Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Hòa Thượng Thích Thanh Từ giảng

Hôm nay tôi về đây thăm, nhận thấy Phật tử ở gần vùng này chưa có cơ hội học giáo lý sâu nên đề tài tôi giảng hơi gần với quí vị, đó là đề tài Nghiệp Báo. Từ ngữ của Phật học nói đủ là nhân quả nghiệp báo.

nghiep-bao

Nhân quả nhiều người biết rồi, nói nghiệp báo là thế nào? Phật tử tu ai cũng muốn được an vui và hướng dẫn mọi người chung quanh mình cùng được an vui. Vậy chữ nghiệp báo có giá trị gì đối với sự tu hành của chúng ta? Thường người ta quen tưởng tượng khi làm tội, lúc sắp chết có quỉ sứ hay ngục tốt tới bắt đi, nếu làm lành có Phật hay Bồ-tát xuống dẫn mình đi. Bởi chưa hiểu rõ lẽ đó nên tưởng tượng không đúng lý thật.

Chữ “nghiệp” đúng ra phải nói là nghiệp lực, tức nghiệp có một sức mạnh lôi kéo thúc đẩy chúng ta tới những nơi do mình tạo nhân rồi sau đó phải nhận quả. Động cơ mạnh mẽ nhất đưa chúng ta đến đường lành hay đường dữ chính là nghiệp. Người đời không biết, cứ nghĩ mình làm lành thì sẽ được bậc nào đó đến đón, làm dữ thì ngục tốt dưới kia lên dẫn đi. Họ không biết rằng lành dữ là nhân do mình tạo, thì nhất định phải có quả để hưởng hoặc để chịu. Thời gian tạo nhân và thời gian thọ quả không cố định, có khi ngay trong hiện đời, có khi qua đời khác. Như đời trước người tạo nhân lành, đời này được hưởng quả lành, đó là khoảng cách xa. Khoảng cách ấy cái gì dẫn chúng ta đến để thọ quả? Là nghiệp lực. Nghiệp có sức mạnh lôi kéo chúng ta đến những nơi mình đã tạo nhân, bây giờ thọ quả, nên còn gọi là nghiệp báo. Báo là đền, là đáp, là trả.

Thế thì nghiệp ra sao, nó từ đâu lại? Có ai biết hình tướng của nghiệp không? Không ai biết hết. Bây giờ tôi dẫn một số thí dụ để quí vị thấy nghiệp dẫn chúng ta đi. Như người chưa biết uống rượu, ban đầu tập uống mỗi ngày một hai ly chẳng hạn, uống lâu thời gian người đó sẽ ghiền rượu. Khi ghiền rồi hôm nào không có rượu, biết cách nhà hai ba cấy số có quán rượu thì nhất định phải đi tới quán rượu uống mới được. Vậy cái gì thúc đẩy người đó đi tìm quán rượu? Đó là nghiệp, nói đủ nghĩa là một thói quen, thói quen lâu dần tạo thành sức mạnh, nó thúc đẩy ta đi theo cái mình đã quen làm. Như hai người cùng dạy học gọi nhau là bạn đồng nghiệp, đồng làm một việc. Làm hoài một việc thì việc làm đó sẽ có sức mạnh thu hút, dẫn mình tới chỗ mình làm. Thí dụ thầy cô giáo dạy học quen rồi, đến lúc nghỉ cảm thấy buồn.

Nghiệp có nghiệp tốt, nghiệp xấu. Gần nhất hiện tại những người khổ sở vì xì ke ma tuý, từ đâu có khổ? Từ tìm nó chơi với nó, khi nhiễm thành ra ghiền, ghiền rồi khổ, không có phải chạy ngược chạy xuôi cho có. Sức nghiệp rất mạnh đưa đẩy con người đi không có lúc dừng, không biết sợ sệt, bất chấp cả hiểm nguy. Tất cả chúng ta đã gây nhân thì phải thọ quả, nhân là đoạn đầu, quả là đoạn cuối. Từ đầu đến đoạn cuối, cái gì dẫn mình? Nghiệp.

Chúng ta hiểu nhân quả thì phải hiểu lý nghiệp báo. Ai làm lành sẽ được quả báo lành, quả báo ấy không hẳn ngày mai ngày mốt tới, mà đôi khi cách xa. Như trong kinh Phật dạy, người tu nhân Thập thiện đời sau được sanh về cõi trời, nghĩa là khi người ấy nhắm mắt nghiệp sẽ đưa họ lên cõi trời. Cũng vậy người tạo những nghiệp ác nặng nề, nhắm mắt nghiệp dẫn xuống địa ngục.

