Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Người thế gian vì mê lầm do thiếu hiểu biết, nên suốt ngày chạy theo cái tạm bợ hư dối mà tưởng nó là thật dâu dài, chính vì vậy mà chìm đắm trong biển khổ sông mê.

Người tu lấy trí tuệ làm sự nghiệp 

1. Người Phật tử, phải thắng sự lười biếng bởi thái độ ỷ lại hay dựa dẫm vào người khác mà cầu khẩn van xin để đánh mất chính mình.

2. Bất mãn là thái độ thiếu khôn ngoan và sáng suốt, người trí càng nổ lực tu học và dấn thân đóng góp nhiều hơn nữa khi mọi việc chưa được tốt đẹp để không bị rơi vào trạng thái tiêu cực.          

3. Người Phật tử chân chính, cương quyết phải thắng sự thiếu quyết tâm khi muốn làm việc thiện vì đó là trách nhiệm và bổn phận của người có lòng từ bi hỷ xả.

4. Nếu ta không thể cảm thông và tha thứ cho kẻ khác, thì lòng ta sẽ không bao giờ được thanh thản bởi trong tâm còn vướng mắc chuyện đã qua.

5. Người Phật tử chân chính, phải thắng sự tham lam và ích kỷ của mình, bởi do lầm chấp thân tâm này là thật ngã mà sống đời an vui giải thoát.

Tôn giả Xá Lợi Phất – Đệ nhất trí tuệ thống lĩnh tăng đoàn

6. Khi có quyền hành trong tay chúng ta có thể hủy diệt người chỉ cần một câu nói, nhưng để xây dựng mọi người cùng nhau sống đời đạo đức nhiều khi phải trải qua nhiều thế hệ.

7. Người Phật tử, phải thắng sự nhu nhược của mình do thiếu chính kiến về đạo đức sống làm người, hãy thường xuyên soi sáng lại chính mình mà vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

8. Khi ta biết đem lòng từ bi và thái độ ôn hòa để bày tỏ những nỗi oan khiên và bất mãn, có như vậy người khác mới có thể tha thứ và chấp nhận quan điểm của mình.

9. Người Phật tử chân chính, phải vượt qua chủ nghĩa cá nhân để sống bằng trái tim có hiểu biết mình vì mọi người với tinh thần trách nhiệm dấn thân và phục vụ.

10. Chúng ta cùng tu học theo hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm luôn đồng hành, cùng gánh vác, cùng sẻ chia, đem niềm vui đến với mọi người và sẵn sàng san sẻ nỗi khổ niềm đau, với tấm lòng vô ngã, vị tha.

Kinh tám điều giác ngộ của hàng Bồ tát

Là người đệ tử Phật, ngày đêm nên chí thành, nhớ nghĩ và tư duy, về tám điều giác ngộ, của các bậc Bồ-tát.

Điều giác ngộ thứ nhất: Thế gian vốn vô thường, cõi nước rất mong manh, bốn đại lại khổ không, năm ấm là vô ngã, luôn sinh diệt biến đổi, giả dối không có chủ, tâm là nguồn việc ác, thân là rừng nghiệp tội, nếu quán sát như thế, dần hồi lìa tử sinh.

Điều giác ngộ thứ hai: Tham muốn nhiều là khổ, bao sinh tử nhọc nhằn, đều từ tham dục khởi, nếu ít muốn biết đủ, thân tâm được an lành.

Điều giác ngộ thứ ba: Tâm nếu không thỏa mãn, chỉ lo việc tham cầu, sẽ tăng thêm tội ác, Bồ-tát hay quán xét, thường muốn ít biết đủ, vui cảnh nghèo giữ đạo, lấy trí tuệ làm đầu.

Điều giác ngộ thứ tư: Lười biếng phải sa đọa, nên thường hành tinh tấn, để phá trừ phiền não, nhiếp phục bốn chúng ma, xa lìa chốn tối tăm.

