Thiền sư Khương Tăng Hội là người nghiêm cẩn tu hành, cao nhã, hiểu biết sâu rộng, lại dốc chí học tập, nên Ngài thấu hiểu ba tạng, làu thông sáu kinh, thiên văn, đồ vĩ không gì chẳng biết; lại còn khéo giảng nói, giỏi văn chương.
Ngài Tăng Hội họ Khang, tổ tiên người nước Khang Cư nhưng nhiều đời sống ở Thiên Trúc. Thân phụ của Ngài bởi việc bán buôn mà chuyển sang sinh sống tại Giao Chỉ.
Năm hơn 10 tuổi, song thân đều qua đời, Ngài trọn lòng cư tang. Hiếu mãn, Ngài thế phát xuất gia, nghiêm cẩn tu hành. Là người cao nhã, hiểu biết sâu rộng, lại dốc chí học tập, nên Ngài thấu hiểu ba tạng, làu thông sáu kinh, thiên văn, đồ vĩ không gì chẳng biết; lại còn khéo giảng nói, giỏi văn chương.
Lúc bấy giờ Tôn Quyền đã định được Giang Đông nhưng nơi đây Phật pháp chưa lưu hành. Niên hiệu Xích Ô thứ 10 (247), Ngài đến Kiến Nghiệp dựng lập am tranh, tôn trí tượng Phật để tu hành. Bấy giờ quan dân nước Ngô mới thấy hình dáng Sa-môn. Tuy thấy hình nhưng chưa hiểu đạo, nên nghi ngờ cho là lập dị. Một vị quan tâu rằng:
– Có một người Hồ vừa vào nước ta tự xưng là Sa-môn, tướng mạo sắc phục đều khác người thường, cần phải tra xét.
Tôn Quyền nói:
– Ngày xưa Hán Minh Đế nằm mộng thấy một vị thần, hiệu là Phật, đạo mà kẻ ấy tôn thờ hẳn là di phong của Phật kia sao?
Tôn Quyền bèn cho triệu Ngài vào gạn hỏi:
– Đạo của nhà ngươi có linh nghiệm gì ?
Ngài đáp:
– Như Lai viên tịch đã hơn nghìn năm, di cốt xá-lợi thần diệu vô cùng. Xưa vua A-dục xây 84.000 ngôi tháp để tôn thờ. Phàm việc xây dựng chùa tháp là để hiển dương sự giáo hóa của Như Lai.
Tôn Quyền cho là hoang đường, nói rằng:
– Nếu có được xá-lợi thì ta sẽ tạo tháp cúng dường, còn nếu hư vọng thì sẽ có quốc pháp.
Ngài xin kỳ hạn bảy ngày, rồi nói với đệ tử:
– Việc hưng phế của đạo pháp chỉ tại phen này. Ngày nay nếu không chí thành thì về sau có hối cũng chẳng kịp.
Ngài cùng đệ tử trai tịnh, vào tĩnh thất, lấy một bình bằng đồng đặt trên án đốt hương lễ thỉnh. Kỳ hạn bảy ngày đã hết mà vẫn lặng lẽ không ứng hiện. Ngài xin thêm bảy ngày nữa cũng vẫn y nhiên.
Tôn Quyền nói:
– Đây là việc hư dối.
Lúc sắp gia hình, Ngài lại cầu xin thêm bảy ngày. Tôn Quyền đặc biệt cho phép. Bấy giờ Ngài nói với các đệ tử:
– Khổng Tử nói : “Văn Vương đã băng, định chế Lễ nhạc chẳng còn ở nơi ta ư?” Pháp linh lẽ ra đã ứng hiện, nhưng vì chúng ta không thành cảm, thì cần gì phải mượn phép vua mà nên nguyện chết làm kỳ hạn.
Buổi chiều ngày thứ 21, mọi người vẫn không thấy gì, tất cả đều kinh sợ. Qua đến canh năm, bỗng nhiên nghe trong bình có âm thanh rổn rảng. Ngài đến xem thì quả nhiên đã có xá-lợi. Sáng sớm hôm sau, Tôn Quyền tự tay cầm bình đổ xá-lợi lên chiếc mâm đồng, nơi xá-lợi chạm đến mâm đồng liền vỡ nát. Tôn Quyền vô cùng kinh ngạc, nói rằng : “Thật là điềm hy hữu !”