Gần nhất như những kẻ trộm cướp giết người, khi gây nhân đó họ sẽ thế nào, sẽ bị cảnh sát dẫn vô tù. Vậy cảnh sát dẫn chớ đâu phải nghiệp dẫn. Hiểu như thế không đúng. Nếu cảnh sát dẫn vô tù, tại sao họ dẫn người này mà không dẫn người khác? Tại người nào có nghiệp tương ưng với nhà tù họ mới dẫn chứ! Do nghiệp đưa đẩy kẻ gây tội lỗi tới, cảnh sát mới dẫn họ đi. Chúng ta trách cảnh sát bắt chớ đâu ngờ chính nghiệp của người ấy bắt họ vào tù. Làm ác thì có tội ác nên phải chịu quả ác, làm lành được hưởng quả lành. Động cơ đưa chúng ta đến chỗ thọ quả là nghiệp, nên nghiệp có chia nghiệp lành, nghiệp dữ.

Khi đức Phật ngồi dưới cội bồ-đề đêm thứ bốn mươi chín, từ canh một đến canh hai Ngài chứng được Túc mạng minh, tức là biết suốt vô số đời về trước của mình. Từ canh hai đến canh ba Ngài chứng được Thiên nhãn minh, thấy suốt được những gì vi tế nhất, xa xôi nên Ngài bảo ta thấy chúng sanh bị nghiệp dẫn đi luân hồi trong lục đạo, như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường, thấy kẻ qua người lại rõ ràng. Vì thế Phật nói tất cả chúng sanh đều do nhân mình đã tạo, bị nghiệp dẫn đi thọ quả báo. Từ đó đức Phật chỉ rõ nghiệp là một sức mạnh thúc đẩy chúng ta đến các đường để trả hay hưởng quả mà mình đã gây nhân chín muồi.

Khi Phật thấy được nghiệp, Ngài cũng thấy được những vật nhỏ nhiệm nhất như vi trùng. Thời đức Phật hơn hai ngàn năm về trước mà Ngài đã thấy vi trùng. Phật nói trong nước có rất nhiều vi trùng, vì vậy mỗi khi các thầy Tỳ-kheo muốn uống nước chưa lọc phải đọc kệ:

Phật quán nhất bát thủy,
Bát vạn tứ thiên trùng.

Nghĩa là Phật xem trong một bát nước có tám muôn bốn ngàn vi trùng. Lúc đó ai biết? Chỉ có thiên nhãn mới thấy. Một lần nọ có thầy Tỳ-kheo đi trong sa mạc, khát nước quá mà không còn nước uống. Thấy một vũng nước, thầy định vốc lên uống, nhưng dùng thiên nhãn thấy vô số vi trùng nên không uống được. Thầy nhịn khát luôn, về đến chỗ Phật, thầy ngất xỉu. Quí thầy xúm lại hỏi lý do mới biết thầy thấy vi trùng nhiều không dám uống nước, sợ chúng chết.

Chúng ta mắt phàm tục không thấy những vật thật nhỏ, thật xa nhưng với con mắt Phật và các vị chứng A-la-hán thấy rõ ràng. Có những loài thấp hơn loài người thấy được những gì người không thấy. Như mấy con chó trong xóm, người ăn thịt chó đi vô xóm, dù tay không xách dụng cụ bắt chó mà đi tới đâu nó sủa rần tới đó. Nó thấy cái gì? Nó thấy nghiệp ác độc của người đó mà mắt mình không thấy.

Thế nên đừng vì lý do chúng ta không thấy mà nói không có. Sức mạnh của nghiệp dẫn chúng sanh đi trong lục đạo, nó không có tướng mạo thô để chúng ta thấy nhưng nó vẫn có tướng vi tế. Vì vậy người tạo nghiệp lành, nghiệp dữ sẽ bị nghiệp lực của mình dẫn đi thọ sanh trong cõi lành, cõi dữ. Chúng ta là Phật tử muốn đi đường tốt thì phải tạo nghiệp lành. Tạo bằng cách nào? Bằng thân, miệng, ý của chính mình. Tu là chuyển đổi thân, miệng, ý được trong sạch, để nghiệp lành ấy dẫn mình đi tới chỗ lành. Nếu thân, miệng, ý xấu ác thì nghiệp xấu sẽ dẫn chúng ta vào chỗ khổ đau.

