“Một thời Đức Phật ở Câu-tát-la, du hành giữa nhân gian và có đại chúng Tỳ-kheo đi theo. Bấy giờ Đức Thế Tôn đang đi giữa đường, chợt thấy có đống cây lớn ở một nơi kia đang bùng cháy dữ dội.
Thế Tôn thấy vậy, liền bước xuống bên đường, đi đến một cây khác, trải Ni-sư-đàn, kiết-già mà ngồi. Đức Thế Tôn ngồi rồi bảo các Tỳ-kheo:
– Các ngươi có thấy đống cây lớn đằng kia bùng cháy không?
Khi đó các Tỳ-kheo trả lời:
– Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy.
Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:
– Các ngươi nghĩ sao, với đống cây lớn phừng cháy hừng hẫy đó mà hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm; hay là, với người con gái của dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, hay thợ thuyền, đang độ tuổi cường thạnh, tắm gội, xông hương thơm, mặc y phục sạch sẽ, dùng tràng hoa chuỗi ngọc, trang sức thân thể, hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm; việc nào vui sướng hơn?
Lúc ấy các Tỳ-kheo thưa rằng:
– Bạch Thế Tôn, với đống cây lớn đang phừng cháy hừng hẫy hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm thì rất khổ. Bạch Thế Tôn, hoặc có người con gái dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ hay thợ thuyền, đang độ tuổi cường thạnh, tắm gội, xông hương thơm, mặc y phục sạch sẽ, dùng tràng hoa chuỗi ngọc, trang sức thân thể mà tới hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm thì rất vui sướng.
Đức Thế Tôn bảo:
– Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để cho các ngươi Sa-môn mà lại mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu Phạm hạnh vô thượng thì thà ôm đống cây lớn đang phừng cháy hừng hẫy, hoặc ngồi, hoặc nằm. Việc ấy mặc dù vì thế mà phải chịu khổ sở, hoặc chết. Nhưng không phải do đó mà thân hoại mạng chung phải thẳng đến ác xứ hay sinh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới và không tinh tấn, sinh ra ác pháp bất thiện; không phải là phạm hạnh mà gọi là phạm hạnh, không phải là Sa-môn mà gọi là Sa-môn, hoặc ôm người con gái dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ hoặc thợ thuyền, đang độ tuổi cường thạnh, tắm gội, xông hương thơm, mặc y phục sạch sẽ, dùng tràng hoa chuỗi ngọc trang sức thân thể, hoặc ngồi, hoặc nằm; người ngu si kia vì vậy mà lâu dài không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác pháp, khi thân hoại mạng chung thẳng đến cõi xấu, sinh vào địa ngục”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Bảy pháp, kinh Mộc tích dụ, số 5 [trích])
Phương pháp chế ngự và đối trị dục vọng
Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo đi ngang khu rừng có một đống cây đang bốc cháy dữ dội. Ngài liền dùng hình ảnh đó cảnh tỉnh các Tỳ-kheo trong sự nghiệp tu hành thà ôm cột cây cháy đỏ mà chết, quyết không phạm vào sắc dục. Bởi nghiệp ái rất sâu dày, thường chi phối mạnh mẽ lên đời sống con người. Ái dục là cội nguồn của sinh tử nên những ai chuyên tu Phạm hạnh thì không thể xem thường.
Được sinh ra làm người là điều khó, được xuất gia tu hành lại càng khó hơn. Thế nên, người tu cần quý trọng nhân duyên hy hữu của mình để lo tấn tu đạo nghiệp. Nếu phạm vào sắc giới, sự nghiệp giác ngộ giải thoát trong hiện đời không thể thành tựu. Đó là chưa kể tà kiến ngã mạn cống cao “không phải là Phạm hạnh mà gọi là Phạm hạnh, không phải là Sa-môn mà gọi là Sa-môn” đắm say trong dục thì quả báo xấu ác sẽ chờ đợi vị ấy ở tương lai.
Thế nên, tu hành là đi ngược với thế tục, quay lưng với dục lạc. Nhờ thành tựu giới, trang nghiêm Phạm hạnh tâm mới được an ổn để thể nhập thiền định, trí tuệ mới phát sinh và giải thoát luân hồi sinh tử.
Quảng Tánh