Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đức Phật dạy không nên uống rượu, vì cái hại lớn nhất của rượu là làm mất hoặc không kiểm soát được trí tuệ. Trí tuệ là điều kiện cần của đời sống an lạc hạnh phúc, và là mục tiêu cứu cánh của sự nghiệp giác ngộ, giải thoát.

Trong kinh Phân Biệt Thiện Ác Sở Khởi, Đức Phật chi tiết chỉ rõ nhiều tác hại do rượu mang lại cho cá nhân, gia đình và xã hội: “Với người thế gian ưa uống rượu say phạm 36 lỗi:

Đó là:

1. Người uống rượu say thì làm con đối với cha mẹ không biết kính thờ; làm tôi đối với vua không biết tôn trọng. Do đó mà cha con, vua tôi không có trên dưới.

2. Nói năng lộn xộn và hay sinh lỗi lầm.

3. Phạm tội lưỡng thiệt và ưa nói nhiều.

4. Nếu có việc gì cần giấu kín, nhưng khi say rồi thì đem nói tất cả.

5. Mắng chửi trời đất không hề sợ tội.

6. Nằm giữa đường sá không thể về nhà, mọi thứ đồ đạc mang theo đều bỏ mất hết.

7. Không thể tự sửa mình cho chính đáng.

8. Đi đứng ngã qua, ngã lại, lúc thì ngửa mặt lên trời, lúc lại gầm đầu xuống đất, có khi bị sa hầm, sa hố, thân thể bị tổn thương.

9. Không thể đứng vững vàng nên phải bò lết như người què, đến khi đứng dậy được thì thân thể, mặt mày đều bị xây xát, trầy trụa.

10. Lúc bán buôn hay bị lầm lộn và thường vọng động xúc phạm mọi người.

11. Phế bỏ công việc không lo làm ăn.

12. Tài vật bị tổn hao.

13. Vợ con đói khát mặc kệ không nghĩ đến.

14. Kêu la chửi mắng không biết nể sợ pháp luật quốc gia.

15. Thoát bỏ hết y phục để thân thể lõa lồ mà đi trên đường sá.

16. Chửi bậy vào nhà người, gặp đàn bà, con gái thì lôi kéo, nói năng xằng bậy, xúc phạm đến họ, tạo vô lượng tội lỗi.

17. Thấy bất cứ ai đến gần đều muốn gây gổ với họ.

18. Kêu la làm kinh động xóm làng.

19. Giết bừa súc vật không biết tội phước.

20. Đồ đạc trong nhà đập bể tan nát.

21. Vợ con coi như kẻ tù tội, say sưa nói bậy bạ không ra gì.

22. Thân cận ới bè đảng ác.

23. Xa lánh không chịu gần giũ với bậc hiền thiện.

24. Ngủ như chết, đến khi tỉnh dậy thân thể đau nhức như người bị bệnh.

25. Những thứ uống ăn đều nôn mửa ra trông thật ghê tởm, khiến vợ con đều phải chán ghét.

26. Khi đi đâu,  nếu gặp voi, ngựa, chó sói, vì tâm ý tán loạn nên không biết sợ sệt, xa tránh.

27. Không kính kinh pháp, không tôn trọng bậc hiền thiện, không cung kính sa môn.

28. Hoang dâm vô độ không biết e sợ.

29. Hình thể như kẻ điên cuồng khiến ai nấy đều tránh xa.

30. Giống như người chết, không biết gì cả.

31. Mang bệnh nghiện rượu, thân thể màu vàng, ứa ứa giống như trái cây chín. Có khi mặt mày sanh ghẻ lác.

32. Thiên long, thiện thần đều tránh xa vì các ngài rất ghét uống rượu.

33. Thiện hữu tri thức ngày một tránh xa.

34. Khi say thì ngồi chồm hổm, gặp các quan cao cấp cứ lấy mắt nhòm ngó không biết sợ sệt, nếu bị đánh đập thì ngắm nghiền mắt lại.