Thân làm gì để tạo nghiệp lành? Thân giúp đỡ những người khổ sở, đói khát, bị tai nạn v.v… Ta giúp họ bớt khổ, người bệnh sớm lành bệnh, đó là tạo nghiệp lành. Ngược lại, chúng ta muốn đánh người này, đập người kia, giết người nọ là tạo nghiệp dữ. Hoặc đối với con vật không thương tiếc, vật lớn vật nhỏ gì cũng muốn giết. Những người như vậy là tạo nghiệp dữ. Tạo nghiệp dữ thì sức dẫn của nghiệp đẩy tới chỗ khổ, chớ không phải trời Phật hành phạt đâu. Người đời không biết cứ tưởng có một đấng nào cầm cân nẩy mực, ghi sổ sách, chừng nào mình chết người đó kêu lên chỗ lành hoặc đày xuống chỗ dữ. Đó là tưởng tượng không phải lẽ thật. Phật dạy chúng ta tu để tránh nghiệp dữ, tạo nghiệp lành, làm sao hiện đời mình sống tốt mà vị lai cũng được tới chỗ tốt.

Kế đến miệng. Miệng chúng ta luôn nói lành hay cũng có khi nói lời dữ? Điểm này Phật tử dè dặt một chút. Hành động nơi thân thô nên ta kềm chế dễ, còn miệng tế hơn nên khó kiểm soát được. Nếu giận ai nói lành được không? Không nói lành được thì nói dữ. Nói dữ là tạo nghiệp dữ. Nói dữ cũng có nhiều loại, nói dữ trong cái tương đối và nói dữ tuyệt đối. Ví dụ nguyền rủa ai chết đi hoặc dùng lời nói làm cho người ta bị tù tội… đó là nói dữ tuyệt đối. Còn nói dữ tương đối là buồn giận trách cứ người xấu dở, thế này thế kia mà chưa làm cho người ta khổ.

Chúng ta kiểm lại từ bé tới giờ, mình nói dữ nhiều hay nói lành nhiều? Bằng nhau. Bằng nhau không biết nghiệp đẩy đi đâu đây? Nếu dữ thì đi cõi dữ, lành thì đi cõi lành, còn quân bình thì không biết đi cõi nào? Thật ra cũng có chỗ đi. Nếu nghiệp cực lành như tu Thập thiện thì lên cõi trời, còn lành dữ bằng nhau như Phật tử giữ năm giới thì trở lại làm người tốt. Nếu người không giữ năm giới, hoặc chỉ phạm một hai giới thì đời sau cũng được làm người, nhưng có những khiếm khuyết. Như người không giữ giới trộm cướp, đời sau được làm người thì nghèo đói, khổ sở.

Nhìn trong xã hội chúng ta thấy có người siêng năng làm bao nhiêu, rồi bị bệnh hoạn cũng không còn. Có những người phước đức đầy đủ, có những người tật nguyền… tất cả đều là người, nhưng không trọn vẹn. Vì vậy nghiệp sẽ dẫn chúng ta tới chỗ tương ưng với nhân mình đã tạo, không bao giờ không có chỗ đi. Còn nghiệp là còn có chỗ đi. Đi đâu cũng phải đi, hoặc trong cảnh tốt trong cảnh xấu thôi.

Người sanh ra trong gia đình quan lớn hoặc nhà giàu to thì họ hưởng liền. Còn người có nghiệp lành nhưng không khá thì tới chỗ bình thường. Người nghiệp lành ít sẽ đến những chỗ khổ hơn. Hiểu như vậy chúng ta cố gắng nỗ lực tạo nghiệp lành cho được vuông tròn. Vì vậy quí vị ráng giữ cho tròn năm giới, đời sau trở lại làm người bảo đảm tốt đẹp, không có những tệ hại.

Đến ý nghĩ. Ý chúng ta luôn luôn nghĩ tốt, nghĩ phải hay cũng có khi nghĩ xấu, nghĩ bậy? Người nghĩ tốt nhiều, người nghĩ xấu nhiều phải không? Ý mới nhìn nó chưa thành nghiệp, bởi vì nếu ý nghĩ xấu mà miệng không nói xấu, thân không làm xấu thì chưa thành nghiệp, nhưng nó lại là chủ tạo nghiệp. Vì vậy đối với ý chúng ta dè dặt nhiều nhất. Có khi nào mở miệng chửi người ta mà tự chửi đâu, có giận có tức trong lòng mới chửi được chứ! Cho nên động cơ chủ là ý. Ý nghĩ lành nghĩ dữ, từ đó khởi ra miệng và hành động. Nên người biết tu phải cố gắng gìn giữ ý, giữ thân miệng mà không giữ ý thì không bảo đảm.

