Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tu tập ở hang động, rừng hoang có lắm nỗi hiểm nguy, dễ lâm nạn thú dữ, trùng độc. Kinh văn cho biết Tỳ-kheo Ưu-ba-tiên-na đã đắc Thánh quả, thấp nhất là Bất lai A-na-hàm (thậm chí có thể đã là Vô sinh A-la-hán) nhưng dư tàn của nghiệp còn vương nên vẫn bị rắn độc cắn chết như thường.

Giờ phút thập tử nhất sinh, đối diện với cái chết mà Tỳ-kheo Ưu-ba-tiên-na vẫn bình thường, “sắc mặt và các căn không có biến đổi khác”. Dẫu biết xác thân này sắp hư hoại “như một đống trấu nát” nhưng Ưu-ba-tiên-na vẫn sáng suốt thấy rõ sắc, thọ, tưởng, hành, thức (thân tâm này) không phải tôi, không phải của tôi nên thong dong tự tại, thuận thế vô thường.

Dù muốn dù không thì đoạn cuối cuộc đời ai cũng phải đi qua

“Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ có Tỳ-kheo tên là Ưu-ba-tiên-na ở trong khu Hàn lâm, giữa bãi tha ma, dưới chân núi Xà-đầu, hành xứ Ca-lan-đà tại thành Vương Xá. Bấy giờ Tôn giả Ưu-ba-tiên-na đang ngồi thiền một mình trong hang đá, có một con rắn rất độc, dài khoảng một thước, từ trên phiến đá rơi xuống trên người Ưu-ba-tiên-na. Ưu-ba-tiên-na gọi Tôn giả Xá-lợi-phất đi nói với các Tỳ-kheo:

– Có con rắn độc rơi xuống trên người tôi. Thân tôi đang bị trúng độc. Các ông hãy đến nhanh lên, khiêng người tôi ra để bên ngoài, chớ để người tôi hủy hoại như một đống trấu nát.

Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi dưới bóng cây gần đó, nghe Ưu-ba-tiên-na nói, liền đến nói với Ưu-ba-tiên-na:

– Nay nhìn sắc tướng của thầy, tôi thấy các căn vẫn bình thường không đổi khác, mà nói là trúng độc, nhờ “khiêng người tôi ra để bên ngoài, chớ để người tôi hủy hoại như một đống trấu”. Vậy thì rốt cuộc là thế nào?

Ưu-ba-tiên-na nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

– Nếu ai đó nói, “Con mắt là tôi, là của tôi. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý là tôi, là của tôi. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là tôi, là của tôi. Địa giới là tôi, là của tôi. Nước, lửa, gió, không, thức giới là tôi, là của tôi; đối với sắc ấm, chấp sắc ấm là tôi, là của tôi. Thọ, tưởng, hành, thức ấm là tôi, là của tôi. Với người đó, sắc mặt và các căn có thể biến đổi khác đi. Nhưng hiện tại tôi không như vậy. Mắt không phải là tôi, là không phải của tôi, cho đến thức ấm không phải tôi, không phải của tôi, vì vậy cho nên sắc mặt và các căn không có biến đổi khác đi”.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

– Như vậy, này Ưu-ba-tiên-na, nếu thầy vĩnh viễn xa lìa ngã, ngã sở, ngã mạn kết sử, khiến đoạn tận gốc rễ của chúng như chặt ngọn cây đa-la, thì đối với đời vị lai vĩnh viễn không khởi lên trở lại, vậy làm sao sắc mặt và các căn biến đổi khác đi được?

Rồi thì, Tôn giả Xá-lợi-phất liền đi vòng qua dìu thân Tôn giả Ưu-ba-tiên-na ra khỏi hang. Thân người bị trúng độc của Tôn giả Ưu-ba-tiên-na đang hủy hoại như một đống trấu nát.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất liền nói kệ:

Từ lâu, trồng Phạm hạnh/ Khéo tu tám Thánh đạo/ Hoan hỷ xả bỏ thân/ Giống như vt bát độc/ Từ lâu, trồng Phạm hạnh/ Khéo tu tám Thánh đạo/ Hoan hỷ xả bỏ thân/ Như người bệnh hết bệnh/ Từ lâu, trồng Phạm hạnh/ Khéo tu tám Thánh đo/ Như ra khỏi nhà lửa/ Lúc chết không lo tiếc/ Từ lâu, trồng Phạm hạnh/ Khéo tu tám Thánh đạo/ Dùng tuệ quán thế gian/ Giống như cây cỏ thối/ Không còn mong gì nữa/ Cũng không tiếp tục nữa”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 252 [trích])

Dù muốn dù không thì đoạn cuối cuộc đời ai cũng phải đi qua. Tuy vậy, đi qua tử sinh với tâm thái nào mới là vấn đề? “Hoan hỷ xả bỏ thân” là tâm thái đẹp nhất, thong dong nhất. Bỏ thân mà giống như vất bỏ một chiếc bát có độc, tựa như người bệnh được hết bệnh, khác nào bước ra khỏi nhà lửa, cây cỏ thối mục thì còn gì mà trông mong…, hết sức nhẹ nhàng, không vướng gì nên giải thoát.

Nhờ trồng Phạm hạnh, khéo tu tám Thánh đạo, dùng tuệ quán chiếu kiến ngũ uẩn giai không thì sinh tử nhẹ tênh. Bấy giờ, “sinh như đắp chăn bông, tử như cởi áo hạ” có gì là tôi và của tôi mà bận lòng!

Quảng Tánh – Báo Giác Ngộ

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.