Ngài bèn tâu rằng:
– Oai thần của xá-lợi đâu chỉ có phóng ánh sáng mà thôi, cho dù lửa của kiếp thiêu cũng không thể đốt cháy, chày kim cang cũng không thể đập nát.
Tôn Quyền liền khiến thử nghiệm. Ngài phát nguyện:
– Mây pháp vừa phủ khắp, chúng sinh mong nhuần thấm, xin lại hiện thần tích, để hiển thị oai linh.
Nói xong Ngài sai người đặt xá-lợi lên trên đe sắt rồi bảo một lực sĩ dùng chùy sắt đập mạnh, nhưng chùy và đe đều lõm vào mà xá-lợi thì không suy tổn. Tôn Quyền vô cùng thán phục, sai người tạo tháp cúng dường. Bởi là ngôi chùa Phật đầu tiên nơi đây, cho nên đặt tên là Kiến Sơ, và gọi nơi này là làng Phật Đà. Từ đó đại pháp hưng thịnh ở vùng Giang tả.
Sau, Tôn Hạo lên ngôi thi hành chính sách hà khắc bạo ngược, ban lịnh phá bỏ các đền thờ thần, hủy hoại các chùa tháp Phật. Một hôm Hạo sai vệ binh vào hậu cung để sửa sang vườn tược, bỗng nhiên được một pho tượng vàng cao vài thước, bộ thuộc dâng lên Tôn Hạo.
Tôn Hạo sai người đặt tượng vào nơi bất tịnh, dùng nước dơ uế tưới lên, cùng với quần thần đùa cười lấy đó làm vui. Bỗng chốc toàn thân của Hạo sưng lớn. Chỗ kín đau đớn, kêu la thấu trời. Quan Thái sử đoán rằng: “Do xúc phạm đến một vị thần lớn”. Tôn Hạo liền sai người đến các miếu để cầu phước. Còn các thể nữ nghinh thỉnh tượng vàng tôn trí trên điện, dùng nước thơm tẩy rửa vài mươi lần, sau đó đốt hương sám hối. Tôn Hạo quỳ cúi đầu trên gối, tỏ bày tội lỗi, bỗng chốc bớt đau. Hạo sai người đến chùa thỉnh Ngài thuyết pháp, Ngài liền vào cung. Tôn Hạo hỏi về nguyên do của tội phước, Ngài phân tích giảng giải, ngôn từ rất tinh yếu. Tôn Hạo thông minh lãnh hội, nên vô cùng vui vẻ.
Nhân đó Hạo xin được xem giới của Sa-môn. Ngài cho rằng giới văn là pháp cấm kỵ, không thể khinh suất giảng nói, bèn phân 135 nguyện trong Kinh Bản Nghiệp làm 250 việc, mục đích giảng nói các hành động đi đứng nằm ngồi đều nguyện vì tất cả chúng sanh.
Tôn Hạo thấy nguyện Từ rộng lớn, nên càng tăng thêm thiện ý, cầu xin Ngài truyền trao Ngũ giới. Mười ngày sau thì bịnh lành hẳn. Hạo sai người đến tu sửa, trang nghiêm trụ xứ của ngài Tăng Hội, lịnh cho hoàng gia tôn thất phải tin phụng Tam bảo. Tại triều Ngô, Ngài luôn tuyên thuyết chánh pháp. Bởi Tôn Hạo tánh tình thô bạo, không thể hiểu được diệu nghĩa, nên Ngài chỉ dùng các việc báo ứng để khai hóa mà thôi. Vào niên hiệu Thiên Kỷ thứ 4, Tôn Hạo hàng nhà Tấn. Tháng 9 năm đó Ngài hiện chút bịnh mà thị tịch, nhằm niên hiệu Thái Khang thứ nhất (280) đời Vũ Đế nhà Tấn.