Chúng ta kiểm lại ý nghiệp của mình có được trong sạch không? Tất cả đều lắc đầu. Đó là một khuyết điểm lớn. Người tu không chỉ thấy cái xấu dở ở ngoài thôi, mà còn thấy cả cái xấu dở ở trong nội tâm mình, để cố gắng điều phục nó, dọn dẹp cho nó trong sạch, yên ổn. Đó là người tu kỹ, tu chín chắn. Nếu ý nghiệp thanh tịnh thì chắc chắn thân, miệng sẽ được thanh tịnh. Vì vậy chúng ta mới hiểu tại sao mình phải vô chùa tụng kinh, ngồi thiền. Để chỉnh lại ý nghiệp của mình, làm sao cho tâm ý luôn nhớ Phật, không nghĩ bậy, tập luyện lâu ngày như vậy trở thành thuần thục. Cho nên tu theo đạo Phật, ý nghiệp là tối quan trọng, nó là mấu chốt tạo nên tội khổ hay quả an vui cho mình mai kia.

Như vậy rõ ràng ba nghiệp là chỗ tạo nhân đưa đẩy chúng ta tới nơi lành dữ, tốt xấu… cho nên hằng ngày ta phải tu ba nghiệp. Nhiều Phật tử cho rằng tu là rằm, ba mươi đi chùa sám hối, mà về nhà cũng y nguyên không sửa đổi những nghiệp xấu, như vậy không thể gọi là tu được. Chữ tu là sửa đổi, sửa đổi ba nghiệp từ xấu thành tốt, từ dữ thành hiền. Nếu để nguyên nghiệp xấu rồi lạy Phật, xin cho con cái này cái nọ, Phật không cho thì buồn nói Phật không linh, thế là tìm bà này ông nọ linh hơn. Như vậy có tu không? Đó là đi xin chớ không phải đi tu.

Chúng ta học Phật cần hiểu cho thật rõ, tu là chuyển hóa ba nghiệp từ xấu dở trở thành hay tốt. Trong kinh Phật có dạy, “tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương”, nghĩa là ba nghiệp thường trong sạch, đồng với Phật về cõi Phật. Phật tử tu nhưng không chịu nhớ, không chịu thấy gốc của sự tu thì làm sao tu đúng được. Tu không đúng thì không đạt được kết quả tốt đẹp. Chúng ta ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống tu hành phải nhớ rõ cái gì là căn bản, cái gì không phải căn bản. Quí Phật tử hay cầu xin Phật Bồ-tát cho, phần nhiều phái nữ mắc bệnh này. Chữ tu khác với chữ xin.

Ví dụ một người Phật tử rất thuần thành, khi có việc sắp đi đâu, lại thắp hương bàn Phật nguyện Phật gia hộ cho con đi đường bình yên. Nhưng đến đâu đó ai chọc tức liền đánh nhau với người ta, như vậy có bình yên không? Chúng ta giữ ba nghiệp của mình thì bảo đảm được bình yên, chớ xin Phật mà không giữ ba nghiệp thì cũng không bảo đảm. Như vậy rõ ràng giữ ba nghiệp hiệu nghiệm hơn cầu xin đức Phật rồi. Cho nên cầu xin là tưởng tượng thiếu thực tế. Đức Phật đã từng tuyên bố rằng ta không có quyền ban phước xuống họa cho ai. Vậy mà Phật tử cứ kèo nèo xin hoài. Nên đạo Phật rất thực tế mà Phật tử không khéo trở thành mê tín, không thực tế.

Người hiểu Phật cần tu chớ không cần xin. Cầu Phật cho không bằng biết tu, biết sửa mình. Nếu cho được thì Phật không nói nhân quả, làm nhân lành được hưởng quả lành, làm nhân ác phải chịu quả ác. Phật tử cứ tưởng Phật chen vô luật nhân quả, can thiệp cho mình, cầu điều gì không như ý thì trách Phật nữa chứ, “đệ tử đi chùa hoài mà Phật không độ”. Hiểu đạo Phật như thế là hiểu một cách nông nổi, không đúng với ý nghĩa Phật dạy.

Trọng tâm của đạo Phật dạy chúng ta phải tu ba nghiệp. Quí Phật tử nhớ khi qui y rồi, quí thầy phát cho lá phái, trong đó có bài kệ rất thiết yếu. Bài kệ này do đức Phật Ca-diếp trước trao cho Phật Thích-ca:

Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành.
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật giáo.

Dịch:

Chớ làm các điều ác,
Vâng làm các việc lành,
Giữ tâm ý thanh tịnh,
Là lời chư Phật dạy.

Phật dạy chúng ta điều gì? Không làm các điều ác tức là dừng nghiệp chúng sanh. Vì làm các điều ác là bước vào con đường khổ, nên Phật bảo đừng làm các điều ác để chận đứng nghiệp đau khổ. Vâng làm các điều lành là làm các việc lành để chúng ta sẽ được sanh về chỗ lành. Như vậy người đến với đạo Phật đầu tiên là dừng ác, bước thứ hai là làm lành. Đến bước thứ ba giữ tâm ý thanh tịnh, đó là lời dạy của chư Phật. Ngay trong đời này nếu người nào dừng hết những điều ác, luôn luôn làm điều lành, tâm ý được trong sạch thì thế gian này sẽ thấy họ là người rất tốt. Người tốt thì có ai thù ghét đâu, còn nếu người xấu thì xã hội ruồng bỏ.

