Skip to content Skip to footer
Loading Events

« All Events

  • This event has passed.

Lễ Thượng Nguyên – Tết Nguyên Tiêu

15/02/2022

Tết Nguyên Tiêu – ngày rằm tháng giêng âm lịch – ngoài tên gọi là lễ Thượng Nguyên, còn có nhiều tên khác như: Nguyên Tịch; Nguyên Dạ, Tết Trạng Nguyên; Tết Đoàn Viên; Tết Hoa Đăng…

TỤC LỆ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia Châu Á khác đều quan niệm trong 12 cái rằm của một năm thì ngày rằm tháng giêng âm lịch mang nhiều ý nghĩa hơn cả. Ngày này được gọi là ngày lễ Thượng Nguyên hay tết Thượng Nguyên, rằm tháng bảy là tết Trung Nguyên và rằm tháng mười là tết Hạ Nguyên.

Rằm tháng giêng là rằm đầu tiên, người Việt theo đạo Phât, đạo Khổng, đạo Lão tin rằng ngày ấy đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của Phật Tử. Đây còn là ngày vía Thiên Quan (Khổng & Lão giáo), người ta đến chùa dâng sao để giải hạn.

Trong dân gian, với số đông người theo phong tục thờ cúng Tổ Tiên thì rằm tháng giêng trước hết được hiểu một cách đơn giản là ngày rằm lớn. Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái Phật, có gia đình cúng Thổ Công, Thần Tài hoặc cúng Âm Hồn các đẳng… nhưng luôn bao giờ cũng có cúng Gia Tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm tạ ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn thuận lợi.

Theo lời các bô lão, thời xưa, rằm tháng giêng vốn là ngày tết Trạng Nguyên. Nhân dịp trăng sáng đầu năm, vua cho mở đại yến tại vườn thượng uyển, vời các Trạng Nguyên đến dự hội, ngắm cảnh xem hoa, làm thơ xướng họa, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và ca tụng ân đức nhà vua đã đem lại thái bình thịnh trị.

Dần dần những buổi họp mặt tương tự vào đêm rằm tháng giêng được các văn nhân thi sĩ tổ chức, không chỉ trong vườn thượng uyển với nghi lễ vua tôi mà ở nhiều nơi, việc xem hoa ngắm cảnh dưới trăng thoải mái hơn, những vần thơ xướng họa, đối đáp phong phú và sinh động hơn. Văn nhân thi sĩ, nhất là các cụ cao niên thưởng trăng thù tạc với nhau bằng chén trà, chung rượu, bàn cờ. Các cụ ăn uống ít, chỉ ngâm nga bàn tán những câu tâm đắc. Tết Nguyên Tiêu trở thành một sinh hoạt tao nhã mang nhiều ý nghĩa trong khung cảnh tuyệt vời thơ mộng:

Kỳ cục đả thanh phong giáp trận
Tửu hồ khuynh bạch tuyết hòa bôi.

Nghĩa là:

Chén hòa tuyết trắng nghiêng hồ rượu
Trận giáp phong thanh đánh cuộc cờ…

TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO

Ngày rằm tháng riêng ở Việt Nam ngày càng xa dần điển tích nguyên thủy và sinh hoạt của Trung Hoa mà hòa nhập vào sinh hoạt Phật Giáo. Dù kinh điển Phật không nói đến ngày rằm tháng giêng nhưng trong đại đa số dân chúng (truyền thống Tam Giáo: Phật – Khổng – Lão) thì đây là dịp lên Chùa lạy Phật, cúng sao giải hạn, ước nguyện điềm lành. Còn với Phật Tử thuần thành thì ngày rằm đầu năm mới để lễ bái chư Phật, Bồ-tát, cúng dường Tăng Ni, phóng sanh, làm những việc phước thiện nhằm cầu nguyện cho gia đình, cho cộng đồng tha nhân, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, chúng sanh an lạc.

Với những người theo đạo Phật, thật ra rằm tháng giêng tuy không phải là lễ quan trọng của Phật Giáo so với rằm tháng tư (lễ Phật Đản) và rằm tháng bảy (lễ Vu Lan), nhưng trùng hợp với lễ Thượng Nguyên và tết Nguyên Tiêu trong dân gian, lại thêm cái không khí vui xuân còn đậm đà của ngày rằm đầu tiên cho năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, cho nên giới Phật Tử cũng như dân chúng đi chùa lễ Phật rất đông đảo. Do tính chất hòa nhập lan tỏa như vậy nên đã từ rất lâu trong dân gian hình thành những câu tục ngữ, thành ngữ quen thuộc:

Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng riêng.

Giỗ tết cả năm không bằng rằm tháng giêng.

Rằm tháng giêng ai siêng nấy quải(1).
Rằm tháng bảy kẻ quải, người không(2).
Rằm tháng mười mười người mười quải.

v… v…

Một điều thú vị nữa là trong trai kỳ của Phật Giáo, những tháng ăn chay của Tam Ngoạt Trai (Tam Nguyệt Trai, mỗi năm ăn chay 3 tháng) là các tháng giêng, tháng bảy và tháng mười âm lịch. Còn Nhất Nguyệt Trai ăn chay vào một trong các tháng giêng, tháng tư, tháng bảy hay tháng mười; Tứ Nguyệt Trai thì ăn chay vào tháng giêng, tháng tư, tháng bảy và tháng mười. Trai kỳ nào cũng rơi vào 3 tháng của lễ Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên.

Ngoài ra theo một số sách, tài liệu Phật Giáo Tiểu Thừa Theravada, có một số ý nghĩa và nghi thức liên quan đến ngày rằm tháng giêng như: ngày Pháp Bảo (với ngày Phật Bảo vào đại lễ Phật Đản rằm tháng tư và ngày Tăng Bảo trong lễ Kathina tháng mười); ngày đức Phật thuyết kinh Giải Thoát Giáo (Ovadapatimokkha) tại Thánh hội Tăng-già; ngày đức Phật thông báo giáo pháp đã được thiết lập vững vàng và ngài sẽ viên tịch trong ba tháng nữa; lễ thọ Đầu Đà; lễ dâng đăng (đèn) cúng Phật… nhưng thiết nghĩ không có sự liên quan đến nguồn gốc và ý nghĩa tết Nguyên Tiêu hay lễ Thượng Nguyên.

Hiện nay, vào ngày rằm tháng giêng, các Chùa thường khai đàn Dược Sư, hội Hoa Đăng; tổ chức đại lễ cầu an hoặc khai kinh Dược Sư và Tăng chúng, Ni chúng cùng Đạo tràng Phật Tử bản tự tụng niệm từ ngày mùng chín đến ngày rằm cầu an cho thập phương bá tánh; tổ chức phóng sanh, phóng đăng; cứu tế, chẩn bần; hồi hướng công đức để cầu nguyện cho phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

CHÚ THÍCH:

(1) Quải hay quảy, tức là cúng, theo thổ âm một số địa phương các tỉnh Nam-Ngãi-Bình-Phú) (2) Có nơi đọc là ai quải (quảy) nấy ăn, ý nói nhà nào cũng cúng nên không thể mời nhau.

THAM KHẢO:

Nghi Lễ Thờ Cúng Của Người Việt và nhiều nguồn khác.

Details

Date:
15/02/2022
Event Category:

Venue

Địa điểm
Cự Khối
Hanoi, Long Biên 10000 Viet Nam
+ Google Map
Phone
0987654321
View Venue Website

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.