Phái đoàn các vị Lệ-xa ở Tỳ-xá-ly khi đi đến Đức Phật đang ngự trong vườn xoài Am-bà-bà-lê được xem như biểu tượng của sự xa hoa, sang trọng, quý phái bậc nhất đương thời. Thậm chí Thế Tôn còn ví họ như “chư Thiên Đao-lợi khi đi dạo công viên, thì uy nghi và sự trang sức cũng không khác đoàn người đó mấy”. Vấn đề là, trong khi các vị Lệ-xa có năm thứ báu của thế gian thì Như Lai và các đệ tử cũng có năm thứ báu riêng thù thắng hơn, thậm chí rất khó có được ở đời.
“Một thời Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng với chúng đại Tỳ-kheo.
(…)
Bấy giờ năm trăm người Lệ-xa đi đến vườn Am-bà-bà-lê. Gần đến chỗ Phật, xuống xe đi bộ đến, đầu mặt đảnh lễ chân Phật, rồi lui ngồi một bên. Như Lai ở trên chỗ ngồi, ánh sáng độc nhất tỏa sáng che mờ đại chúng, như trăng mùa thu; lại như trời đất trong sáng sạch sẽ không chút bụi dơ, mặt trời giữa hư không độc nhất tỏa sáng. Rồi thì, năm trăm người Lệ-xa hầu vây quanh chỗ ngồi của Phật. Lúc ấy, giữa hội chúng có một người Phạm chí tên là Tịnh Ký, từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo vai hữu, đầu gối hữu quỳ xuống đất, chắp tay hướng về Phật, tán thán bằng bài kệ rằng:
Vua Ma-kiệt, Ương-già
Để được nhiều thiện lợi
Khoác khôi giáp bảo châu
Phật hiện ở nước ấy.
Uy đức động tam thiên
Tiếng vang như núi Tuyết
Như hoa sen đã nở
Mùi hương thật mầu nhiệm.
Nay thấy ánh sáng Phật
Như mặt trời mới mọc
Như trăng qua bầu trời
Không bị mây che khuất.
Thế Tôn cũng như vậy
Sáng chiếu cả thế gian
Quán trí tuệ Như Lai
Như tối gặp đuốc sáng
Đem mắt sáng cho đời
Quyết trừ các nghi hoặc.
Năm trăm người Lệ-xa sau khi nghe bài kệ ấy lại bảo Tịnh Ký:
– Ngươi hãy lặp lại.
Rồi Tịnh Ký ở trước Phật lặp lại ba lần. Năm trăm Lệ-xa sau khi nghe lặp lại bài kệ, mỗi người cởi y báu mà cho Tịnh Ký. Tịnh Ký bèn đem y báu dâng Đức Như Lai. Phật vì lòng từ mẫn nên thọ nhận.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với những người Lệ-xa ở Tỳ-xá-ly rằng:
– Ở đời có năm thứ báu rất khó có được. Những gì là năm? Một là Như Lai, Chí Chân xuất hiện ở đời rất khó có được. Hai là người có thể giảng thuyết Chánh pháp của Như Lai rất khó có được. Ba là người có thể tín giải pháp mà Như Lai diễn thuyết rất khó có được. Bốn là người có thể thành tựu pháp mà Như Lai diễn thuyết rất khó có được. Năm là hiểm nguy được cưu ách mà biết đáp trả, hạng người ấy cũng rất khó có. Ấy là năm thứ báu rất khó có được”.
(Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành [trích])
Theo Thế Tôn có năm thứ quý báu hơn tài bảo ở thế gian. Đầu tiên, Như Lai xuất hiện ở đời là cực kỳ hy hữu. Kế đến là người có thể giảng thuyết Chánh pháp của Như Lai rất khó có được. Phải chăng Như Lai đã tiên liệu trước việc này khi mà hiện nay mạnh ai nấy thuyết pháp theo tư kiến, khiến người sơ học ngẩn ngơ chẳng biết đâu là Chánh pháp để nương tựa và tin theo. Tin hiểu và thành tựu pháp mà Như Lai diễn thuyết quả là rất khó. Thành ra người tu Phật thì như đất trên địa cầu, còn người thành tựu chỉ là chút đất nơi đầu móng tay mà thôi.
Cuối cùng là gặp hiểm nguy được cứu giúp mà biết đền đáp cũng rất khó có. Cái nghiệp của chúng sinh là vậy, khi gặp nạn thì kêu, lúc thoát nạn rồi thì quên, thậm chí còn “lấy oán báo ơn” nữa. Tuy vậy, hạnh lành biết ơn và đền ơn thì chúng ta có thể làm được. Chỉ chừng đó thôi Phật tử chúng ta đã thực sự giàu có và đủ đầy, đang nắm giữ trong tay báu vật còn quý giá hơn các vật báu trong đời.