Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Hơn 2 năm vân du nơi đất Phật với một hành trình có một không hai cùng những vinh dự một đời hiếm gặp, vị Thiền sư được ví như “Đường Tăng Việt Nam” trở về cố quốc. Người đã thực hiện chuyến hành trình đặc biệt này không ai khác chính là Thiền sư Minh Tịnh.

Khổ ải hành trình chinh phục đường lên trời 

Cũng như lần đầu chinh phục Hymalaya đến Nêpan, Thiền sư Minh Tịnh vẫn gây bất ngờ khi hạ quyết tâm lên đường đến Tây Tạng tu tập. Đây được đánh giá là một hành trình nhiều cam go bởi khí hậu trên đường đến Tây Tạng vô cùng khắc nghiệt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà Thiền sư ái ngại là việc phải học ngôn ngữ mới: Tiếng Tây Tạng.

Hành trình khổ ải của Thiền sư bắt đầu từ 27/2/1936. Đến ngày 30/2, đoàn có mặt tại Phariyong. Sự khắc nghiệt của khí hậu trên dãy Hymalaya khiến tóc Thiền sư bạc trắng hơn tuyết bản xứ. Thiền sư viết: “Xứ lạnh, vật chết tuy quăng ném cùng đường, xương cốt, da, đầy nẻo song sự hôi thối nghe ít hơn như thây vật chết ở nước ta. Thời tiết lạnh đến độ tối ngủ mền đắp mấy cái cũng không đủ. Buổi sáng, thấy núi xanh um nhưng chừng 10 – 11h thì tuyết đã lại phủ trắng đỉnh. Khi đi, ngoài mặc áo lông thú nhiều lớp, phải đội mũ Lạt – ma che kín tai, phải dùng khăn buộc kín mũi, …”. Đến khi cuộc hành trình gần chạm mốc đầu tiên là Bhutan, đôi chân trần của Thiền sư già gần như rã rời, không còn cảm giác.

Sau hơn 4 tháng rong ruổi qua nhiều địa phương, nhiều vùng miền khắp dãy Hymalaya, hành trình gian khổ cũng tìm đến được Lhassa, Thủ đô Tây Tạng vào ngày 28/6/1936. Thiền sư Minh Tịnh miêu tả: “Quốc tự của Quốc vương Lạt – ma cất trên đỉnh núi, xem ra không biết mấy nóc, khảm vàng rực rỡ, cao năm, sáu tầng lầu. Đứng từ xa cách 3- 4km đã thấy phía hậu Đền”. Cả đoàn thẳng tiến vào thành rồi nghỉ trọ lại tại một nhà thuộc tòa thành của quan Thừa tướng, quyết định đến sáng hôm sau sẽ yết kiến vị quan này.

thien-su-minh-tinh

Thêm một lần đến đất Phật, những đền chùa nguy nga, tráng lệ rực rỡ đánh dấu sự lớn mạnh của Phật giáo xứ này khiến thiền sư ngỡ ngàng. Đi đến đâu, người cũng thấy dân chúng Tây Tạng cung kính với môn đồ Phật giáo. Khắp xứ vang vọng tiếng chuông chùa. Tuy nhiên, Thiền sư Minh Tịnh cũng vấp phải những điều khác lạ so với văn hóa ở Việt Nam. Thừa tướng Tây Tạng quyết định tiếp Thiền sư lạ mà ông được biết từ nơi rất xa vượt ngàn trùng đến vùng Tây Tạng buốt giá này.

Ở xứ người, việc yết kiến quan lớn của Vương quốc Tây Tạng đều do những người cùng đi hiểu biết văn hóa, tập quán nước này chuẩn bị từ lễ vật đến cách ứng xử. Sau khi những người trong đoàn dâng lễ vật gồm: Hai bao gạo, vải Bhutan, các tượng hình Bodhgaya, nước sông Hằng, trái ngâu hái tại tháp thiêng Boudhanath, lá Bồ đề, đất nền Nalanda…, ông được Thừa tướng hỏi thăm về hành trình khó tin của mình. Thông qua thông dịch, vị quan này muốn biết Thiền sư tóc bạc, da đã nhăn, người gầy ốm kia đến từ nước nào, bằng cách nào có thể vượt qua dãy Hymalaya tuyết phủ để đến được Tây Tạng. Và câu trả lời của Thiền sư đưa một nguyên thủ quốc gia đi hết bất ngờ này đến ngỡ ngàng khác.

Khi Thiền sư Minh Tịnh cho biết ông bắt đầu từ An Nam (Việt Nam) vượt biển, trải qua một chặng đường dài từ Ấn Độ, qua Nêpan, vượt Hymalaya bằng chính đôi chân trần của mình đến Tây Tạng, vị Quốc vương nước này đã không tin. Quốc vương Tây Tạng dò tìm vị trí An Nam trên bản đồ thế giới khi được vị khách lạ nói về quê hương của mình. Nếu không có những đồng đạo đều là những vị Lạt – ma đắc đạo chứng thực, có lẽ ông đã bị trục xuất vì tội “nói càn”. Nghe chính các vị Lạt – ma kể lại hành trình 10 ngày đi tàu để đến Madras, 3 ngày 3 đêm ngồi xe lửa từ Madras để đến Berares rồi lại vượt Hymalaya đến Nêpan và đi ròng rã 4 tháng trời trên dãy Hi-mã-lạp-sơn bằng chân trần để vào Tây Tạng của Thiền sư Minh Tịnh, vị Quốc vương đã ví công đức ông như Đường Huyền Trang thời Đường.