Người biết tu chẳng những mai kia có quả báo tốt mà ngay bây giờ cũng có kết quả tốt rồi. Thế thì việc tu là cần hay không cần? Nhiều Phật tử nói mắc lo cơm ăn áo mặc, đâu có rảnh mà tu. Quí vị kiểm lại xem chúng ta cứ sống mãi thế này hay một ngày nào đó cũng phải chết? Đức Phật đã từng nói sanh, già, bệnh, chết là con đường ai cũng phải đi qua, không ai dừng được. Bây giờ chúng ta cứ lo cho thân này ăn ngon, mặc đẹp… lo riết tới già chết không biết mình sẽ ra sao, lúc đó khổ không? Cho nên nói tới chết ai cũng sợ. Tại sao? Bởi vì chưa tạo nghiệp lành, một khi nhắm mắt ra sao không biết, vì vậy hoảng hốt.

Tôi thường ví dụ như người ở nước Việt Nam được mời đi dự tiệc chi đó. Nếu trong túi không có đồng xu, cũng không ai đón rước, khi sửa soạn đi người ấy có sợ không? – Sợ. Còn trong túi tiền nhiều, đến chỗ kia lại có bà con mình nữa thì sợ không? Vui chớ sợ gì. Cũng thế, chúng ta ngày nay làm chúng sanh, tới khi chết hoảng hốt không biết mình sẽ thế nào nên đa số sợ chết. Còn ngày nay biết tu, biết làm lành, khi ra đi biết chắc mình sẽ được kết quả tốt hơn nên không lo sợ chút nào hết vì biết mình bỏ cái cũ xấu để được cái mới tốt hơn.

Chúng ta hiểu rõ đạo lý, ứng dụng đạo lý ngay khi sống, chuẩn bị cho ngày mai cái chết đến được nhẹ nhàng không lo sợ, như vậy khôn hay dại? – Khôn. Còn những người chỉ biết ăn no, mặc ấm, hưởng thụ nhiều, không lo tu tới gần chết hoảng hốt là dại hay khôn? Tôi không dám nói dại mà chỉ nói họ “không biết lo xa”. Vì không biết lo xa nên tới đó hoảng hốt kinh hoàng. Người tu là người biết chuẩn bị cho mình con đường đi đàng hoàng chu đáo, nên lúc ra đi tỉnh táo không sợ hãi chi cả.

Ngày xưa ở Trung Hoa có một thi sĩ nổi tiếng là Bạch Cư Dị, ông nghe danh vị Thiền sư ngồi tu trên cây ngộ đạo. Ông liền tìm tới thấy ngài ngồi trên chạc ba cây, ông chắp tay thưa:

– Bạch Hòa thượng, xin dạy cho con một câu chí lý để con tu.

Thiền sư ngồi trên cây đọc bài kệ:

Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật giáo.

Bạch Cư Dị nghe xong nói:

– Bạch Hòa thượng, bài kệ này con nít tám tuổi cũng thuộc, Ngài dạy con làm chi.

Thiền sư đáp:

– Phải! Con nít tám tuổi cũng thuộc mà ông già tám mươi tuổi làm vẫn chưa xong.

Cũng vậy, Phật dạy bài kinh Bát-nhã “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” quí vị thuộc làu, mà hết khổ chưa? Phật dạy phải thực hành sâu Trí tuệ Bát-nhã, soi thấy năm uẩn là không thì qua hết tất cả khổ nạn. Phật tử cứ bao nhiêu đó tụng hoài, đem tụng cho Phật nghe, nhưng không chiếu kiến gì hết, rồi than Phật dạy tụng Bát-nhã qua hết khổ nạn, sao bây giờ khổ nạn còn hoài, trách lời Phật dạy không đúng sự thật. Nhưng thật ra đâu phải vậy. Nếu người soi thấy năm uẩn Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là duyên hợp không thật, thấy rõ như vậy thì khổ nạn nào cũng qua hết. Phải soi thấy chớ không phải đọc suông. Chúng ta bây giờ cứ đọc suông cho nên bao nhiêu năm tu mà không tiến, đó là lỗi của Phật tử chưa biết tu.