Điều giác ngộ thứ năm: Ngu si phải sinh tử, Bồ-tát thường nên nhớ, luôn học rộng nghe nhiều, để tăng trưởng trí tuệ, nhằm thành tựu biện tài, rồi đem niềm vui lớn, giáo hóa cho mọi người.

Điều giác ngộ thứ sáu: Nghèo khổ hay oán giận, thường gieo nhiều tội lỗi, Bồ-tát luôn san sẻ, bình đẳng với mọi người, không nhớ đến quá khứ, không ghét bỏ một ai.

Điều giác ngộ thứ bảy: Tham muốn rất tai hại, tuy thân ở thế gian, nhưng không nhiễm dục lạc, thường nhớ nghĩ ba y, bình bát và pháp khí, chí nguyện người tu hành, luôn giữ đạo trong sạch, thực hiện hạnh thanh tịnh, từ bi với muôn loài.

Điều giác ngộ thứ tám: Sinh tử luôn thiêu đốt, khổ não vô cùng tận, nên phát tâm Bồ-đề, tu hành cầu giải thoát, độ hết thảy muôn loài, nguyện thay thế chúng sinh, gánh chịu nhiều đau khổ, khiến cho muôn loài vật, đều bình an hạnh phúc.

Giáo lý Phật giáo có thể dạy gì cho đạo đức trí tuệ nhân tạo?

Tám điều nói trên đây, chư Phật và Bồ-tát, đã tự mình giác ngộ, nhờ tinh tấn hành trì, tu từ bi trí tuệ, nương theo thuyền Bát-nhã, mau đến bờ giải thoát, rồi giáo hóa thế gian, độ tất cả chúng sinh, đem tám điều giác ngộ, chỉ dạy cho mọi người, biết được sinh tử khổ, xa lìa năm dục lạc, tu theo Bát chính đạo. Này bốn chúng đệ tử, tư duy tám điều này, sẽ dễ dàng tỉnh giác, diệt được vô lượng tội, thẳng tiến quả Bồ-đề, mau thành tựu Phật pháp, xa lìa đường sinh tử, thường an nhiên thanh nhàn.

Bản kinh tuy rất ngắn, chỉ có tám điều mà mỗi điều là một bài kệ có từ 5 đến 10 câu, mỗi câu 5 chữ, nhưng đây là một bản kinh tuyệt tác mang chất liệu của từ bi hỷ xả và tuệ giác Như lai mà hàng xuất gia và cư sĩ tại gia có thể ứng dụng hành trì theo tinh thần nhập thế.

Chúng ta quay lại văn kinh: Điều giác ngộ thứ ba: Tâm nếu không thỏa mãn, chỉ lo việc tham cầu, sẽ tăng thêm tội ác, Bồ-tát hay quán xét, thường muốn ít biết đủ, vui cảnh nghèo giữ đạo, lấy trí tuệ làm đầu.

Câu chót trong điều thứ ba này là người tu phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp, chúng ta chỉ lấy việc đạt đến tuệ giác làm sự nghiệp đích thực của đời mình. Là người Việt Nam, ai cũng có thể biết đến một trong những câu ca dao tục ngữ như: “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, hay “Dốt đến đâu, học lâu cũng biết”. Những câu ca dao tục ngữ trên đều nói đến sự chuyên cần học tập, tức là việc học hỏi kiến thức để nâng cao trình độ hiểu biết và trao dồi trí tuệ để nên người, thành người tốt trong hiện tại và mai sau.

Vậy việc học bắt đầu từ đâu, trước tiên là phải học ăn, học nói, học gói, học mở, học và làm theo cái tốt của người khác; học để không sai phạm cái xấu của người khác ngay từ khi còn tấm bé. Người xưa thường nói: “Còn đôi bàn tay và khối óc, thì lo gì không lập lại được sự nghiệp.” 

Về mặt nội dung giáo dục, Phật giáo là một nền giáo dục rộng lớn đầy trí tuệ, đạo đức từ bi nhằm giáo dục mọi chúng sinh những hiểu biết, nhận thức đúng đắn và đầy đủ các quy luật về vũ trụ và nhân sinh quan.