Ngày 4/10/1936, Thiền sư chính thức được Quốc vương Tây Tạng ban Pháp danh: Thubten Osall Lama, việc hy hữu và là vinh dự hiếm có trong suốt cuộc đời tu hành. Lý giải ý nghĩa của Pháp danh trên, Thiền sư Minh Tịnh viết: “Thubten là tên của Đức Tả – lê Lama, Thái thượng hoàng đã băng hà (cha của Quốc vương Tây Tạng lúc bấy giờ). Osall là ánh sáng mặt trời, tên của đương kim Quốc vương”.

Ngày trở về vinh hạnh

thien-su-minh-tinh

Ngày 29/10/1936, Thiền sư Minh Tịnh chính thức nói lời giã từ Tây Tạng, khăn gói lên đường trở về Bodhi Gaya, nơi đức Phật đã giác ngộ dưới cội Bồ Đề, khởi đầu cho chặng đường trở về Việt Nam trong vinh dự. Ngày trở về không quá khó như lần đầu vượt Hymalaya ngút trời. Nhưng thiên nhiên khắc nghiệt vẫn chực chờ xô ngã con người. Nhờ vinh dự được Quốc vương ban Pháp danh, viết giấy đi đường nên trên đường đi đoàn hành hương, trong đó có Thiền sư có thể đổi ngựa ở bất kỳ làng nào. Hành trình kéo dài ròng rã gần một tháng trời.

Đến ngày 26/11/1936, Thiền sư đến  Bodhi Gaya. Sau lần ra đi từ thành phố đất Phật, hình ảnh vị Thiền sư uyên thâm kinh kệ, văn hóa Đông phương vẫn hằn in trong tâm trí của đạo hữu nơi đây. Thế nên, lần trở lại mang theo mình những vinh hạnh này, thiền sư càng được đạo hữu kính trọng lưu luyến, giữ lại đàm đạo. Để thỏa lòng đạo hữu và tu tập, Thiền sư lưu lại nơi đây lễ Phật, cúng dường và tiến hành các buổi thuyết pháp bằng những  ngôn ngữ khác nhau. Có lẽ việc học tập, làm việc đã đi sâu vào tiềm thức thiền sư mộ đạo này. Những người biết ông, khẳng định cho dù đang trên hành trình hành hương gian khổ hay lưu lại chùa, người ta đều thấy ông học tập, lao động.

Chính sự nhiệt tâm lao động học tập không mệt mỏi trên, khi đến Sarnath, Thiền sư lại được Sư trưởng tăng già ban Pháp danh chữ Pali (còn gọi là Nam Phạn).

Ghi lại kỷ niệm trên, Thiền sư viết: “Đoạn bần đạo lễ Phật và quỳ chính giữa lễ sư trưởng, kế sư hỏi ý cả đại chúng thì mỗi huynh dâng một tên. Rốt cuộc, sư nói: Xứng với tên An nam thì tên Pháp là Manhgiusshri (Văn – thù)”. Nhận vinh dự trên, Thiền sư lại lên đường tới Ceylong (Srilanka) để viếng chùa, làm công quả, lễ Phật. Tại đây, danh tiếng và hành trình khổ hạnh của Thiền sư đã sớm được biết đến, thế nên các chùa đến đón tiếp vô cùng long trọng. Thiền sư được cao tăng các chùa mời đi thăm thú, lễ Phật các chùa lớn trong nước. Đó cũng là những chùa cuối cùng Thiền sư viếng thăm trong hành trình vân du đất Phật trong hai năm của mình.

thien-su-minh-tinh

Chùa Tây Tạng và tâm nguyện lạ thường của “Đường Tăng của Việt Nam”

Chùa Tây Tạng được xem là danh lam ở Bình Dương. Chùa nằm trên ngọn đồi có nhiều bóng mát cây xanh trên đường Thích Quảng Đức, phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một.

Biết PV tìm hiểu về pho tượng Đức Bồ Đề Đạt Ma được làm bằng tóc, sư cô Diệu Quang, người đã tu hành ở chùa 20 năm rất vui vẻ chia sẻ nhiều câu chuyện liên quan tới pho tượng này.

Sư cô Diệu Quang cho biết, ban đầu chùa Tây Tạng chỉ là một ngôi chùa nhỏ có tên là Bửu Hương do những người dân địa phương xây dựng từ khoảng năm 1930.

Tới năm 1937, Thiền sư Minh Tịnh (hay còn gọi là Thiền sư Nhẫn Tế) được người địa phương mời về trụ trì chùa và đổi tên chùa thành chùa Tây Tạng.

thien-su-minh-tinh

Thiền sư Minh Tịnh chính là người đã được mệnh danh là “Đường Tăng của Việt Nam” vì đã có một cuộc hành trình đi chiêm bái, nghiên cứu Phật học trong vòng 2 năm ở nhiều nước là xứ sở của Phật giáo như Ấn Độ, Népal và Tây Tạng.

Sinh thời, Thiền sư Minh Tịnh luôn tâm niệm, muốn chấn hưng Phật pháp phải biết cội nguồn của Phật pháp. Với ý chí, tư duy đó, ngài đã quyết tâm lên đường xuống bến Nhà Rồng để về xứ Phật vào ngày 17/4/1935.

Từng sự kiện trong cuộc hành trình hơn 2 năm đó đã được Thiền sư Minh Tịnh ghi rất đầy đủ, chi tiết trong nhật ký “Tây du Phật quốc” dày hơn 300 trang của mình.

Chùa Tây Tạng, cũng giống như bao nhiêu ngôi chùa khác, trải qua thăng trầm của lịch sử, qua bao lần trùng tu nhưng vẫn giữ được dáng vẻ khiêm nhẫn, huyền diệu của Phật giáo.

Thanh Tâm (TH)

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.