nhân Sinh Quan Phật Giáo