Trong khoảng niên hiệu Hàm Hòa (326 – 334) đời vua Thành Đế nhà Tấn, Tô Tuấn làm loạn, đốt ngôi tháp mà Ngài đã xây dựng, sau quan Tư không Hà Duẫn trùng tu. Bấy giờ có Bình tây tướng quân Triệu Dụ, ở đời không tin phụng Phật pháp, khinh miệt Tam bảo. Một hôm Dụ vào chùa nói với các Sa-môn rằng:
– Từ lâu nghe ngôi tháp này phóng ánh sáng, thật là việc hư dối, chưa thấy thì chẳng thể tin. Nếu tận mắt thấy được thì khỏi phải luận bàn gì.
Nói vừa dứt lời thì từ tháp bỗng nhiên có luồng hào quang năm màu phóng ra soi chiếu khắp nơi. Dụ vô cùng kinh hãi, do đó mà kính tin Tam bảo, xây dựng một ngôi tháp nhỏ ở phía Đông chùa này.
Trong khoảng niên hiệu Vĩnh Huy (650 – 655) đời vua Cao Tông nhà Đường lại thấy Ngài ở đất Việt, tự xưng là vị tăng du phương, nhưng thần khí kỳ đặc, người thấy phải run sợ, không biết đã chứng đắc giai vị nào. Bấy giờ vị Duy-na chùa Vĩnh Hân ra cật vấn về hành tích rồi chửi mắng đuổi đi. Vừa bước đến cửa, Ngài quay lại nói rằng:
– Ta chính là Khang Tăng Hội đây ! Nếu có thể lưu giữ lại chân thể của ta nơi đây thì sẽ tạo phước cho già-lam của ngươi.
Thoáng chốc Ngài đứng yên thị tịch trong tư thế hai mắt hơi nhắm lại, nhưng nét hào sảng vẫn không mất, hai tay đưa lên giống như đang vái chào, chân thì bước giống như sắp đi. Mọi người nghị bàn nên an táng trong nghĩa địa thì không thể nào di chuyển được linh thân, bèn xin dời đến thắng địa lập riêng một linh đường để tôn thờ. Bấy giờ người xứ Việt tranh nhau dùng nhang đèn hoa quả, phan lọng đủ màu, y phục khí vật đến cầu xin, tất cả đều thỏa nguyện.
Lúc đầu quân đội xứ Việt phần lớn đóng tại chùa Vĩnh Hân, binh sĩ ăn uống rượu thịt, còn vợ của họ thì sanh sản, làm ô uế già-lam khiến đại chúng không chịu nổi. Ngài Tăng Hội hóa hình đến yết kiến Mân liêm sứ Lý Nhược Sơ. Ngài nói:
– Mai sau Quân hầu sẽ làm Thứ sử ở xứ Việt, tôi nhờ ngài hãy di chuyển quân đội đi nơi khác.
Nói xong phất tay áo đi ra, liền mất tung tích. Lý công vừa mừng vừa sợ, ghi nhớ lời nói ấy. Về sau quả nhiên Nhược Sơ đến Việt. Nhậm chức xong, liền đến lễ bái linh tích, mới nhận ra người nói lúc trước chính là vị tăng này. Nhược Sơ liền ra lịnh triệt thoái quân đội khỏi vùng Vĩnh Hân mà lui về bản doanh. Lại có một sản phụ lúc sắp sanh mà không đèn dầu, không một tia sáng. Bỗng một vị tăng cầm đuốc từ cửa bước vào. Sáng hôm sau, người chồng vào chùa Vĩnh Hân nhận ra hình dạng ngài Tăng Hội mới biết đây là vị tăng đã trao cây đuốc cứu sản phụ đêm qua. Từ đó nhân dân thường đến cầu sanh con trai con gái. Ngài từng đến nhà Lư Diêm xin giày cỏ, vì thế về sau người xứ Việt phần nhiều thường dùng giày cỏ, tràng phan bằng vải dầu để dâng cúng, luôn có cảm ứng. Nơi nơi, Ngài thường đến nhà người để giáo hóa, nhưng không thể thuật lại hết các linh tích, chỉ gọi Ngài là Siêu Hóa Thiền Sư.
(Trích trong Thần Tăng Truyện)