Nếu mình y như lời Phật dạy, dùng trí tuệ soi thấy năm uẩn duyên hợp hư dối, biết rõ nó như vậy có ai chửi mình không giận. Thân hư dối này có nghĩa gì, thì lời chửi có thật đâu, như vậy giận cái gì? Ai hơn thua với mình, ta cũng thấy không thật nên không giận, không giận thì không khổ nên nói qua hết thảy khổ ách. Chúng ta chỉ ứng dụng một câu đó tu, khổ cũng đã tan mất rồi. Ngược lại không ứng dụng tu mà cứ đọc suông thì đọc cho tới nhắm mắt khổ vẫn khổ như thường.

Trong Bát-nhã có chia làm ba thứ: Văn tự Bát-nhã, Chiếu kiến Bát-nhã và Thật tướng Bát-nhã. Chúng ta đọc thuộc là văn tự, chưa phải chiếu kiến thì chưa thể qua hết khổ nạn. Trong nhà Phật có dùng ví dụ, như người muốn qua sông, xuống bến thấy có chiếc thuyền yên lòng mình sẽ qua được sông. Rồi lên thuyền ngồi hoài không chịu bơi, không chịu chèo, như vậy chừng nào qua tới bờ kia. Chiếc thuyền dụ cho Văn tự Bát-nhã, chiếu kiến dụ cho chèo, bơi. Bờ bên kia tức là tới được bờ giác ngộ là Thật tướng Bát-nhã.

Người thực hành phải đi từng bước như vậy mới được. Nếu cứ hài lòng hôm nào cũng tụng kinh Bát-nhã làu làu, mà không hành Bát-nhã, đó là không thấy được lẽ thật. Vì vậy ai ai cũng phải cố gắng nỗ lực dùng trí tuệ thấy biết. Cũng như trong lá phái có ghi bài kệ thiết yếu, là để Phật tử ghi nhớ thực hành. Nhưng quí vị đem về cất trong tủ hay treo đâu đó, chờ chết để trên ngực đem theo. Thành ra có những sai lầm lớn mà chúng ta cứ làm, không biết được gốc gác.

Người tu Phật phải có cái nhìn thật đúng thì trên đường tu mới tiến, có tiến mới thấy đạo Phật càng sáng tỏ. Ngược lại Phật tử cứ đi lùi hoài thì thấy đạo Phật mê tín dị đoan. Thấy như vậy là sai lầm lớn. Lỗi tại Phật không dạy hay lỗi tại ai? Tại Phật tử không chịu tu. Phật dạy tu mà không chịu tu, cứ ngỡ tụng kinh Phật sẽ độ cho có phước, tai qua nạn khỏi.

Như cô giáo dạy học trò bài học về luân lý, bảo rằng con đi ra đường thấy những người trưởng thượng chấp tay chào. Nó về học thuộc lòng hôm nào cũng đọc cho cô giáo nghe, mà gặp người trưởng thượng nó không thèm chào. Như vậy cô giáo nghĩ sao? Thương hay bực? Mình dạy để nó ứng dụng mà nó không ứng dụng, chỉ đọc cho mình nghe thôi. Chúng ta tu là thật tu, không nên tu bằng cách làm cho có, không hiểu sâu, không thấy rõ.

Có hai hạng người tu, một hạng tu để đời sau được hưởng phước lành, một hạng tu để cầu giải thoát sanh tử. Như Tăng Ni tu ở chùa để giải thoát sanh tử. Như trên tôi đã nói nghiệp dữ dẫn ta đi ba đường ác, nghiệp lành dẫn ta đi ba đường lành. Vậy làm sao khỏi đi trong lục đạo luân hồi? Tu hết nghiệp là hết đi. Chúng ta cứ nghĩ tu làm lành, bố thí đủ rồi, nhưng ai muốn ra khỏi sanh tử thì phải khác hơn, tiến hơn.

Phật tử thấy buổi tối hay buổi khuya quí thầy ở Thiền viện ngồi im lìm ngó xuống để làm gì? Đó là ý chí sâu kín của người tu. Tu muốn ra khỏi vòng lục đạo luân hồi thì phải dứt hai bên, không nghĩ xấu cũng không nghĩ tốt, tốt xấu đều buông hết. Bởi vậy niệm Phật phải tới nhất tâm bất loạn, nhất tâm thì không còn hai. Khi nhất tâm bất loạn không còn nghiệp nữa mới được theo Phật về Cực Lạc, ra khỏi lục đạo. Người tu thiền phải định. Định cái gì? Định tâm nghĩ phải nghĩ quấy, dừng được tâm hai bên rồi mới hết nghiệp, hết nghiệp thì giải thoát sanh tử. Như vậy trên đường tu có hai chặng: chặng thứ nhất còn trong sanh tử, chúng ta phải bỏ ác làm lành; chặng thứ hai cả lành dữ đều buông, thì chừng đó mới ra khỏi sanh tử.