35. Sau khi xả thân bị dọa vào địa ngục Thái Sơn, thường bị ngục tốt dùng nuớc đồng sôi rót vào miệng. Lục phủ,  ngũ tạng đều bị cháy nát, cầu sống không được, cầu chết cũng khó. Thọ khổ như vậy trải qua ngày muôn năm.

36. Khi thọ tội ở địa ngục đã mãn, sinh lên làm nhân gian làm người tâm trí ám độn không biết gì.

Hạn chế bia rượu là việc cần thiết để giảm thiểu tình trạng bất ổn xã hội do hành vi của người say rượu gây ra, đồng thời giúp Nhà nước bớt được khoản ngân sách khá lớn hàng năm phải chi cho ngành y tế.

Riêng người Phật tử, cần kiên quyết bỏ rượu. Bởi rượu là nguyên nhân dẫn đến hậu quả lu mờ tâm trí (si mê), đánh mất lòng từ bi (do sân hận). Khi uống bia rượu vào, người Phật tử không còn sáng suốt, dễ bị kích động, mất bình tĩnh, không kiểm soát được hành vi, ngôn ngữ và dễ dàng phạm giới, tạo các nghiệp bất thiện.

Say rượu có thể dẫn đến phạm các giới sát (đánh đập, hành hung người, vật), dâm (tà dâm, dâm loạn với vợ người, với ruột thịt, họ hàng thân thuộc, với những phụ nữ không phải là vợ của mình), vọng ngữ (chửi bới, mắng nhiếc, nói lời hung ác, xúc phạm, làm tổn thương người khác), đánh mất tư cách đạo đức. Người Phật tử nghiện rượu sẽ không phát triển được những giá trị đạo đức và tâm linh, không thành tựu được trí tuệ đưa đến an lạc, giải thoát trong đời sống hiện tại cũng như tương lai.

Xin trích dẫn một số tác hại của việc uống rượu trong Kinh điển nhà Phật:

1. Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Trường bộ 34):

Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm:

(1) Tài sản hiện tại bị tổn thất, (2) đấu tranh tăng trưởng, (3) bệnh tật dễ xâm nhập, (4) thương tổn danh dự, (5) để lộ âm tàng, và (6) trí lực tổn hại. Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm như vậy.

2. Kinh Vipaka (Tăng chi 8.40):

Này các Tỳ-khưu, uống men rượu, rượu nấu, được thực hiện, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến loại bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của uống rượu men, rượu nấu là được làm người với tâm điên loạn.

3. Kinh Vera (Tăng chi 10.92):

Này Gia chủ, đắm say trong rượu men, rượu nấu; do duyên đắm say trong rượu men, rượu nấu, tạo ra sợ hãi hận thù  ngay trong hiện tại, tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, khiến cảm thọ khổ ưu về tâm.

Người từ bỏ  đắm say trong rượu men, rượu nấu, không tạo ra sợ hãi thù hận ngay hiện tại, không tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, không khiến cảm thọ khổ ưu về tâm. Với người từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, như vậy sợ hãi hận thù này được lắng dịu.

4. Kinh Dhammika (Kinh tập 2.14):

Chớ sống theo nếp sống,/ Uống rượu và say rượu,/ Với vị là cư sĩ,/ Ðã chấp nhận pháp này,/ Chớ khiến nguời uống rượu,/ Chớ chấp thuận uống rượu/ Sau khi biết uống rượu,/ Cuối đường là điên cuồng./ Chỉ kẻ ngu say rượu,/ Mới làm các điều ác,/ Và khiến các người khác,/ Sống buông lung phóng dật,/ Hãy từ bỏ, tránh xa/ Xứ phi công đức này,/ Khiến điên cuồng si mê,/ Làm kẻ ngu thỏa thích.

Linh Tâm (TH)

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.