Trí tuệ thế gian: Thường thế gian ai thông minh, lanh lợi, biết được nhiều việc hoặc học cao hiểu rộng, thì được cho là người có trí tuệ; nhưng trí tuệ này do học mà được nên xuất phát từ lòng tham của con người. Chính vì vậy, họ si mê, chấp ngã càng cao, thấy mình là trung tâm của vũ trụ, thấy mình là thầy thiên hạ, nên độc tài thao túng, dùng mưu ma chước quỷ để bình thiên hạ, tạo ra ân oán, oan gia trái chủ, dùng miệng lưỡi biện tài vô ngại để lung lạc lòng người, nói một đường làm một nẻo, chẳng khác gì con vẹt bắt chước nói tiếng người. Bởi nói được mà làm chẳng được, nên có địa vị cao trong xã hội càng làm tổn hại cho nhiều người. Do đó, trí tuệ thế gian chỉ giúp con người tăng trưởng thêm lòng tham vô bờ bến như biển cả mênh mông không ngần mé. Thế cho nên, nếu ai là người tài giỏi thì cần phải học hỏi và trau dồi đạo đức để nâng cao sự hiểu biết, giúp nhân loại bằng tình thương yêu chân thật. Nhờ có tu tập chúng ta mới biết được giá trị thật giả của cuộc đời, do đó dễ cảm thông, chia sẻ, bao dung và tha thứ để không làm tổn hại cho nhau.

Trí tuệ xuất thế gian: Để không nhầm lẫn với trí tuệ thế gian, nhà Phật gọi là trí tuệ bát nhã, nhưng trí tuệ xuất thế gian cũng có ba loại: Trí tuệ lộn ngược, trí tuệ bắp vế, trí tuệ rộng lớn.

Trí tuệ lộn ngược: Là loại trí tuệ không phân biệt được đầu đuôi, trước sau một cách rõ ràng, nó giống như cái bình lật úp trở lại, dù có chế nước vô bao nhiêu cũng bị tràn ra, không chứa được chút nào. Hạng người này tuy có nhiệt tình học hỏi nhưng không có định tâm tỉnh giác vì không giữ giới và chuyên tâm học Phật. Do đó, thế gian thường gọi hạng người này như nước đổ lá môn, như nước xao đầu vịt, đổ vô bao nhiêu cũng bị trôi đi hết, nên nói là trí tuệ lộn ngược.

Trí tuệ bắp vế: Chúng ta đến chùa nghe Pháp đều ghi nhớ rõ ràng từng câu, từng chữ, nhưng khi đứng dậy ra về đều quên hết. Người học đạo như thế gọi là trí tuệ bắp vế, vì khi nghe quí thầy hướng dẫn thì nhớ, lúc về thì quên, giống như người ăn bánh kẹo để trên bắp vế, khi đứng dậy rớt hết. Đây là hạng người nếu được đến chùa học hỏi, tu tập, cảm thấy an lạc và hạnh phúc, chẳng khác nào người đang lạnh gặp được áo ấm. Học đạo như vậy uổng công vô ích, người tu như thế cần phải biết hổ thẹn, sám hối, gắng sức ra công học hỏi, thường xuyên quán chiếu, suy tư không một phút giây lơ là, biết cách sắp xếp công việc cho hợp lý, làm việc nào biết việc đó.

Chúng ta cố gắng học hiểu rõ ràng nghĩa lý lời Phật dạy qua sự hướng dẫn của chư Tăng, rồi sau đó chiêm nghiệm quán xét và ứng dụng tu hành. Nghe học như thế, mới thật sự có lợi ích thiết thực và xứng đáng là người Phật tử tại gia.