Lục tổ Huệ Năng khi được y bát ở Ngũ Tổ, Ngài trở về Tào Khê. Khi đi một số chư Tăng đuổi theo giựt y bát lại. Hồi xưa đọc tới đó tôi hơi buồn, vì nghĩ người tu mà còn giành y bát kỳ quá, nhưng bây giờ tôi thông cảm nên hết buồn. Bởi Lục tổ Huệ Năng lúc đó còn tóc lại quê dốt nữa, trong khi ngài Thần Tú là Giáo thọ dạy cả năm trăm Tăng chúng. Y bát Tổ trao cho ai thì người đó sẽ làm Tổ, bây giờ giao cho ông cư sĩ làm Tổ không tức sao? Trong trường hợp này, quí vị có đuổi theo giựt y bát lại không? Trao cho ông thầy, dù ông thầy dở dở cũng còn chấp nhận được, đằng này lại trao cho người cư sĩ dốt, nên đuổi theo giành lại là chuyện hợp lý. Trong số chúng đuổi theo, có một thầy tên Huệ Minh xưa làm tướng nên đuổi kịp. Lục Tổ thấy thế, Ngài để y bát trên bàn thạch rồi chui vô lùm cây trốn. Thượng Tọa Minh đến gần thấy y bát mừng quá, vội chạy tới ôm lên nhưng ôm không nổi. Chừng đó thầy mới biết rằng đây là vật linh thiêng, không thể giành giựt được. Vì thế thầy đổi tâm giành giựt qua tâm cầu pháp. Thầy bèn kêu lên:

– Hành giả! Hành giả! Tôi tới đây vì pháp chớ không phải vì y bát.

Lục Tổ nghe nói vậy từ trong bụi cây chui ra bảo:

– Nếu ông vì pháp thì hãy đứng lặng yên, ta sẽ nói cho nghe.

Thượng tọa Minh đứng yên một chút, Lục Tổ nói:

– Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là Bản lai diện mục Thượng tọa Minh?

Ngay câu này Thượng tọa Minh liền ngộ. Bản lai diện mục là mặt thật xưa nay. Khi không nghĩ thiện không nghĩ ác, thì mặt thật xưa nay của mình hiện ra. Như vậy muốn giải thoát sanh tử, trước phải giác ngộ, sau mới giải thoát. Giác ngộ là thấy được cái thật của chính mình, nhà thiền dùng từ kiến tánh.

Khi chúng ta buông hết những niệm thiện ác, tâm trong lặng sáng suốt. Còn nghĩ thiện nghĩ ác là còn động, vì tâm nghĩ thiện nghĩ ác là tâm sanh diệt, có rồi mất. Khi tâm lặng rồi chúng ta mới đi tới chỗ hoàn toàn thanh tịnh. Tâm hoàn toàn thanh tịnh, chừng ấy chúng ta có biết không? Nó ở đâu? Đây là điều rất khó, người đời không thể nhận được. Ví dụ mình ngồi yên được hai ba phút thảnh thơi, đầu óc rỗng rang không buồn vui, không tính toán gì hết, lúc đó có biết không? Cái biết ấy ra làm sao? Người đời thường cho rằng những nghĩ suy là tâm mình, đó là lầm lớn. Nghĩ suy chỉ là niệm sanh diệt đổi thay luôn, chúng ta bám vào nó thì tạo nghiệp luân hồi sanh tử. Bây giờ muốn ra khỏi luân hồi sanh tử thì phải dừng tâm tạo nghiệp, chớ không phải mất mình.

Từ thuở bé cha mẹ sanh ra cho đến trăm tuổi chúng ta có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nên lúc nào cũng biết. Khi không nghĩ gì hết nhưng gió thổi ta nghe mát, chim kêu ta nghe tiếng, người đi qua chúng ta thấy, có vô tri vô giác đâu? Mình tri giác rõ ràng nhưng tri giác đó không hình tướng nên nó trùm hết cả người. Do đó ta biết rõ mà không nghĩ suy, cái biết rõ ràng ấy không tướng mạo, không sanh diệt. Bình thường chúng ta bỏ quên cái thật của mình, chạy theo cái giả để tạo nghiệp, nên Phật mới thương nhắc mình có tánh Phật sẵn mà bỏ đi, phải chịu luân hồi sanh tử. Từ đó Ngài dạy chúng ta cách tu để nhận ra tánh Phật nơi mình, vượt thoát con đường sanh tử. Như vậy đạo Phật có thực tế không?

