Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Sự hoàn thiện hay thành tựu thiền định trong Bát chánh đạo đều có sự hiện diện, thúc đẩy của tinh tấn. Không có tinh tấn, các yếu tố còn lại của Bát chánh đạo nói chung và thiền định nói riêng không thể nào đạt tới kết quả mỹ mãn.

2. Thiền định và các phương diện biểu hiện của nó trong Bát chánh đạo

Trong Bát chánh đạo, nội dung thiền định thể hiện qua ba phương diện: chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Chánh tinh tấn

Chánh tinh tấn là sự nỗ lực chân chánh, tức là nỗ lực thực hành con đường đưa tới an lạc, giải thoát, mà trước hết là làm cho các thiện pháp phát sinh nơi tâm thức hành giả, như chính Đức Phật đã dạy:

“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tinh tấn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sanh nay được sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có lu mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tinh tấn.”

Có thể khái quát nội dung của đoạn kinh này như sau:

– Các tâm lý mang tính tiêu cực chưa phát sinh thì nỗ lực ngăn chặn, cắt đứt các cơ hội, nhân duyên khiến cho nó phát sinh.

– Khi tâm lý tiêu cực đã phát sinh thì nỗ lực làm cho nó lắng dịu, nhẹ nhàng, mờ nhạt và cuối cùng vắng mặt.

– Nỗ lực tạo cơ hội cho các tâm lý tích cực chưa sinh khởi có mặt nơi tâm thức.

– Duy trì, phát triển tâm lý tích cực đã phát sinh, khiến cho tâm lý tích cực ngày càng lớn mạnh hơn.

Trong cuộc sống, muốn thành tựu một điều gì đó cần phải có sự nỗ lực. Không có một sự thành công nào tự dưng đến với mình không thông qua sự nỗ lực của bản thân. Buôn bán kinh doanh, làm việc hành chính, giảng dạy, học tập…, tất cả đều đòi hỏi một sự nỗ lực cần thiết để đi tới thành công. Đó là sự tinh tấn hay nỗ lực ở phương diện sinh hoạt hằng ngày. Nó thể hiện năng lực của tâm, chưa mang hàm nghĩa đạo đức. Sự phát triển tâm linh càng đòi hỏi sự tinh tấn hay sự nỗ lực nhiều hơn nữa. Sự hoàn thiện hay thành tựu thiền định trong Bát chánh đạo đều có sự hiện diện, thúc đẩy của tinh tấn. Không có tinh tấn, các yếu tố còn lại của Bát chánh đạo nói chung và thiền định nói riêng không thể nào đạt tới kết quả mỹ mãn.

Nói một cách khái quát, tinh tấn là sự nỗ lực hướng tới sự gạn lọc, chuyển hóa các yếu tố có tính cách tiêu cực, tàn hại, cấu uế; phát triển các yếu tố an lạc, giải thoát nơi nội tâm, giúp cho hành giả tu học hoàn thiện trên con đường đưa tới sự an lạc, giải thoát theo đúng tinh thần lời dạy của Đức Phật.

Chánh niệm

Một chi phần khác của Bát chánh đạo thuộc về phương diện thiền định là Chánh niệm. Chánh niệm là sự ghi nhận, quán chiếu đối tượng bằng sự tỉnh thức. Khác với tà niệm, đưa con người tới khổ đau, chánh niệm có khả năng điều phục được các tham đắm ở đời như trong kinh Bát chánh đạo Đức Phật dạy:

“Này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh niệm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là chánh niệm.”

Trong Phật giáo, chánh niệm được xem là trái tim của thiền định. Chánh niệm giúp dừng lại mọi suy tưởng, các phán đoán, nhận xét và suy diễn liên hệ tới các đối tượng, vấn đề, sự kiện, tình huống chung quanh. Thực tập chánh niệm chỉ cần nhận biết mà không cần nhận xét. Nhờ nhận biết một cách sâu sắc, tâm trở nên định tĩnh, không còn bị cuống hút vào các đối tượng, vấn đề, sự kiện, tình huống diễn ra. Nhờ đó, hành giả có thể làm chủ được cảm xúc và các phản ứng của các thói quen tiêu cực.

Chánh niệm còn giúp cho mình nhận diện được bản chất của sự vật, hiện tượng, tức là sự vật hiện tượng như thế nào, nhận thức như thế ấy. Mình không để cho các ý niệm, nhận thức chủ quan phủ đầy lên bản chất của sự vật, hiện tượng. Không dán mác, dán nhãn lên mọi thứ để rồi đến một lúc nào đó chính các mác, nhãn đó chi phối, ràng buộc, đưa tới khổ đau cho mình. Chánh niệm vì thế, là cánh cửa mở ra một thế giới mới nơi con người: thế giới của sự chân thật.

Chánh định

Chánh định thường được hiểu là sự lắng tâm chân chính, sự lắng tâm hướng tới xả ly, giải thoát tất cả các phiền não, khổ đau vi tế ở đời. Trong kinh Bát chánh đạo, Đức Phật định nghĩa chánh định như sau:

“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh định? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là chánh định.”

Từ sự tịch tĩnh nội tâm này, tiếp tục đi sâu vào các tầng thiền cao hơn và vi tế hơn, tức định của 4 thánh quả. Chính vì vậy, chánh định là con đường đưa tới thành tựu chánh trí. Nhờ chánh định, đạo đức được trong sạch, không tỳ vết, trí tuệ được trong sáng, thanh cao, hành giả thành tựu được tuệ giác giải thoát.

Minh Chính (TH)

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.