Trí tuệ rộng lớn: Đây là loại trí tuệ do siêng năng rèn luyện, quán chiếu, tu tập, không phải do học hỏi, hiểu biết mà được nên nói là trí tuệ rộng lớn. Trí tuệ rộng lớn là trí tuệ thấy biết đúng như thật, tuy sống giữa dòng đời ô nhiễm mà không bị tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mặc đẹp, ngủ kỹ chi phối; luôn sống vì mọi người, phục vụ chúng sinh không biết mệt mỏi, không biết nhàm chán; sống vì tha nhân chứ không vì lợi ích riêng tư, lấy niềm vui nhân loại làm niềm vui chính mình.

Giới luật – một bầu trời lấp lánh những vì sao trí tuệ

Thế cho nên không phải tự nhiên mà Nhà bác học nổi tiếng Albert Einstein (1879-1955), người đoạt giải thưởng Nobel vật lý (năm 1921) về lý thuyết tương đối, đã phát biểu: “…Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được các nhu cầu của khoa học hiện đại thì tôn giáo đó chính là Phật giáo. Chính vì vậy, năm 1999 Đại hội đồng liên hiệp quốc đã sáng suốt công nhận đạo Phật là lễ hội văn hóa loài người mang thông điệp từ bi và trí tuệ đến nhân loại trong bền vững và lâu dài, vì không thấy ai là kẻ thù mà chưa có người thông cảm với nhau mà thôi.

Người thế gian vì mê lầm do thiếu hiểu biết, nên suốt ngày chạy theo cái tạm bợ hư dối mà tưởng nó là thật dâu dài, chính vì vậy mà chìm đắm trong biển khổ sông mê. Khi phước hết họa đến con quỉ vô thường lôi đi, tất cả tài sản của cải đều để lại thế gian, chỉ mang theo nghiệp quả mà không biết mình đi về đâu. Hiện tại Bồ-tát tuy chịu thiệt thòi, mọi thứ thiếu một chút, nhưng phần trí tuệ đức độ từ bi lúc nào cũng tăng trưởng lớn mạnh, nên nói sự nghiệp của Bồ-tát là trí tuệ.

Nếu ai suốt đời cứ lo cho sự nghiệp thế gian hưng thịnh, thì sự nghiệp trí tuệ sẽ bị lu mờ. Như vậy, người lo sự nghiệp thế gian và người lo phát triển trí tuệ đạo đức từ bi, ai là người khôn ngoan sáng suốt hơn và biết lo xa cho tiền đồ mai sau? Dĩ nhiên đa số thế nhân đều tán thán người biết tạo dựng sự nghiệp bằng ăn ngon mặc đẹp, đầy đủ vật chất tiện nghi, sống đời sung túc đủ đầy là giỏi là hay nhất thiên hạ. Chúng ta nên nhớ, tiền của dùng trong lúc sống chỉ là cái tạm bợ, khi nhắm mắt ra đi không mang theo được thậm chí cái nút áo còn phải lắt lại. Người chỉ biết lo cho có nhiều của cải vật chất là người không biết nhìn xa trông rộng, nên gọi là chúng sinh mê lầm trong muôn kiếp. Còn người không dính mắc vào sự nghiệp thế gian, kể cả chức quyền trong Phật giáo, chỉ lấy trí tuệ làm sự nghiệp là người biết lo xa, là bậc Bồ-tát chân thật tu hành.

Nói tóm lại, ai quá tham cầu ăn ngon mặc đẹp, nhà cao cửa rộng tiện nghi vật chất đủ đầy, nếu không tin nhân quả sẽ gieo tạo tội lỗi ngày càng nhiều đến khi phước hết họa đến chịu nhiều khổ não. Thế cho nên, ai cũng phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp thì cuộc sống sẽ an nhiên thanh nhàn trong mọi hoàn cảnh. Người trí xưa nay lấy trí tuệ làm sự nghiệp, kẻ ngu thích quyền cao chức trọng mà làm khổ đau thiên hạ. Không có tài năng và đạo đức càng làm lớn càng giết hại con người, xưa và nay chết vì chiến tranh không bao nhiêu mà chết vì ngu dốt mới là đáng trách.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.