Nói thành Phật, chúng ta đừng ngỡ rằng phải về Cực Lạc mới thành. Ngay nơi đây chúng ta buông bỏ được tâm tạo nghiệp, bấy giờ Tánh giác hiện tiền thì thành Phật chớ gì. Cho nên tìm Phật không phải chạy đâu xa, mà là xoay lại chính mình. Người tu theo đạo Phật ngồi ngó xuống để nhìn thấy các niệm sanh diệt, buông xả nó đi, buông xả được hết gọi là định, từ định phát tuệ. Chính trí tuệ này đưa chúng ta tới chỗ giải thoát. Ngược lại, người mê muội cứ chạy theo những niệm sanh diệt hoài thì muôn đời trầm luân trong sanh tử. Phật nói : “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.” Câu nói này khích lệ chúng ta nỗ lực tiến tu và có được niềm tin vững mạnh trên con đường giác ngộ giải thoát. Ngài có tánh Phật, mình cũng có tánh Phật, Ngài tu thành Phật, mình tu cũng sẽ thành Phật. Dù chưa thành Phật, còn làm chúng sanh nhưng tánh Phật của chúng ta đâu có mất, nên mình tu nhất định sẽ thành Phật.

Qua đó chúng ta thấy đạo Phật rất bình đẳng. Không phải đức Phật là bậc giáo chủ tuyệt đối, mà Ngài chỉ là bậc Đạo sư chỉ đường cho chúng ta. Ngài dạy chúng ta tránh đường dữ, đi đường lành, dạy làm sao ra khỏi sanh tử. Đức Phật chỉ dạy cặn kẽ cho chúng ta ứng dụng được như Ngài, thành Phật như Ngài. Vậy mà nhiều khi chúng ta mặc cảm cho rằng mình tu biết đời nào thành Phật? Cái không có tìm mới khó, còn cái có sẵn không chịu làm, không biết chúng ta si mê tới cỡ nào? Nên chư Phật thương chúng sanh là vậy.

Trong kinh có chỗ Phật nói “tất cả chúng sanh đều là Phật đã thành”. Quí vị hiểu nổi không, đã thành Phật tại sao còn ngồi đây mê muội? Nói sẽ thành chúng ta tin được, nói đã thành khó tin quá, phải không? Bây giờ tôi ví dụ, như ông cha rất giàu có, sanh ra mười đứa con. Khi già ông chia cho mỗi đứa ba hòn ngọc quí. Những người con lớn lấy ngọc bán, cất nhà lầu sang trọng. Còn người con út nhỏ dại, không biết dùng ngọc quí nên ông già chôn kỹ, dặn các người anh khi nào em lớn khôn, tụi con chỉ cho nó để nó cũng được giàu sang như tụi con. Các người anh biết dùng ngọc nên giàu sang, còn người em chưa biết dùng ngọc nên nghèo khó. Song thật ra người em nghèo hay đã giàu? Đã giàu vì nó có y hệt như mấy anh, chỉ chưa lấy ra xài thôi.

Cũng thế, đức Phật nói vậy để khích lệ chúng ta, mình đã có của quí mà cứ bỏ quên hoài, bây giờ ráng khơi lên để xài, chừng đó không thua Phật chút nào hết. Do đó có những đoạn kinh Phật nói chúng sanh là Phật đã thành, tức có sẵn nhân Phật. Đức Phật từ bi đáo để, vì sợ chúng ta lười trễ nên nói “ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành” để khuyến khích tu. Có khi vì sợ chúng ta mặc cảm mình không thành Phật nổi nên Phật nói “chúng sanh là Phật đã thành”, tức chỉ cái sẵn của chúng ta. Phật tử nếu hiểu thấu Phật pháp thì việc tu không khó. Nhưng nhớ công phu cho kỹ, cho chín chắn thì mới có kết quả thật, còn công phu lơ là thì khó đạt kết quả mỹ mãn.

Tóm lại, Phật tử thực hành lời Phật dạy trước là dừng các điều ác, thứ hai là tu ba nghiệp lành, thứ ba giữ tâm ý thanh tịnh, tức giữ tâm không còn lăng xăng nữa để trở về cái chân thật của chính mình. Đó là tu giải thoát sanh tử, quí vị ứng dụng tu cho đúng thì sẽ được kết quả tốt đẹp. Nếu hiểu mà không tu, đó lỗi tại quí vị, chớ không phải quí thầy không chỉ dạy. Nhiều Phật tử cứ ngỡ gần chết mời quí thầy lại tụng kinh cầu cho mình được về cõi Phật, đó là mơ ước ảo huyền, không có lẽ thật. Quí thầy chỉ trợ lực thôi, gốc là ở nơi mình. Mong tất cả cố gắng nỗ lực tu hành để được giác ngộ giải thoát.

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.